Group News: Tin copy

Việt Nam vừa lên tiếng phản đối gay gắt kế hoạch của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc áp thuế chống bán phá giá trên 410% đối với các sản phẩm mật ong nguyên liệu của Việt Nam.

 
Một người lấy mật tại một trang trại ong ở Mộc Châu.

Một người lấy mật tại một trang trại ong ở Mộc Châu.

Trả lời báo chí hôm 17/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, và đề nghị các biện pháp của Hoa Kỳ trong vấn đề này “phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của WTO, không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và doanh nghiệp của Việt Nam.”

“Việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến như trên đối với mặt hàng mật ong của Việt Nam sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu chính”, bà Hằng nói.

Danh sách các doanh nghiệp Việt Nam bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào kế hoạch áp thuế chống bán phá giá trên sản phẩm mật ong. Photo: govinfo.gov.
Danh sách các doanh nghiệp Việt Nam bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào kế hoạch áp thuế chống bán phá giá trên sản phẩm mật ong. Photo: govinfo.gov.

Trước đó, tháng 5/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra thông báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Cuối năm 2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này lên hơn 410%, cao gấp đôi so với mức thuế Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đề xuất ban đầu là 207%.

Từ một cuộc điều tra từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/3/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định sơ bộ rằng mật ong nguyên liệu từ Việt Nam đang được bán tại Hoa Kỳ với giá trị thấp hơn giá trị hợp lý (LTFV) và quyết định áp mức thuế CBPG đối với các sản phẩm từ 19 nhà sản xuất mật ong Việt Nam từ 410.93% đến 413.99%, trong đó có 12 nhà sản xuất bị áp mức thuế 412.49%.

Mức thuế sơ bộ hơn 410% này dự kiến sẽ được áp chính thức vào tháng 4/2022.

 

Bà Hằng cho biết thêm rằng biện pháp đánh thuế của Hoa Kỳ sẽ gây tác động bất lợi đến ngành trồng trọt của Việt Nam trong đó ong nuôi giúp thụ phấn hoa. Bà nói: “Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm, sinh kế của nhiều gia đình nuôi ong và nông dân, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên của Việt Nam.”

Người phát ngôn cho biết thêm rằng hiện Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam đang tiến hành trao đổi với phía Hoa Kỳ ở các cấp khác nhau để giải quyết vụ việc.

Vị quan chức này cho biết thêm rằng Việt Nam sẵn sàng và thường xuyên trao đổi với Hoa Kỳ thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước.

 

Vào tháng 12/2021, phản ứng về kế hoạch áp thuế CBPG của DOC đối với mật ong Việt Nam, đại diện Bộ Công thương Việt Nam nói phía Mỹ đã “sử dụng dữ liệu một cách thiên vị và không công bằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 50,7 nghìn tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Hoa Kỳ.

Truyền thông Việt Nam cho biết hiện tổng sản lượng mật ong của Việt Nam đạt bình quân 57.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, với 95% lượng xuất khẩu của Việt Nam là vào thị trường Mỹ.

Theo VOA


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.