Đây cũng sẽ là xu thế phát triển bền vững trong việc đa dạng các kênh bán hàng thời gian tới, dù có dịch bệnh hay không.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 với chủ đề “Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch” tổ chức.
Tính tới nửa đầu năm 2021, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, 55% trong số đó đến từ các khu vực ngoài thành thị. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai, cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam. Đây là những động lực giúp TMĐT nước ta tăng trưởng tốt.
Từ năm 2021 đến nay, lượng hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử tăng từ 1,5-2 lần so với thời điểm trước dịch bệnh. Theo doanh nghiệp, trong việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất là giá cả tốt, nhiều ưu đãi khuyến mãi, chất lượng hàng hoá được kiểm soát và thời gian giao hàng nhanh.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn mong muốn được tận hưởng những trải nghiệm thú vị, mang tính giải trí nhờ sức mạnh của công nghệ. Qua dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã chuyển sang và tăng cường bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trong đó các nhà sản xuất nhỏ, lẻ đang rất cần sự hỗ trợ.
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh khoảng 30-35%. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Còn Google, Temasek và Bain & Company dự báo, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.
Năm 2021, với quy mô 13 tỷ USD, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Trong dự báo của mình, Google, Temasek và Bain & Co, cho rằng chỉ cần 4 năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "Á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD.
Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia đều khẳng định, nền tảng được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch đã tạo đà cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Trong tương lai xu hướng mua sắm thương mại điện tử sẽ là một động lực, thách thức mới. Điều này cũng có nghĩa, các sàn thương mại điện tử phải đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn cho công nghệ để dẫn dắt cảm xúc, cảm hứng của khách hàng. Đồng thời, cũng sẽ xuất hiện sự cạnh tranh đến chính từ các nhà sản xuất, nhà phân phối truyền thống, hứa hẹn tạo ra cuộc cạnh tranh thú vị trên thị trường.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment