Hôm 6-12, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki chính thức thông báo Mỹ sẽ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022, không gửi phái đoàn ngoại giao sang Trung Quốc (TQ) dự lễ khai mạc sự kiện thể thao này, theo hãng tin Reuters.

Bà Psaki cho biết Mỹ đã thông báo quyết định này đến các đồng minh. Đội vận động viên Mỹ vẫn sẽ sang Bắc Kinh tham dự Thế vận hội Olympic và sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ quê nhà, theo bà Psaki.

 Trong tuyên bố ngày 6-12, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết tiếp tục giữ lập trường trung lập tôn trọng quyết định của Mỹ. Theo IOC, sự có mặt của các phái đoàn ngoại giao là quyết định mang tính chính trị của mỗi nước. 

Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lập tức bày tỏ bất bình với động thái của Mỹ, xem đây là nỗ lực nhằm "phá hoại" sự kiện. Ông tuyên bố Bắc Kinh sẽ có "các biện pháp đối phó kiên quyết", nhưng không nêu cụ thể.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra quan điểm tương tự, cho rằng các chính trị gia Mỹ "đang tự đề cao bản thân quá mức" khi cho rằng hiện diện của họ tại sự kiện là rất quan trọng.

Ming Jinwei, cựu biên tập viên của Xinhua, đã so sánh Mỹ với hình ảnh "kẻ phá làng phá xóm không được mời đến đám cưới, nhưng lại lu loa với mọi người rằng y không thèm dự".

Theo giới quan sát, Olympic Bắc Kinh 2022 là sự kiện rất quan trọng với Bắc Kinh, diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực củng cố vị thế "cường quốc toàn cầu" của mình. Bất kỳ trở ngại nào với sự kiện cũng có thể ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng hình ảnh đó.

"Bắc Kinh chắc chắn rất quan tâm đến những diễn biến bất lợi liên quan đến Olympic, cả trong và ngoài nước", Natasha Kassam, cựu nhà ngoại giao Australia và hiện là giám đốc Chương trình Chính sách đối ngoại và Dư luận tại Viện Lowy, Sydney, Australia, nói. "Sau thông báo của Nhà Trắng, Trung Quốc đã chuyển sang chế độ công kích, cáo buộc Mỹ chính trị hóa thể thao và cho rằng sẽ không ai quan tâm tới nỗ lực tẩy chay này".

Tổng thống Joe Biden (trái) trong cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Washington, Mỹ hồi tháng 11. Ảnh: AFP.
 

Tổng thống Joe Biden (trái) trong cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Washington, Mỹ hồi tháng 11. Ảnh: AFP.

Theo bình luận viên Lily Kuo, điều Trung Quốc lo ngại sau đó đã diễn ra, khi các đồng minh của Mỹ bắt đầu có động thái tương tự.

Thủ tướng Scott Morrison ngày 8/12 xác nhận Australia sẽ không cử quan chức dự Olympic Bắc Kinh, vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và những rạn nứt trong quan hệ với Bắc Kinh. Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói không cử bất kỳ bộ trưởng nào tham gia Olympic Bắc Kinh do lo ngại về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.

Ngay sau đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ra quyết định tương tự, cho rằng đây không phải là điều bất ngờ với Trung Quốc. "Chúng tôi nhiều năm qua đã bày tỏ rõ ràng mối quan ngại sâu sắc về vi phạm nhân quyền và động thái này là sự tiếp diễn trong bày tỏ mối quan ngại đó", Trudeau nói.

Giới chức châu Âu dự kiến thảo luận biện pháp tương tự tại cuộc họp bộ trưởng nhóm G7 tại Liverpool, Anh cuối tuần này.

Một ngày trước, New Zealand tuyên bố không cử bộ trưởng chính phủ tới thế vận hội, nhưng nói quyết định này chỉ xuất phát từ quy định phòng ngừa Covid-19. Bộ trưởng Thể thao Litva tuần trước cũng nói bà và các quan chức cấp cao khác sẽ không tham gia Olympic Bắc Kinh.

Dù các quyết định này phần lớn mang ý nghĩ biểu tượng, bởi vận động viên các nước trên vẫn tranh tài ở Olympic, động thái "tẩy chay ngoại giao" của Mỹ và các đồng minh cho thấy áp lực ngày càng tăng từ phương Tây với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Kassam cảnh báo nỗ lực "tẩy chay ngoại giao" của Washington và các đồng minh có nguy cơ làm rạn nứt thêm mối quan hệ Mỹ - Trung, vốn đang có hy vọng tan băng sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tháng trước, trong đó hai lãnh đạo cam kết ngăn mối quan hệ lao dốc thêm.

Nó cũng củng cố nhận định rằng chính quyền Biden đang ngày càng cứng rắn với Trung Quốc, dù mong muốn quan hệ song phương không vượt khỏi "rào chắn" an toàn và sa vào xung đột.

Eva Pils, chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học King London, Anh, cho rằng những cáo buộc về nhân quyền mà Mỹ, Anh, Australia, Canada đưa ra sẽ khiến dư luận toàn cầu chú ý hơn tới Trung Quốc cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Jürgen Mittag, chuyên gia về chính sách thể thao tại Đại học Thể thao Đức ở Cologne, dự đoán nỗ lực "tẩy chay ngoại giao" này có thể tăng nhiệt vào giữa tháng 1/2022.

"Chúng ta sẽ chờ xem liệu có thêm nhiều nước tham gia vào nỗ lực đó hay không", Mittag nói. "Nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Olympic và Bắc Kinh sẽ không đạt được điều mà họ muốn từ sự kiện, đó là thể hiện hình ảnh tích cực và thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc".

Trung Quốc dường như đang nỗ lực trấn an dư luận trong nước, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không mời quan chức Mỹ dự sự kiện. Trong cuộc họp báo tuần trước, quan chức Bắc Kinh Zhao Weidong lưu ý rằng các quan chức nước ngoài được Ủy ban Olympic nước chủ nhà mời tới dự Thế vận hội, chứ không phải chính phủ Trung Quốc.

Bình luận viên Kuo nhận định phản ứng gay gắt của Trung Quốc trước các thông báo "tẩy chay ngoại giao" cho thấy Bắc Kinh rất quan tâm tới hình ảnh quốc gia liên quan đến Olympic Mùa đông khi cảm nhận rõ "hơi nóng" từ lời nói đến hành động của Mỹ và các đồng minh.

Khi được hỏi về các biện pháp đối phó dự kiến với Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói Washington sẽ "phải trả giá cho hành vi sai trái của họ". "Hãy đợi mà xem", ông nói.

Tổng hợp