Group News: Tin copy

Các hãng hàng không đang cân nhắc lại việc triển khai chặng đường dài khi hành khách bắt đầu lưu tâm sử dụng phương tiện bay trở lại. Mọi sự rồi sẽ diễn ra theo hướng nào?

Getty Images

Qantas, hãng hàng không quốc gia Úc mới đây đã làm nên lịch sử bằng việc thực hiện chuyến bay thẳng chở hành khách giữa Nam Mỹ và Australia. Hãng sử dụng tàu bay Boeing 787 Dreamliner khởi hành từ Buenos Aires vào hơn 12 giờ trưa giờ địa phương. Sau khi bay liền tù tì chừng 9.300 dặm (14.973km) trong hơn 17 giờ, chuyến bay mang số hiệu QF 14 đã hạ cánh ở Darwin.

Với sự kiện này, Qantas đã lập hai kỷ lục nội bộ của hãng: khoảng cách bay xa nhất và thời gian bay liên tục trên không lâu nhất đối với một chuyến bay dân dụng.

Cơ trưởng Alex Passerini, người chỉ huy chuyến bay QF 14, sau chuyến bay nói: "Qantas luôn vượt qua thử thách, đặc biệt là khi thực hiện các chuyến bay đường dài. Chuyến bay này là một ví dụ hoàn hảo về năng lực và sự quan tâm đến từng chi tiết của đội ngũ lập kế hoạch bay của chúng tôi."

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, thực hiện chuyến bay dài hơi như vậy không phải là điều hoàn toàn mới.

Vào thời thập niên 1930, máy bay Pan Am thường xuyên bay vượt Thái Bình Dương. Hành khách trên chiếc Honolulu Clipper có những chuyến bay 20 giờ giữa Hawaii và lục địa Hoa Kỳ.

Qantas cũng thực hiện các chuyến bay như vậy một thập kỷ sau đó. Năm 1943, hãng bay Flying Kangaroo khai trương tuyến đường giữa Ceylon (nay là Sri Lanka) và Australia, các tàu bay của hãng đã thực hiện chuyến bay trong vòng 33 giờ. Hành khách của chuyến bay này sau đó được tiếp nhận tham gia chuyến đi có tên gọi "Hành trình kỳ bí, quý hiếm, hai lần ngắm mặt trời mọc" do họ sẽ hai lần được nhìn thấy ánh dương bừng sáng trong suốt hành trình.

Thế kỷ 21 tiếp tục chứng kiến xu hướng bay thẳng đường dài.

Năm 2004, Singapore Airlines gây chú ý khi khai trương tuyến bay giữa New York và Singapore; với khoảng cách hơn 9.500 dặm (15.289km), hành trình có thể mất tới 19 giờ bay - tùy thuộc hướng gió.

Tuyến bay từ Doha đến Auckland, New Zealand của Qatar Airways với khoảng cách 9.000 dặm (14.484 km) ít nhọc nhằn hơn một chút. Hành khách trên chiếc Boeing 777 trải qua 10 múi giờ và gần như toàn bộ chiều dài của Ấn Độ Dương, lục địa Australia và biển Tasman trước khi đến được Auckland - thành phố của những cánh buồm. Hành trình này diễn ra trong bao lâu? 18 giờ.

Những kỳ tích tương tự được trông đợi là sẽ diễn ra vào cuối năm nay, khi United Airlines và American Airlines triển khai bay giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Du ngoạn như vậy dĩ nhiên là thú vị, nếu không phải hứng chịu những phiền toái của việc di chuyển bằng đường hàng không.

Có một điều chắc chắn, đó là không có gì hấp dẫn khi phải chôn chân trong một ống kim loại dài bịt kín. Cứ di chuyển như vậy với những hành trình quá lâu, con người ta có thể sẽ trở nên bức bối. Khi hành khách cáu kỉnh, chuyến bay trở nên kém thoải mái hơn; và nếu điều đó không mang lại sự vui thích, thì sao lại phải bay cho khổ đời?

Những khách hàng bay sớm đã may mắn hơn. Giá vé cao dẫn đến việc hạn chế lượng hành khách, kết quả là chỉ một số ít người được lựa chọn có thể trải nghiệm dịch vụ sang trọng trong những giờ đồng hồ trên không trung.

Getty Images

Các hãng hàng không nỗ lực thu hút hành khách trở lại du lịch bằng tàu bay sau đại dịch Covid

Hành khách ngày nay muốn bay xa hơn, bay nhanh hơn và có phong cách hơn - hưởng tất cả những ưu việt này trong lúc chỉ cần phải trả ít tiền hơn.

Để đáp ứng những nhu cầu này, cần phải có tư duy đổi mới sáng tạo và các hãng hàng không đang tăng cường đầu tư các nội dung có thể khiến hành khách đường dài hài lòng.

Dưới đây là ba cấu phần chính trong số đó.

Công nghệ động cơ

Máy bay phản lực cần rất nhiều nhiên liệu.

Boeing 747 - một biểu tượng của kỷ nguyên bay đường trường - đốt nhiên liệu phản lực với mức độ khủng khiếp: mỗi giây một gallon (4,54 lít mỗi giây).

Vì thế, để những chiếc máy bay phản lực như vậy có thể bay trong nhiều giờ, cần phải có khoang chứa nhiên liệu cực lớn.

Những chiếc phi cơ như Boeing 747 chứa được 57.000 gallon (259.127 lít) nhiên liệu (kỷ lục thuộc về chiếc máy bay Antonov An-225, có dung lượng chứa tới gần 100.000 gallon, tức 454.000 lít).

Để so sánh, thì một chiếc ôtô Sedan bốn cửa cỡ trung chứa được gần 15 gallon (62,2 lít). Bình chứa xăng lớn hơn có thể giúp đi xa hơn song dĩ nhiên là dự trù chi phí nhiên liệu sẽ đắt đỏ hơn.

Với giá xăng vào thời điểm tháng /2022, để nạp đầy một chiếc Sedan cỡ trung bạn sẽ phải trả 50 đô la (37,30 bảng Anh); còn chi phí để nạp đầy nhiên liệu cho một chiếc máy bay Boeing 747 lên tới 140.000 đô la (104.480 bảng Anh).

Chi phí cao như vậy là chỉ báo không tích cực cho hành khách, vốn sẽ là người chi trả cuối cùng cho mức nhiên liệu tiêu hao này.

Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi thị trường năng lượng biến động, dẫn đến sự thay đổi lớn về giá nhiên liệu. Ví dụ, việc giá nhiên liệu thay đổi dù chỉ là 1 xu cũng có thể dẫn đến kết quả các hãng vận tải có lãi (hoặc bị lỗ) tới 40 triệu đô la (29,8 triệu bảng Anh).

Tuy nhiên giải pháp sẽ sớm được đưa ra.

Các nhà sản xuất động cơ đang nghiên cứu cách làm cho sản phẩm của họ hiệu quả hơn và đạt được những thành công ban đầu.

Động cơ hiệu quả hơn có nghĩa là đốt cháy ít nhiên liệu hơn, đốt cháy ít nhiên liệu hơn giúp giảm chi phí chuyên chở và lý tưởng nhất là giảm giá vé.

Agnes Jocher, giáo sư về di chuyển bền vững trong tương lai của trường Đại học Kỹ thuật Munich, nói rằng những cải tiến đối với cái gọi là "tỷ lệ nạp khí" ("bypass ratio") là chìa khóa để giảm mức sử dụng nhiên liệu.

Tỷ lệ này chỉ ra tốc độ dòng khối lượng không khí xung quanh động cơ so với dòng khối lượng không khí đi qua động cơ.

Jocher cho rằng, "nhìn chung, tỷ lệ này càng cao thì động cơ càng hiệu quả. Động cơ càng hiệu quả thì mức tiêu hao nhiên liệu càng thấp."

Máy bay phản lực ngày nay trung bình đốt cháy nhiên liệu ít hơn 60% so với thế hệ máy bay thương mại đầu tiên, phần lớn là do các cải tiến về tỷ lệ nạp khí.

Jocher hy vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra khi các hãng hàng không muốn thực hiện các chuyến bay thẳng đường dài tìm cách cắt giảm chi phí. Bà lưu ý rằng đối với việc tiết kiệm nhiên liệu thì "đạt được những tỷ lệ nạp khí cao hơn chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề".

Giảm bớt trọng lượng

Một động cơ hiệu quả có thể giúp tiết kiệm xăng hơn. Nhưng cũng có thể tiết kiệm xăng bằng cách giảm trọng lượng. Đây hoàn toàn là yếu tố vật lý thuần túy.

Cần nhiều năng lượng hơn để di chuyển một khối lượng lớn hơn. Một chiếc máy bay nặng - giả thiết tất cả những yếu tố khác của máy bay đều bằng nhau - sẽ đốt cháy nhiều nhiên liệu hơn một chiếc nhẹ.

Một chiếc máy bay phản lực nhẹ hơn có thể cũng bay nhanh hơn, tiết kiệm được những phút quý giá của hành trình trên không.

Điều đó sẽ tốt cho hãng hàng không (mong muốn tối đa hóa hiệu suất máy bay) và hành khách (mong muốn bay tới đích sớm hơn).

Getty Images

Hành khách ngày nay muốn bay xa hơn, nhanh hơn và phong cách hơn - tận hưởng tất cả những ưu việt này - nhưng lại chỉ phải trả ít tiền hơn

Một trong các cách để hạn chế trọng lượng máy bay là bỏ bớt dây và cáp điện.

Các thiết bị này hoạt động như mô liên kết cho các máy bay phản lực, tạo thành các liên kết quan trọng giữa buồng lái và hệ thống máy bay như thiết bị hạ cánh, cảm biến cửa và hệ thống hỗ trợ sinh tồn.

Vấn đề ở đây là gì? Là chúng rất nặng. Theo một ước tính, hệ thống dây điện, công tắc và ổ cắm có thể làm một máy bay chở khách thân rộng nặng thêm hơn 16.000 cân Anh (7,2 tấn). Và trọng lượng tăng đồng nghĩa với việc lượng nhiên liệu đốt tăng.

Giải pháp là gì? Các hệ thống "thiết bị được điều khiển không dây dẫn" dùng công nghệ điện tử trọng lượng nhẹ kết nối buồng lái và các hệ thống điều khiển máy bay quan trọng thông qua sóng không khí.

Qantas gần đây đã áp dụng một biện pháp sáng tạo hơn nhằm giảm trọng lượng máy bay.

Hãng đã giao nhiệm vụ cho nhà thiết kế công nghiệp David Caon tạo ra một dòng sản phẩm dao dĩa và đồ sành sứ mới phục vụ trong chuyến bay. Yêu cầu chủ yếu đặt ra là gì? Các loại bát đĩa và dụng cụ phải nhẹ hơn so với loại đã dùng trước đó.

Tạo ra được những sản phẩm nhẹ như vậy đúng là kỳ tích vì công việc này rất khó thực hiện. Caon nói rằng ông và nhóm của mình "không thể giảm độ dày của đồ sành sứ vì nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến độ bền". Thay vào đó, nhóm thiết kế lại từng phần để "giảm bớt kích thước chung, giảm thiểu các bộ phận và sử dụng ít vật liệu hơn về tổng thể ".

Caon mô tả nỗ lực này như một hành động cân bằng tinh tế để bảo toàn "chức năng, độ bền và trọng lượng" trong từng sản phẩm.

Những nỗ lực này đã được đền đáp. Bộ đồ ăn đã ra mắt trên tuyến bay 17 giờ từ Perth đến London của Qantas với trọng lượng nhẹ hơn 11% so với loại đã dùng trước đó, mang lại "lợi ích tiết kiệm nhiên liệu tuyệt vời". Bộ đồ ăn mới này được hành khách ưa thích đến nỗi Qantas sau đó đã sử dụng nó trên toàn bộ các chuyến bay của mình.

Bữa ăn tinh tế ở trên không

Máy bay - mặc dù có những cải tiến cơ học tốt nhất - vẫn là những khối kim loại bay chật chội với tiếng động cơ gầm rú.

Và bất kể sự kỳ thú vốn có của chuyến bay, những ai đã từng bay hàng giờ đồng hồ đều biết rõ việc đi máy bay nhàm chán đến nhường nào.

Các hãng hàng không đã khắc phục bằng cách trang bị thêm nhiều tiện nghi trên máy bay (kể cả lắp vòi sen), các chương trình giải trí (hãy tưởng tượng là có tới 4.500 kênh phát thanh và truyền hình cho hành khách lựa chọn).

Nỗ lực làm hài lòng khách hàng đáng chú ý nhất là cải tiến ẩm thực. Ví dụ, một số hành khách trên chuyến bay kéo dài 17 giờ giữa Los Angeles và Singapore được thưởng thức một màn trình diễn đồ ăn có thể sánh ngang với việc ăn tối tại những nhà hàng tốt nhất tầm cỡ đạt sao Michelin.

Salad củ cải đường non sốt cam trộn rau diếp xoăn, cà chua bi và hạt thông? Hay cá hồi sốt cam kèm súp bí ngô kiểu Ấn Độ, cơm basmati và sốt bơ rau mùi cho món chính? Rồi món tráng miệng hoàn tất bữa ăn là bánh táo tẩm gia vị? Quả là một bữa chiêu đãi, khác xa với những phần ăn sẵn làm hàng loạt được hâm nóng lại rồi đem đến hành khách như trước đây.

Getty Images

Một khay thức ăn đơn thuần là trông có vẻ ngon không có nghĩa là sẽ mang lại cảm giác ngon miệng - vì áp suất và độ ẩm trong khoang máy bay có thể ảnh hưởng đến hương vị của thức ăn

Song một khay thức ăn đơn thuần trông có vẻ ngon không có nghĩa là hành khách sẽ thấy hợp khẩu vị.

Khi bay cao hơn cả những đám mây, vị giác bình thường của bạn sẽ biến mất. Nguyên nhân chính thường là do áp suất giảm (ở trên cao mật độ không khí loãng hơn) và độ ẩm giảm mạnh (không khí trong cabin nói chung là khô hơn sa mạc Sahara).

Theo một ước tính, sự kết hợp giữa áp suất thấp và không khí khô khốc sẽ làm cho vị giác của bạn giảm sút độ tinh tế tới 30%.

Tuy nhiên, lý do chính khiến cho độ nhạy cảm của vòm miệng suy giảm ít được nói đến.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tiếng ồn lớn có thể làm cho cảm nhận vị mặn gia tăng và vị ngọt bị át đi.

Các tác giả của nghiên cứu nhận định rằng đó là sự ức chế do tiếng ồn gây ra đối với các hương vị mạnh dẫn đến việc "thay đổi nhận thức về thực phẩm chúng ta ăn".

Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Hãy nghĩ tới việc điều chỉnh thực đơn cho phù hợp với khẩu vị của hành khách khi ở độ cao để họ có thể - bất chấp tiếng ồn liên tục của động cơ phản lực - thưởng thức món ăn ngon lành hơn.

Trong vô vàn nỗ lực của hãng hàng không đang thực hiện đầu tư cho các chuyến bay đường dài, bổ sung một ít chi phí cho việc "hoàn thiện thực đơn" có thể đem lại lợi ích đáng kể.

Đại dịch Covid-19 đương nhiên đã khiến cho nhu cầu đi lại bằng đường hàng không bị giảm sút.

Việc đóng cửa biên giới và các yêu cầu xét nghiệm thay đổi liên tục gây ảnh hưởng đến tâm lý của bất kỳ khách du lịch nào.

Nhưng khi các hạn chế về biên giới được nới lỏng và nhu cầu tăng lên, du lịch đường dài bắt đầu được quan tâm trở lại. Qantas - nắm được tâm lý hành khách muốn đi du lịch sớm hơn là tiếp tục chờ - đã gia hạn cam kết của hãng với "Dự án Mặt Trời mọc" như một nỗ lực đầy tham vọng để thực hiện các chặng bay thẳng từ trung tâm Sydney đến các thị trường được đánh giá cao như London, New York và Paris.

Do các đối thủ của hãng chắc chắn sẽ bắt chước thực hiện, sự đổi mới sáng tạo sẽ giúp làm nên sự khác biệt những hàng không nào vượt lên phía trước và những hãng lẽo đẽo theo sau.

Ashley Nunes là nhà nghiên cứu tại Trường Luật Harvard.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.