Lần đầu tiên Việt Nam có mô hình bản đồ ẩm thực với 63 món ăn từ 7 vùng miền, dài hơn 20 m, được dựng ở TP HCM, tối 27/4.
"Sự kiện chế biến và công diễn 63 món ăn - đặc sản tiêu biểu của 63 tỉnh thành và tạo mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam đầu tiên" đã được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập kỷ lục. Cùng tham gia kỷ lục này có Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam, Hội Đầu bếp Chuyên nghiệp Sài Gòn và Đại học Hoa Sen.
Quá trình tìm hiểu, chuẩn bị 63 món ăn đặc trưng của 7 vùng miền gồm Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện trong một năm. 50 đầu bếp trên khắp cả nước cùng thực hiện các món ăn, dựng thành mô hình bản đồ dài hơn 20 m.
63 món ăn có thể kể đến: cơm tấm Sài Gòn, lẩu mắm An Giang, gỏi cá trích Kiên Giang, cháo lòng Cái Tắc, Hậu Giang, bún nước lèo Sóc Trăng, bún bò cay Bạc Liêu, cơm trái dừa và tép rang dừa Bến Tre, cá nâu kho trái giác Cà Mau, phở Nam Định, thịt trâu gác bếp Mèo Vạc Hà Giang, chả cá Lã Vọng Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, bánh cuốn Hà Nam, chả mực Quảng Ninh, súp lươn Nghệ An, phở khô Gia Lai, bánh căn Ninh Thuận, lẩu thả Bình Thuận...
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển ẩm thực Việt Nam, chia sẻ hành trình thực hiện bản đồ ẩm thực khá vất vả, đầu tư công sức, tình cảm, nhiều nỗ lực và quyết tâm của các đơn vị đối với văn hóa, ẩm thực Việt Nam. "Tôi nghĩ chúng ta còn nhiều việc phải làm để ẩm thực Việt Nam có tiếng nói và có vị trí xứng đáng trên bản đồ ẩm thực thế giới", bà bày tỏ.
Nghệ nhân văn hóa ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh cho rằng việc tái tạo 63 món ăn đặc trưng của các tỉnh thành là một hình thức quảng bá du lịch gần gũi, nhất là khi Việt Nam đang mở cửa du lịch sau Covid-19.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment