Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23-12 ký ban hành luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu tự trị Tân Cương - Trung Quốc vì những nỗi lo liên quan đến nạn lao động cưỡng bức.
- Chính quyền Biden sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với 8 quốc gia châu Phi
- Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tái tranh cử năm 2024 nếu sức khỏe tốt
- Một năm đầy thăng trầm của tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm chống lại điều họ khẳng định là hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, theo Reuters.
UFLPA được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng này sau khi các nhà lập pháp đạt được sự thỏa hiệp giữa các phiên bản do Hạ viện và Thượng viện đệ trình.
Trong khuôn khổ của UFLPA, mọi mặt hàng đến từ Tân Cương đều bị xem là sản phẩm của lao động cưỡng bức và chỉ được phép vào Mỹ nếu chứng minh được điều ngược lại.
Một số mặt hàng như bông, cà chua và polysilicon được sử dụng trong sản xuất pin năng lượng mặt trời, bị xếp vào danh sách những hàng hóa "ưu tiên cao" trong hành động cấm nhập khẩu của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23-12 ký ban hành luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh nước đi của Tổng thống Biden một lần nữa khẳng định cam kết của Washington trong cuộc chiến chống lại lao động cưỡng bức, kể cả ở Tân Cương.
Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc liên quan đến Tân Cương, đồng thời phản ứng mạnh mẽ với quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ khẳng định nước đi nêu trên "phớt lờ sự thật và vu cáo ác ý tình hình nhân quyền của Tân Cương".
"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật lệ, các quy tắc trong quan hệ quốc tế và là một sự can thiệp trắng trợn vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc" – người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu nhấn mạnh, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ đáp trả nhưng không giải thích thêm.
Không chỉ Mỹ, những quốc gia khác như New Zealand cũng đang hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lo ngại an ninh.
Theo báo Straits Times, chính quyền Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày càng bất an với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Chính quyền Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày càng bất an với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
Vào năm 2018, New Zealand theo bước Úc ngăn chặn Công ty Huawei (Trung Quốc) cung cấp thiết bị cho cơ sở hạ tầng 5G của họ. Hai năm sau, New Zealand đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông vì lo ngại hệ thống tư pháp của vùng lãnh thổ này không còn độc lập với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thông qua Luật an ninh quốc gia với Hồng Kông.
Trong bản Đánh giá Quốc phòng 2021 được công bố vào đầu tháng này, New Zealand một lần nữa thể hiện lo ngại đối với mối đe dọa đến từ Trung Quốc khi nhấn mạnh "một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh đang theo đuổi các lợi ích của họ một cách quyết đoán hơn".
"Bắc Kinh đang nỗ lực tái định hình hệ thống quốc tế theo hướng tương thích hơn với mô hình quản trị và các giá trị quốc gia của Trung Quốc" – báo cáo khẳng định.
Theo giới chuyên gia, không giống Úc, New Zealand thường cố gắng tránh xa cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và có xu hướng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng độc lập hơn với đồng minh thân cận nhất của họ là Mỹ.
Tuy nhiên, bản đánh giá quốc phòng nêu trên cho thấy Wellington tin rằng mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc đang hiện hữu ngày càng gần họ.
Theo Người Lao Động
Comments powered by CComment