Group News: Tin copy

Hiện có khoảng 7 tỷ USD "chơi vơi" ở các dự án điện gió không kịp vận hành thương mại trước 1/11 để hưởng giá FIT, trong đó các ngân hàng góp 4 tỷ USD.

Đến 31/10/2021, có 84 dự án điện gió kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá ưu đãi (FIT) 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT) trong 20 năm. Như vậy, còn 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3.500 MW chưa kịp về đích đúng hạn để hưởng mức giá ưu đãi trên.

Chính sách phát triển tiếp theo cho điện gió hay điện mặt trời sau thời điểm hết ưu đãi giá FIT tới giờ cũng chưa sáng tỏ, khiến các nhà đầu tư vào loại hình năng lượng tái tạo "đứng ngồi không yên".

Nhà đầu tư "hẫng" vì không rõ chính sách mới ra sao

Tại toạ đàm Tháo gỡ điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo, ngày 22/12, ông Đặng Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc BB Group khẳng định, doanh nghiệp này đã cố gắng để về đích, chứ không thụ động. Các thiết bị, turbin đều được đặt hàng từ đầu năm, nhưng lại về Việt Nam đúng thời điểm dịch bắt đầu bùng phát mạnh tại khu vực phía Nam. "Thiết bị hai dự án điện gió của chúng tôi về TP HCM bị nằm tại cảng 3 tháng do thành phố giãn cách xã hội vì dịch, không thể vận chuyển tới công trình", ông nói.

Khó khăn do Covid-19, ông ước tính ảnh hưởng các dự án của doanh nghiệp tới nửa năm. Vì lý do bất khả kháng này nên dù cố gắng, chỉ 10% công suất hai dự án điện gió của BB Group kịp vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 31/10/2021 để hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm. 90% còn lại đã hoàn thành nhưng hiện chưa được thử nghiệm do chưa có chính sách tiếp theo cho điện gió.

"Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình tài chính của doanh nghiệp", ông Cường chia sẻ.

Ông Đặng Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc BB Group phát biểu tại toạ đàm Tháo gỡ điểm nghẽn năng lượng tái tạo, ngày 22/12. Ảnh: Thắng Quang

Ông Đặng Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc BB Group phát biểu tại toạ đàm Tháo gỡ điểm nghẽn năng lượng tái tạo, ngày 22/12. Ảnh: Thắng Quang

Ở góc độ nhà đầu tư tài chính, cho vay các dự án năng lượng tái tạo, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội (MBBank) ước tính, hiện có khoảng 7 tỷ USD "chơi vơi" ở các dự án điện gió không kịp vận hành thương mại trước 1/11 để hưởng giá FIT, trong đó các ngân hàng góp 4 tỷ USD (cho vay 70% tổng vốn đầu tư).

"Cứ mỗi ngày trôi qua, 7 tỷ USD của nhà đầu tư và tài sản quốc gia không có lời, các ngân hàng cũng không dám giải ngân với các dự án chưa có COD. Chúng tôi không biết nên gia hạn hay đàm phán ra sao với nhà đầu tư. Covid-19 khiến các dự án điện gió chịu ảnh hưởng ít nhất 4 tháng", ông nói.

Thông thường, trước khi quyết định đầu tư dự án, các phương án, kịch bản và tình huống đầu tư đều được đưa ra tính toán. Song có tình huống mà nhà đầu tư không thể đoán định, hay tính được là sau thời điểm hết ưu đãi giá FIT, cơ chế giá mới sẽ thế nào. Đây chính là điểm bất cập trong chính sách đầu tư hiện tại khi cơ chế cho năng lượng tái tạo bị "đứt mạch".

"Chính sách đưa ra không nên dừng đột ngột. Trước khi quyết định này hết hiệu lực, trước đó tối thiểu 3 tháng, cơ quan quản lý cần đưa ra cơ chế tiếp theo để nhà đầu tư tính toán. Cách làm cứ "on - off" sẽ rất khó cho nhà đầu tư", ông Phạm Như Ánh nhận xét.

Không riêng các nhà đầu tư điện gió, nhà đầu tư điện mặt trời có dự án không kịp vận hành trước thời điểm 31/12/2020 để hưởng giá FIT, tới giờ cũng "méo mặt" khi đã hơn một năm vẫn chưa có cơ chế giá tiếp theo cho loại năng lượng này.

Chẳng hạn tại Ninh Thuận, hiện có 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất hơn 216 MW, chỉ có một phần công suất dự án kịp vận hành để hưởng giá FIT 9,35 cent một kWh. Phần dự án còn lại được EVN xác nhận vận hành thương mại, được phát lên lưới nhưng chưa được thanh toán khi chính sách tiếp theo cho điện mặt trời sau ngày 31/12/2020 chưa có.

Ông Bùi Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT CME Group nhìn nhận, việc hơn một năm, chính sách tiếp theo cho điện mặt trời vẫn "trống" đã ảnh hưởng rất lớn tới các quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

"Nhà đầu tư đã phải vượt nhiều khó khăn trong quá trình thu xếp tài chính để thực hiện dự án, nên yếu tố ổn định chính sách là rất quan trọng. Sắp tới, mức giá ưu đãi giảm 30-40% sẽ rất khó khăn cho chúng tôi", ông lo lắng.

Chủ đầu tư này cho rằng, muốn xây dựng, phát triển doanh nghiệp đường dài không thể xây dựng chính sách như hiện nay. Bởi doanh nghiệp sẽ không thể có quy mô để đàm phán với đối tác nước ngoài.

Cũng nhìn nhận chính sách tiếp theo cho điện mặt trời hay điện gió đang "giật cục", ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam góp ý, nhà hoạch định chính sách cần đưa ra chính sách dài hạn, nhằm đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và đảm bảo dự đoán được doanh thu của các dự án. Quyết định 39 về cơ chế ưu đãi cho điện gió có đề cập tới việc chuyển tiếp nhưng không rõ sẽ chuyển tiếp thế nào, ra sao.

Giá FIT hay đấu thầu?

Từ năm 2011, điện gió, điện mặt trời bắt đầu phát triển nhưng chỉ thực sự bùng nổ từ năm 2017 nhờ cơ chế giá FIT ưu đãi kéo dài 20 năm cho các nhà đầu tư. Tới nay, Việt Nam có hơn 16.000 MW điện mặt trời, hơn 4.100 MW điện gió. Tổng công suất năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối...) khoảng 22.000 MW, chiếm 25% cơ cấu nguồn điện.

PGS-TS. Trần Đình Thiên cho rằng, câu chuyện tắc nghẽn trong năng lượng tái tạo là do hai bên không có sự đồng thuận. Cho nên, để tháo gỡ được, cách tiếp cận chính sách không thể đối chọi nhau. "Hiện, chúng ta chỉ tập trung bàn về lợi ích kinh tế. Tư duy như thế là không được, khi đó, chính sách sẽ không thể gỡ giúp cho doanh ngiệp được", ông nêu quan điểm.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Nhà nước phải quan tâm đến lợi ích chung của toàn bức tranh thị trường để bàn với doanh nghiệp. Về cơ bản, cách đối xử với thị trường không thể theo tư duy thành tích và hành chính. Việt Nam đang thay đổi cấu trúc năng lượng, hướng tới công nghệ cao, năng lượng sạch. Trong quá trình chuyển đổi, vướng mắc đâu phải gỡ đến đấy.

"Tóm lại, những câu chuyện về giá, khuyến khích, phải dựa trên tinh thần lợi ích chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn doanh nghiệp đứng vững sau khủng hoảng, cần phải bàn lại các chính sách, ưu đãi trong thời gian tới", ông Thiên nhấn mạnh.

Ở khía cạnh nhà đầu tư, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE Group đề xuất nhà chức trách xem xét vẫn áp dụng giá FIT cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo chưa kịp về đích vì lý do khách quan ảnh hưởng của Covid-19. Ông cho hay, sau 10 năm chi phí đầu tư điện gió đã giảm khoảng 20%, nên giá ưu đãi giảm tương ứng mức này là chấp nhận được.

"Giá FIT mới giảm 20% so với trước đây, tương đương 6,8-6,9 cent một kWh trong 10 năm để nhà đầu tư hoàn vốn. Sau đó hàng năm xem xét, đàm phán lại về giá", ông Tín nêu quan điểm.

Với mức giá này, theo ông, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm nhiều, nhưng có sự an tâm vì chính sách rõ ràng. Ngân hàng cũng vậy, bản thân họ mong doanh nghiệp trả đều, ổn định. "Doanh nghiệp làm vì có lợi nhuận, nhưng cũng muốn chia sẻ, đóng góp lợi ích cho đất nước", Chủ tịch HBRE Group chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng. Ảnh: Thắng Quang

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng. Ảnh: Thắng Quang

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cho hay, các đề xuất của HBRE cũng tương tự một số phương án Bộ Công Thương trình Chính phủ. Tuy nhiên, ông Kiên nói thực hiện theo phương án này là "rất khó", bởi các nước chỉ duy trì giá FIT trong 5 năm.

"Chúng tôi hiểu đầu tư phải có lợi nhuận nhưng phải hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hòa vốn và sẽ tiếp thu, trình Thủ tướng", ông Kiên nhấn mạnh.

Còn đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo nói rất chia sẻ với những khó khăn của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, nhất là dự án chưa kịp vận ảnh để hưởng giá FIT.

Vị này nhìn nhận, khi quy mô công suất năng lượng tái tạo đã khá lớn, chiếm 25% tổng công suất hệ thống, thời điểm này cần chuyển sang cơ chế hiện đại hơn, mới hơn để tiếp cận gần hơn với thị trường và những thay đổi nhanh chóng về chi phí đầu tư, đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, xã hội.

Với các dự án đầu tư dở dang, ông Anh thông tin, sẽ có cơ chế chuyển tiếp, xử lý số dự án này. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để ban hành khung giá điện hằng năm cho các loại hình năng lượng, trên cơ sở này, nhà đầu tư đàm phán giá điện với bên mua (EVN). Dự kiến khung giá điện này sẽ được ban hành sau khi quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt.

Còn dự án đầu tư sau thời điểm 1/11/2021, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế theo hướng chọn nhà đầu tư dự án qua đấu thầu, các địa phương đảm nhiệm chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu, chọn nhà đầu tư sẽ theo quy định các Luật: Giá, Đầu tư và Đấu thầu.

Với vị trí địa lý nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa và bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại hình năng lượng gió, mặt trời.

Theo VnExpress


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.