Nợ của ông Trịnh Văn Quyết (FLC) và bà Nguyễn Phương Hằng (Đại Nam) tại OCB đều đã và đang được xử lý tốt nên chưa phát sinh tổn thất.
Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên diễn ra sáng nay (23-4), đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã trả lời chất vấn của các cổ đông nhiều vấn đề. Trong đó có vấn đề "nóng" liên quan các khoản nợ của hai khách hàng đang bị cơ quan điều tra tạm giam là ông Trịnh Văn Quyết (Tập đoàn FLC) và bà Nguyễn Thị Phương Hằng (Công ty CP Đại Nam).
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho biết trước, trong và sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt thì có nhiều thông tin liên quan, đây là việc cá nhân nhưng rõ ràng là có rủi ro ít nhiều đến các ngân hàng khác cũng như OCB. Tuy nhiên, để phát triển thị trường bán lẻ, thì dù có kiểm soát tín dụng bất động sản nhưng không phải không cho vay. Cũng như các khách hàng khác như Khang Điền, Nam Long, Sơn Kim Land… OCB cũng xem xét cho FLC vay.
Cổ đông tán thành các kế hoạch OCB đưa ra tại đại hội
Trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt FLC không có lịch sử nợ xấu, luôn trả lãi và gốc đúng hạn và chưa bao giờ bị chuyển nhóm nợ. Hơn nữa, FLC có rất nhiều dự án tiềm năng, đang triển khai nên OCB vẫn cho vay với khoảng 1.500 tỉ đồng. Chủ yếu là tại 2 dự án mà FLC đang triển khai với pháp lý đầy đủ ở 2 dự án Hạ Khánh 1 và Hạ Khánh 2. Hiện tại 2 dự án vẫn đang tiếp tục triển khai.
Khi cho vay, OCB dựa trên dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý và làm rất chặt chẽ, đúng chuẩn và số tài sản bất động sản đảm bảo có trên 2.000 tỉ đồng. Các tài sản đất đai mà OCB nhận là có sổ không phải tài sản hình thành trong tương lai. Việc giải ngân cũng kiểm soát chặt chẽ, ví dụ có 1 dự án của FLC có tổng hạn mức cho vay dự án là 400 tỉ đồng, nhưng OCB chỉ giải ngân theo tiến độ, khối lượng hình thành và hiện chỉ giải ngân 280 tỉ đồngViệc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt là sự rủi ro lớn trước hết cho FLC, cho các đối tác và ngân hàng. Vì vậy mà OCB đã tăng kiểm soát dòng tiền, đảm bảo nguồn thu được nợ cho ngân hàng. Trên dư nợ 1.500 tỉ đồng cho vay của Tập đoàn FLC thì số tiền mà đang bán cho khách và đang thu tiền về là khoảng 2.400 tỉ đồng nên đủ nguồn thu để khả năng trả nợ chứ chưa nói đến tài sản bất động sản đang thế chấp.
Còn với khoản vay của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc của Công ty CP Đại Nam, thì ông Huỳnh Uy Dũng, chồng bà Hằng cũng đã đứng ra xử lý nợ. Dự án OCB cho vay là sản xuất găng tay xuất khẩu đi Mỹ. Hiện ông Dũng đã xử lý khoản nợ 450 tỉ đồng. Được biết ông Dũng cũng đang thực hiện bán các tài sản khác để trong 2 tháng tới Đại Nam thu 2.500 tỉ đồng trả nợ cho các khách hàng khác. Tài sản Đại Nam thế chấp là bất động sản có sổ đỏ.
Năm 2021, tổng tài sản OCB đạt 184,5 ngàn tỉ đồng, tăng 21%; dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng 15% đạt 103,6 nghìn tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 25% đạt 5.519 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 21.805 tỉ đồng trong đó vốn điều lệ 13.699 tỉ đồng. OCB chia cổ tức 25%.
Quý 1/2022, tổng tài sản OCB tăng 2%, dư nợ tăng 6%, lợi nhuận trước thuế 1.115 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, OCB đã trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo Trung tâm Thông Tin Tín Dụng (CIC) trong BCTC quý 1 nên lợi nhuận đạt 836 tỉ đồng.
Theo Người lao động
Comments powered by CComment