Nếu Mỹ không còn nhập khẩu dầu từ Nga, giá dầu vốn đã cao sẽ tiếp tục tăng mạnh và có nguy cơ gây ra cú sốc lạm phát.
Theo 2 nguồn tin nói với Reuters, Mỹ đã tiến hành lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga mà không cần có sự tham gia của đồng minh châu Âu. Mỹ ít phụ thuộc vào dầu thô và năng lượng từ Nga hơn so với châu Âu, nhưng lệnh cấm vẫn sẽ đẩy giá mặt hàng này lên cao hơn nữa.
Rạng sáng 7/3, giá hai loại dầu là WTI và Brent đều tiến sát mức 130 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
So với tuần trước, giá dầu đã tăng trung bình 10 USD/thùng. Trong vòng 7 ngày qua, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt trên 30%, con số này ước chừng 42% nếu xét trên cả tháng và 89% nếu tính trên một năm. Nếu vượt mốc 147 USD/thùng, giá dầu trong năm 2022 sẽ lập kỷ lục mới.
Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu và dầu thô hàng đầu thế giới, với khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu. Do đó, bất cứ động thái nào làm biến động nguồn cung cấp dầu đều có thể dẫn đến cú sốc năng lượng toàn thế giới.
Giá dầu tiếp tục tăng
Tuy chính phủ phương Tây chưa trực tiếp trừng phạt ngành năng lượng của Nga, một số khách hàng đã không còn muốn giao dịch mặt hàng này để tránh vướng vào những rắc rối pháp lý trong tương lai.
JP Morgan dự đoán dầu có thể đạt kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu gián đoạn xuất khẩu từ Nga kéo dài. Tuy nhiên, một số nhà phân tích do Reuters thăm dò cho thấy mức giá trung bình hàng năm dự kiến dưới 100 USD.
Lần cuối cùng giá dầu trên 100 USD là vào năm 2014. Mức đạt được vào ngày 7/3 không xa so với mức đỉnh, cao hơn 147 USD vào tháng 7/2008.
“Một cuộc xung đột kéo dài gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa trên diện rộng có thể khiến giá dầu Brent vượt mốc 150 USD/thùng”, Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại UBS, cho biết.
Cú sốc lạm phát
Với giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất mọi thời đại, chi phí năng lượng tăng cao sẽ đẩy lạm phát lên trên 7% ở cả hai bờ Đại Tây Dương trong những tháng tới, ảnh hưởng sâu đến sức mua của các hộ gia đình.
Theo quy luật thông thường, cứ 10% giá dầu tăng theo quy tắc đồng euro sẽ làm tăng lạm phát của khu vực đồng euro thêm 0,1-0,2 điểm %. Kể từ ngày 1/1, giá dầu thô Brent tăng khoảng 80% tính theo đồng euro. Ở Mỹ, cứ mỗi lần giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm tăng lạm phát thêm 0,2 điểm %.
Ngoài là nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn, Nga còn là nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất palladi, niken, than, thép hàng đầu. Nỗ lực cô lập nền kinh tế của nước này khỏi hệ thống thương mại sẽ ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp, chồng chất thêm lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu.
Ảnh hưởng đến tăng trưởng
Lệnh cấm đối với dầu của Nga tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.
Tính toán sơ bộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy giao tranh cơ bản làm giảm mức tăng trưởng của khu vực đồng euro 0,3-0,4 điểm %. Con số này có thể chạm mốc 1% trong trường hợp xảy ra cú sốc nghiêm trọng hơn nữa.
Tại Mỹ, Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed ước tính giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng 0,1 điểm %, mặc dù các dự báo tư nhân cho rằng tác động này sẽ được giảm bớt.
Ở Nga, thiệt hại khổng lồ nhìn thấy ngay trước mắt. JPMorgan ước tính nền kinh tế của Moscow sẽ giảm 12,5%.
Nỗ lực tìm nguồn cung thay thế
Với nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng trở lại sau đại dịch nhưng nguồn cung trên thế giới vẫn eo hẹp, các nhà hoạch định chính sách sẽ chịu áp lực tăng nguồn cung dù đã cam kết hỗ trợ năng lượng xanh.
Các cuộc đàm phán nhằm gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Iran đang có những bước tiến triển. Giá dầu cao có thể kích thích đầu tư vào đá phiến sét của Mỹ, nhưng không thể ngay lập tức xuất hiện nguồn cung thay thế được sản lượng từ Nga.
"Nguồn cung tiềm năng có tác động quá lớn nên không có cách nào nhanh chóng thay thế trong trung hạn", Alex Collins, nhà phân tích cấp cao của công ty BlueBay Asset Management, cho biết.
Không chỉ vậy, bế tắc trong quan hệ Nga - phương Tây có thể củng cố mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh, nhưng giữa hai nước có rất ít cơ sở hạ tầng năng lượng.
Năng lượng tái tạo có thể được thúc đẩy trong trung và dài hạn khi các quốc gia tìm cách thay thế nguồn năng lượng từ Nga.
"Chúng ta nên chuyển các khoản trợ cấp hiện đầu tư vào khí đốt tự nhiên, than đá và dầu mỏ sang sản xuất năng lượng tái tạo, sản phẩm điện và cơ sở hạ tầng sạc điện, máy bơm nhiệt,...", Wolfgang Ketter - giáo sư tại Trường Quản lý Rotterdam ở Đại học Erasmus, Hà Lan - nhận định.
Theo Zing
Comments powered by CComment