Khi mới nhậm chức, Biden tuyên bố những ngày tốt đẹp nhất của Mỹ đang ở phía trước, nhưng nhiều người tỏ ra mệt mỏi khi ngày đó chưa tới.
- Chính quyền Biden chế tài thêm nhiều công ty Trung Quốc
- Ông Biden khuyên công dân Mỹ rời Ukraina
- Biden lập kỷ lục năm đầu tiên với 6,6 triệu việc làm được tạo thêm
Sau hơn một năm Tổng thống Joe Biden nắm quyền, nước Mỹ vẫn là một quốc gia mệt mỏi vì đại dịch kéo dài, vật lộn với giá thực phẩm và khí đốt liên tục tăng, lo lắng vì trường học đóng cửa và chia rẽ chính trị. Cuộc thăm dò được CNN/SSRS công bố ngày 10/2 cho thấy trong số những người Mỹ không tán thành cách Biden xử lý công việc, gần 60% không thể chỉ ra bất cứ điều nào họ thích ở ông.
"Ông ấy không phải Donald Trump, đó là điều quan trọng", một người tham gia khảo sát chán nản nói, trong khi một người khác trả lời "tôi thích con mèo mới của ông ấy".
Cũng trong ngày 10/2, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng trong 12 tháng, tính đến tháng 1, đã tăng 7,5%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Giá cả leo thang không chỉ khiến cử tri hoảng sợ, mà còn gieo mầm rối loạn chính trị, khi tạo điều kiện cho những chính trị gia có quan điểm cứng rắn trỗi dậy.
Nỗ lực công kích của cựu tổng thống Trump vào các vấn đề của Mỹ hiện tại, được hỗ trợ bởi các phương tiện truyền thông cánh hữu, khiến người ủng hộ khao khát quay lại thời kỳ nắm quyền của ông.
Nhiều người Mỹ cũng bày tỏ ủng hộ quan điểm của Trump rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 "bị đánh cắp". Thăm dò mới của CNN chỉ ra 37% người Mỹ nói rằng Biden không giành đủ số phiếu hợp lệ để trở thành tổng thống.
Cáo buộc của Trump rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp đã khiến hàng triệu người Mỹ cho rằng Biden trở thành lãnh đạo bất hợp pháp, điều mà Tổng thống Mỹ hiện tại khó có thể hàn gắn.
Tỷ lệ tội phạm bạo lực gia tăng đang làm cho một quốc gia tràn ngập súng đạn cảm thấy kém an toàn. Tình trạng chia rẽ đảng phái của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm sau cuộc bầu cử tổng thống nhiều tranh cãi.
Phe cánh hữu đang chĩa vào quy định đeo khẩu trang và tiêm chủng để khuấy động làn sóng bất bình trong dư luận, với quan điểm rằng quyền tự do cá nhân của người Mỹ bị xói mòn. Nhưng nỗi lo ngại cũng xuất hiện ở bên cánh tả, nơi nhiều người tức giận khi đại dịch kéo dài vì tâm lý bài vaccine.
Người Mỹ càng trở nên bất an bởi tác động từ các sự kiện ở nước ngoài. Thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu cuối thế kỷ 20 giờ bị thách thức với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và một nước Nga đang muốn tìm lại ảnh hưởng.
Trong nước, Covid-19, khủng hoảng y tế cộng đồng "trăm năm có một", vẫn tiếp tục gây khó khăn. Ngay cả khi số ca nhiễm mới hàng ngày trên đà giảm, đại dịch vẫn để lại những tổn thương nghiêm trọng cần nhiều năm để chữa lành.
Theo Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, chính quyền Biden đã đạt được khá nhiều thành công trong năm đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ thất nghiệm giảm xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm. Nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào sau đại dịch. Chiến dịch tiêm chủng giúp cứu sống hàng nghìn người.
Dự luật cứu trợ Covid-19 của Biden được quốc hội thông qua, giúp người Mỹ giảm bớt gánh nặng từ đại dịch. Biden còn làm được điều mà tất cả những người tiền nhiệm gần đây không làm được, đó là thông qua dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng.
Tuy nhiên, những thành tựu đó vẫn không thể giúp tỷ lệ ủng hộ Biden tăng lên. Collinson cho rằng tâm lý mệt mỏi, phẫn nộ vì đại dịch trong một quốc gia đang bị chia rẽ theo nhiều cách đã khiến niềm tin của người dân vào giới lãnh đạo và hệ thống chính trị ngày càng suy giảm.
"Chúng ta phải tiếp tục. Và tôi nghĩ rằng những ngày tốt nhất của chúng ta đang ở phía trước", Biden nói tại một sự kiện tháng trước. Nhưng nỗ lực của Tổng thống để cải thiện tâm lý quốc gia và triển vọng chính trị của chính ông không phát huy hiệu quả.
Chỉ 41% người được hỏi tán thành cách làm việc của Biden, theo khảo sát của CNN. Tỷ lệ ủng hộ ông về mặt kinh tế giảm xuống 37%, thấp hơn 8% so với đầu tháng 12/2021. Chỉ 45% người tán thành cách ông ứng phó đại dịch.
56% người được khảo sát nói Biden không có điểm gì tích cực để khen ngợi. "Tôi khó có thể nghĩ được một điều nào ông ấy đã làm mang lại lợi ích cho đất nước", một người tham gia khảo sát nói.
Không có tổng thống Mỹ thời hiện đại nào phải đối mặt với nhiều khủng hoảng như Biden khi ông tuyên thệ nhậm chức cách đây 13 tháng.
"Lịch sử của chúng ta là một cuộc đấu tranh liên tục giữa lý tưởng Mỹ và thực tế khắc nghiệt rằng phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại cùng những nỗi sợ đã chia rẽ chúng ta từ lâu", Biden nói sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Qua năm đầu nhiệm kỳ, phần sau của lời phát biểu đó vẫn lấn át, trong đó một phần bởi tầm ảnh hưởng của Trump, người dường như đang ấp ủ nỗ lực trở lại chính trường vào năm 2024.
Biden có thể đã làm quá ít để đoàn kết quốc gia, theo Collinson. "Ông ấy thiếu sự tự tin vững vàng như tổng thống Franklin Roosevelt, người đã chèo lái Mỹ vượt qua những cuộc khủng hoảng lớn như Đại suy thoái và Thế chiến II", Collinson nhận xét.
Một số người Mỹ coi tham vọng trong dự luật chi tiêu xã hội của Biden là "sự phản bội" hình ảnh ôn hòa mà ông xây dựng trong chiến dịch tranh cử. Thực tế Mỹ chưa thể thoát được đại dịch trong năm đầu nhiệm kỳ Biden làm giảm danh tiếng về năng lực của ông. Cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan cũng khiến ông hứng nhiều chỉ trích.
Biden đã khôi phục trang nghiêm cho Nhà Trắng, nhưng một tổng thống gần 80 tuổi có thể thiếu đi hình ảnh mạnh mẽ để truyền cảm hứng cho những người Mỹ trẻ tuổi. Tháng trước, Biden thừa nhận rằng ông chưa thực sự quen với vai trò tổng thống sau nhiều thập kỷ làm việc tại Thượng viện Mỹ.
"Một trong những điều tôi nghĩ cần được làm rõ là công chúng không muốn tôi trở thành 'thượng nghị sĩ tổng thống'. Họ muốn tôi trở thành tổng thống và để thượng nghị sĩ làm thượng nghị sĩ", ông nói.
Tình trạng chia rẽ của Mỹ nghiêm trọng tới mức Biden khó có thể giành thêm 10-15% ủng hộ. Ngay cả khi đất nước thoát Covid-19 và nền kinh tế được thúc đẩy, người Mỹ cũng khó có thể thay đổi nhận thức về một quốc gia đang gặp khủng hoảng, nhất là khi thiếu sự đoàn kết.
Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là cơ hội cho phe Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. Tuy nhiên, ngay cả nội bộ đảng Cộng hòa cũng đang lục đục giữa phe ủng hộ Trump và phe muốn thoát khỏi ông.
Tuần này, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đã chỉ trích một nghị quyết của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, trong đó mô tả cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1 là "diễn ngôn chính trị hợp pháp". Trump và đồng minh nhanh chóng đáp trả, làm tăng khả năng xung đột nội bộ và làm giảm thông điệp của đảng cho cuộc bầu cử giữa kỳ, cũng như có thể khiến cử tri quay lưng với các ứng viên Cộng hòa.
56% người Mỹ trong cuộc thăm dò của CNN nói họ có rất ít hoặc không có niềm tin rằng các cuộc bầu cử phản ánh ý nguyện của người Mỹ, trong khi khoảng 50% nghĩ rằng một cuộc bầu cử tương lai có thể bị đảo lộn vì lý do đảng phái.
"Trước đây, một cuộc bầu cử thường được xem là công cụ để giảm bớt chia rẽ và thất vọng, nhưng tình hình hiện tại có thể khiến bức tranh nhiều màu xám này trở nên ảm đạm hơn", Collinson nhận định.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment