Hãng cũng sẽ đóng cửa thêm 2 nhà máy tại Brazil và Cộng hoà Séc, chỉ còn giữ lại 2 nhà máy sản xuất tại Malaysia và Đài Loan.
Panasonic sẽ tiếp tục tái cơ cấu mảng kinh doanh TV khi chuyển khâu sản xuất sang cho TCL, đóng cửa 2 trong số 4 nhà máy còn lại để giảm chi phí trong bối cảnh hãng liên tục thua lỗ thời gian gần đây.
Công ty Nhật Bản mới đây đã ký thoả thuận với TCL, hãng sản xuất TV lớn thứ 3 thế giới. Theo đó, TCL sẽ sản xuất một số mẫu TV giá rẻ của Panasonic cho các thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ, bắt đầu từ năm sau. 2 công ty này cũng hợp tác trong việc mua linh kiện và phát triển tấm nền TV, vốn chiếm một phần lớn chi phí sản xuất.
Với thoả thuận này, Panasonic, công ty đã sản xuất TV từ năm 1952 sẽ chỉ còn tự sản xuất khoảng 1 triệu TV/năm, bằng khoảng 5% so với giai đoạn đỉnh cao của hãng. Số lượng TV họ tự sản xuất sẽ giảm một nửa, xuống còn khoảng 30%.
Thoả thuận này đánh dấu một bước nữa trong suy giảm của ngành công nghiệp TV Nhật Bản, từng là trụ cột trong lĩnh vực sản xuất của quốc gia này. Panasonic đã dừng sản xuất TV tại Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ vào năm tài chính 2020, đồng thời đóng cửa cơ sở sản xuất tại Brazil trong năm nay và Cộng hoà Séc vào cuối tháng 3/2022. 2 nhà máy còn lại của hãng đặt tại Malaysia và Đài Loan. Hãng sẽ tiếp tục sản xuất các sản phẩm có lợi nhuận cao, chẳng hạn TV OLED.
Panasonic tỏ ra khá chậm chân so với các công ty Nhật Bản khác trong việc rời bỏ thị trường, bán hoặc cắt bỏ những mảng kinh doanh thua lỗ. Mảng TV của hãng ghi nhận lỗ trong 2 năm tài chính liên tiếp là 2018 và 2019 và mặc dù chứng kiến một số tăng trưởng trong năm tài khoá 2020 do người dân "mắc kẹt" tại nhờ vì đại dịch, công ty vẫn quyết định tái cơ cấu.
Panasonic đầu tư mạnh vào màn hình plasma trong những năm 2000, kỳ vọng tăng trưởng trong cả mảng sản xuất tấm nền màn hình lẫn sản phẩm TV hoàn thiện. Họ từng coi đây là động lực tăng trưởng chính của công ty.
Tuy nhiên, khoản đầu tư đắt đỏ này nhanh chóng tỏ ra không hiệu quả khi loại màn hình LCD xuất hiện trên thị trường, đóng góp vào khoản lỗ hơn 700 tỷ yen (khoảng 6 tỷ USD) trong năm tài chính 2011, 2012.
Các biện pháp tái cơ cấu như rời thị trường Mỹ và Trung Quốc giúp hãng đôi khi có lãi. Tuy nhiên, hãng không duy trì được điều này, một phần do chậm chuyển giao quy trình sản xuất cho các đối tác chuyên biệt để tiết kiệm chi phí.
Theo công ty nghiên cứu Omdia của Anh, thị phần của Panasonic trên thị trường TV toàn cầu đã giảm từ 10% năm 2005 xuống khoảng 1% hiện nay.
"Việc chuyển giao công đoạn sản xuất các mẫu TV giá rẻ cho TCL giúp thương hiệu của Panasonic tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Nhưng trong tương lai, chúng tôi sẽ lặng lẽ kinh doanh ở nơi mà chúng tôi có thể", một lãnh đạo của Panasonic cho biết.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment