Các vết nứt của "pháo đài bất khả xâm phạm" Facebook được cho là đang lan rộng và có thể dẫn đến sụp đổ.
"Những gì chúng ta sẽ chứng kiến, đang diễn ra từ từ, là sự sụp đổ 'ngôi nhà' của Zuckerberg", nhà báo điều tra Carole Cadwalladr của Guardian, từng phanh phui vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica lên truyền thông năm 2018, bình luận. "Sự sụp đổ không xảy ra hôm nay, không phải là ngày mai, nhưng nền móng đã có những vết nứt từ tuần trước và trở nên sâu hơn. Mọi thứ đang đến rồi".
CEO Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters
Bình luận của Cadwalladr được đưa ra trong bối cảnh Frances Haugen, cựu quản lý Facebook, tiết lộ hàng loạt tài liệu mật mà bà thu thập được khi còn làm việc tại mạng xã hội lớn nhất thế giới. Lời nói của Haugen được các chuyên gia đánh giá có trọng lượng hơn hẳn so với các cựu nhân viên Facebook trước đây bởi dựa trên những bằng chứng cụ thể.
Ba năm trước, Chris Wylie, cựu giám đốc phụ trách mảng nội dung bầu cử của Cambridge Analytica, đã đứng ra tố cáo bê bối rò rỉ dữ liệu của Facebook. Thế nhưng, dù sóng lớn, mạng xã hội của Zuckerberg cuối cùng vẫn giải quyết ổn thỏa. Ngoài khoản phạt kỷ lục 5 tỷ USD được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ FTC đưa ra, không một lãnh đạo cấp cao nào của Facebook phải rời ghế. CEO Mark Zuckerberg không bị phế truất, COO Sheryl Sandberg không phải giải trình về hành động của mình. Thậm chí, cổ phiếu Facebook vẫn tăng sau thông tin công ty phải nộp phạt.
"Tâm trạng của anh thế nào", Cadwalladr nhắn tin cho Wylie sau 3 năm, khi Haugen vừa điều trần hôm 5/10. Tuy nhiên, câu trả lời không được tiết lộ.
Năm 2018, lời khai của Wylie được đánh giá có trọng lượng, khiến Facebook phải lao đao nhưng chưa đủ "nhấn chìm" công ty. Tuy vậy, nó đã thúc đẩy hàng loạt cuộc điều tra từ chính quyền Mỹ và nhiều cơ quan khác trên toàn cầu. Việc Haugen công bố các tài liệu có được được xem là đòn giáng mạnh tiếp theo vào đế chế của Zuckerberg.
Giới phân tích nhận định Haugen có tiếng nói rõ ràng, lại làm việc ở bộ phận Liêm chính và Công bằng của Facebook. Bà cũng chứng minh lời khai của mình có sức ảnh hưởng lớn đối với công ty, không chỉ bằng lời nói mà thông qua các chứng cứ cứng rắn, trong đó có 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) cùng lượng lớn tài liệu được giao cho 5 tổng chưởng lý.
"Ban điều hành Facebook lẽ ra phải bị thiêu rụi từ ba năm trước. Nhưng các nhà chức trách không bắt ai phải chịu trách nhiệm, không giữ được một người nào để giải trình. Và chúng ta đang phải sống chung với hậu quả đó", Cadwalladr nhận xét.
Theo nhà báo của Guardian, Facebook giờ đây sẽ gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Mạng xã hội này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về luật pháp và quy định. So với năm 2018, Facebook không còn giữ được vị thế độc tôn, lại đang lâm vào tình trạng bị chính nhân viên nghi ngờ, số lượng người dùng trẻ giảm sút.
Bên cạnh đó, điểm khác của Facebook 2021 so với 2018 là những người như Haugen được ủng hộ mạnh mẽ. Ngành công nghệ đang chào đón và hậu thuẫn những người dám đứng ra tố cáo khuất tất của các công ty hàng đầu. Các nghị sĩ Mỹ ngày nay cũng am hiểu công nghệ hơn cách đây 3 năm, bằng chứng là cách họ đặt câu hỏi cho Haugen tại phiên điều trần ngày 5/10 chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Facebook hiện đối mặt với những mối đe dọa hiện hữu đối với mô hình kinh doanh của chính mình. Công ty đang bị FTC kiện vì độc quyền, bị bang Texas nêu đích danh Sheryl Sandberg vì gian lận thị trường. Mới nhất, các cổ đông đã đệ đơn tại Delaware, cáo buộc các lãnh đạo Facebook nói dối các nhà đầu tư trong bê bối Cambridge Analytica. Nền tảng này cũng bị Liên Hợp quốc đưa vào tầm ngắm vì liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Myanmar năm 2018, hay vụ bạo loạn ở đồi Capitol. Tất cả có thể tạo thành hiệu ứng domino khiến mạng xã hội gặp nhiều khó khăn hơn thời gian tới.
Tuy vậy, Gautam Hans, Giáo sư dự bị ngành luật tại Đại học Vanderbilt của Anh, nói: "Facebook đã chìm trong nhiều vấn đề từ khi ra đời, nhưng công ty vẫn yên ổn dù trải qua nhiều đợt điều tra, vì phần lớn đều hiểu vấn đề có tồn tại nhưng lại không thể thống nhất giải pháp xử lý". Ông nghĩ Facebook "vẫn sống sót, thật khó tưởng tượng một thế giới không có Facebook, nhưng chắc chắn sẽ có sự thay đổi về cách nhìn nhận từ xã hội và cấu trúc của mạng xã hội này".
Còn bà Cadwalladr cho rằng, khi mọi thứ được đưa ra ánh sáng, "sẽ không ai miễn nhiễm, ngay cả Mark Zuckerberg".
Theo Bảo Lâm/Vnexpress
Comments powered by CComment