Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2022, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 36,9 triệu USD, tăng 11,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1/2022, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 36,9 triệu USD gấp 11,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 44,2 triệu USD, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, có 1 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 9,19 triệu USD và 1 dự án điều chỉnh giảm vốn 16,4 triệu USD.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài với rất nhiều ngành khác nhau. Trong đó, dẫn đầu là ngành khai khoáng với 1 dự án đầu tư mới với giá trị đầu tư lên tới 35,54 triệu USD, chiếm gần 90,8% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là hoạt động ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 1 dự án điều chỉnh tăng vốn 9,19 triệu USD, chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư. Sau đó là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe động cơ khác đạt 8,5 triệu USD. Ngoài ra, riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo điều chỉnh giảm 16,4 triệu USD.
Trong tháng 1/2022, Việt Nam đã đầu tư vào 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Dẫn đầu là Lào với 2 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 48,23 triệu USD. Đứng thứ hai là Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư trên 2,8 triệu USD với 3 dự án cấp mới. Tiếp theo lần lượt là Trung Quốc với 1,3 triệu USD, Hàn Quốc với 475 nghìn USD, Nhật Bản 408 nghìn USD và Belize.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng khoảng 32,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 16%. Tính luỹ kế đến 20/1/2022, các quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (25%); Campuchia (13,6%); Venezuela (8,7%).
Ngoài ra, theo dữ liệu Tổng cục Thống kê đã công bố, vốn đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đã điều chỉnh giảm 16,4 triệu USD vào tháng 1/2022.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment