Vừa kịp trả 83,5 triệu USD hôm 22/10, nhưng Evergrande sẽ phải tiếp tục chạy tiền thật nhanh để tránh vỡ nợ trong lúc kinh doanh khó khăn.
Hôm qua, Evergrande đã kịp chuyển 83,5 triệu USD vào tài khoản ủy thác tại Citibank để thanh toán phần nợ lãi suất trái phiếu mà đáng ra họ phải trả vào ngày 23/9. Việc trả vừa kịp thời gian ân hạn 30 ngày mang lại sự nhẹ nhõm cho các nhà đầu tư, gia cố niềm tin của họ khi giới chức Trung Quốc trấn an rằng các chủ nợ sẽ được bảo vệ.
Dữ liệu từ Duration Finance cho biết, giá trái phiếu USD của Evergrande đã tăng vào sáng thứ Sáu (22/10) sau khi có tin tức về việc trả nợ. Các trái phiếu tháng 4 năm 2022 và 2023 tăng hơn 10%, mặc dù vẫn giao dịch ở mức thấp hơn một phần tư mệnh giá.
Tuy nhiên, những khoản lãi đó đã bốc hơi vào phiên chiều, đẩy lãi một số trái phiếu khác của công ty xuống hơn 6%. Cũng trong hôm qua, cổ phiếu của Evergrande có lúc tăng tới 7,8% trước khi đóng cửa tăng 4,3%, khép lại một tuần giảm 8,8%.
Wu Qiong, Giám đốc điều hành tại BOC International Holdings, đánh giá đợt trả nợ vừa qua là cách để Evergrande câu giờ. "Điều này là tích cực và giúp họ mua được thời gian cần thiết để bán tài sản, củng cố cho việc tái cấu trúc có trật tự", ông nói.
John Han, chuyên gia tại công ty luật Kobre & Kim (Hong Kong) thì nhận định, mặc dù động thái trả nợ rõ ràng là tích cực, nhưng khoản thanh toán không giải quyết được những lo ngại tổng thể về tính thanh khoản bền vững của Evergrande.
Sau khi trả 83,5 triệu USD, công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới - với khoản nợ hơn 300 tỷ USD - cần thanh toán một loại nợ lãi suất trái phiếu khác. Thời hạn cuối tiếp theo mà họ phải chạy tiền kịp là ngày 29/10 tới, với 47,5 triệu USD.
Ngoài ra, công ty cần phải trả lãi 4 đợt trái phiếu khác trong năm nay, tổng cộng khoảng 338 triệu USD. Số nợ lớn hơn sẽ đến hạn vào năm 2022, ước khoảng 7,4 tỷ USD cho thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế.
Nếu Evergrande không tiếp tục thực hiện thanh toán vào tuần tới hoặc bất kỳ thời hạn cuối nào khác trong các mốc thời gian ân hạn nợ, tuyên bố vỡ nợ sẽ được kích hoạt với tất cả 19 tỷ USD trái phiếu mà họ đã phát hành trên thị trường vốn quốc tế.
Trường hợp xảy ra, đây sẽ là vụ vỡ nợ lớn thứ hai của một công ty thuộc nền kinh tế mới nổi trên thị trường vốn quốc tế, sau vụ vỡ nợ của công ty dầu khí nhà nước của Venezuela. Bất kỳ triển vọng nào về sự sụp đổ của Evergrande đều đặt ra câu hỏi về tương lai của hơn 1.300 dự án bất động sản của họ ở 280 thành phố. Số ngân hàng cho công ty này vay cũng rất nhiều, lên đến hàng trăm.
Reuters cho hay, với ít thông tin về khả năng thanh toán và doanh số bán bất động sản giảm 30% trong 12 tháng qua, vẫn còn hoài nghi sâu sắc về khả năng vượt qua khủng hoảng của Evergrande.
Chuyên gia phân tích Travis Lundy tại Quiddity Advisors (Hong Kong) cho biết không có thông tin rõ ràng về cách thức tài trợ của ngân hàng cho các dự án đang bị đình trệ của Evergrande. "Nhưng chúng tôi biết rằng doanh số bán trước của dự án đã giảm rất nhiều, việc kinh doanh khó có khả năng cung cấp tiền mặt cho Evergrande", vị này nhận định.
Còn theo Justin Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners, Evergrande giống như ngọn nến đang cháy ở cả hai đầu. "Họ cần giải quyết sự sụt giảm doanh thu và đồng thời tìm tiền mặt cho các khoản trả nợ", ông giải thích.
Một số nhà đầu tư, bao gồm cả Marathon Asset Management, đã đặt cược rằng trái phiếu của Evergrande vẫn mang lại giá trị, bất chấp những rắc rối hiện tại. Tháng trước, CEO Bruce Richards, cho biết có kế hoạch thêm trái phiếu công ty này,
Số khác thì kém lạc quan hơn. Chinese Estates Holdings, được kiểm soát bởi gia đình ông trùm bất động sản Joseph Lau, bạn của tỷ phú Hui Ka Yan, đã bán cổ phiếu của Evergrande và cho biết họ có thể rút toàn bộ cổ phần liên quan.
Khủng hoảng của Evergrande đã làm chấn động thị trường bất động sản trị giá 5.000 tỷ USD của Trung Quốc, vốn chiếm 1/4 nền kinh tế. Sau công ty này, một loạt chỉ số, thông báo vỡ nợ, hạ xếp hạng tín nhiệm được công bố liên tục.
Các công ty bất động sản nước này hiện có thể bị loại khỏi thị trường trái phiếu nước ngoài cho đến đầu năm sau. Tuy nhiên, tin tức hôm thứ Sáu đã giúp chỉ số bất động sản Hang Seng tăng 3,3%. Chỉ số bất động sản CSI300 cũng tăng 2,4%.
Khi được hỏi liệu có tham gia giúp đối thủ xoa dịu cuộc khủng hoảng thanh khoản hay không, Chủ tịch China Vanke - nhà phát triển lớn thứ ba Trung Quốc - cho biết các nhà phát triển cần đảm bảo an toàn cho chính họ trước. "Mọi người đều cảm thấy lạnh khi 'mùa đông' đến với lĩnh vực này", ông Yu Liang nói.
Trong khi đó, bản thân Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan đã phát tín hiệu sẽ dần chuyển hướng kinh doanh. Hôm thứ Sáu (22/10), ông cho biết công ty sẽ đặt mục tiêu đưa mảng xe điện trở thành lĩnh vực kinh doanh chính thay vì bất động sản trong vòng 10 năm tới. Thời điểm đó, doanh số bán bất động sản sẽ giảm xuống còn khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (31,31 tỷ USD) mỗi năm, so với hơn 700 tỷ nhân dân tệ năm ngoái.
Công ty xe điện của họ được thành lập vào năm 2019, nhưng vẫn chưa tiết lộ mô hình sản xuất hoặc bán một chiếc xe nào. Tháng trước, công ty còn cho biết vẫn đang tìm kiếm các nhà đầu tư mới và bán tài sản. Nếu không, họ có thể gặp khó khăn trong việc trả lương và trang trải các chi phí khác.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment