Group News: Tin copy

Loạt bài viết này chia sẻ những kết quả sơ bộ của một nghiên cứu độc lập, tập trung vào chủ đề hòa hợp dân tộc trong ba khía cạnh: hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp. Con số 100 tượng trưng cho trăm trứng từ bào thai của mẹ Âu Cơ. Một trăm người Việt tuổi từ 25 đến 99, từ đủ mọi nẻo đường của cuộc sống đã góp tiếng nói vào dòng chảy của những câu chuyện này.

Trong những bài viết trước, ý thức hệ được cho là yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến quá trình hàn gắn dân tộc. Giả thuyết này được đề cập đến từ hai khía cạnh: (1) cách Việt Nam chọn phe trong cuộc chiến ủy nhiệm và (2) cách chủ nghĩa cộng sản trở thành kim chỉ nam của hệ thống chính trị.

Bài viết kỳ này tập trung vào các ý kiến xoay quanh di sản của cuộc chiến ý thức hệ từ góc độ "phân cực chính trị" trong không gian mạng xã hội.

Đại đa số người được phỏng vấn cho rằng những cuộc rủa xả trên facebook, chụp mũ "bưng bô", "phản động" - tuy chỉ là thiểu số - nhưng lại phá hủy mạnh mẽ, thậm chí kéo lùi những nỗ lực hàn gắn thời hậu chiến. Luồng ý kiến này có sự đồng thuận cao và hầu như không có quan điểm thực sự trái chiều.

'Nội chiến cõi phây'

"Lần đầu tiên bị chửi là 'con khỉ già cộng sản', tôi choáng váng hết cả người."

"Tôi là đảng viên thật, nhưng tôi… đẹp mà (nhân vật là một hoa khôi thể thao). Và tôi không hề khinh miệt những người từng làm cho chế độ cũ. Họ thành đạt, nhân ái. Tôi yêu họ còn chẳng hết."

"Nhưng chẳng ai thèm biết những điều đó. Trong các trận huyết chiến trên mạng, nếu ủng hộ chính quyền, tôi trở thành 'khỉ già cộng sản'. Nếu phản đối chính quyền, tôi sẽ là 'chó cái ba sọc'."

"Vì chẳng ai mặc quân phục hay lộ mặt, nên sát thương đến từ mọi phía. Từ quân địch và từ chính những đồng minh." "Hầu hết bọn họ đều ở Việt Nam, số ít mới ra nước ngoài." "Đó vừa là nội chiến, vừa là hỗn chiến."

"Cho đến hôm tấm áp phích chửi Mỹ dịp kỷ niệm 50 năm được thay bằng một thông điệp hướng vào Việt Nam, tôi mới té ra tại sao cõi phây (facebook) của mình ngày nào cũng đẫm máu."

"Cuộc chiến của ông bà tôi ngày xưa là 'kháng chiến chống Mỹ-ngụy'. Nhưng ta không thể vừa coi Mỹ là bạn, vừa nhắc lại quá khứ kiểu: 'Thôi ông ký cái hợp đồng này đi mà. À mà ngày xưa ông thua tôi đấy. Lêu lêu'."

"Khi Mỹ phải được gạt ra ngoài, trong sới vật chỉ còn lại ngụy."

"Vì kẻ thù không thể chết. Nên chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Chỉ có cái tên là khác. Tôi gọi nó là 'nội chiến cõi phây'."

Chửi bới trên mạng

'Sống mãi với hệ điều hành' 1975

"Một điểm đặc biệt của những cuộc tàn sát trên mạng là cả hai phe đều nhân danh tình yêu với Tổ quốc."

"Phe 'Đồ phá hoại đất nước' chỉ xoáy vào những yếu kém của chính quyền". "Họ không từ một sự kiện nào để mỉa mai. Họ có cái khoái thú được rủa xả rằng non sông đã bị tụi mày phá hoại ra sao. Đôi khi tôi có cảm giác như họ hả hê vì Việt Nam chưa ổn. Bởi nó chứng minh họ đúng."

"Phe 'Đồ bán máu dân tộc' có một chiến lược chung là chụp mũ 'ngụy', 'ba sọc', không cần biết nạn nhân là ai. Nhiều chiến binh phe này có kiểu chửi rủa rất mất dạy, tràn đầy bạo lực cách mạng."

"Anh em một nhà đánh nhau à? Em tao mà theo lũ đầu b… chúng mày bán máu dân tộc, tao sẽ xiên chết nó để khỏi bẩn dòng máu tổ tiên đánh giặc cứu nước." "Lũ súc vật chúng mày thử ra đường cầm cờ ba que xem." "Cho mày một Thiên An Môn luôn."

"Trên facebook, phe anti-chính quyền lép vế hơn." "Chắc do mạng xã hội có cộng tác với an ninh trong nước để hạn chế tương tác hoặc gỡ bài," "do nhiều cơ quan cảnh báo nhân viên tránh bày tỏ những ý kiến tiêu cực," "do luật an ninh mạng," "do sợ bị chụp mũ và bị dư luận viên tấn công."

Nhưng "trên reddit và trong các group kín của facebook" thì "phe anti-chính quyền cũng mạnh mồm chửi bới hơn, và đương nhiên thô tục chẳng kém."

(Chia sẻ của tác giả: Chủ đề hòa giải-hòa hợp dân tộc nhạy cảm vì "nhắc đến nó có thể bị hiểu là 'à, hóa ra mày nghĩ Việt Nam thất bại trong việc hàn gắn'. Yêu nước sao lại cứ bôi xấu Việt Nam như thế."

Một nhân vật sau khi đưa ra rất nhiều lời ngợi ca đã hỏi lại tác giả như sau:

"Em thấy phỏng vấn anh giống phỏng vấn bí thư tỉnh ủy không? Em có phỏng vấn lộn người không? Em là nhà nghiên cứu não bộ nên anh biết em xoay câu hỏi giỏi lắm. Nhưng em phỏng vấn nhầm người yêu nước rồiAnh là người yêu nước nồng nàn.")

Lá cờ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và lá cờ Việt Nam Cộng hòa

Những cuộc 'săn phù thủy' nhân danh lòng yêu nước

"Nhưng những chiến dịch quân sự đẫm máu nhất của nội chiến cõi phây đều có điểm chung là dính đến lá cờ của chế độ Sài Gòn."

Hanni NewJeans

"Hanni là một ca sĩ người Úc gốc Việt. Cô chưa bao giờ nói chuyện chính trị. Nhưng khi cộng đồng mạng phát hiện ra trong nhà ông bà ngoại của cô có cắm một cái cờ vàng thì kiếp nạn của cô bắt đầu."

"Cô bé 18 tuổi bị phỉ nhổ, đốt ảnh. Cả gia đình cô bị sỉ nhục. Ầm ầm như vũ bão, còn kinh khủng hơn đấu tố ngày xưa."

"Điều kinh hãi nhất là mặc dù ông bà nội Hanni gốc Bắc, có liên quan đến cộng sản, nhưng điều đó không có giá trị. Ngày xưa có câu 'con lai 12 lỗ đít' chửi tụi nhóc Mỹ lai. Giờ Mỹ không còn là kẻ thù, nên dân mạng chửi tụi… cháu lai ba đời giữa cộng sản và ba sọc."

"Nếu mẹ của Hanni chưa bao giờ ở với ông bà, nếu Hanni chưa bao giờ nhìn thấy cờ vàng thì Hanni mới thực sự trong sạch."

"Đám anti-fan thậm chí còn đòi phải tru di tam tộc, xử lý không chỉ Hanni mà còn tất cả lũ con cháu bọn bán máu dân tộc của chế độ cũ." "Không thể cứ để yên cho mấy thế hệ nhà bọn nó nhơn nhơn sống, vấy bẩn dòng máu thuần chủng của tộc Việt." "Dòng dõi 3/ thì mãi mãi là 3/. Không thể thay đổi."

"Tôi thực sự không biết cái đám ấy muốn tru di tam tộc kiểu gì? Chúng nó có hiểu mấy chục triệu dân miền Nam 'đang nhơn nhơn sống' hiện nay chính là đối tượng để chúng phải tru di hay không?"

"Đợt đó nhiều báo trên thế giới đưa tin vụ này. Họ đặt lại câu hỏi về cái kết thực sự của cuộc chiến tại Việt Nam."

"Hanni có lẽ là vụ hành quyết đầu tiên bởi cộng đồng mạng. Sau đó thì trở thành án lệ."

"Myra Tran, Phạm Khánh Hưng, Tóc Tiên, Phan Đình Tùng, Phạm Kim Dung, Quốc Nghiệp, O Sen … Tất cả đều bị xử đẹp vì đã từng xuất hiện trên một tấm ảnh tình cờ có lá cờ vàng, hoặc đã từng biểu diễn trên sân khấu hải ngoại có cờ vàng."

"Trường hợp của bầu sô Phạm Kim Dung còn oái ăm hơn vì bà ta chỉ mặc một chiếc áo dài màu vàng có ba nút đỏ. Cả ông sư Thích Minh Tuệ cũng bị 'chuyển hộ khẩu sang Cali', ăn chửi sấp mặt vì trong lúc đi giữa đám đông, đứa nào đó nhét vô tay cái túi quà có logo giống như ba sọc đỏ."

Lá cờ vàng ba sọc đỏ được người tỵ nạn mang theo và giờ đã trở thành một phần trong đời sống của cộng đồng hải ngoại; trong ảnh là một siêu thị ở Westminster, California, Mỹ

Lá cờ vàng ba sọc đỏ được người tỵ nạn mang theo đã trở thành một phần trong đời sống của cộng đồng hải ngoại; trong ảnh là một siêu thị ở Westminster, California, Mỹ

Từ online đến ngoài đời

Tuy nhiên, sự việc được báo chí quốc tế ghi nhận nhiều nhất bằng tiếng Anh nhất là hình ảnh hàng nghìn bạn trẻ sỉ nhục lá cờ vàng khi nó được triển lãm trong bảo tàng quân sự năm 2024.

"Lá cờ thoạt tiên được treo trang trọng trong tủ kính. Sau đó xuất hiện trào lưu đứng cạnh chụp ảnh, giơ ngón tay giữa hàm ý chửi rủa, gạch chéo, chổng mông, chế ảnh thành giẻ chùi chân và giấy vệ sinh lồng vào tủ kính."

"Bảo tàng không hề có biển nhắc nhở những hành động vô văn hóa đó. Họ hạ lá cờ xuống, gấp nhỏ lại, ghi rõ 'cờ ngụy'."

"Những tấm ảnh và lời lẽ xúc phạm tiếp tục tràn ngập trên mạng."

"Còn đóng đinh. nỗi đau x2." "Đây là khu vực trưng bày rẻ chùi đ*t của các cụ mình đúng ko nhỉ." "Sao ko để cái Zẻ kia dưới sàn ngay cửa ra vào ! Cho mọi người chùi chân cho sạch." "Các cụ bảo cho con cháu biết. Băng vệ sinh phụ nữ ban đầu hình thù như thế nào thôi!"

(Chia sẻ của tác giả: Trong một buổi phỏng vấn, nhân vật của tôi, một doanh nhân, đưa ra quan điểm rằng: "Chúng ta đã hòa hợp lắm rồi. Bây giờ ai mặc áo có in hình cờ Mỹ lại thành thời trang."

Tôi thấy anh lệch chủ đề nên gợi ý: "Chúng ta đang nói về hòa giải giữa người Việt với nhau, vậy điều đó có áp dụng với lá cờ của chế độ Sài Gòn không?"

Nhân vật nghe xong thì lập tức sẵng giọng, nói rất gay gắt: "Hỏi thế là khiêu khích. Câu hỏi đó nhằm mục đích khiêu khích đúng không?")

Một số bức hình chụp ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cảnh người trẻ phỉ báng lá cờ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Hình ảnh một số người trẻ tuổi đả kích cờ vàng ba sọc đỏ trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hồi năm 2024

Từ trong nước ra hải ngoại

"Cờ vàng ở hải ngoại không chỉ mang tính chính trị mà còn là một biểu tượng văn hóa, nên nó xuất hiện ở mọi nơi." "Tuy nhiên, với những kẻ cực đoan, một người yêu nước tuyệt đối không được phép đứng cạnh lá cờ đó."

"Phải né ra, phải xé nó đi, phải xả xuống bồn vệ sinh. Nếu thấy trong nhà người mình ngủ nhờ thì phải hạ nó xuống, giấu nó đi. Không thể ngủ với cái giẻ rách treo trên đầu thế được."

"Đây không phải là lời nói đùa. Năm 2021 có một du học sinh tại Úc đã giật lá cờ vàng trên phố, giẫm đạp, chửi rủa, tự quay clip, rồi đưa lên mạng. Mấy đứa nhóc đi cùng còn tự hào tuyên bố chúng đại diện cho 90 triệu người Việt."

"Báo chí Úc ngạc nhiên và dậy sóng. Nhóm học sinh bị đình chỉ học tập. Cảnh sát bắt tay vào điều tra."

"Sự việc đang căng thì báo Bình Phước đổ dầu vào lửa: 'Cái mà du học sinh kia giật xuống chỉ là một tấm vải màu vàng và có ba sọc đỏ mà dân dã thường gọi là 'ba que'. Nó [...] chỉ là ảo vọng về một chính quyền bù nhìn đã trở thành thây ma từ gần nửa thế kỷ nay'." (Bài Cần hiểu đúng sự thật ngày 1/6/2021).

"Cộng đồng người Việt nổi giận. Bộ Di trú phải vào cuộc, và học sinh Dương Đức Thịnh bị trục xuất về Việt Nam."

Gần đây nhất, vào ngày 30/4/2025, theo thông lệ hàng năm, "những người Việt tị nạn ở Úc tổ chức tưởng niệm ngày mất nước. Một phụ nữ Việt Nam đã đỗ xe cạnh đoàn người cầm cờ vàng, bật nhạc cách mạng ra loa ngoài.' Mọi người phản đối dữ dội, phải nhờ đến cảnh sát can thiệp."

"Các trang yêu nước đồng loạt tung hô." "Chị gái Hải Phòng như anh hùng khiêu vũ giữa bầy sói." "Con cháu bà Trưng bà Triệu." "Như chị Võ Thị Sáu." "Chúng mày làm đám ma thì chị tao bật nhạc đám cưới. Có gì sai?" "Đứng im. Chúng mày đã bị một mình tao bao vây."

"Hãy thử tưởng tượng cảnh đó ngày 30/4 ở Việt Nam, cô gái kia hẳn đã bị nghiến chết." "Nhưng đây mới là điều đáng lo ngại hơn, cuộc nội chiến trên mạng đang dần biến thành những cuộc đối đầu thực sự ngoài đời."

Bài trừ biểu tượng cộng sản

Ở chiều ngược lại, "việc một lá cờ đỏ xuất hiện ở giữa cộng đồng người tị nạn hải ngoại hiện nay cũng là điều chưa thể."

"Nhiều người bên này coi cờ vàng là biểu tượng quê hương, và cờ đỏ là thứ tà thuyết cộng sản đã đem lại khổ đau cho quê hương ấy." "Họ rất yêu Việt Nam, họ chỉ hận thù cờ cộng sản. Họ gọi đó là cờ máu."

"Năm 2023, một hội chợ Tết ở Canada đã khiến cộng đồng người Việt nổi giận khi trong một video trình chiếu, hình ảnh cờ đỏ xuất hiện ngay sau cờ vàng, kéo dài chừng 10 giây. Ban tổ chức đã phải xin lỗi."

"Cũng ngay tại hội chợ đó, ban tổ chức lấy lý do phi chính trị để cấm luôn mọi lá cờ, kể cả cờ vàng. Sự kiện này khiến ai cũng nghĩ cô Kelly Lê đã bị chính phủ Việt Nam mua chuộc, trở thành cộng sản nằm vùng sau lần cô về thăm quê hương."

Xa hơn một chút, "năm 1999, ông Trần Trường - một người có xuất xứ thuyền nhân - đã treo cờ và ảnh Hồ Chí Minh trong tiệm thuê băng do ông làm chủ. Hành động đó châm ngòi cho những cuộc biểu tình, có lúc tới hơn chục ngàn người, kéo dài gần 2 tháng. Ông Trường sau đó phải dẹp tiệm, vào tù vì tội sang băng lậu."

"Sự kiện 53 ngày đêm biểu tình đó là một bước ngoặt trong cộng đồng tị nạn tại Mỹ. Lần đầu tiên họ nhận thức rõ sức mạnh của cờ vàng. Nhiều bạn trẻ nghiêm túc đi vào con đường chính trị sau sự kiện này. Cộng đồng cũng trở nên đoàn kết hơn khi họ nhận thấy nỗi đau của mình không bị lãng quên."

Gần đây nhất, vào ngày 30/4/2025, "đại sứ Đặng Hoàng Giang chia sẻ hình ảnh cờ đỏ choán hết bề mặt của tấm biển quảng cáo khổng lồ trên quảng trường trung tâm New York". "Phe thân chính quyền reo hò vì 'cờ đỏ đã đánh bại cờ vàng ở hang ổ ẩn nấp cuối cùng trên chốn lưu vong'."

"Những thông tin về lá cờ đó sau này bị hạ xuống. Người ta đồn tấm ảnh là giả. Sáu ngày sau, thông tin chính phủ khẳng định là thật, nhưng không đăng lại ảnh."

"Tấm ảnh đó thật giả chưa biết. Nhưng cuộc nội chiến đỏ vàng trên cõi phây thì là thật."

Ai thuộc về khối Đại đoàn kết?

Đoàn kết với ai?

"Khi cụ Hồ dùng khái niệm 'đại đoàn kết dân tộc' để tập hợp lực lượng chống Pháp, cụ kêu gọi tất cả mọi tầng lớp: bần nông, địa chủ, tư sản, cộng sản… cùng đánh giặc. Ai cũng được, miễn là yêu nước."

"Tiếc là khi cách mạng vô sản thành công, bần nông lên làm chủ. Đấu tranh giai cấp tiêu diệt địa chủ và tư sản, xóa tên họ khỏi khối đại đoàn kết."

"Sau năm 75, sai lầm lặp lại lần thứ hai. Đấu tranh giai cấp lại gạt ra ngoài khối đại đoàn kết những người làm cho chế độ cũ, những người còn trân trọng giá trị văn hóa - kinh tế của miền Nam."

"Lời phát biểu của ông Tô Lâm hôm 30/4/2025 rất chính xác, rằng người Việt khắp nơi tuy có quan điểm khác nhau nhưng đều yêu nước thương nòi."

"Nhiều quan chức khác không nói được thế. Với họ, khối đại đoàn kết vẫn bỏ qua tiêu chuẩn quan trọng nhất: yêu thương quê hương ngàn năm của người Việt."

"Nếu bạn yêu đất nước này, nhưng nói khác, nghĩ khác với diễn ngôn của chính quyền, phê phán chính quyền hay vẫn còn đau đớn với kiếp nạn trong quá khứ… thì bạn sẽ bị gạt ra ngoài."

(Nhân vật diễn giải lời của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trong bài Gác lại quá khứ không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và chân lý trên Quân đội Nhân dân ngày 28/4/2020.)

Nói cách khác, "không đồng ý với chúng tôi thì đừng mong chúng tôi hòa hợp."

"Ủa, điều kiện vậy thì còn cần nói đến hàn gắn để làm gì? Có khác biệt thì mới cần phải hòa hợp, mới cần tìm cách kết nối để xây dựng thành khối đại đoàn kết chứ?"

"Khi đẩy ra ngoài những bộ phận người Việt mà ta 'không muốn đoàn kết', thì nó còn là khối 'đại đoàn kết' nữa hay không?"

Ông Nguyễn Cao Kỳ - từng là thủ tướng, phó tổng thống và là một tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa – trở về Hà Nội vào năm 2004.

Ông Nguyễn Cao Kỳ - từng là thủ tướng, phó tổng thống và là một tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa – trở về Hà Nội vào năm 2004

Ai là người Việt?

"Chính vì khái niệm 'khối đại đoàn kết' bị định nghĩa hẹp hòi như vậy, chúng ta bị thiệt hại rất lớn khi thành công của người Việt hải ngoại không trở thành niềm tự hào, thành bàn đạp và cơ hội phát triển cho người Việt trong nước."

"Cách đây mấy năm, Quan Kế Huy đoạt Oscar. Trong bài diễn văn nhận tượng vàng, báo chí Việt Nam bỏ luôn từ 'thuyền nhân' và 'trại tị nạn'."

"Lẽ ra một sự kiện như thế phải là niềm cảm hứng và cơ hội hợp tác tuyệt vời cho điện ảnh nước nhà. Nhưng không. Dân mạng chỉ bận cãi nhau xem chúng ta có nên tự hào với một người sinh ra ở Việt Nam, có bố mẹ là người gốc Hoa, rồi lại còn có quá khứ vượt biên hay không."

"Gần đây, khi Amanda Nguyen trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ, báo chí khắp thế giới ca ngợi. Báo chí trong nước giật tít 'Tự Hào Việt Nam'."

"Lẽ ra một sự kiện như thế phải trở thành mốc son cho 'kỷ nguyên vươn mình' của khoa học nước nhà." "Nhưng tới khi lý lịch thuyền nhân của cô được chia sẻ ('Mẹ băng qua đại dương để con có thể chạm vào bầu trời') thì video 'Xin chào Việt Nam' và các bản tin về cô đầy rẫy những lời thóa mạ."

"Đi du lịch có mấy phút mà tự nhận là phi hành gia." "Trần đời chưa thấy ai Cali mà lại yêu nước." "Con Amanda Nguyen này sinh ra tại bang của phân Việt Nam: California-///". Nó sinh ra trước khi Việt Nam- Mỹ đặt quan hệ bình thường. Con này là dân Cali chính gốc. Có Facebook vô ghẹo family của nó nào Mọi Người."

Phe còn lại chửi rằng: ''Kèo thơm gốc Việt, kèo thối Cali." "Thành công = gốc Việt, thất bại = lưu vong, vượt biên = phản động, gửi tiền = kiều bào, lên tiếng = 3 triệu.

Khoảng cách thế hệ

Tiểu phấn hồng

Một quan sát được nhiều nhân vật chia sẻ là xu hướng cực đoan của những "chiến binh trẻ" trên mạng, gần giống những "hồng vệ binh" trong "Cách mạng Văn hóa". Thời kỳ đó, nhiều trẻ em đã tham gia "đánh chết hàng loạt giáo viên và đảng viên lão thành". Trong không gian mạng sau này, những bạn trẻ cực đoan như vậy bị gọi là "tiểu phấn hồng".

"Ở Việt Nam, mỗi khi có chuyện là không khí đấu tố hừng hực thời cải cách ruộng đất tràn về." Những "tiểu phấn hồng" "càn quét các diễn đàn với từ ngữ tục tĩu, phân tích hùng hồn như có ông cố ông sơ nhập vào."

"Họ vốn chưa trưởng thành, lại thêm tâm lý muốn khẳng định bản thân, nên khi được 'trao quyền lực', 'trao chính nghĩa', 'có chính danh,' họ trở nên hưng phấn, sẵn sàng thực thi bạo lực cách mạng."

Kiểm duyệt ngược lại chính quyền

Với "oai quyền của hồng vệ binh, những nhóm bạn trẻ này tấn công cả tiếng nói đại diện cho quyền lực chính thống như báo đài lề phải, Trung ương Đoàn và những phát ngôn của lãnh đạo."

"Đôi khi chúng tôi phát mệt vì suốt ngày bị 'tag,' bị réo gọi trên các bình luận: 'Các chú công an ơi, báo Tuổi Trẻ lại 'phổng đạn' rồi."

"Khi tên của nhà bác học Trương Vĩnh Ký xuất hiện ở một chương trình danh nhân, ban biên tập bị cho là có 'Việt Tân nằm vùng', 'hậu duệ của Việt gian'. Lũ tiểu phấn hồng đòi phải 'xử bắn mới đúng tội'." Giám đốc VTV bị nhục mạ: "đứng đầu nhà đài lại là uvbct [ý nói là ủy viên Bộ Chính trị; thực ra tổng giám đốc VTV thường là ủy viên Trung ương Đảng, không phải ủy viên Bộ Chính trị - tác giả ghi chú] vậy thì còn [***] gì là một tổ chức Đảng, đảng của dân hay lại là một đảng ma đã bị ngụy ba que tha hóa."

"Thậm chí hồi ông Tô Lâm nói 'Sài Gòn từng được coi là Hòn Ngọc Viễn Đông' thì một số trang thân chính quyền cũng bật lại cả nhân vật được coi là có quyền lực tối cao này."

"Chúng ta đã đào tạo ra một thế hệ bảo hoàng hơn vua, sẵn sàng hạ bệ những lãnh đạo dám cách tân, sẵn sàng hạ sát những bàn tay đã tạo ra chúng."

Tifosi, một trang có lập trường thân chính phủ, từng có bài viết cho rằng Tổng Bí thư Tô Lâm "không chính xác" khi nói rằng vào thập niên 50-60, người Singapore mơ ước sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị

Tifosi, một trang có lập trường thân chính phủ, từng cho rằng Tổng Bí thư Tô Lâm "không chính xác" khi nói rằng vào thập niên 50-60, người Singapore mơ ước sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị

Cấm đoán tạo ra cực đoan

"Thế hệ trẻ ngày nay không biết đến chiến tranh, không bị cải tạo, vượt biên… nhưng lại thừa hưởng ký ức thứ cấp từ gia đình, trường học và mạng xã hội." "Đó cũng là những ký ức một chiều," "lấp lửng, bị cấm đoán, hoặc bị huyền thoại hóa."

"Những ký ức đối chọi và mơ hồi đó thúc đẩy trí tò mò của người trẻ." "Sự áp đặt của các diễn ngôn chính thống và sự hung hãn của phe chuyên đi 'chụp mũ ba sọc' khiến sự tò mò càng mãnh liệt hơn". "Càng bị chửi, di sản miền Nam càng được đào bới lại và lan tỏa hơn."

"Khi phát hiện ra những gì dạy ở trường có thể sai, họ bị sốc sự thật."

Tuy nhiên, trong nỗ lực lội ngược dòng tìm kiếm sự thật, họ phải đối mặt với (1) "sự thiếu hụt các nguồn kiến thức khoa học độc lập", (2) "sự vắng bóng của những giáo viên dũng cảm, bao dung", và quan trọng nhất là (3) "không có một không gian an toàn để lịch sử được nhìn nhận đa chiều."

"Sốc sự thật" chỉ là điểm khởi đầu của con lắc. Chính sự thiếu hụt các yếu tố để "sự thật được đa chiều" mới khiến con lắc không quay trở về vị trí trung tính. Ngược lại, nó đẩy nhiều bạn trẻ văng qua cực bên kia, trở nên cực đoan theo chiều ngược lại."

"Họ phủ nhận sạch trơn mọi cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo, coi sách giáo khoa lịch sử 100% là những lời dối trá, chế độ Sài Gòn là biểu tượng của văn minh không tì vết, và mọi hy sinh của người Việt đều là kết quả của những toan tính chính trị sai lầm."

"Một bên là chính quyền có trong tay các chế tài pháp luật. Một bên chỉ là những cá nhân bất kỳ lúc nào cũng có thể bị đấu tố, bắt bớ." "Sự phân cực chính trị ở Việt Nam không hề có cân bằng quyền lực".

"Nó thậm chí không còn tính chính trị như trong cặp đối lập 'cực tả - cực hữu'. Nó mang màu sắc đạo đức: 'yêu nước - phản động'." "Nó không còn là 'phân cực chính trị' mà là 'bạo lực chính trị'."

Nhưng cũng chính vì thế, "nó mang âm hưởng của cách mạng." "Bị gọi là phản động, nhưng họ lại thấy mình như những chiến sĩ cảm tử, đánh nhau với cối xay gió, đòi lại công bằng cho lịch sử."

Khi giữa hai chiến tuyến "không có vùng đệm, vùng phi quân sự" để lịch sử được đa chiều, "tư tưởng ta-địch khiến quan điểm nhanh chóng bị cực đoan hóa, dạt về hai phía đối đầu."

"Ở thế hệ này, sự chia cắt không nằm ở thù hận, mà là không còn nơi chốn nào để những tiếng nói có cơ hội gặp nhau."

Tại sao chúng ta phân cực?

Phân cực

Nguồn hình ảnh,Getty Images\BBC

Di sản cuộc chiến ý thức hệ và chủ nghĩa cộng sản

Những nhân vật được trích dẫn ý kiến trong bài viết kỳ trước cho rằng tính chất "đấu tranh giai cấp" của chủ nghĩa cộng sản chính là "niềm cảm hứng của cuộc chiến thời hiện đại."

Tuy tính giai cấp đã biến mất, nhưng sự hằn thù chính là biểu hiện cực đoan của "kiêu ngạo cộng sản", "độc quyền chân lý," "chủ nghĩa đồng ca," và "bạo lực cách mạng" trong việc xác định ai là "kẻ thù của nhân dân" để tiêu diệt chúng.

"Cách áp dụng khái niệm 'cách mạng không ngừng' (permanent revolution) cũng thúc đẩy tư tưởng ta-địch, gián tiếp cho phép chính quyền duy trì vai trò của mình trong vị trí lãnh đạo."

"Có lẽ nhu cầu khẳng định tính chính danh đôi khi gấp gáp hơn nhu cầu hòa hợp dân tộc?"

Biểu hiện của dân chủ

Nhưng có khác biệt chính kiến tức là có dân chủ.

Dù thiếu vắng một "không gian chính trị an toàn" và "hoàn toàn lép vế trong cán cân quyền lực," việc những người "phản đối diễn ngôn của chính quyền vẫn tồn tại là tín hiệu của hy vọng." Chỉ có "sự cực đoan và hung hãn của thiểu số mới là thứ nguy hiểm."

Biểu hiện của lợi quyền cá nhân

Tuy nhiên, rất có thể sự hận thù trên mạng chỉ là cách "một số bạn trẻ hiểu nhầm rằng, để được tiến thân, thành đạt, lọt vào mắt xanh của lãnh đạo" thì phải "thể hiện ra ngoài theo cách như vậy."

"Thằng cháu tôi có mục tiêu vào đại học công an, nên nó cố gắng vào Đảng từ hồi trung học. Trên mạng, nó cố gắng làm mọi cách để bí thư Đoàn và thầy cô giáo thấy là nó sẵn sàng đấu tranh chống lại các 'luận điệu phản động'."

"Tụi trẻ con bây giờ hiểu rất rõ chúng ta đang hướng tới một nền tư bản đỏ. Đây không phải câu chuyện của lý tưởng mà là câu chuyện của sự thực dụng."

Biểu hiện của tranh chấp lợi ích nhóm

"Một chính quyền cứng rắn như Việt Nam thừa sức dập tắt các xung đột trên mạng như thế này trong phút mốt, nếu họ muốn." "Chỉ cần chính quyền dùng sức mạnh 'tập quyền chính trị' của mình để xóa mấy cái 'chuồng bò' chuyên đi chửi ba sọc là hòa hợp dân tộc đã tiến một bước dài rồi."

"Nội chính Việt Nam luôn có âm hưởng của chính trị vùng miền và chính trị của nhóm lợi ích." "Điều đó là bình thường. Việt Nam tuy không đa đảng, nhưng về nguyên tắc, trong nội bộ của bất kỳ một tổ chức nào, mâu thuẫn là điều tất yếu."

"Bảo đó là thuyết âm mưu cũng được, nhưng tôi đoán rằng, đằng sau cờ đỏ - cờ vàng, thân chính quyền - anti chính quyền… về thực chất là quyền lợi phe phái."

"Nếu không tại sao một số post ca ngợi ông Tô Lâm lại bị mạng xã hội thông báo là hạn chế tương tác? Tại sao một số phát biểu rất chí lý của ông ấy lại bị những trang 'bò đỏ' phản đối?"

"Nếu đúng là có xung đột phe phái thì đây là một dạng hận thù có kiểm soát." "Người Việt thực ra không thù nhau đến thế."

Bàn tay của Trung Quốc

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khá mạnh mẽ lại cho rằng, "chia rẽ nội bộ người Việt là mưu đồ của kẻ láng giềng thâm độc."

"Tôi không tin chính quyền thực sự thả lỏng để sự thù hằn được dung dưỡng như vậy. Ai cũng thấy nó có hại cho đất nước."

"Một dân tộc xóa được oán hận, kết nối được tiềm lực trong nước và hải ngoại, nội bộ chính quyền đoàn kết một lòng, con dân hai miền Nam Bắc không kỳ thị về quá khứ của nhau… chỉ bất lợi cho Trung Quốc."

"Và tôi hỏi thật, liệu bao nhiêu phần trăm những comment thù hằn, chửi rủa người chế độ cũ, sỉ nhục cờ vàng, thóa mạ người Việt ở hải ngoại… là của tình báo Hoa Nam?"

"Trái bóng của hòa hợp dân tộc chắc gì đang ở trong chân của hai phe Việt Nam? Có khi nó đang ở trên sân Bắc Kinh không biết chừng."

Tóm lại, những ý kiến trong bài viết này cho rằng, sự phân hóa chính trị cực đoan trên mạng xã hội là biểu hiện của di chứng chiến tranh chưa thực sự được hàn gắn.

Tuy nhiên, những giả thiết về nguyên nhân không chỉ bó gọn trong di sản của ý thức hệ mà còn có thể bắt nguồn từ lợi ích nội tại và sự can thiệp của ngoại bang.

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo

Bài 6: Khúc ruột ngàn dặm - di sản hải ngoại

  • Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực ứng dụng Khoa học Não bộ vào Giao tiếp-Quản trị đa văn hóa và Phát triển năng lực cá nhân. Đây là một phần trong loạt bài viết về nghiên cứu hòa hợp dân tộc của tác giả.
  • Theo BBC

Comments (0)

    Attach images by dragging & dropping or by selecting them.
    The maximum file size for uploads is 10MB. Only gif,jpg,png files are allowed.
     
    The maximum number of 3 allowed files to upload has been reached. If you want to upload more files you have to delete one of the existing uploaded files first.
    The maximum number of 3 allowed files to upload has been reached. If you want to upload more files you have to delete one of the existing uploaded files first.
    Posting as

    Comments powered by CComment

    Tin liên quan

    Bài viết Khác

    Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

    Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới thongtanxa247@gmail.com