“Quiet quitting” (tạm dịch: nghỉ việc trong thầm lặng) tức là việc người lao động hạn chế nhận hoặc giải quyết các cuộc gọi và thư điện tử sau giờ làm, vạch rõ giới hạn giữa 40 tiếng làm việc mỗi tuần và thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm, nhằm chống lại thứ mà họ xem là cái bẫy của việc kết nối liên tục với đồng nghiệp, theo AFP.
Giá xăng tiếp tục giảm tại Los Angeles và Orange County
Cô Maggie Perkins, 30 tuổi, sống ở Athens, Georgia, từng một thời dành 60 tiếng một tuần cho công việc giáo viên và xem đó là chuyện hiển nhiên. Nhưng sau khi sinh con gái đầu lòng, cô nhận ra điều này không ổn chút nào.
Trong một video TikTok, cô bày tỏ có thời điểm mình phải chấm bài thi khi đang ở trên máy bay đi du lịch. Cô không có được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Do đó cô bắt đầu chọn “quiet quitting.”
Hiện nay cô bỏ việc giáo viên và theo học tiến sĩ, nhưng vẫn ủng hộ các đồng nghiệp cũ bằng cách sản xuất video và podcast giới thiệu các cách thiết thực để hợp lý hóa khối lượng công việc của giáo viên.
“Áp dụng tư duy ‘quiet quitting’ tức là cần vạch ra giới hạn: đâu là giờ làm việc, là thời gian một người được trả công để làm một việc gì đó, và đâu là giờ nghỉ ngơi, khi người đó kết thúc công việc, về nhà và trở thành một thành viên của gia đình,” cô chia sẻ.
Tìm sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống hay chỉ là đang lười biếng?
Cụm từ “quiet quitting” dường như lần đầu tiên nổi lên qua một nội dung TikTok hồi Tháng Bảy.
Theo như chia sẻ từ tài khoản @zaidleppelin, “quit quitting” không phải là từ bỏ công việc hoàn toàn, mà là đang từ bỏ suy nghĩ làm nữa, làm mãi. Người “quiet quitting” vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng không còn đi theo văn hóa hối hả và nghĩ rằng công việc là tất cả cuộc sống.
Bài đăng gây chú ý và thu hút gần nửa triệu lượt yêu thích. Phần bình luận sôi nổi, còn các nhà báo đổ giấy mực suốt mùa Hè để cố gắng giải mã hiện tượng này.
Tranh luận nhanh chóng nổ ra, với câu hỏi rằng liệu những người “quiet quitting” có phải là người muốn theo đuổi sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, muốn theo đuổi lối sống Châu Âu hơn kiểu làm việc như văn hóa nước Mỹ, hay chỉ đơn giản là họ đang lười biếng nhưng khoác lên mình khái niệm mỹ miều hơn? Hoặc họ là những người có nguy cơ kiệt sức nhiều nhất?
Dữ liệu cho thấy nhu cầu về cân bằng cuộc sống – công việc là có thật.
Căng thẳng vì công việc tăng từ 39% năm 2019 lên 43% năm 2020 vì đại dịch COVID-19, trong đó phụ nữ Mỹ và Canada chịu nhiều áp lực nhất. Những nguyên nhân tương tự cũng góp phần tạo nên cuộc “Đại Nghỉ Việc,” sự kiện số lượng người lao động nghỉ việc hoặc chuyển việc tăng vọt vì áp lực giữa đại dịch.
Nhiều người “quiet quitting” cho biết họ hoàn toàn sẵn sàng làm việc chăm chỉ, nhưng chỉ trong giờ làm việc theo quy định.
Một số nhà quan sát lại tỏ ra nghi ngờ vì môi trường công sở luôn có những người chỉ chăm chăm nhìn đồng hồ chờ giờ ra về, hoặc một số người cho rằng một số công việc nào đó không phải là nhiệm vụ của họ.
Thậm chí bà Arianna Huffington, người sáng lập Huffington Post, cho rằng hiện tượng này là “một bước tiến tới việc từ bỏ cuộc sống.”
Tuy nhiên ông Robert Reich, cựu bộ trưởng Bộ Lao Động Mỹ, kết luận rằng những người “quiet quitting” chỉ đơn giản là từ chối bị bóc lột sức lao động.
‘Sáu tháng kinh hoàng’
Một ví dụ điển hình từ câu chuyện của cô Bess, người kể về trải nghiệm COVID-19 khiến công việc của cô vượt khỏi ranh giới thông thường như thế nào.
Không lâu trước đại dịch, cô nhận một công việc với yêu cầu thường xuyên phải công tác ở Đức. Nhưng đại dịch xảy ra khiến cô không thể di chuyển và phải làm việc tại căn hộ của mình ở New York. Lúc đó, cô thường xuyên phải trả lời những cuộc điện thoại lúc 3 giờ sáng vì chênh lệch múi giờ.
Để bảo vệ bản thân, cô bắt đầu giảm bớt công việc. Nhưng những người Mỹ lại không hiểu điều này. Cô kể rằng bản thân phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt,” trầy trật vì công việc ở Mỹ, nhưng khi không làm việc, người ta lại nghĩ rằng cô không xứng đáng.
“Sau sáu tháng làm việc kinh hoàng, tôi ngừng trả lời thư điện tử trong nhiều tuần, cuối cùng tôi từ bỏ công việc ở công ty,” cô chia sẻ.
Ông Philip Oreopoulos, nhà kinh tế học lao động ở đại học University of Toronto, cho biết giải pháp tốt để tránh việc bị làm phiền sau giờ làm là người lao động nên trao đổi rõ để hiểu người sử dụng lao động mong muốn nhân viên làm việc như thế nào trước khi đồng ý nhận việc.
Còn khi mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát, tức “quiet quitting” không thể cải thiện điều gì cả, thì người lao động vẫn còn một chỗ dựa, đó là tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang ở mức thấp. Tức là thị trường đang rất khát nhân sự. Có thể cho trao đổi với công ty rằng bản thân đang được một bên khác mở lời, từ đó có thể thỏa thuận thêm về việc tăng lương.
Theo V.Giang/NV
Comments powered by CComment