Group News: Tin copy

Bộ Lao Động Mỹ hôm Thứ Năm, 13 Tháng Bảy, báo cáo tỉ lệ lạm phát ở Mỹ trong Tháng Sáu là 3%, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Thời điểm lạm phát cao nhất trong thời gian hậu đại dịch COVID-19 là 9.1%, được ghi nhận vào Tháng Sáu, 2022, theo AP.

Liệu thị trường nhà ở Mỹ đã ‘hạ cánh’ nhẹ nhàng chưa?

Tổng Thống Joe Biden nói chuyện về tình hình kinh tế lạc quan tại Chicago, Illinois, hôm 28 Tháng Sáu. (Hình: Andrew Caballero-Reynolds/AFP via Getty Images)

Như vậy, trong vòng đúng một năm, mức lạm phát giảm khoảng 6%, điều này làm nhẹ bớt áp lực tài chính cho dân chúng đang phải chật vật với giá cả tăng vọt trong hai năm qua.

Đây là tín hiệu tích cực đối với cuộc sống hằng ngày của dân chúng và tình hình kinh tế nước Mỹ, đặc biệt, trong bối cảnh chính trị hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến Tổng Thống Joe Biden và đảng Cộng Hòa đối lập.

Câu hỏi lớn nhất cho tình trạng này: Ai là “thủ phạm?”

Tác động tích cực cuộc sống người Mỹ

Lạm phát giảm giúp giá cả hàng hóa dịch vụ, từ xăng, nhu yếu phẩm, cho đến xe hơi, đều bắt đầu ổn định hoặc thậm chí giảm xuống. Điều này giúp người dân nhẹ bớt gánh nặng tài chính.

Không chỉ vậy, lạm phát giảm có thể giúp hạ thấp các lo ngại về giá cả leo thang và tác động của chúng đến mức sống của người dân. Điều này tạo triển vọng tích cực hơn cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.

Hãng thông tấn AP ghi nhận, các mặt hàng chiến lược giảm rõ rệt trong thời gian qua:

-Giá xăng: Giá xăng trung bình toàn quốc giảm xuống còn khoảng $3.54/gallon. Giá xăng thấp hơn giúp túi tiền của các gia đình nhẹ gánh hơn, giúp họ giảm phần nào chi phí đi lại, di chuyển hằng ngày.

-Thực phẩm: Giá thực phẩm ổn định hơn trong những tháng gần đây, tỉ lệ không thay đổi từ Tháng Năm qua Tháng Sáu. Tình trạng lạc quan này giúp giảm bớt những lo ngại về việc chi phí lương thực tăng cao, đồng thời bảo đảm các gia đình Mỹ được tiêu xài một cách thoải mái hơn.

-Xe hơi cũ: Trong những tháng trước, giá xe tăng đột biến. Thế nhưng gần đây giá xe cũ bắt đầu giảm, giúp người có nhu cầu có được những lựa chọn vừa túi tiền hơn. Đồng thời, trước tình  trạng giá xe cũ giảm, kỹ nghệ sản xuất xe được hồi phục. Xe mới xuất xưởng được khách hàng mua. Và hãng cần thuê nhân công để đáp ứng nhu cầu thị trường, điều này giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Cộng Hòa bị “hố”

Trong thời gian qua, đảng Cộng Hòa lợi dụng tỉ lệ lạm phát cao để tấn công chính quyền Biden, cho dù đây là tình trạng toàn cầu do hậu quả đại dịch và cuộc chiến Nga-Ukraine.

Giá xăng, hàng hóa, và dịch vụ điện nước tăng cao xuất phát từ sự tái khởi động nền kinh tế sau thời gian toàn thế giới đều nằm trong tình trạng phong toả chống dịch. Vì thế, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đều được các đồng minh của cựu Tổng Thống Donald Trump tận sức sử dụng để để đổ lỗi cho ông Biden. Họ nói rằng những chính sách kiểu như gói cứu trợ đại dịch $1,900 tỷ của ông Biden là nguyên nhân gây ra lạm phát. 

Các chính trị gia Cộng Hòa như Thượng Nghị Sĩ Rich Scott (Florida) và ngay cả Dân Biểu Kevin McCarthy (California), chủ tịch Hạ Viện, đều rơi vào tình cảnh bối rối khi liên tục lập luận chính sách kinh tế của ông Biden làm gia tăng tỉ lệ lạm phát.

Tuy nhiên, lạm phát nay chỉ còn 3% cho thấy một thực trạng trái ngược với những nhận định của Cộng Hòa, chưa kể tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong vòng hơn 50 năm.

Biden tràn trề hy vọng

Tình trạng lạm phát luôn là một bất lợi đối với tổng thống đương nhiệm. Rõ ràng, trong thời gian vừa qua Tổng Thống Biden chỉ nhận được sự ủng hộ của 34% người Mỹ trong một cuộc thăm dò gần đây. 

Tuy nhiên, việc mức lạm phát giảm liên tục trong hơn một năm nay tạo cơ hội cho ông Biden cải thiện vị thế ủng hộ trong lĩnh vực chính trị.

Mức lạm phát sụt giảm này tạo cơ hội để Tổng Thống Biden phô diễn hiệu quả của các chính sách kinh tế đang thực hiện.

Hai diễn tiến lạc quan đang tiếp diễn: Tỉ lệ lạm phát xuống mức 3% và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp 3.6% đưa đến kết quả kinh tế Mỹ tăng trưởng 2% trong quý đầu 2023, vượt mức dự đoán của các kinh tế gia và thị trường Wall Street.

Chính quyền Biden nắm bắt điều này và biến các chỉ số lạc quan này là minh chứng cho sự hiệu quả của đường lối kinh tế đang thực thi với lập luận rằng lạm phát giảm chứng tỏ chính sách của ông Biden là đúng đắn, chứ chính sách đó không phải là nguyên nhân gây tăng giá như cáo buộc của đảng Cộng Hòa.

Ông Jared Bernstein, chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế của Toà Bạch Ốc, nhấn mạnh tỉ lệ lạm phát giảm đáng kể trong khi việc làm vẫn mạnh mẽ là bằng chứng cho sự thành công của “Bidenomics.” 

Chính Tổng Thống Biden cũng nhanh chóng ghi nhận, gọi những kết quả kinh tế tích cực trên là “hiệu quả của Bidenomics.”

Tác động dân chúng Mỹ

Tỉ lệ lạm phát giảm xuống mức 3% giúp giảm bớt áp lực tài chính đối với các cá nhân và gia đình. Giá những mặt hàng thiết yếu giảm tạo điều kiện để mọi người có thể phân bổ tài chính hiệu quả hơn, từ đó góp phần nâng cao phẩm chất cuộc sống nói chung.

Không chỉ vậy, lạm phát giảm còn giúp cải thiện tâm lý người tiêu dùng, khiến triển vọng kinh tế lạc quan hơn. Khi điều này xảy ra, sức mua của người tiêu dùng sẽ tốt hơn, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là một số mặt hàng, chẳng hạn bảo hiểm xe hơi và dịch vụ nhà hàng, sẽ tiếp tục tăng. Điều này có thể tạo nên căng thẳng đối với túi tiền gia đình và làm giảm tác động tích cực tổng thể của việc lạm phát giảm.

Nhìn chung, tỉ lệ lạm phát giảm xuống còn 3% tạo tác động lớn đến đời sống người Mỹ lẫn bối cảnh chính trị. Về mặt đời sống, đây là thứ giúp giải tỏa cho túi tiền của người tiêu dùng. Còn đối với chính trị, lạm phát vẫn là chủ đề tranh luận giữa ông Biden và các đối thủ.

Biden lạc quan trước bầu cử 2024

Toà Bạch Ốc tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về những chỉ số liên quan đến lạm phát, đặc biệt là về giá nhà ở. Các dự báo cho thấy giá thuê nhà sẽ giảm trong những tháng tới, điều này nếu xảy ra sẽ góp phần làm giảm tỉ lệ lạm phát hơn nữa. 

Chính quyền Biden cho rằng tiến trình này là do sự độc lập của Ngân Hàng Liên Bang (FED) trong việc điều chỉnh lãi suất và nỗ lực giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Khác hẳn cách phản ứng “gây áp lực” của cựu Tổng Thống Trump khi FED nâng lãi suất hồi Tháng Ba, 2020, ngay thời điểm đại dịch, khi tuyên bố ông Jerome Powell là “kẻ thù” và đòi sa thải vị chủ tịch FED, theo nhà bình luận Catherine Rampell viết trên nhật báo The Washington Post.

Chính ông Trump là người đề cử ông Powell vào chức chủ tịch FED. 

Hiện tại một số nhà kinh tế cảnh báo viễn ảnh lạm phát giảm không hoàn toàn bảo đảm và vẫn còn những điều không chắc chắn về hậu quả khó lường của việc tăng lãi suất nhanh chóng.

Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đang đến, ông Biden đặt mục tiêu thể hiện tác động tích cực của các chính sách kinh tế bằng cách nêu bật các dự án xây dựng mới và các khoản đầu tư vào các công ty. 

Nhìn chung, lạm phát giảm liên tục trong thời gian qua mang lại tâm trạng nhẹ nhõm cho dân chúng và tạo cho Tổng Thống Biden cơ hội tận dụng các kết quả kinh tế tích cực. Tuy nhiên, vấn nạn lạm phát trong tương lai và tác động đối với nền kinh tế vẫn là chủ đề của các cuộc tranh luận và phân tích vẫn đang diễn ra. 

Theo NV


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.