Bắt tay với BYD để sử dụng công nghệ pin LFP, Toyota dự định cho ra mắt một mẫu sedan chạy điện mới vào năm sau với tham vọng cực lớn.
Toyota Motor Corp sẽ ra mắt một chiếc sedan cỡ nhỏ thuần điện tại Trung Quốc vào cuối năm sau, hợp tác với hãng sản xuất địa phương là BYD cho các công nghệ quan trọng. Mục tiêu của hãng là tạo ra một chiếc xe đủ rẻ để đánh bật các đối thủ trên thị trường, theo Reuters.
Nguồn tin của Reuters cho biết chiếc xe này là nỗi trăn trở của Toyota trong nhiều năm bởi hãng mong muốn nó phải cạnh tranh được về chi phí ở Trung Quốc nhưng không làm ảnh hưởng đến sự thoải mái của người ngồi trong.
Bước đột phá đến từ công nghệ pin LFP Blade của BYD với kích thước gọn và chi phí thấp. Ít được biết đến bên ngoài Trung Quốc, BYD hay Build Your Dreams đã gây chú ý vào năm 2008 khi Warren Buffett mua lại 10% cổ phần của công ty. Từ đó, hãng trở thành một trong những nhà sản xuất xe dùng năng lượng mới lớn nhất thế giới.
Chiếc EV mới của Toyota sẽ lớn hơn đôi chút so với mẫu Corolla – xe bán chạy nhất mọi thời đại. Một nguồn tin cho biết nó "chính là một chiếc Corolla với ghế sau lớn hơn". Xe sẽ ra mắt tại triển lãm Bắc Kinh dưới dạng concept vào tháng 4.
Khi chính thức ra mắt, nó sẽ được xếp dưới những chiếc EV cao cấp như Tesla Model Y hay Nio ES6 nhưng cao hơn mẫu HongGuang Mini EV giá cực rẻ - có giá khởi điểm chỉ 4.500 USD và hiện là xe điện bán chạy nhất ở Trung Quốc.
Các nguồn tin của Reuters khẳng định xe sẽ có giá dưới 200.000 nhân dân tệ (30.000 USD), nhắm vào phân khúc mà Tesla rất muốn đánh chiếm với một chiếc ô tô cỡ nhỏ trong 2 năm tới.
"Chúng tôi không bình luận về các sản phẩm tương lai. Toyota coi xe điện là một trong những mục tiêu để đạt được trung hoà carbon và tham gia vào phát triển tất cả các giải pháp xe điện", người phát ngôn của Toyota cho biết. Trong khi đó, BYD từ chối bình luận.
Việc Toyota buộc phải tìm đến BYD để giải quyết bài toán hóc búa về xe điện cho thấy cán cân của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã thay đổi trong thập kỷ qua. Trước đó, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẵn sàng "nhường" phân khúc ô tô giá rẻ cho các mẫu xe nội địa tại Trung Quốc.
Nhưng thời thế đã thay đổi
Các lãnh đạo của Toyota bắt đầu bày tỏ lo lắng vào năm 2015 khi BYD tung ra dòng xe hybrid plugin có tên Tang với nhiều điểm nhấn về kiểu dáng, chất lượng và hiệu suất. Đáng lo ngại nhất, nó rẻ hơn khoảng 30% so với các mẫu xe Toyota tương đương.
Năm 2017 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi các nhà lãnh đạo kỹ thuật hàng đầu của Toyota, bao gồm cả Phó chủ tịch điều hành lúc bấy giờ là Shigeki Terashi đã đánh lái một số mẫu xe của BYD tại Toyota City, gần trụ sở của hãng ở Nhật Bản.
"Chất lượng lâu dài vẫn còn là một dấu hỏi nhưng thiết kế và độ hoàn thiện của những chiếc xe này đã đạt được sự trưởng thành, nhưng chúng lại rẻ hơn nhiều so với các mẫu xe Toyota tương đương", những người tham gia lái thử cho biết.
Chính điều này đã thúc đẩy Toyota thành lập liên quan nghiên cứu và phát triển với BYD vào năm ngoái. Toyota hiện có khoảng hơn 20 kỹ sư ở Thâm Quyến để làm việc với đối tác BYD.
Trong suốt thời gian qua, Toyota nhận khá nhiều chỉ trích khi tỏ ra chậm chạp trong những nỗ lực điện hoá các phương tiện của mình. Thậm chí các lãnh đạo của hãng còn liên tục đăng đàn cho rằng thế giới đang thổi phồng quá mức về xe điện. Tuy nhiên, họ đã thành lập bộ phận tại Nhật Bản dành riêng cho những chiếc xe không khí thải có tên ZEV Factory, phát triển các công nghệ pin an toàn hơn với chi phí thấp hơn, bao gồm cả pin thể rắn – giúp tăng đáng kể phạm vi hoạt động của xe điện.
Toyota từ lâu bày tỏ quan điểm cho rằng các mẫu xe điện phải đủ rộng rãi mới có thể thu hút người dùng. Tuy nhiên, việc xếp chồng những cục pin cồng kềnh, nặng nề ở dưới sàn xe khiến không gian nội thất bị thu hẹp, trừ khi mui xe cũng được nâng lên. Đó là lý do tại sao nhiều mẫu xe điện cỡ nhỏ đều được thiết kế dạng SUV thay vì sedan. Hợp tác với BYD và biết được về loại pin LPF Blade, họ coi đây là công cụ thay đổi cuộc chơi vì nó vừa rẻ, vừa giải phóng không gian của xe.
BYD công bố pin Blade vào năm 2020. Pin LFP có mật độ năng lượng thấp hơn pin lithium-ion nhưng rẻ hơn, thời hạn sử dụng lâu hơn, ít bị quá nhiệt và không sử dụng coban hoặc nikel. Tesla sử dụng pin LFP trên các mẫu Model và Model Y cho thị trường Trung Quốc.
Một nguồn tin cho biết khối pin Blade điển hình dày khoảng 10 cm khi các module được đặt phẳng trên sàn, mỏng hơn 5-10 cm so với pin lithium-ion.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment