Không bắn pháo hoa, nhiều chương trình vui chơi, giải trí bị tiết giảm do dịch nhưng rất đông người dân ở TP HCM, Nha Trang, Cần Thơ ra đường chào đón năm mới.
Từ 19h, lượng xe đổ về trung tâm TP HCM đông đúc khiến nhiều tuyến đường như Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng (quận 1) bị ùn tắc kéo dài. Các phương tiện chen chúc nhau di chuyển.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, lực lượng chức năng dựng hàng rào ngăn xe máy, chỉ cho người đi bộ vào để đón lễ countdown (đếm ngược). Các bãi xe xung quanh phố đi bộ đều hết chỗ, khiến nhiều người dân phải giữ xe từ cách đó 1-2 km hoặc dựng dọc vỉa hè, lòng đường. Hàng chục cảnh sát, dân quân tự vệ chia lực lượng rải khắp phố đi bộ đảm bảo an ninh và yêu cầu người dân để xe trật tự. Hệ thống loa tại đây liên tục nhắc nhở người dân tuân thủ 5K.
Bên trong phố đi bộ, hàng nghìn người dân tập trung rất đông xung quanh đài phun nước và khu vực tổ chức countdown để tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Các cửa hàng tiện lợi, thức ăn nhanh dọc phố này hoạt động hết công suất, khách phải xếp hàng dài mua thức ăn.
Dẫn 2 con đi chụp ảnh lưu niệm ngày cuối năm, chị Quỳnh Như, 35 tuổi, cho biết không khí đón năm mới khá tẻ nhạt so với nhưng trước đây. Thời khắc bước sang năm không bắn pháo bông nên không náo nhiệt như trước. "Bây giờ vẫn còn dịch nên phải tôi cũng phải tiết chế hoạt động vui chơi. Sau 22h tôi sẽ về nhà đếm ngược đến năm mới qua tivi", chị Như nói.
Cách trung tâm TP HCM chừng 15 km, tại TP Thủ Đức, nhiều tuyến đường như Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt... được trang trí cờ hoa. Cổng chào ở ngã tư Thủ Đức đèn nháy lung linh chào đón năm mới. Xe cộ tấp nập ngoài đường, nhiều quán ăn uống khách đông hơn ngày thường.
Anh Võ Khàng, 39 tuổi, chủ một quán ăn ở đường Hoàng Diệu 2, cho biết phải sắp thêm chừng 10 bàn để đón khách. "Tết năm nay không bắn pháo hoa, các hoạt động giải trí khác cũng làm trực tuyến nên dự tính khách ăn uống đông hơn. Thường quán tôi đóng cửa lúc 22h nhưng nay phục vụ khách tới 1h", anh nói.
Ở nhà thiếu nhi TP Thủ Đức, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức chương trình nghệ thuật mừng năm mới phục vụ người dân. Chương trình diễn ra từ 19h30 đến 21h với các tiết mục hát, múa, trình diễn nhạc cụ dân tộc của Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen. Hơn 400 ghế ngồi trước sân khấu được bố trí phục vụ người dân.
Tại phố biển Nha Trang, Khánh Hoà, thời tiết se lạnh. Hàng trăm người đổ về Quảng trường 2 Tháng 4 trên đường Trần Phú, vui chơi, đi dạo. Tại đây, một sân khấu được dựng cùng với màn hình led, hệ thống âm thanh biểu diễn chương trình văn nghệ "chào mừng năm mới 2022", từ 20h đến 21h. Buổi biểu diễn không có khách mời và khán giả, mà chỉ phát sóng trực tiếp trên Đài phát thanh - truyền hình tỉnh.
Nhiều trẻ em được cha mẹ chở trên xe máy đi dạo phố. Tuy nhiên, khung cảnh phố sá không nhiều cảnh trang trí đèn led chào mừng năm mới như mọi năm. Các khu phố Tây ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Quang Khải, Nguyễn Thiện Thuật... khá vắng vẻ, không có nhiều tiết mục vui nhộn mừng đón xuân về.
Chở vợ con trên xe máy, anh Nguyễn Hải Lâm, 35 tuổi, cho biết vợ chồng đều làm du lịch, ảnh hưởng Covid-19 khiến công việc không ổn định. Nhiều tháng liền, thành phố bùng phát ca nhiễm, mọi thứ đều phải tập trung chống dịch. Tối nay, anh chở cả nhà đi ngắm phố, chia tay năm cũ. "Tôi hi vọng dịch bệnh được khống chế. Sang năm mới, mọi thứ sẽ tốt lên, công việc thuận lợi", anh Lâm nói.
Đại lộ Hoà Bình và đường 30/4 ở quận trung tâm Ninh Kiều, Cần Thơ, dài khoảng 2 km được trang trí hệ đèn nghệ thuật lung linh màu sắc. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thời trang, ăn uống trên các tuyến đường ở quận trung tâm đông khách hơn ngày thường... Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang.
Covid-19 diễn biến phức tạp, năm nay Cần Thơ không tổ chức chương trình nghệ thuật đón năm mới ngoài trời tại công viên Lưu Hữu Phước. Thay vào đó, chương trình thực hiện tại Trung tâm Văn hoá thành phố với số lượng người giới hạn, phải test nhanh có kết quả âm tính. Giống như nhiều tỉnh thành, chương trình chỉ phát trực tiếp trên đài phát thanh – truyền hình địa phương và các nền tảng mạng xã hội cho người dân thưởng thức.
Sau 20h, người dân đổ ra đường càng đông. Anh Nguyễn Hải 36 tuổi, ở quận Ninh Kiều nói Cần Thơ không còn quận, huyện vùng đỏ nên cũng an tâm, tranh thủ chở vợ con đi dạo một vòng phố phường. "Năm mới đến, mong ước lớn nhất của tôi cũng như nhiều người dân Tây Đô là dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống sản xuất, kinh doanh... trở lại bình thường", anh Hải nói.
Tại Đà Nẵng trời se lạnh và ngớt mưa. Nhiều gia đình xuống đường dạo chơi trước thời khắc chuyển giao năm mới, nhưng không khí bao trùm vẫn là sự trầm lắng so với những năm trước. Đây là năm thứ hai, người dân ở thành phố hơn 1,1 triệu dân ở miền Trung đón năm mới trong tình hình dịch Covid-19.
Năm nay, Đà Nẵng đón sự kiện đặc biệt – kỷ niệm 25 năm thành thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam, ngày 1/1/1997. Ban đầu, lãnh đạo thành phố dự kiến bắn pháo hoa, tuy nhiên sau đó do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đã tạm hoãn.
Anh Nguyễn Được (50 tuổi, trú quận Cầm Lệ) cho biết những năm chưa có dịch thường giành thời gian đưa gia đình đi ăn, uống cà phê. Năm nay anh hạn chế đến quán nơi tập trung đông người. Thay vào đó là hẹn một vài người bạn thân để chia sẻ những câu chuyện cuối năm.
"Năm vừa qua Đà Nẵng tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề của dịch bệnh. Thành phố chủ yếu sống dựa vào dịch vụ nhưng không có du khách nên rất khó để phát triển. Tôi hy vọng trong năm mới, thành phố sẽ kiểm soát được dịch bệnh một cách rõ rệt để có phương hướng cho phát triển kinh tế", anh Được nói. Trong năm mới, anh Được mong ước gia đình mạnh khoẻ, công việc thuận lợi hơn.
Lúc 21h, trên đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo ven sông Hàn, người dân bắt đầu tìm đến các điểm trang trí tiểu cảnh để vui chơi chụp hình lưu niệm. "Hôm nay là ngày giành cho gia đình", anh Nguyễn Quang, 36 tuổi, trú quận Sơn Trà, nói và cho biết tối nay đã gác lại công việc chụp ảnh để đưa vợ và hai con đi uống cà phê.
Đêm cuối năm 2021, thời tiết ở Thừa Thiên Huế khô ráo, trời hơi se lanh. Do số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng những ngày qua không giảm, tỉnh đã chủ động ngừng các hoạt động mừng năm mới như countdown, khai trương tuyến phố đêm đi bộ quanh Hoàng thành Huế.
Khi phố lên đèn, người dân đổ ra đường vui chơi, chào đón năm mới khá đông. Khu vực phố Tây ở các tuyến đường Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão thu hút nhiều bạn trẻ đổ về. Mặc dù tỉnh Thừa Thiên Huế quy định nhà hàng, quán cà phê hoạt động 50% công suất để phòng dịch song nhiều hàng quán ở đây hoạt động hết công suất, người dân ngồi chen chúc nhau.
Năm nay, để phòng dịch Covid-19, Hà Nội không tổ chức countdown chào năm mới. Các tuyến phố trung tâm vắng lặng hơn nhiều so với những năm trước đây. Khu vực Hồ Gươm cũng không được trang trí đèn màu lộng lẫy như mọi năm. Thay vào đó là nhiều chốt kiểm soát, yêu cầu người dân không tập trung đông người.
Những địa điểm nổi tiếng và thường thu hút đông người như quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Tràng Tiền Plaza hay Nhà Hát Lớn đều tắt đèn.
Không có điểm đón năm mới đúng nghĩa, nhiều người dân Hà Nội chọn cách đi vòng quanh bờ Hồ Gươm hoặc chạy xe vòng vòng trước khi ra về. Hàng quán quanh Hồ Gươm đều đóng cửa do quận Hoàn Kiếm đang thuộc vùng cam.
Tối 31/12, lực lượng chức năng liên tục dùng xe thùng nhắc nhở người dân di chuyển, một số thanh niên tụ tập bị nhắc nhở.
Bà Lê Phương Hoàng Yến, Chủ tịch phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, cho hay phường thành lập 5 tổ chốt, huy động 100% quân số để đảm bảo an ninh an toàn, tránh tụ tập đông người.
Đi dạo cùng bạn quanh Hồ Gươm để chào đón năm mới 2022, Nguyễn Trọng Quang Huy, quận Hoàn Kiếm, nói ủng hộ quyết định không tổ chức chào năm mới dù khá buồn. "Chưa năm nào năm mới lại thiếu không khí tới như vậy", Huy nói.
22h30, lượng người trên phố bắt đầu vắng dần, nhiệt độ ngoài trời hơn 10 độ C.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment