Group News: Tin copy

Dưới thời chủ tịch Jerome Powell, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) chưa bao giờ lường trước rằng lạm phát sẽ trầm trọng và dai dẳng như vậy. Sau nhiều năm trầm lắng, lạm phát hiện quay trở lại với tốc độ chóng mặt, trong bối cảnh thiếu hụt lao động và nguồn cung cấp dù nền kinh tế đang có nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, theo AP hôm Thứ Tư, 13 Tháng Bảy.

Lạm phát do COVID-19 có thể làm Mỹ bị khủng hoảng kinh tế

Trong thời gian 12 tháng, kết thúc vào Tháng Sáu, chỉ số giá tiêu dùng do chính phủ công bố tăng vọt lên 9.1%, mức tăng hằng năm nhanh nhất kể từ 1981. Giá nhiên liệu thì tăng gần 42% trong 12 tháng qua. Lạm phát tăng đến 5.9% trong năm qua.

Giá cả thực phẩm Mỹ đang tăng kỷ lục.(Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Người tiêu dùng chịu ảnh hưởng từ lạm phát hằng ngày. Giá xăng tăng 61% trong năm qua, Trang phục nam giới tăng 25%. Vé máy bay tăng 34%. Giá trứng tăng 33%. Xúc xích tăng 14%.

Mỹ từng chịu cảnh lạm phát tồi tệ hơn như vậy, nhưng đó là việc của hàng thập niên trước. Còn trong nhiều tháng qua, ông Powell và nhiều người khác chỉ xem lạm phát cao là “hiện tượng nhất thời” khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch nhanh hơn dự đoán.

Giá các loại thực phẩm thông thường đều tăng cao. (Hình minh họa: Saul Loeb/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên giờ đây các nhà kinh tế đều dự trù lạm phát sẽ tiếp tục tăng mạnh sau năm nay. Vì vậy Fed đổi hướng, thực hiện “hạ cánh mềm,” tức là làm chậm nền kinh tế đủ để kiềm chế lạm phát nhưng không gây suy thoái bằng các đợt tăng lãi suất.

Nhìn tổng thể nền kinh tế hiện tại có vẻ vững mạnh, với thị trường việc làm ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng nhiều nhà kinh tế cảnh báo việc Fed thắt chặt tín dụng có thể dẫn đến suy thoái.

Điều gì gây ra lạm phát?

Khi đại dịch làm tê liệt nền kinh tế vào đầu năm 2020, doanh nghiệp lần lượt đóng cửa, cắt giảm đầu tư hoặc cắt giảm giờ làm. Giới chủ nhân cắt giảm đến 22 triệu việc làm. Sản lượng kinh tế của năm sụt giảm kỷ lục 31% từ Tháng Tư đến Tháng Sáu, 2020.

Thay vì chìm vào suy thoái kéo dài, nền kinh tế phục hồi một cách bất ngờ nhờ trợ giúp từ chính phủ và các chính sách của Fed, cũng như việc chích vaccine giúp mọi người quay trở lại cuộc sống hằng ngày.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, rất âu lo về lạm phát. (Hình minh họa: Win McNamee/Getty Images)

Nhưng việc phục hồi quá nhanh cũng tạo ra vấn đề. Khi đó, doanh nghiệp đột ngột phải hoạt động lại để đáp ứng nhu cầu. Họ không tuyển đủ người, cũng không có đủ nguồn cung cấp hàng hóa. Bên cạnh đó các cảng và bãi vận chuyển không thể giải quyết kịp lượng hàng hóa, kéo theo chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn. Nhu cầu tăng và nguồn cung cấp giảm đẩy chi phí tăng vọt. Do đó các công ty đẩy giá lên cao.

Khi lạm phát xuất hiện, các nhà phê bình chỉ trích biện pháp trợ giúp $1.9 ngàn tỷ của Tổng Thống Joe Biden khiến nền kinh tế nóng lên quá nhanh. Một số người đổ lỗi lạm phát do việc thiếu hụt nguồn cung cấp. Một số người khác nghĩ rằng việc Fed giữ lãi suất ở mức gần 0 quá lâu, khiến nhiều người đi vay tiêu xài hoang phí, làm tăng giá cổ phiếu, nhà cửa và các tài sản khác.

Mỹ là nước duy nhất chịu ảnh hưởng từ lạm phát?

Tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều lâm vào tình trạng này. Giá cả toàn cầu đang tăng, một phần do cuộc chiến Nga – Ukraine, một phần do chuỗi cung ứng tắc nghẽn. Có những quốc gia đang trên đà phá sản kinh tế, điển hình là ở Sri Lanka, dẫn đến các biến động chính trị.

Giao thông trên xa lộ ở Panama bị gián đoạn do dân chúng biểu tình phản đối vật giá leo thang. (Hình: Rogelio Figueroa/AFP via Getty Images)

Dữ liệu từ Eurostat cho thấy rằng lạm phát sẽ chạm mốc 8.6% ở 19 nước sử dụng đồng euro. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo giá tiêu dùng ở các nước phát triển tăng 5.7% trong năm nay, cũng như lạm phát sẽ đạt mức 8.7% ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Lạm phát kéo dài trong bao lâu?

Không ai biết câu trả lời chắc chắn cả. Khi mà các công ty vẫn còn phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu thị trường thì lạm phát sẽ còn kéo dài.

Fed dự đoán lạm phát sẽ duy trì trên mức mục tiêu 2% vào năm 2024. Tuy nhiên giá cả hiện tại có thể giảm. Giá dầu giảm do lo ngại suy thoái kinh tế. Chuỗi cung ứng có dấu hiệu cải thiện, ít nhất trong những ngành như vận tải. Lương cũng tăng chậm lại. Tỷ lệ người Mỹ nghĩ lạm phát kéo dài cũng giảm bớt.

Đồng thời các chính sách chống lạm phát của Fed cũng có thể làm giảm nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó những đợt bùng phát dịch COVID-19 cũng rất dễ tạo nên cảnh nhà máy đóng cửa, người dân ở nhà và nhu cầu hàng hóa giảm.

Giá cao ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng?

Mức lương của người lao động đang phần nào giúp họ đối phó với vật giá leo thang, nhưng vẫn không đủ bù đắp giá cả. Bộ Lao Động cho biết nếu tính dựa trên giá tiêu dùng, thì thu nhập hằng giờ của nhân viên công ty tư nhân giảm 3.6% so với một năm trước. Nhưng vẫn có ngoại lệ như lương sau lạm phát của nhân viên khách sạn tăng 4% và của nhân viên quán bar tăng 3%.  

Theo V.Giang/NV


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.