Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, hôm Chủ Nhật, 20 Tháng Ba, thông báo Tổng Thống Biden sẽ lần lượt ghé thăm Brussels và Ba Lan để đàm phán khẩn cấp với đồng minh Châu Âu về cuộc chiến ở Ukraine, theo AP.
>>> Cập nhật chiến sự tại Ukraine hiện nay trên TTXVIETNAM
Ba Lan là đồng minh quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nước này đang tiếp nhận hàng ngàn lính Mỹ và hơn hai triệu người tị nạn từ Ukraine, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Ông Biden sẽ đến Warsaw để tham dự cuộc họp song phương với Tổng Thống Andrzej Duda vào ngày 26 Tháng Ba tới. Ông Biden sẽ thảo luận phương cách để Mỹ cùng đồng minh và đối tác ứng phó với “khủng hoảng nhân quyền do cuộc chiến phi lý của Nga gây ra,” theo bà Psaki.
Trước chuyến đi, vào ngày 21 Tháng Ba, Tổng Thống Biden sẽ thảo luận với giới lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp, Thủ Tướng Olaf Scholz của Đức, Thủ Tướng Mario Draghi của Ý và Thủ Tướng Boris Johnson của Anh.
Tòa Bạch Ốc cho hay ông Biden không có kế hoạch đến Ukraine. Trong chuyến đi đến Ba Lan hồi tháng này, Ngoại Trưởng Antony Blinken đã bước vào lãnh thổ Ukraine ở ngay biên giới để thể hiện tình đoàn kết với ông Dmytro Kuleba, ngoại trưởng nước này.
Cuộc xâm lược Ukraine của tổng thống Nga đã gắn kết Mỹ, NATO với đồng minh ở Châu Âu và cả Châu Á. Mỹ và các chính phủ Châu Âu coi hành động của Moscow là mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích chiến lược của mình.
Tổng Thống Biden và NATO từng nhiều lần khẳng định sẽ cung cấp vũ khí và nguồn hỗ trợ khác cho Ukraine dù nước này không phải là thành viên. Họ quyết tâm giảm thiểu leo thang căng thẳng để tránh cuộc chiến giữa Kiev và Moscow mở rộng thêm.
Cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 24 Tháng Ba của ông Biden và giới lãnh đạo NATO sẽ xoay quanh xem xét việc tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của khối cả về lâu dài, theo ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO.
“Bằng cách gửi đi thông điệp đó, chúng tôi đang ngăn chặn leo thang xung đột thành một cuộc chiến chính thức giữa NATO và Nga,” ông nói.
Các thành viên hàng đầu của NATO ở sườn phía Đông của liên minh cũng đang yêu cầu hệ thống phòng không tối tân của Mỹ và Anh để đề phòng hỏa tiễn và không kích do Nga bắn vào Ukraine.
“Chúng tôi phải củng cố sườn phía Đông của NATO. Chúng tôi đã nói về vấn đề này nhiều năm qua, nhưng giờ đã đến lúc hành động,” bà Kaja Kallas, thủ tướng Estonia, nói với CNN.
Ngoài ra, bà cũng lưu ý hỏa tiễn Nga đang sử dụng có tầm xa đến mức có thể vươn tới Paris. Bà Kallas kêu gọi các lãnh đạo châu Âu phải “hiểu rằng việc phòng thủ là vấn đề chung và không còn là lý thuyết nữa.”
Theo NV
Comments powered by CComment