Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các quan chức của mình che giấu giới chức Mỹ thông tin về nạn buôn người để làm đẹp thành tích.
Chụp lại hình ảnh,Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với công an Lào giải cứu 36 người bị buôn lậu sang Lào vào đầu tháng 6/2024
Tổ chức nhân quyền Dự án 88 (The Project 88) hôm 20/6 đã đưa ra cáo buộc trên sau khi tiếp cận tài liệu của chính quyền Việt Nam, theo tường thuật của Reuters.
Cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách được nâng hạng trong báo cáo quan trọng của Mỹ.
Dự án 88 cho biết thông tin của họ dựa trên các văn bản chính thức của Việt Nam mà họ thu thập được. Hãng thông tấn Reuters cho biết đã xem xét bản dịch của các văn bản này do Dự án 88 cung cấp nhưng không thể xác minh độc lập về tính xác thực.
Dự án 88, vốn tập trung vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, cáo buộc chính quyền Hà Nội đã đưa thông tin sai lệch và cố gắng che đậy các vụ buôn người có dính đến quan chức khi cập nhật cho những người phụ trách phúc trình thường niên về nạn Buôn người (TIP) của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tổ chức vận động nhân quyền đã công bố một báo cáo về những phát hiện của họ, kêu gọi Washington hành động trong báo cáo TIP sắp tới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters về những tuyên bố này. Chính phủ Việt Nam trước đây từng nói rằng họ xem xét nạn buôn người một cách nghiêm túc và trừng phạt những kẻ buôn người.
Báo cáo thường niên TIP là cơ chế chính của chính phủ Mỹ nhằm buộc các quốc gia trên thế giới phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn được nạn buôn người, lao động cưỡng bức và các hình thức bóc lột khác, và nêu ra chi tiết những lĩnh vực mà mỗi nước cần hành động.
Việc không hành động để xử lý các vấn đề được nêu trong báo cáo này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt như bị cắt viện trợ của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã xếp Việt Nam vào nhóm thấp nhất trong bản báo cáo năm 2022, nhưng đã nâng hạng cho Hà Nội vào năm ngoái, ghi nhận chính phủ Việt Nam đã khởi động nhiều cuộc điều tra và truy tố các hành vi buôn người, hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật quốc tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ người lao động ở nước ngoài
Việt Nam vẫn nằm trong “danh sách theo dõi”, gồm các quốc gia phải thể hiện sự cải thiện theo các khuyến nghị cụ thể của Mỹ để tránh bị đưa trở lại vào nhóm thấp nhất.
Trả lời về báo cáo TIP của Mỹ năm 2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã thực hiện chương trình phòng chống và kiểm soát nạn buôn người kéo dài 5 năm bắt đầu từ năm 2021, cải thiện số liệu thống kê và đẩy mạnh điều tra, theo thông tin được trích dẫn từ Nhân Dân, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các quan chức Mỹ chuẩn bị cho báo cáo TIP năm nay sẽ quyết định xem liệu Việt Nam có tiếp tục nỗ lực đáng kể nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn hay không.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết báo cáo TIP năm nay sẽ được công bố vào ngày 24/6.
Vị này cho biết bảng xếp hạng TIP thể hiện đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ về nỗ lực của các nước trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu, bao gồm xem xét thông tin được cung cấp từ cả các nhóm xã hội dân sự cũng như chính phủ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu quan ngại về những nỗ lực chống buôn người của Việt Nam được trích dẫn trong báo cáo TIP, đồng thời ghi nhận những bước đi tích cực đã được xác minh mà chính phủ Việt Nam đã thực hiện trong giai đoạn này,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
‘Tránh làm phức tạp’
Vào tháng 4/2024, đồng giám đốc của Dự án 88, ông Ben Swanton, đã viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Việt Nam đã “chính trị hóa và phá hoại” quy trình báo cáo TIP.
“Các tài liệu nội bộ của Việt Nam ‘cho thấy rằng Việt Nam đang che đậy sự tham gia của các quan chức chính phủ vào hoạt động buôn người và cố tình đánh lừa Bộ Ngoại giao Mỹ về những nỗ lực giải quyết vấn đề của họ," ông Swanton viết.
Quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển ổn định kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, hai thập niên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Tổng thống Joe Biden năm ngoái đã đến thăm Việt Nam để nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và Bộ Thương mại Mỹ hiện đang xem xét có nên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để cải thiện hơn nữa về quan hệ kinh tế hay không.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/6 cho biết nhà ngoại giao hàng đầu của họ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Daniel Kritenbrink sẽ đến thăm Việt Nam trong hai ngày 21 và 22/6 để tăng cường quan hệ Mỹ-Việt, ngay sau khi Hà Nội tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm khiến Moscow bị cô lập trên toàn cầu.
Dự án 88 cho biết họ đã có được một công văn nội bộ của Bộ Công an Việt Nam - được viết vào tháng 2/2024 - đưa ra các khuyến nghị cho các quan chức để soạn thảo câu trả lời cho các câu hỏi từ phía Mỹ cho báo cáo TIP.
Theo công văn - do Thiếu tướng Đặng Hồng Đức ký và Dự án 88 dịch - Việt Nam nên “kiên trì quan điểm ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’… (và) tránh Mỹ lợi dụng vấn đề trên làm công cụ chính trị để hướng lái hệ thống pháp luật của quốc gia, cũng như can thiệp sâu vào công việc nội bộ của ta."
Công văn viết rằng một đánh giá trước đó nhận thấy câu trả lời của Việt Nam trước các câu hỏi của Mỹ về nạn buôn người là ‘quá chi tiết và cụ thể’ và đề xuất các câu trả lời mới.
Trong đó, một câu trả lời có liên quan đến trường hợp một lao động nhập cư Việt Nam bị bán sang Ả Rập Xê Út từ khi còn là trẻ vị thành niên, với sự tham gia của các quan chức Việt Nam, và sau đó đã chết sau khi bị chủ hành hạ.
Trường hợp này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến khi hạ bậc xếp hạng của Việt Nam trong báo cáo TIP 2022.
“Đề nghị xem xét không cập nhật thêm thông tin về việc xử lý nữa nhằm tránh phát sinh phức tạp”, công văn của Bộ Công an Việt Nam viết.
Theo BBC
Comments powered by CComment