Mức ủng hộ đối với sự lãnh đạo của Mỹ trên thế giới đã tăng mạnh trên khắp Châu Á trong năm 2021, với mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Lào, Hàn Quốc và Việt Nam, theo một cuộc khảo sát của Gallup công bố ngày 22/4.
Tỉ lệ ủng hộ trung bình khắp 33 nước được thăm dò trong cuộc khảo sát là 41% vào năm ngoái, tăng 10 điểm phần trăm so với năm trước, Gallup báo cáo.Tỉ lệ ủng hộ đối với sự lãnh đạo Trung Quốc giảm một điểm xuống còn 27% trong cùng kì.
Sự gia tăng mạnh mẽ nhất là ở Lào, nơi tỉ lệ ủng hộ tăng vọt từ mức 4% vào năm 2020 lên 34% vào năm ngoái. Tỉ lệ ủng hộ tăng 29 điểm, lên 59%, ở Hàn Quốc và 24 điểm, lên 45%, ở Việt Nam.
Mức tăng từ 20 điểm trở lên cũng được ghi nhận ở Úc, New Zealand và Thái Lan, tất cả các đồng minh của Mỹ.
Tỉ lệ ủng hộ cao nhất ở bất cứ nơi nào ở châu Á, 71%, được ghi nhận ở Philippines.
Tỉ lệ ủng hộ 41% đối với sự lãnh đạo Mỹ cao hơn bất cứ thời điểm nào trong chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump, Gallup cho biết, nhưng vẫn thấp hơn mức 45% được ghi nhận trong một cuộc khảo sát vào năm 2013.
Kết quả này sẽ là tin tức đáng hoan nghênh đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hiện đang lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á vào tháng sau tại Washington.
Bình luận về kết quả cuộc khảo sát, luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, một nhà quan sát thời sự Việt Nam và quan hệ quốc tế, nói ông không ngạc nhiên về sự gia tăng tỉ lệ ủng hộ đối với sự lãnh đạo của Mỹ trong năm 2021. Những biến động trong đường lối chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tiền nhiệm đã khiến nhiều nước Đông Nam Á “rất là lo ngại vì không biết ông ấy sẽ thương lượng với Trung Quốc như thế nào,” ông nói.
“Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là Đông Nam Á vẫn cần Mỹ trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng lộng hành, ngày càng gây nhiều sức ép làm mất an ninh và ổn định trong khu vực,” ông nhận định. “Tôi nghĩ rằng các quốc gia trong khu vực ASEAN vẫn tiếp tục ủng hộ Hoa Kỳ, vấn đề là sự ủng hộ đó sẽ được thể hiện ra sao trong thời gian sắp tới.”
“Hoa Kỳ ngày hôm nay không phải là Hoa Kỳ của thập niên 50, 60, và 70. Hoa Kỳ của năm 2022 gặp rất nhiều vấn đề khó khăn từ trong nội bộ và thực lực của họ trên thế giới cũng đã bắt đầu giảm sút,” ông đánh giá.
“Các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và kể các các chính quyền ở Đông Nam Á vẫn trông chờ ở những hành động cụ thể của các chính quyền ở Tòa Bạch Ốc nhiều hơn là những lời nói hoặc là những chiến lược có tính cách rất là xa vời,” vẫn theo lời nhà quan sát này.
“Cuộc chiến ở Ukraine đã tạo lại nguồn cảm hứng mới cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á và hội nghị thượng đỉnh vào ngày 12 và 13 tháng 5 sắp tới tại Tòa Bạch Ốc giữa khối ASEAN và Mỹ sẽ cho chúng ta thấy Mỹ cam kết tới mức độ nào, và sự cam kết đó các quốc gia kia sẽ nhìn thấy họ có tiếp tục đi với Hoa Kỳ hay không hay là họ lại phải đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” luật sư Vũ Đức Khanh nhận định.
Nhà quan sát này nói thêm rằng sự gia tăng mức độ ủng hộ Mỹ ở Việt Nam cho thấy bất luận là Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì người dân vẫn ủng hộ mối quan hệ khắng khít hơn giữa hai nước, điều mà ông nói đã được thúc đẩy rất nhiều bởi các nhà ngoại giao Mỹ ở Việt Nam thông qua chính sách “ngoại giao nhân dân.”
Từ Việt Nam, Trần Anh Quân, một sinh viên cao học ngành xã hội học, nhận xét sức mạnh của nền dân chủ Mỹ đã củng cố uy tín quốc tế và vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước này trong năm 2021. Anh dẫn ra cách ứng phó của Mỹ đối với đại dịch COVID-19 trong sự so sánh tương quan với Trung Quốc.
“Mỹ đã đi trước nhiều bước khi là nước tiên phong với chủ trương sống chung với dịch. Còn Trung Quốc thì đang cố đi lùi lại khi kiên trì với chính sách ‘zero Covid,’” anh nói, lưu ý rằng cách tiếp cận này từng được Việt Nam áp dụng và đã chứng tỏ là không hữu hiệu trong khi khiến đời sống người dân thêm khốn khổ.
“Khi Trung Quốc tự hại mình thì Mỹ đã chớp thời cơ phát huy sức ảnh hưởng bằng ngoại giao, nói theo cách của Chủ tịch nước Việt Nam là ‘trong nguy có cơ.’ Mỹ đã biến nguy thành cơ với việc hỗ trợ hàng chục tỉ đôla, hàng tỉ liều vaccine tốt nhất cho toàn thế giới. Sự giúp đỡ này là điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại so với các siêu cường khác trong đại dịch này.”
Nước Châu Á duy nhất có quan điểm tiêu cực hơn đối với sự lãnh đạo của Mỹ là Iran, nơi mà tỉ lệ ủng hộ ở mức chỉ 7%. Tỉ lệ ủng hộ thấp cũng được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ, 22%, và Pakistan 23%.
Gallup cho biết dữ liệu của cuộc khảo sát được thu thập trong và sau khi Mỹ triệt thoái binh sĩ khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm 2021. Dù hứng chịu nhiều chỉ trích về sự hỗn loạn mà vụ triệt thoái này gây nên, tỉ lệ ủng hộ 14% ở Afghanistan không khác là bao so với năm 2019.
Những người tham gia khảo sát cũng được hỏi về quan điểm của họ đối với sự lãnh đạo của Đức, nước đứng đầu cuộc thăm dò với 43%, và Nga, ở mức 33%.
Cuộc khảo sát được thực hiện trước khi Nga xâm lược Ukraine.
Dù vậy, những người quan sát nhận định Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong suốt cuộc khủng hoảng này và điều này có thể sẽ càng củng cố sự ủng hộ hơn nữa dành cho Mỹ.
“Mỹ đã ăn điểm khi tiên phong kêu gọi bỏ phiếu chống lại Nga tại Liên Hiệp Quốc. Khắp thế giới hiểu rằng nước Mỹ đang bảo vệ nhân quyền, còn nước nào ủng hộ Nga tức là chống lại loài người tiến bộ,” anh Trần Anh Quân nêu quan điểm.
Theo VOA
Comments powered by CComment