Lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 6.038 tỷ đồng năm 2021, vượt 4% so với kế hoạch.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho thấy, tổng tài sản đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm, vượt trên 17% kế hoạch. Tổng thu nhập hoạt động tăng 30% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,9%. Lợi nhuận năm 2021 tăng gần 40% so với năm 2020.
Tổng huy động của nhà băng đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 77.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó, nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank cũng đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Cổ phiếu TPB chốt phiên năm 2021 là 41.050 đồng một cổ phiếu, đưa giá trị vốn hoá của ngân hàng đạt hơn 2,8 tỷ USD.
Năm 2021, TPBank hai lần được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ, nâng tổng số vốn điều lệ lên hơn 15.818 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu để chia cổ tức. Nhờ đó, hệ số an toàn vốn được nâng cao. Tính đến hết năm 2021, hệ số an toàn vốn CAR của TPBank đạt gần 14%, cao gần gấp đôi mức 8% mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
"Sự cải thiện nền tảng vốn là một trong những yếu tố giúp TPBank giữ đà tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh, đặc biệt, khi ngân hàng hoàn thành và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Basel III và IFRS9 trong quý 4/2021", đại diện TPBank chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu cũng như khoản nợ tiềm ẩn, nợ cơ cấu theo các quy định mới tại Thông tư 11 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu của TPBank được cải thiện và duy trì ở mức 0,9%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, năm 2021, TPBank đã có những điều chỉnh nhằm đa dạng hóa nguồn thu. "Chúng tôi triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, đáp ứng nhu cầu không tiếp xúc của khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh, đặc biệt, tập trung khai thác lượng khách hàng với chất lượng tốt, tỷ lệ rủi ro thấp", ông Hưng nói.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng, cũng như giảm thiểu thời gian và chi phí vận hành, các sản phẩm dịch vụ của TPBank tiếp tục được ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại.Ngân hàng đã số hóa toàn bộ quy trình vận hành, triển khai 90% ngân hàng không giấy tờ (paperless) và ứng dụng RPA với gần 300 robot xử lý tự động hóa quy trình, thu thập dữ liệu, sẵn sàng cho vận hành ngân hàng theo mô hình Data-Driven. Nhờ đó, chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) trong năm qua giảm từ 40% xuống 33%. Chỉ số ROA và ROE lần lượt là 1,94% và 22,61%.
Số hóa cũng góp phần tạo giúp TPBank tăng trưởng về số lượng khách hàng, từ 1,7 triệu năm 2017 lên 5 triệu vào cuối năm 2021, trong đó, hơn 2,4 triệu khách hàng thường xuyên trên các kênh giao dịch điện tử.
Năm 2021, TPBank được đánh giá là Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á do APEA bình chọn; Ngân hàng số xuất sắc Việt Nam do The Asian Banker bình chọn. Ngân hàng còn được bình chọn có chất lượng dịch vụ tốt nhất; Ứng dụng Ngân hàng số xuất sắc nhất; Top 10 Ngân hàng uy tín Việt Nam và có mặt trong top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment