Giá trị vốn hóa của Tập đoàn Vingroup đã giảm xuống còn 294.000 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 8/2020.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch hội đồng quản trị tiếp tục có một phiên giảm điểm mạnh, mất 2,65% giá trị. Đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp mã cổ phiếu này giảm điểm mạnh.
Với việc giảm giá này, giá trị vốn hóa của Tập đoàn Vingroup trên sàn chứng khoán đã giảm 294.000 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Điều này đồng nghĩa với việc, VIC mất ngôi đầu bảng trong bảng xếp hạng những công ty có vốn hóa lớn nhất Việt Nam, nhường vị trí đó lại cho Vietcombank và Vinhomes.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 28/2, VIC đã giảm từ 101.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 77.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mất gần 25% giá trị chỉ trong vòng 2 tháng.
Ông Phạm Nhật Vượng hiện đang sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu VIC và vợ ông là bà Phạm Thu Hương cũng nắm giữ trực tiếp 170 triệu cổ phiếu VIC. Pha sụt điểm mạnh của VIC từ đầu năm đến nay đã kéo khối tài sản của cặp vợ chồng tỷ phú này giảm đến 27.730 tỷ đồng.
Cập nhật đến 10h40 sáng nay, 1/3, số tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng tính cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 166.005 tỷ đồng, đứng ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt. Trong khi đó, bà Hương đang có 13.085 tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ 12.
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021, VIC ghi nhận lỗ trước thuế 6.369 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 3.346 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến Vingroup thua lỗ được đánh giá là do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tài trợ của Tập đoàn Vingroup.
Trong năm 2021, Vingroup đã dành khá nhiều tiền để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Vingroup đã chi ra 9.400 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống Covid-19.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện. Việc này cũng khiến Vingroup ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.
Theo Vingroup, nếu không tính những khoản chi phí phát sinh ngoài kế hoạch đầu năm như kể trên, Vingroup ghi nhận lỗ sau thuế 2.638 tỷ đồng trong quý 4 năm 2021 và lợi nhuận sau thuế 4.373 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương 97% kế hoạch đầu năm.
Trong định hướng phát triển doanh nghiệp năm 2022, Vingroup đã xác định lại ba nhóm hoạt động trọng tâm là (1) Công nghệ – Công nghiệp, (2) Thương mại dịch vụ, và (3) Thiện nguyện xã hội – gồm các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận và các Quỹ hỗ trợ của Tập đoàn.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment