Lạm phát Mỹ tăng 8,5% trong năm qua, mức cao nhất kể từ năm 1981 tới nay, do chuỗi cung ứng đứt gãy và tác động của khủng hoảng Ukraine.
- Tỷ phú người Nga không biết làm thế nào để sống sau khi bị trừng phạt
- Lạm phát khu vực Eurozone lên cao kỷ lục 5,8%
- Kinh tế Mỹ tăng mạnh, nhưng lạm phát cao: mừng hay lo?
Số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) đã tăng 8,5% trong vòng một năm, tính tới cuối tháng 3. Đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12/1981.
Tình trạng các mặt hàng tăng giá xảy ra phổ biến trên khắp nước Mỹ. Giá xăng tăng 48% trong 12 tháng qua. Giá hàng tạp hóa tăng 10%, trong đó giá cam và thịt xông khói tăng 18%. Giá các mặt hàng lương thực tăng 8,8%, mức cao nhất kể từ tháng 5/1981.
Giá cả tăng vọt được xác định do chuỗi cung ứng tắc nghẽn, nhu cầu tiêu dùng bùng nổ và thị trường lương thực, năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Từ tháng 2 tới tháng 3, lạm phát ở Mỹ tăng 1,2%, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2005 tới nay, trong đó giá xăng tăng là nguyên nhân chủ yếu.
"Ngọn lửa lạm phát vẫn ngoài tầm kiểm soát", Christopher Rupkey, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu FWDBONDS LLC, nhận xét.
Tuy nhiên, Andrew Hunter, nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics, cho rằng giá năng lượng ở Mỹ sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới và có một số dấu hiệu cho thấy sức ép giá cả sẽ giảm xuống.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt sâu rộng với Moskva, làm gián đoạn thị trường năng lượng và thực phẩm. Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tháng 3 ban lệnh cấm dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng Nga, góp phần khiến giá xăng tăng.
Theo Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), giá xăng bình quân ở nước này là 4,1 USD/gallon (3,78 lít), tăng 43% so với một năm trước, dù đã giảm trong vài tuần qua, sau khi Tổng thống Biden quyết định xả một triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng liên tục.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment