Nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng mạnh lên 10% và sẽ còn "xấu" hơn khi người dân thu nhập thấp chịu tác động nặng nề vì dịch Covid-19.

Thông tin này được chia sẻ tại hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm công ty tài chính hội viên của Hiệp hội ngân hàng (VNBA), tổ chức ngày 29/10.

Tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính hội viên VNBA đạt gần 22.200 tỷ, chiếm gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Trong đó, FE Credit là công ty có vốn điều lệ lớn nhất - hơn 10.900 tỷ.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của 12 công ty tài chính tăng nhẹ khoảng 2% so với đầu năm lên 151.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với đầu năm.

Tổng thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương, khó tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại. Đây cũng chính là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất vì Covid-19.

Tỷ lệ nợ xấu bình quân của các công ty tài chính theo đó tăng mạnh lên 9-10% trong khi đầu năm ở mức 6%. Dự kiến, tỷ lệ này tiếp tục tăng đến cuối năm nay.

Nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc trong khu vực giãn cách không giao tiếp được với các công ty để làm thủ tục. Đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên (làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ) và/hoặc tạm thời đóng cửa. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu...

Những yếu tố này theo đại diện các công ty tài chính, vừa tác động lớn đến doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng phát biểu tại cuộc họp 29/10. Ảnh: VNBA

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng phát biểu tại cuộc họp 29/10. Ảnh: VNBA

Trong bối cảnh khách hàng khó khăn, các công ty tài chính như FE Credit, Lotte Finance, Mirae Aset, SHB Finance, MB Shinsei... cũng đã cơ cấu nợ, miễn giảm phí và lãi suất cho người vay theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Tuy nhiên, việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc (theo Thông tư 01, 03, 14) rất lớn và đang được thực hiện thủ công, không có phần mềm phù hợp nên theo ông Nguyễn Quốc Hùng, khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng. Các công ty tài chính đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc khi phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro... là rất lớn.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty SHB Finance cho biết, dù được cơ cấu nợ, giảm trích lập dự phòng, nợ xấu chưa thể hiện trên báo cáo tài chính nhưng thực chất khoản nợ của khách hàng vẫn tiềm ẩn. Trong khi nợ cũ chưa thu hồi được vì dịch, công ty tài chính này lại không thể cho vay mới do đã chạm trần tín dụng 12% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, do đó, khó khăn lại thêm khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá, "room" tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các công ty tài chính quá thấp làm hạn chế khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hòa tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính, nhất là khi nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng tăng lên sau dịch Covid-19.

Nhiều công ty tài chính tăng trưởng tín dụng âm trong quý III, thừa vốn song không thể mang đi đầu tư vào các giấy tờ có giá vì Ngân hàng Nhà nước không cấp phép, dẫn tới giảm hiệu quả hoạt động, ông Hùng nói thêm.

Do đó, đại diện các công ty tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng room tín dụng) với các công ty tài chính sau khi nền kinh tế đã kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, các công ty này cũng ngóng cơ chế hỗ trợ vốn cho khối tài chính tiêu dùng để có thể giảm thêm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Đại diện các công ty cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước gỡ vướng các quy định tại Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 để đưa ra giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng và cho các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như có hướng dẫn đối với giao dịch trong thời gian thực hiện giãn cách, khách hàng thuộc diện F0, F1,..

Nhiều kiến nghị khác cũng được đại diện các công ty tài chính nêu ra như điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Các công ty cho rằng cần điều chỉnh quy định, chỉ tiêu an toàn phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Nhóm này cho rằng nên có tỷ lệ nợ xấu định hướng riêng cho nhóm công ty tài chính, phù hợp đặc thù ngành.

Đồng thời, các công ty tài chính cũng mong sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản hướng dẫn (hành lang pháp lý) áp dụng công nghệ số để thuận lợi hơn trong họ động như eKYC, định danh số, chữ ký số, chữ ký điện tử...

Theo VnExpress


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.