Năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá lên 388 tỉ USD, tăng 21,6% so với năm 2020.
Chiều nay, 20-4, Cục Xúc Tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam 2022. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam cho biết, theo báo cáo từ Brand Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp.
"Đặt trong bối cảnh Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỉ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm, đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới" - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN.
Bộ Công Thương dẫn chứng rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỉ lệ DN có sản phẩm đạt THQG tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021.
Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam, tỉ lệ DN có sản phẩm đạt THQG tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.
Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỉ trọng gia tăng về giá trị của các DN THQG Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phạm Quang Hiệu cũng chia sẻ, thời gian qua, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã vượt qua nhiều khó khăn để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt đến bạn bè quốc tế. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước.
“Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, bà Lindsey M.Bier Marshall, Giáo sư Khoa kinh doanh, Đại học Nam California, Hoa Kỳ cũng chia sẻ về mối quan hệ mật thiết giữa THQG và thương hiệu sản phẩm/thương hiệu DN trong sự phát triển và nâng tầm thương hiệu DN. Theo đó, khi một DN có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của DN đó cũng sẽ được nâng cao. Và khi một quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và THQG Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong khuôn khổ diễn đàn THQG Việt Nam 2022 cũng có phiên tọa đàm giữa các DN với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế. Qua đó làm rõ hơn những ý tưởng để cộng đồng DN vận dụng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt việc quảng bá thương hiệu thông qua hệ thống kiều bào và mạng lưới các Trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ.
Theo PLO
Comments powered by CComment