Group News: Tin sản xuất

Trong thế kỷ 20, ngoài 2 cuộc Đại chiến, thế giới vẫn là chiến trường trong một thời gian dài, và hàng triệu người đã chết trong các cuộc đụng độ ở các khu vực khác nhau. Mọi người đều biết rõ về chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan và Iraq mà các cường quốc phương Tây có liên quan trực tiếp. Nhưng còn có 5 cuộc xung đột quy mô lớn, thảm kịch và cường độ của chúng có thể được so sánh với thảm họa của các cuộc chiến tranh thế giới.

 
Nội chiến Trung Quốc (kỳ 1): Cái gai trong mắt nhưng không thể nhổ - Ảnh 1.

Năm 1949, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thành công trong việc quét sạch chính phủ Quốc dân đảng (KMT) ra khỏi Trung Quốc đại lục. Ảnh: QQ

NỘI CHIẾN Ở TRUNG QUỐC
Cuộc đối đầu giữa quân Quốc dân đảng và Cộng sản đảng Trung Quốc bắt đầu diễn ra từ cuối thập niên 1920 và chỉ bị gián đoạn trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Dưới ách xâm lược của người Nhật, Trung Quốc đã phải gánh chịu những thiệt hại đáng kinh ngạc: theo ước tính khác nhau, có đến 35 triệu người Trung Hoa đã bỏ mạng.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng và giải giáp, Quốc dân đảng và Cộng sản đảng lại tiếp tục đánh nhau: từ mùa thu năm 1945, cuộc giao tranh bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Trung Quốc là một quốc gia đông dân, do đó, các nhóm quân ở đây đã hành động theo quy mô vô cùng lớn nếu xét theo tiêu chuẩn của các cuộc nội chiến châu Âu. Ví dụ, trong cuộc tấn công của Quốc dân đảng năm 1946 vào quân Cộng sản đảng, mỗi bên sử dụng ít nhất nửa triệu binh sĩ.
Bước ngoặt quyết định của cuộc chiến diễn ra vào cuối năm 1948: quân Cộng sản đảng đánh bại quân Quốc dân đảng trong chiến dịch Liêu Sơn, hàng trăm nghìn binh sĩ chết, bị thương hoặc bị bắt.
 
Cuộc gặp của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông năm 1945. Ảnh: LIFE
 
Mao Trạch Đông đã không bỏ lỡ thế chủ động, thừa thắng xông lên, kết thúc nội chiến vào năm 1949. Tổng thiệt hại của cả hai bên trong các năm 1946–1949 ước tính 5-6 triệu người.
 
NỘI CHIẾN Ở NIGERIA
 
Cuộc xung đột sắc tộc ở Nigeria (thậm chí trước khi bắt đầu chiến sự, hàng chục nghìn người chết vì nổi loạn bạo lực), căng thẳng dần lên cùng với sụ gia tăng lượng dầu mỏ được tìm thấy, dẫn đến tình trạng phần đông nam của đất nước quyết định ly khai và sẽ tồn tại dưới tên gọi Biafra.
Ban đầu, có vẻ như vấn đề có thể được giải quyết một cách tương đối hòa bình bằng cách biến Nigeria thành một liên hiệp quốc gia. Tuy nhiên, cả hai bên đều từ chối điều này. Vào tháng 5 năm 1967, nền độc lập của Biafra được tuyên bố, và vào đầu tháng 7, chính phủ Nigeria đã phát động một chiến dịch quân sự nhằm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.

3

Nội chiến Nigeria (6/7/1967 – 15/1/1970)

Cuộc chiến rất khó khăn cho cả hai bên, đặc biệt là khi từ một hoạt động phản kích đơn thuần đã nhanh chóng chuyển thành một cuộc xung đột mở, “nóng” với việc sử dụng tích cực chiến đấu cơ và thiết giáp. Biafra đã không ngần ngại phản công và hoạt động trên lãnh thổ Nigeria. Tuy nhiên, vào năm 1969, dưới đòn tấn công của quân đội liên bang, toàn bộ Biafra bị thu hẹp lại thành một vùng đất với diện tích chỉ 2000 km2, nhưng trên đó có hàng triệu người sinh sống. Và vào ngày 10/1/1970, biên bản đầu hàng đã được ký kết.
Theo nhiều ước tính khác nhau, có đến 1-3 triệu người đã trở thành nạn nhân của chiến tranh, tuyệt đại đa số là do chết đói.
 
CHIẾN TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP CỦA BANGLADESH
Giống như nhiều quốc gia nổi lên sau quá trình phi thực dân hóa, biên giới của Pakistan và Ấn Độ được lập bản đồ bằng mắt mà không tính đến đặc điểm dân tộc và tôn giáo của dân cư ở những vùng lãnh thổ này.
Kết quả là, Đông Pakistan (nay là Bangladesh), nơi sinh sống của người Bengal, hóa ra lại cực kỳ xa với phần phía Tây nói tiếng Urdu về mặt văn hóa và tín ngưỡng. Cuộc chiến đã nổ ra năm 1971, khi quân đội chính phủ tiến vào các vùng lãnh thổ của người Bengali. Kết quả bầu cử bị hủy bỏ, các cuộc thanh trừng sắc tộc được thực hiện, dân thường Bengali, sinh viên và giới trí thức bị giết hại.
 
Cảnh sát Bangladesh áp tải ông Delwar Hossain Sayeedi (giữa) tới tòa án ở Dhaka, Bangladesh, ngày 21/11/2011
Cảnh sát Bangladesh áp tải ông Delwar Hossain Sayeedi (giữa) tới tòa án ở Dhaka, Bangladesh, ngày 21/11/2011
 
Cuộc kháng chiến của người Bengali được Ấn Độ chính thức ủng hộ, ngay cả chính quyền Bengali lưu vong cũng đóng tại Calcutta. Ấn Độ cũng cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy và thường tổ chức các hoạt động du kích.
Tất nhiên, điều đó khiến Pakistan rất không hài lòng. Vào tháng 12/1971, quân đội Pakistan đã cố gắng lặp lại cuộc Chiến tranh Sáu ngày của Israel bằng cách đánh vào các sân bay của Ấn Độ và tiến hành cuộc tấn công dọc theo biên giới. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược: quân đội Ấn Độ nhanh chóng trả đũa dữ dội, phía Pakistan phải chịu những thất bại vô cùng đau đớn cả trên bộ, trên biển và trên không.
Trong vài ngày, lực lượng ở Đông Pakistan đã bị chia cắt khỏi Tây Pakistan. Các hành động thù địch giữa hai nước chỉ kéo dài hai tuần, sau đó đội quân gần 100.000 binh sĩ Pakistan buộc phải đầu hàng, và Đông Pakistan giành được độc lập dưới tên gọi Bangladesh.
Nạn nhân của cuộc xung đột kéo dài chỉ trong chín tháng theo nhiều ước tính khác nhau là 1-3 triệu người, phần đông là dân thường của Đông Pakistan.
 
CHIẾN TRANH IRAN-IRAQ
 
Mặt trận Iraq trong cuộc Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Ảnh: Looklex.
 
Cuộc chiến này đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với người dân Iran và Iraq. Cư dân phương Tây thì bàng hoàng với cơn sốt giá dầu và những bức ảnh “hậu khải huyền” đẫm máu từ các chiến trường đầy bom đạn. Đây là một cuộc chiến thực sự, kinh điển, theo mô hình của thế chiến, với chiến tuyến dài hàng trăm km, những cuộc tấn công bằng đội hình xe tăng hình mũi nêm và vô số chiến hào dài vô tận.
Năm 1980, trong bối cảnh Iran suy yếu nghiêm trọng sau cuộc cách mạng Hồi giáo, Iraq của Saddam Hussein muốn chiếm tỉnh Khuzestan giàu dầu mỏ cho mình. Lúc đầu, mọi thứ ít nhiều diễn ra tốt đẹp cho phe tấn công, nhưng khá nhanh sau đó các lực lượng Iraq đã sa lầy vào cuộc giao tranh.
Quân đội Iran hóa ra đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nhiều so với vẻ bề ngoài sứt mẻ sau cuộc cách mạng đã khiến quân đội bị mất một lượng lớn các sĩ quan ưu tú. Về mặt công nghệ, Iran không hề thua kém đối thủ: ngay trước khi xảy ra cuộc đảo chính, Mỹ đã tìm cách cung cấp các thiết bị mới nhất cho nước này, bao gồm máy bay chiến đấu F-14 và máy bay trực thăng AH-1. Thêm vào đó, tinh thần của binh sĩ và nhân dân Iran đã được nâng lên rất cao nhờ kết quả của cuộc cách mạng mới vừa thành công.
Vì vậy, không dừng lại ở thế phòng thủ, Iran quyết định xuất khẩu cách mạng Hồi giáo sang Iraq.
 
Cảnh tái hiện cuộc Chiến tranh Iran-Iraq, diễn ra ở Tehran hồi năm 2014. Ảnh: AP.
 
Tuy nhiên, các hoạt động phản công của họ tuy có những thành công nhất định nhưng cũng kèm theo những tổn thất to lớn. Chỉ trong một trận tăng chiến, Iran đã mất hơn 200 xe tăng, hàng chục nghìn binh sĩ thiệt mạng trong những trận chiến giành các thành phố - những con số ngang tầm với các trận đánh lớn của Thế chiến thứ hai.
Đến năm 1983, hai bên chuyển sang chiến thuật phòng ngự, tập trung vào các hành động làm suy yếu đối phương, chủ yếu dùng máy bay, tên lửa tầm xa tấn công các thành phố và vũ khí hóa học được sử dụng tối đa. Kết quả, hai bên đều có những trận thắng lớn và những keo thua đậm.
Vào cuối thập niên 1980, hai bên cuối cùng đã kiệt sức và buộc phải ký một hiệp định đình chiến. Iraq đã không đạt được các mục tiêu đã đề ra, và thực sự cuộc chiến này đã đi vào lịch sử như một trong những cuộc chiến tranh vô nghĩa và đẫm máu nhất. Tổng thiệt hại nhân mạng của Iran và Iraq xấp xỉ 1 triệu người.
 
CHIẾN TRANH CONGO LẦN THỨ HAI

Trong Chiến tranh Congo lần thứ nhất, sự hỗ trợ của Rwanda và Uganda đã tạo điều kiện cho phiến quân người Congo, Laurent Désiré-Kabila, lật đổ chính phủ của Mobutu Sese Seko.

Cuộc xung đột này được mệnh danh là Đại chiến châu Phi, xét về quy mô và số lượng các bên tham gia. Ở mức độ này hay mức độ khác, khoảng 30 quốc gia (không chỉ thuộc châu Phi), đã tham gia vào cuộc chiến: một số trực tiếp chiến đấu, số khác cung cấp vũ khí cho các bên hoặc cố gắng hòa giải các bên.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1998 với một cuộc nổi dậy ở Congo: đất nước tiếp tục hứng chịu hậu quả của cuộc diệt chủng năm 1994 ở nước láng giềng Rwanda và một dòng người tị nạn ồ ạt. Ít ai có thể ngờ rằng cuộc thảm sát sẽ kéo dài hàng năm trời và cướp đi sinh mạng của hơn bốn triệu người (trong đó chỉ có chưa đến 100 nghìn người tham chiến).
 
Người lính Congo (FARDC). Bởi MONUSCO Photos - FARDC-Kibumba-04, CC BY-SA 2.0, Wikimedia Commons.
 
Nhưng cuối cùng, xung đột giữa 2 sắc tộc Hutus và Tutsis đã trở thành một trong những ngòi nổ của cuộc chiến: ngoài ra, khoảng hơn chục quốc gia châu Phi tham gia vào cuộc chiến, mỗi quốc gia đều theo đuổi các mục tiêu chính trị của riêng mình. Congo đã trở thành chiến trường không chỉ giữa các phe phái địa phương, mà còn giữa quân đội các nước như Rwanda và Zimbabwe.
Xung đột đã chính thức được giải quyết vào năm 2002, nhưng cuộc nội chiến ở Congo vẫn tiếp tục âm ỉ cho đến tận ngày nay.
 
PHẠM BÁ THỦY

Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.