Group News: Tin copy

Loạt bài viết này chia sẻ những kết quả sơ bộ của một nghiên cứu độc lập, tập trung vào chủ đề hòa hợp dân tộc trong ba khía cạnh: hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp. Con số 100 tượng trưng cho trăm trứng từ bào thai của mẹ Âu Cơ. Một trăm người Việt tuổi từ 25 đến 99, từ đủ mọi nẻo đường của cuộc sống đã góp tiếng nói vào dòng chảy của những câu chuyện này.

Việt Nam đã tổ chức một cuộc diễu binh rầm rộ trong dịp 30/4 vừa qua tại TP HCM.

Việt Nam đã tổ chức một cuộc diễu binh rầm rộ trong dịp 30/4 vừa qua tại TP HCM.

Những phần trong ngoặc kép là lời của nhân vật. Tất cả đều ẩn danh. Mọi liên tưởng chỉ là trùng lặp tình cờ và không chính xác.

Sự chần chừ của Mặt trận

"Ngày 30/4/1975 không phải là ngày thống nhất đất nước."

"Nam Bắc về bản chất kinh tế và văn hóa rất khác nhau. Chính vì thế, kế hoạch là giải phóng xong thì giữ hai miền, hai đất nước, hai chế độ kinh tế khác nhau trong vòng hai năm. Sau đó mới thống nhất."

"Điểm mấu chốt là khi đó, Mặt trận đã nhiều năm tuyên truyền với dân miền Nam về tính trung lập của mình. Rằng đánh Mỹ xong thì chính phủ miền Nam sẽ có ba thành phần, đa nguyên. Không chỉ có cộng sản mà cả người của chính quyền cũ và lực lượng thứ ba."

"Có lẽ vì muốn giữ lời hứa với dân miền Nam nên sau ngày chiến thắng, nội bộ Mặt trận rất căng thẳng."

(Nhân vật minh họa ý này bằng cuốn Nhật ký sau giải phóng của Skrobanek. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam về danh nghĩa hoàn toàn độc lập với miền Bắc. Sau chiến thắng năm 1975, họ thành lập chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản sau này thừa nhận là đã trực tiếp chỉ đạo Mặt trận. Cả quân từ Bắc tiến vào và quân miền Nam đều gọi chung là Quân Giải phóng - Chú thích của tác giả).

"Mấy ổng ở ngoài Bắc thấy tình trạng hai chính phủ, ba thành phần quá nguy hiểm. Chính vì thế, hai nước Việt Nam được thống nhất ngay mà không chờ đợi nữa."

"Mô hình kinh tế XHCN cũng lập tức được áp đặt cho toàn miền Nam, bất chấp những yếu kém chưa được giải quyết sau 20 năm thực hiện ở miền Bắc."

"Việt Nam chỉ thực sự thống nhất vào năm 1976."

"Sự bất đồng giữa Mặt trận và miền Bắc được giải quyết một cách khá chuyên chính. Có lẽ nó bắt nguồn từ trong nội hàm của chủ nghĩa cộng sản."

Phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Trại David, Tân Sơn Nhứt vào năm 1973. Sau chiến thắng năm 1975, họ thành lập chính phủ lâm thời, nhưng Đảng Cộng sản sau này thừa nhận đã trực tiếp chỉ đạo Mặt trận.

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Trại David, Tân Sơn Nhứt vào năm 1973. Sau chiến thắng năm 1975, họ thành lập chính phủ lâm thời, nhưng Đảng Cộng sản sau này thừa nhận đã trực tiếp chỉ đạo Mặt trận.

Độc quyền chân lý. Kiêu ngạo cộng sản

Lý luận Marx-Lenin khẳng định chủ nghĩa cộng sản là hình thái phát triển cao nhất của loài người: từ cộng sản nguyên thủy → chiếm hữu nô lệ → phong kiến → tư bản chủ nghĩa → xã hội chủ nghĩa → cộng sản chủ nghĩa.

Chính vì thế, các đảng cộng sản "tự cho mình là lực lượng tiên phong, nắm rõ quy luật lịch sử. Họ đã giác ngộ được chân lý và có sứ mệnh lãnh đạo nhân dân tiến tới đỉnh cao của nhân loại."

Điều này dẫn đến sự "kiêu ngạo cộng sản," căn bệnh mà "chính nhiều lãnh đạo Việt Nam đã tự phê một cách gay gắt. Đó là khi "những người thắng cuộc coi mình là đại diện của đỉnh cao trí tuệ, chế độ cuối cùng, xã hội ưu việt nhất của loài người."

(Nhân vật trích dẫn Phan Diễn - nguyên thường trực Ban Bí thư - khi ông ghi nhận rằng, sau năm 75, sự kiêu ngạo đó "đã gây ra nhiều khủng hoảng khiến Việt Nam phải đau đớn trả giá." [Bài Chúng ta đã vượt qua sự kiêu ngạo cộng sản trên báo VnExpress ngày 17/12/2016].)

"Tôi không tin những ông bà cộng sản tàn ác như cách phe chống cộng mô tả. Một loạt chính sách gây thêm rạn nứt sau ngày chiến thắng không có mục đích trả thù. Lúc đó, họ chỉ đang ngạo nghễ ngút trời với niềm tin sắt đá rằng: Họ giỏi nhất. Họ đúng nhất."

"Từ cải cách ruộng đất cho đến việc giam giữ cựu binh cộng hòa, tịch thu tài sản của người giàu, tống dân vượt biên vào tù... Đó không phải là 'trả thù' mà là 'đấu tranh giai cấp'. Nếu trả thù thì họ đã giết sạch rồi."

Sau chiến thắng 30/4/1975, những người cộng sản bắt đầu áp đặt lối sống, tư tưởng, văn hóa của họ lên toàn xã hội. Trong ảnh: Một chiến dịch tuyên truyền bài trừ "văn hóa phẩm phản động, đồi trụy" vào tháng 5/1975 tại Sài Gòn.

Sau chiến thắng 30/4/1975, những người cộng sản bắt đầu áp đặt lối sống, tư tưởng, văn hóa của họ lên toàn xã hội miền Nam. Trong ảnh: Một chiến dịch tuyên truyền bài trừ "văn hóa phản động, đồi trụy" vào tháng 5/1975 tại Sài Gòn.

Một thanh niên bị bộ đội cắt tóc ngay giữa đường phố tại Sài Gòn.

Một thanh niên được bộ đội cắt tóc ngay giữa đường phố tại Sài Gòn.

Chủ nghĩa đồng ca. Ai không giống ta thì là địch

"Cái dở của kiêu ngạo cộng sản là nó dễ biến các tư tưởng và quan điểm đối lập thành 'thù địch', 'sai trái', 'phản động'."

"Ngay từ đầu, chính sách hòa hợp của mấy ổng lạ lắm. Là tất cả nói cùng một giọng. Đó là giọng của chính các ổng."

(Nhân vật minh họa bằng bài báo ngày 1/6/1975 trên Sài Gòn Giải Phóng: "Muốn hòa hợp dân tộc thì điều cơ bản và đầu tiên là phải làm sao cho mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc có một lập trường thống nhất.")

"Có lần con tôi hỏi thế nào là 'chuyên chính vô sản'. Tôi bảo nó tìm hiểu trước rồi quay lại nói chuyện với bố. Nó tìm đúng cuốn Đèn cù của Trần Đĩnh, trong đó ông Duẩn giải thích nghe máu me ghê quá. Tôi bèn đem văn kiện của Đảng ra, rồi bảo nó 'đấy là văn nói thôi, còn chính thức thì thế này."

"Ai dè đọc xong, con tôi càng thêm bất bình. Nó biến luôn thành thằng 'phản động'."

(Lê Duẩn phát biểu tại Hội nghị Trung ương 25: "Đường lối [của giai cấp vô sản] là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc. Đường lối đó không hề nhân nhượng với ai, chia sẻ với ai và hợp tác với ai. Đó là chuyên chính [...]. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại thì bị bắt. Đó là chuyên chính." - Chú thích của tác giả.)

"Trong cuốn Bên thắng cuộc, Huy Đức kể lại một chuyện như sau: Năm 1990, đại biểu Quốc hội lúc biểu quyết chỉ có hai nút lựa chọn 'đồng ý' và 'không đồng ý'. Khi có đề nghị thêm nút thứ ba 'không biểu quyết' cho đúng chuẩn quốc tế, phản ứng của chủ nhiệm văn phòng Quốc hội là: 'Không được, đã là đảng viên thì chính kiến phải rõ ràng'."

"Với tư duy nhị nguyên ấy, thông tin dễ biến thành một chiều và bị đơn giản hóa thành thắng-thua, ta-địch." "Những cuộc chiến chỉ có hai tông màu: tội ác của kẻ thù và sự dũng cảm của quân ta." "Quân ngụy là phải xấu, chiến sĩ ta phải tốt. Đế quốc Mỹ là 'con hổ giấy', Đảng ta là 'mặt trời chân lý'."

"Không có chỗ cho những vùng xám, tính phức tạp, sự băn khoăn, lời phản biện."

"Chỉ có đúng-sai, ta-địch như vậy, nên cũng không có chỗ cho lòng thấu hiểu, nỗi cảm thông, sự tôn trọng lẫn nhau."

"Hận thù gây ra bởi niềm tin là khủng khiếp và dai dẳng nhất. Nó không còn là quan điểm khác nhau, mà là sự đối lập giữa thiện và ác."

"Hòa giải với một tâm thế như vậy hẳn là sẽ khó hơn."

"Đường lối [của giai cấp vô sản] là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc [...]. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại thì bị bắt. Đó là chuyên chính." - Lê Duẩn, 1976.

"Đường lối [của giai cấp vô sản] là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc [...]. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại thì bị bắt. Đó là chuyên chính." - Lê Duẩn, 1976.

Kẻ thù của giai cấp. Kẻ thù của nhân dân

"Chủ nghĩa cộng sản được xây dựng trên nền tảng của đấu tranh giai cấp." "Mặt dở của nó là lúc nào ta cũng thấy kẻ thù. Diệt thù xong thì nhìn đâu cũng thấy mầm mống phục thù."

"Ở Việt Nam, khi kẻ thù bên ngoài (Pháp, Mỹ) không còn thì kẻ thù bên trong xuất hiện: địa chủ, tư sản, trí thức cũ, ngụy quân, ngụy quyền, con cái của ngụy quân ngụy quyền, thuyền nhân, gia đình ở Việt Nam của thuyền nhân…"

"Thời bình thì có 'tư tưởng xét lại', 'tư tưởng không trong sáng', 'tư tưởng thù địch', 'thế lực thù địch', 'diễn biến hòa bình', 'tự chuyển hóa'..."

"Quá trình hòa hợp bế tắc, không chỉ với kẻ chống đối mà còn với chính đồng chí của mình." "Vụ án Xét lại và Nhân văn Giai phẩm là hai trường hợp điển hình. Chưa kể đến bao nhiêu tướng lĩnh cộng sản, đảng viên, lão thành cách mạng… phải chịu cực nhục, thậm chí vào tù ra tội vì dám chống đối."

"Việc ứng dụng permanent revolution (cách mạng không ngừng) khá rõ rệt ở Việt Nam." Một mặt, "nó khiến tinh thần chiến đấu không bị nguội lạnh. Đảng viên và quần chúng luôn cảnh giác cao độ."

"Nhưng cũng như một vấn đề sức khỏe kinh niên, nó khiến các thành viên không bao giờ thực sự yên ổn. Họ luôn phải chứng minh lòng trung thành."

"Về mặt lý thuyết, khái niệm 'cách mạng không ngừng' khiến cho hệ thống không thể thừa nhận là đã thành công hoàn toàn, và lý do duy trì quyền lực luôn luôn tồn tại."

Tâm lý "có giặc" cũng khiến xã hội bị phân hóa kéo dài: "ta – địch", "trung thành – phản động", "lề phải – lề trái". "Hòa giải chưa xong đã lại có mâu thuẫn mới. Cứ thế 50 năm qua, lớp nọ chồng lên lớp kia. Hàn gắn lại càng khó hơn".

"Vậy nên có ai đó từng nói: Cuộc đấu tranh cuối cùng là cuộc đấu tranh giữa chính những người cộng sản với đồng chí của mình."

Bạo lực cách mạng

"Là một nhà nghiên cứu văn hóa, tôi cho rằng người Việt cũng khoan dung đấy. Nhưng tâm hồn ta bị đe dọa bởi một thứ lý thuyết ngoại lai, coi bạo lực là con đường duy nhất để trở thành một chính quyền có tính chính danh."

"Nền tảng của lý thuyết ấy là: 'Giai cấp công nhân phải trở thành giai cấp thống trị thông qua bạo lực cách mạng. Đó là con đường duy nhất để giành chính quyền. Trấn áp bằng sức mạnh là cần thiết vì giai cấp tư sản sẽ luôn chống lại một cách điên cuồng'."

"Đó là lý do ngày xưa Cách mạng Tháng 8 được gọi là cướp chính quyền, (giờ đổi là giành chính quyền)."

"Tôi nói cái này chỉ những người trong cuộc mới biết thôi. Hồi ở Pháp, ông Phan Châu Trinh từng viết thư cho Nguyễn Ái Quốc. Ông bảo anh về Việt Nam hoạt động nhưng đừng mang chủ nghĩa Mác Lê về. Vì nó giành chính quyền bằng bạo lực. Ông Hồ quá suốt ruột nên không nghe lời."

"Có mấy câu thơ thường được cho là của Tố Hữu, dù không thấy được in trong tuyển tập. Nó khiến ta rùng mình, vì bạo lực cách mạng được miêu tả như sự hiến tế máu xương lên bàn thờ. Và ngự trên bàn thờ đó là những kẻ mà chính người cộng sản sau này phải thừa nhận là những tên đồ tể:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,

Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt."

Việt Nam bị đánh giá là một quốc gia ít bao dung với tiếng nói bất đồng, các quan điểm trái với lập trường của Đảng Cộng sản.

Việt Nam bị đánh giá là một quốc gia ít bao dung với tiếng nói bất đồng, các quan điểm trái với lập trường của Đảng Cộng sản.

Nhưng cũng đừng đổ vấy tất cả cho cộng sản

Tuy nhiên, một luồng ý kiến nhỏ lại phản đối việc "đóng đinh thập giá một quan điểm khoa học."

"Sau khi đã học Mác-Lê ở Việt Nam, tôi chuyên sâu về chủ nghĩa Marx ở nước ngoài. Ở đây, Marx được dùng như một công cụ để đặt câu hỏi về quyền lực. Tức là tôi có thể dùng nó để truy vấn lại chính cái quyền lực đang dạy cho mình điều ấy."

"Ví dụ: Tại sao thầy cô giáo dạy mình chủ nghĩa Marx? Họ đại diện cho tầng lớp nào? Họ đã phát triển từ lý thuyết của Marx đến thực hành của giai cấp cầm quyền ra sao? Họ có lợi lộc gì trong cách truyền đạt đó không? Nếu nhìn xuyên qua Marx, ý đồ chính trị thực sự của họ là gì?"

Một lão thành cách mạng cũng cho rằng, "nếu ai đã đọc những tác phẩm nổi tiếng như Animal Farm [có hai bản dịch tiếng Việt là Trại súc vật và Chuyện ở nông trại] hay 1984 thì sẽ hiểu chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy rất khác với cộng sản đã bị quyền lực tha hóa." Ông đúc kết hai cuốn sách như sau:

  • "Nguyên thủy bảo chính quyền sẽ tự triệt tiêu. Tha hóa thành ra một chính quyền độc đoán.
  • Nguyên thủy bảo không còn áp bức. Tha hóa thành ra bức tử ý kiến trái chiều.
  • Nguyên thủy bảo công-nông lên nắm quyền. Tha hóa thành ra đặc quyền lại về tay kẻ mạnh."

"Những kẻ cơ hội chỉ quan tâm đến 'bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình'. Quốc tế ca bản gốc đâu có những chữ đó."

"Lợi quyền mới là nguyên nhân dẫn đến thành công hay thất bại. Nếu ta biết chia sẻ miếng bánh lợi quyền với các bên một cách hợp lý thì sẽ có hòa giải - hòa hợp."

Hòa giải - hòa hợp dân tộc là một chủ đề nhạy cảm

Lá cờ vàng ba sọc đỏ đến nay vẫn là một biểu tượng quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Lá cờ vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa, đến nay vẫn là một biểu tượng quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Với tất cả những "đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản và cách nó được áp dụng ở Việt Nam," hàn gắn và xóa bỏ hận thù trở thành một chủ đề "ai cũng quan tâm, nhưng ít người dám nói thật."

"Giống như thành ngữ 'một con voi thù lù trong phòng khách', nghĩa là ai cũng thấy, ai cũng khó chịu, thậm chí là sợ nữa, nhưng ai cũng lờ đi."

Và tất nhiên, "nếu một chủ đề còn nhạy cảm thì tức là nó chưa được giải quyết thấu đáo."

"Khi được mời phỏng vấn, trong đầu tôi nhảy số hàng chục câu hỏi: Liệu mình có tin được cô giáo sư này không? Cô ta có phải phản động không? Cô ta có làm việc cho công an không? Nhỡ mình bị an ninh gài thì sao?"

"Ngay cả việc dự án này phải nhấn đi nhấn lại là người được phỏng vấn sẽ 'ẩn danh', với tôi, đó cũng là một điều đau khổ. Tại sao đến giờ này rồi mà nói ra nỗi lòng mình còn khó thế?"

(Chia sẻ của tác giả: Tuy chỉ có vài người bộc lộ suy nghĩ như trên, nhưng thái độ dè chừng là điều dễ nhận thấy.

Sau 3 kỳ đầu tiên của loạt bài này, một số nhân vật liên hệ lại với tôi. Một quân nhân khuyên tôi nên "cân đối lại các luồng ý kiến cho giống với diễn ngôn của chính quyền hơn" [điều tôi không được phép làm vì đạo đức khoa học]. Một chuyên gia bộc lộ sự lo lắng rằng, dù chỉ phản ánh các ý kiến với tư cách một nhà nghiên cứu, tôi có thể sẽ gặp rắc rối với công an khi về nước.

Khi chia sẻ điều này với một chính trị gia, ông cho rằng "nhiều người đang sợ cả cái bóng của chính mình". Nếu chính quyền thực sự cầu thị, họ thậm chí nên mời tôi thuyết trình chi tiết hơn về nghiên cứu công phu này [và tất nhiên, tôi sẵn sàng].)

Cởi trói đồng phục tư tưởng

Vì "lý luận là kim chỉ nam của chính sách," phần lớn những người có ý kiến về khía cạnh này cho rằng chúng ta phải "thay đổi lập trường chính trị thì mới có thể thực sự xóa bỏ hận thù và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc."

Thay đổi thế nào thì có những luồng ý kiến như sau:

Trung Quốc - Đồng minh ý thức hệ nhưng vẫn có thể là kẻ thù

"Có một sự thật mà tôi nghĩ chúng ta phải thẳng thắn với nhau. Đó là Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm với Việt Nam. Cái này thì chính tướng công an Trương Giang Long đã công khai trong một buổi nói chuyện và có luôn video trên mạng."

"Trung Quốc hoàn toàn có thể lợi dụng những điểm yếu của ý thức hệ để Việt Nam bị cầm tù trong lối mòn tư duy cứng nhắc, rập khuôn, bảo thủ, giáo điều."

"Một tư duy như vậy sẽ khiến người Việt ôm hoài tư tưởng ta-địch, sợ hãi sự khác biệt, nhất là khi cần tôn trọng sự khác biệt để hòa giải với quá khứ."

"Ba mươi năm trước, Việt Nam đã lỡ nhịp khi cơn gió Đông Âu thổi qua. Lẽ ra đó phải là 'cơ hội' thì tư tưởng bảo thủ đã khiến một số lãnh đạo nhìn nó như một 'nguy cơ'. Khi Liên Xô sụp đổ, lúc đó Việt Nam đã hòa bình và không cần tài trợ cho chiến tranh. Nhưng ta lại cuống lên và tự nguyện rơi vào tay Trung Quốc."

"Đó là kết quả khi hệ điều hành đã được cài đặt chế độ cứng nhắc, giáo điều." "Chỉ khi xác định là phải cởi mở tư duy thì ta mới hòa hợp dân tộc được."

Tư tưởng Hồ Chí Minh

Marx không phải là lựa chọn của hai lão thành cách mạng, ngược lại, họ cho rằng Marx là cái "vòng kim cô."

"Ta không cần theo bất cứ một học thuyết nào hết. Tư tưởng Hồ Chí Minh có thể được sáng tạo thành một chủ nghĩa, một hệ thống lý luận để ta thoát khỏi cái vòng kim cô Mác-Lê."

"Nhưng quan trọng nhất là phải nhấn mạnh vào tư tưởng của Hồ Chí Minh lúc chưa bị rơi vào vòng kiềm tỏa của Quốc tế Cộng sản."

"Đó phải là thời kỳ mà cụ Hồ cho rằng 'chủ nghĩa nào đem lại độc lập tự do thì tôi theo'. Như Giáo sư Mạch Quang Thắng diễn giải lời ông cụ: 'Cộng sản ư, không cần biết; không cộng sản ư, không cần biết. Cái cần biết ở đây là cá nhân nào, lực lượng chính trị nào có thể xây một Việt Nam cường thịnh'." (Bài 'Mẫu số chung' cho hòa giải, hòa hợp dân tộc trên Văn hóa Nghệ An ngày 16/5/2017).

"Chính tư tưởng đại đoàn kết đó đã cho ra đời một Chính phủ liên hiệp nhiều thành phần chính trị, một Quốc hội có 43% đại biểu phi đảng phái, một Tuyên ngôn độc lập có trích dẫn Tuyên ngôn của Hoa Kỳ, và một buổi mít tinh khai sinh ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng có máy bay của Mỹ lượn quanh chào mừng…"

"Tôi cũng ủng hộ lấy lại tên Đảng Lao động, lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời ông cụ."

Từ Đại hội 7 vào năm 1991 Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định "lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động".
Từ Đại hội 7 vào năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định "lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động".

Phản biện tư tưởng Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, một lão thành cách mạng khác và 7 trí thức cho rằng, "thoát Mác-Lê nhưng lại chui vào Bác Hồ không hẳn là một lựa chọn hay trong bối cảnh mới."

"Tại sao ư? Vì tư tưởng của cụ Hồ thời kỳ đầu Việt Minh mới là giai đoạn khiến mọi tầng lớp người dân kết thành một khối đại đồng."

"Sau này thì tư tưởng ấy đã hòa quyện với ý thức hệ cộng sản. Mà ý thức hệ cộng sản thì lại là gốc rễ của những chính sách gây chia cắt lòng người sau 75."

"Tất nhiên là sau 75 thì lúc đó Bác đã mất. Nhưng với nhiều người, những chính sách ấy khiến Hồ Chí Minh trở thành một cái tên gây tranh cãi."

"Bác có thể là 'cha già dân tộc' của tôi, của bạn. Nhưng không phải ai trong khối đại đoàn kết dân tộc cũng muốn coi Bác như vậy."

"Đúng là tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều điểm phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn chủ nghĩa cộng sản ngoại lai. Tuy nhiên, với bối cảnh như hiện nay, tôi cho rằng nó rất khó trở thành động lực để tất cả mọi thành phần người Việt xích lại gần nhau."

"Bên cạnh đó, tệ sùng bái cá nhân cũng chẳng hay ho gì."

"Xưa ông Tố Hữu từng bị các đồng chí của mình phê phán là sùng bái cá nhân ông Hồ. Nhiều lắm, thậm chí so Bác với trời đất ['Bác sống như trời đất của ta']."

"Nay có ông giáo sư Vũ Khiêu thậm chí vinh danh bà Hoàng Thị Loan - mẹ của Bác Hồ - là 'quốc mẫu'. Tức là 'Mẹ chung của Tổ quốc'. Tức là soán luôn ngôi báu của mẹ Âu Cơ."

"Một vĩ nhân, dù giỏi đến mấy, cũng không bao giờ hoàn hảo và chỉ là sản phẩm của thời đại họ đang sống mà thôi." "Huống chi Bác đã mất từ lâu. Ta chỉ đang tự lý giải, bắc cầu, phán đoán rằng Bác sẽ làm thế này, thế kia, nếu như Bác còn sống."

"Tôi thấy Bác Hồ được nhiều người Việt tôn thờ cũng hơi giống người Hồi giáo tôn thờ sứ giả Mô-ha-mét. Hay thì rất là hay, vì ông ta là một nhà cách mạng lỗi lạc, nếu chiếu theo những tiêu chuẩn thời đó."

"Nhưng nếu không may rơi vào tay những kẻ giáo điều và cực đoan thì nó lại gây ra bao thảm cảnh. Người ta thậm chí nhân danh ông ấy để kéo lùi sự tiến bộ. Còn cái ông Mô-ha-mét kia thì không thể sống lại để thanh minh."

Thế nên để mở rộng cơ hội tư duy cho tương lai, "những nhân vật lịch sử chỉ nên ở phía sau làm nguồn cảm hứng. Họ không nhất thiết phải ở phía trước làm ánh dương soi đường."

Bàn tiệc của trí tuệ nhân loại

"Tôi cho rằng thế gian tri thức của loài người đã bày ra cho ta một bàn tiệc buffet." "Không có lý do gì Việt Nam ta phải làm thỏ thí nghiệm cho nhân loại."

"Chủ nghĩa xã hội chưa thành công ở đâu cả. May ra thì có Bắc Âu. Khi đoàn cán bộ chúng tôi đi thăm Bắc Âu, ai cũng trầm trồ: 'Nơi đây đúng là thiên đường xã nghĩa mà ta mơ ước'."

"Người Bắc Âu chỉ lấy cảm hứng từ Mác, bỏ đi yếu tố 'cách mạng' và 'chuyên chính', tạo ra một thứ gọi là chủ nghĩa dân chủ xã hội (Social Democracy), hướng đến 'tư bản có kiểm soát' và 'phúc lợi toàn dân."

"Họ đang ăn những món ngon nhất trên bàn tiệc buffet của trí tuệ loài người."

"Trong dịp thăm Mỹ năm 2024, ông Tô Lâm đã khẳng định rằng: 'Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và văn minh nhân loại'."

"Tức là ta phải kết hợp nhiều lựa chọn hơn là chỉ có Mác-Lê," hoặc "phải chấp nhận rằng lý thuyết đó chưa được chứng minh, và xu thế chung là chẳng mấy ai còn dùng nó nữa."

Gần 60 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng Cộng sản Việt Nm vẫn không ngừng phát động học tập và làm theo tấm gương của vị lãnh tụ quá cố và thực hiện theo di chúc của ông.

Gần 60 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không ngừng phát động học tập và làm theo tấm gương của vị lãnh tụ quá cố, thực hiện di chúc của ông.

'Dân chủ là làm sao cho dân được mở miệng ra'

Một luồng ý kiến chủ đạo, đặc biệt mạnh mẽ cho rằng dân chủ là con đường hiệu quả nhất để có hòa giải - hòa hợp dân tộc một cách thực sự.

Chỉ cần "dân được mở miệng ra" (Hồ Chí Minh) thì ta sẽ kiến tạo được một không gian để hàn gắn vết thương, xóa bỏ oán hận. Đó là khi người ta nhắc đến nỗi đau quá khứ mà không bị chặn họng, chia sẻ số phận của mình mà không bị chụp mũ, va chạm quan điểm mà không tạo thêm hằn thù."

"Ông Võ Văn Kiệt từng dự một bữa rượu với anh em nghệ sĩ. Trong bữa nhậu đó, Nguyễn Duy đọc bài thơ Bán vàng, mà sau này ông thú thật là chỉ mượn hơi rượu nói cho bõ hờn:

Cái ác biến hình lởn vởn quanh ta

Tai ách đến bất thần không báo trước

Tờ giấy mong manh che chở làm sao được

Một câu thơ chống đỡ mấy mạng người.

Ông Kiệt nghe xong, lặng đi. Một thời gian sau, ông nhắc lại bài thơ này và nói đó là 'Bản án nhân tình với chế độ' và 'chúng ta cần những người dám nói thật."

"Việt Nam đã đi được một đoạn đường dài, dù phải mất 50 năm. Nửa thế kỷ trước, ta quan niệm rằng hòa hợp dân tộc là 'mọi thành viên phải có một lập trường thống nhất'."

"Nửa thế kỷ sau, Tổng Bí thư Tô Lâm tuyên bố trong bài diễn văn ngày 30/4/2025 rằng, hòa hợp dân tộc không phải 'xóa bỏ' mà là 'tôn trọng sự khác biệt'."

"Tôi là cộng sản nòi hai đời. Tuổi Đảng của tôi còn nhiều hơn ông Trọng. Tôi đã nhiều lần góp ý chân thành với Đảng và Nhà nước. Tôi cũng bị bọn nó chửi là tự diễn biến, tự chuyển hóa. Chúng gọi tôi là 'trở cờ', là 'phản bội'. Không phải 'phản động' nhé. Phản bội sự nghiệp của chính mình. Còn nặng hơn phản động'."

"Nhưng tôi không sợ. Một người cộng sản chân chính phải là một người dám nói thật, và dám thay đổi."

Nhân tố Tô Lâm

Làm tổng bí thư chưa đầy một năm, ông Tô Lâm đã có nhiều phát biểu và hành động đáng chú ý.

Làm tổng bí thư chưa đầy một năm, ông Tô Lâm đã có nhiều phát biểu và hành động đáng chú ý.

Việc ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư đã tạo ra một hiện tượng đặc biệt trong quá trình thu thập dữ liệu cho nghiên cứu này.

Sáu nhân vật liên hệ lại với tác giả để cập nhật suy nghĩ của họ. Âm hưởng chủ đạo là sự lạc quan về một lãnh đạo có khả năng thúc đẩy "giải phóng tư duy, thay đổi thể chế."

Tuy nhiên, một chính trị gia đồng thời là lão thành cách mạng chia sẻ rằng, để "thay đổi thực chất" thì cần phải có giai đoạn quá độ. Trong giai đoạn chuẩn bị này, ông Tô Lâm có thể "độc tài hơn, toàn trị hơn" để nhanh chóng kết thúc thời kỳ quá độ, chuyển sang "mô hình quản trị quốc gia mới."

Tóm lại, những ý kiến trong bài viết này cho rằng, hệ tư tưởng cộng sản nặng tính đấu tranh giai cấp có thể đã tạo ra những rào cản cho quá trình hàn gắn dân tộc.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến đa dạng, thậm chí trái chiều về những "hệ thống lý luận thay thế" và vai trò của "dân chủ" trong thời kỳ quá độ dẫn tới sự thay thế đó.

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo

Bài 5: 'Sống mãi với hệ điều hành 1975' - Di sản phân cực chính trị

  • Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực ứng dụng Khoa học Não bộ vào Giao tiếp-Quản trị đa văn hóa và Phát triển năng lực cá nhân. Đây là một phần trong loạt bài viết về nghiên cứu hòa hợp dân tộc của tác giả.
 Thep BBC

Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.