Dịch diễn biến phức tạp, cộng với chính sách thiếu nhất quán của mỗi địa phương khiến các doanh nghiệp du lịch thấy thót tim, rủi ro không khác gì chơi chứng khoán.  

 Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, từ 1/11 địa phương sẽ cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đón khách ngoại tỉnh, với điều kiện các cơ sở này đạt chuẩn an toàn về phòng, chống dịch và chỉ được đón khách từ vùng 1 và 2 (vùng xanh, vùng vàng).

Kèm theo đó là các yêu cầu cụ thể đối với khách du lịch, lái xe, hướng dẫn viên liên quan đến vấn đề phòng chống dịch.

Rất nhiều du khách, công ty lữ hành ở các địa phương khác, vui mừng vì từ tháng 11 có thế đi du lịch Quảng Ninh. Tuy khách chưa đông lắm, nhất là vào các ngày trong tuần, nhưng cuối tuần thì kín chỗ. Đó là nỗ lực không mệt mỏi của các DN trong việc khởi động lại hoạt động du lịch.

Song, niềm vui đó thật ngắn ngủi. Hà Nội - một trong những địa bàn khách trọng điểm của Quảng Ninh, “đùng một cái” công bố chuyển cấp độ dịch từ vùng xanh sang vùng vàng.

Ngay lập tức, tại văn bản gửi các DN lữ hành về kế hoạch đón khách đến Quảng Ninh ngày 28/10, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh thông báo địa phương chỉ đón, phục vụ khách đến từ các khu vực là “vùng xanh” (vùng cấp 1 theo quy định tại Nghị định 128 của Chính phủ), tạm thời chưa đón khách từ các vùng có nguy cơ cao và rất cao. Trong văn bản không đề cập đến việc đón khách từ "vùng vàng", như Hà Nội.

Nỗi lo dân làm du lịch: Thót tim như chơi chứng khoán
Xác định sống chung với Covid, cần chấp nhận khách đi du lịch có thể gặp rủi ro thành F0 là "bình thường mới" (ảnh minh họa)

Không đi du lịch Quảng Ninh được, khách đồng loạt hủy tour. Giám đốc một công ty lữ hành chuyên phục vụ khách du thuyền Hạ Long, than thở, tiền đã thu của khách, dịch vụ đã đặt của đối tác, giờ tour hủy vẫn phải trả lại khách còn tiền của mình bị đối tác treo. Giờ không biết phải làm sao, vị giám đốc buồn bã nói.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, chia sẻ với PV. VietNamNet, một số đoàn khách của công ty ngày 3-6/11 cũng phải hủy, không thể đi tour du thuyền do công bố là đón khách ngoại tỉnh từ 1/11, nhưng Quảng Ninh lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên các đơn vị cấp dưới không dám triển khai, nhận khách.

Lẽ ra, với thời tiết đang đẹp, đây là cơ hội để khách được thưởng ngoạn vẻ đẹp non nước Hạ Long vào đầu đông; đồng thời cũng tạo việc làm, mang lại nguồn thu tuy ít ỏi nhưng cấp thiết cho doanh nghiệp du lịch và người lao động.

“Hà Nội chuyển sang vùng vàng, nhưng Quảng Ninh nên áp dụng với từng điểm, từng khu vực, chứ coi toàn bộ Hà Nội là vùng vàng để không đón khách nữa thì bất hợp lý”, ông Hà bức xúc. 

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism), cũng cho hay, chuyến famtrip Bình Liêu (từ 5-7/11) lên kế hoạch xong thì Hà Nội chuyển cấp độ dịch thành vùng vàng. Trong khi đó, Quảng Ninh làm rất chặt chẽ khi thông báo chỉ đón, phục vụ khách du lịch là vùng xanh (cấp độ 1); xe chỉ được chở tối đa 50% công suất; khách phải tiêm đủ hai mũi vắc xin và test nhanh. Lãnh đạo DN buộc phải ứng biến linh hoạt.

DN đã liên tục trao đổi, thuyết phục địa phương để tổ chức được chương trình, cam kết đảm bảo sàng lọc khách 100% vùng xanh, tiêm đủ 2 mũi vắc xin đi theo hành trình khép kín, lên phương án xử lý nếu có tình huống rủi ro phát sinh.

“Tổ hậu cần hai đầu Hà Nội - Bình Liêu làm việc không nghỉ từ 6h sáng đến 24h vẫn sáng đèn”, bà Ngần kể. May mắn, mọi việc đến giờ đã suôn sẻ. Nhưng bà vẫn lo ngại, tuy thủ tục đã thống nhất nhưng đoàn khách hơn 70 người khi đến chốt kiểm soát có thể vẫn phải xuống để quét mã QR khai báo y tế (app của Quảng Ninh khác với app chung của cả nước), rất mất thời gian.

Làm du lịch thời điểm này như chơi chứng khoán, thót tim lắm- một đơn vị lữ hành ví von.

Thực tế, tình trạng chính sách của địa phương mỗi nơi một khác, hay tại mỗi địa phương cũng không nhất quán nay mở mai đóng, đã nhiều lần được các DN du lịch phản ánh, kêu ca tại các hội thảo, hội nghị, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương gần đây. Ngay cả lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, Giám đốc Phạm Ngọc Thủy từng nhắc tới vấn đề này tại một tọa đàm trực tuyến gần đây, rằng không nên để xảy ra tình trạng nay mở ra, mai đóng lại.

“Lo nhất hiện nay là tình trạng mở ra rồi mà không quản trị được, có dịch lại phải đóng. Bởi, khi mở lại hoạt động du lịch không đơn giản, cần vận hành như thế nào để bền vững”, ông thừa nhận.

Về vấn đề này, ông Phạm Hà cho rằng, mấu chốt nhất vẫn là ở cấp lãnh đạo ra quyết định tại địa phương. Bởi, nếu các tỉnh/thành đã xác định chống chung với dịch, mở cửa đón khách ngoại tỉnh trong bối cảnh “bình thường mới”, cần quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Như tại Nha Trang (Khánh Hòa), khách chỉ cần khai báo sức khỏe qua một app, tiêm đủ vắc xin 2 mũi là được đi du lịch. Chứ địa phương nói mở rồi đột ngột đóng, hay có nơi khách đi về vẫn phải cách ly, thì chưa biết đến bao giờ du lịch mới thực sự hồi phục.

Theo VietNamNet


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.