Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ cho biết dự kiến luật Cảnh sát cơ động sẽ được biểu quyết thông qua vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022.
Tin này được tường thuật khi ông Vương Đình Huệ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (CSCĐ), Bộ Công an sáng 27/1.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng được báo Công an Nhân dân dẫn lời nói về sự cần thiết nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến về Luật CSCĐ, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Vào tháng 10 năm 2021, các đại biểu Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, khi đó cho rằng việc ban hành Luật này sẽ "khắc phục hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động".
Theo dự thảo luật, cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân Việt Nam là "lực lượng vũ trang nhân dân, chuyên trách, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật".
Dự thảo luật bổ sung thêm hai quyền hạn mới cho CSCĐ.
Thứ nhất, được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Quyền hạn thứ hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.
Sử dụng vũ khí
So với Pháp lệnh, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã bổ sung quyền của Cảnh sát cơ động, đó là quyền "Được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động".
Khoản 1 Điều 14 của dự thảo luật nói: Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Về trang bị, điều 19 nói: Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại.
Hôm 26/10/2021, khi thảo luận ở Quốc hội về dự thảo luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói: "Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều phương tiện bay không người lái siêu nhẹ được sử dụng rộng rãi trong đời sống, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ."
Theo BBC
Comments powered by CComment