Vỡ nợ không những không được chính phủ Trung Quốc cứu, Evergrande còn bị yêu cầu phá bỏ 39 tòa nhà do xây trái phép.
Tờ CNN đưa tin, công ty bất động sản đang gặp khó khăn Evergrande đang cố gắng trấn an các nhà đầu tư về tác động của lệnh yêu cầu phá dỡ hàng chục tòa nhà ở Trung Quốc.
Cuối tuần qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin chính quyền một tỉnh ở miền nam Trung Quốc đã ra lệnh cho Evergrande phá dỡ 39 tòa nhà do nói rằng giấy phép xây dựng không đúng luật.
Công ty đã thừa nhận yêu cầu này trong một bài đăng trên WeChat vào tối thứ hai. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng việc này không ảnh hưởng đến các tòa nhà khác trong cùng một dự án bất động sản, liên quan đến khoảng 61.000 chủ sở hữu bất động sản.
39 tòa nhà này là một phần của dự án Ocean Flower Island khổng lồ của Evergrande, trong đó công ty đã đầu tư gần 13 tỷ USD trong sáu năm qua.
Công ty đã tạm ngưng giao dịch cổ phiếu tại Hồng Kông vào thứ hai. Trong một tờ đơn gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào thứ ba, công ty cho biết họ sẽ tiếp tục giao dịch và xác nhận rằng họ sẽ "tích cực làm việc" với các nhà chức trách về dự án Ocean Flower Island và "giải quyết vấn đề một cách hợp lý".
Trong hồ sơ hôm thứ ba, Evergrande cũng cho biết họ đã đạt được doanh thu theo hợp đồng là 443,02 tỷ NDT (70 tỷ USD) cho năm 2021. Con số này giảm 39% so với doanh số bán hàng của năm 2020. Và liên quan đến thanh khoản, công ty cho biết họ sẽ tiếp tục "tích cực duy trì liên lạc với các chủ nợ, nỗ lực giải quyết rủi ro và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên".
Evergrande - công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc tính theo doanh số bán hàng vào năm 2020 - đang quay cuồng với tổng nợ hơn 300 tỷ USD.
Công ty đã phải vật lộn suốt nhiều tháng để huy động tiền mặt trả nợ. Chủ tịch Xu Jiayin được cho là đã bán bớt tài sản cá nhân để hỗ trợ tài chính cho công ty. Nhưng điều đó dường như không đủ để Evergrande tránh vỡ nợ.
Vào tháng 12, Fitch Ratings tuyên bố rằng công ty đã vỡ nợ, việc hạ bậc xếp hạng phản ánh việc Evergrande không có khả năng trả lãi trong tháng đó đối với hai loại trái phiếu bằng đồng đôla.
Các nhà phân tích từ lâu đã lo ngại rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho thị trường bất động sản của Trung Quốc, làm tổn thương các chủ sở hữu nhà và hệ thống tài chính rộng lớn hơn. Bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 30% GDP của cả nước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hồi tháng 11 cảnh báo rằng rắc rối trong bất động sản Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang đóng vai trò hàng đầu trong việc hướng dẫn Evergrande thông qua việc tái cơ cấu nợ và các hoạt động kinh doanh lan rộng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Trung Quốc.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment