Group News: Tin copy

Chỉ hai ngày sau khi nghị định 68/NQ-TW của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, một công ty tư nhân được thành lập.

Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Đảng Cộng sản có xuất thân từ Bộ Công an

Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Đảng Cộng sản có xuất thân từ Bộ Công an

Ngay hôm thành lập, 6/5, công ty đã gửi đề xuất đến chính phủ đề nghị đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, công trình trọng điểm quốc gia trị giá hơn 67 tỷ USD.

Công ty này đề xuất lo 20% vốn, vay nhà nước 39 tỷ USD không lãi suất trong 35 năm, được đầu tư 26 dự án bất động sản quanh các nhà ga, khai thác vận hành trong 99 năm…

Chưa đầy một tuần sau, Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, họp và ba ngày sau đó Văn phòng Chính phủ ra thông báo giao công ty tư nhân này chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ phương án đầu tư.

Đến ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ liên quan nghiên cứu đề xuất.

 

Những động thái nhanh chóng này là kết quả của việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68/NQ-TW mà Tổng bí thư Tô Lâm ký ban hành vào ngày 4/5.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 30/11/2024 với kinh phí ước tính 67 tỷ USD, vốn đầu tư từ ngân sách, tức đầu tư công. Nay chính sách này có thể sẽ phải điều chỉnh lại khi để tư nhân tham gia.

Việc một doanh nghiệp tư nhân non trẻ gửi đề xuất và được chính phủ họp bàn phản hồi nhanh chóng là điều hết sức hiếm hoi và bất ngờ.

Công ty tư nhân non trẻ nói trên là VinSpeed, một doanh nghiệp ra đời vào ngày 6/5, do ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup, thành lập và sở hữu 51% cổ phần.

Nếu chỉ nhìn vào VinSpeed và cách hành xử của chính phủ với công ty này, dường như thái độ của chính quyền đối với công ty tư nhân đã thay đổi một cách rõ rệt.

Nhưng VinSpeed không đại diện cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, vì nếu là một công ty khác sẽ phải xoay xở vật lộn trong rừng các quy định, và mất rất nhiều thời gian.

Chưa kể, giới doanh nghiệp tư nhân đang phải chịu nhiều định kiến, nhiều thiệt thòi trong cạnh tranh, tiếp cận vốn.

VinSpeed được thành lập ngày 6/5, do ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup thành lập và sở hữu 51% cổ phần

VinSpeed ra đời vào ngày 6/5, do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, thành lập và sở hữu 51% cổ phần

Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế?

Trong khoảng gần 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98% và các công ty như Vingroup khá hiếm hoi. Đa số còn chỉ là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Dù chiếm đến 82% số lao động, nhưng kinh tế tư nhân chỉ đóng góp 50% GDP và 30% ngân sách nhà nước.

Việc Đảng ra một nghị quyết về phát triển doanh nghiệp tư nhân không phải là điều mới. Nhưng ngôn từ mạnh mẽ và thông điệp quyết liệt của văn bản này được đánh giá cao, kỳ vọng là một sự bứt phá cho doanh nghiệp tư nhân.

"Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam nay đã xác định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất", theo Nghị quyết 68.

Nền kinh tế Việt Nam có bốn "động lực", tức bốn thành phần, gồm kinh tế nhà nước, khối đầu tư có vốn nước ngoài, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân.

Hiến pháp 2013 ghi rõ Việt Nam là nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo", và nội dung này vẫn giữ nguyên tại lần sửa hiến pháp này.

Các doanh nghiệp nhà nước sở hữu nguồn lực tài nguyên, tín dụng và cả sức mạnh chính sách rất lớn.

Khối FDI (vốn đầu tư nước ngoài), động lực tăng trưởng kinh tế khi chiếm phần lớn trong xuất khẩu, lâu nay được trải thảm đỏ với nhiều ưu đãi từ thuê đất, giảm thuế đến tiếp cận các nguồn lực khác.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân đang vô tình bị kẹp giữa hai thế lực, một mặt các nguồn lực tài nguyên, tài chính khó tiếp cận hơn doanh nghiệp nhà nước, mặt khác bị các doanh nghiệp FDI chen lấn thị trường và không ít thương vụ thâu tóm, sáp nhập.

Trong lịch sử 40 năm đổi mới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Việt Nam từ thu nhập 89 USD/người đến 5.000 USD/người là một bước tiến mới, nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự đóng góp của kinh tế tư nhân.

Giờ là lúc Đảng muốn san bằng những cách biệt giữa các khối này và dựa vào tư nhân để đưa đất nước bước vào "kỷ nguyên vươn mình".

Công nhân đang làm việc tại một công ty may mặc ở Việt Nam

Công nhân đang làm việc tại một công ty may mặc ở Việt Nam

Điểm nghẽn thể chế

Giới tư nhân trong nước đa số vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong cạnh tranh và chịu nhiều áp lực hơn từ thể chế. Bức tranh kinh tế tư nhân, khác với VinSpeed, u ám hơn khi phải vật lộn với rất nhiều điều kiện kinh doanh và thường bị chính quyền thanh tra cũng như phải chi trả không ít chi phí ngầm.

Từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.195 quy định kinh doanh trên tổng số 15.763 – đạt tỷ lệ 20,2%, theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn lại từ văn bản của Chính phủ được trang báo Vietnamnet đăng ngày 22/5.

"Điều kiện kinh doanh bây giờ lên đến 15.802. Tôi không bao giờ quên con số đó. Thật kinh hoàng," chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói trên trang Vietnamnet trong bài viết nhan đề Phải lấy đá ghè chân mình.

Báo cáo PCI 2024, công bố ngày 6/5/2025, cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong đấu thầu công ở địa phương tăng từ 27,6% năm 2023 lên 28,6% năm 2024.

PCI là một chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi tại các địa phương, do VCCI thực hiện hằng năm.

Báo cáo cho thấy năm 2024, có 77% doanh nghiệp được khảo sát cho biết chính quyền các tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Con số này giảm so với 86% của năm 2021 - 2022 và 82% của năm 2023.

Tương tự, chỉ 71% doanh nghiệp cho biết chính quyền các địa phương năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh, giảm từ con số 80% của năm 2022 và 77% của năm 2023.

Trong các phát biểu gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo chính phủ thường nhấn mạnh sẽ "giao việc" cho các công ty tư nhân lớn như Hòa Phát

Trong các phát biểu gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo chính phủ thường nhấn mạnh sẽ "giao việc" cho các công ty tư nhân lớn như Hòa Phát

Đáng lưu ý là trong năm 2024, số doanh nghiệp nhận thấy phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách, văn bản trung ương là "trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo" và "không làm gì" lên đến 26%, trong khi năm 2021 chỉ 19%.

Những thực trạng đó cho thấy giới doanh nghiệp đang gặp các vấn đề từ thể chế lẫn thực thi, vốn được ví von là "nghiện" quản lý, theo cách nói của ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Nghị quyết 68 mà ông Tô Lâm ký ban hành đã đặt ra vấn đề cắt giảm điều kiện kinh doanh, đưa ra chỉ tiêu cụ thể: cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh…

Quốc hội cũng đã thể chế hóa mục tiêu này vào ngày 17/5.

Ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Con số các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn được đưa ra: hơn 24.000.

Chỉ riêng chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính mỗi năm đã tốn hơn 120.000 tỷ đồng, theo công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà nước kiến tạo, chính quyền phục vụ?

Nghị quyết 68 nêu một trong những nhiệm vụ quan trọng là tạo ra một "nhà nước kiến tạo" và "không can thiệp hành chính vào quá trình sản xuất kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường", đồng thời muốn chuyển từ nền hành chính công vụ quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển.

Chính phủ kiến tạo là thuật ngữ được nhắc với tần suất dày đặc trong thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng (2016-2021) nhưng gần như biến mất dưới thời ông Phạm Minh Chính.

Điều đó có nghĩa là các vấn đề này đã được giới lãnh đạo Đảng nhận thức từ rất lâu. Nhưng các phát biểu dường như vẫn dừng lại ở các diễn ngôn chính trị, chưa biến thành các chính sách cụ thể và phần thực thi chưa thuyết phục được giới doanh nghiệp đặt niềm tin vào.

Việc làm sống lại chính phủ kiến tạo và tháo gỡ các nút thắt thể chế đang được kỳ vọng mạnh mẽ hơn dưới bàn tay của ông Tô Lâm.

Khi lên nắm quyền, ông Tô Lâm đã được nhắc đến với câu nói: thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Những động thái tiếp theo của ông Tô Lâm cho thấy phát biểu của ông không phải chỉ là diễn ngôn dân túy.

Hàng loạt hành động sau đó về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của không chỉ chính quyền trung ương và địa phương mà cả hệ thống của Đảng thể hiện giữa nói và làm, và tốc độ được đẩy lên nhanh chóng.

Chính phủ kiến tạo là thuật ngữ được nhắc với tần suất dày đặc trong thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng (2016-2021) nhưng gần như biến mất dưới thời ông Phạm Minh Chính.

Chính phủ kiến tạo là thuật ngữ được nhắc với tần suất dày đặc dưới thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng (2016-2021) nhưng gần như biến mất khi ông Phạm Minh Chính lên làm thủ tướng

Đại bàng dân tộc?

Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 68 đặt ra là đến năm 2030 Việt Nam sẽ có hai triệu doanh nghiệp. Hiện tại, cả nước đã có gần một triệu doanh nghiệp, bên cạnh khoảng năm triệu hộ kinh doanh.

Nhưng sự chú ý có lẽ tập trung ở con số bé hơn: trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Các chính quyền trước chủ trương lót ổ đón đại bàng FDI.

Dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, các doanh nghiệp lớn dường như đang được đặt cược để trở nên lớn mạnh. Chính phủ đã "giao việc" cho các tập đoàn tư nhân, thay vì chỉ doanh nghiệp nhà nước.

Tại phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm ngành giao thông ngày 9/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn Hòa Phát chịu trách nhiệm sản xuất đường ray, trong khi Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đảm nhận chế tạo toa tàu.

Với Vingroup, Thủ tướng Chính cũng giao cho công ty này triển khai hệ thống tàu điện từ nội đô TP HCM đến Cần Giờ, nơi tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam này vừa mới khởi công một dự án lấn biển diện tích lên tới 2.870ha, tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD.

Dự án tàu điện trên có chi phí dự kiến khoảng 4 tỷ USD.

Nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Vingroup nhìn thấy cơ hội lớn hơn thế khi thành lập VinSpeed để tham gia vào dự án hơn 67 tỷ USD.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

Tổng Bí thư Tô Lâm được báo quốc tế đánh giá là 'người đàn ông có kế hoạch cho Việt Nam'. Vấn đề không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, nếu được thực hiện, là một cách trút bỏ được gánh nặng lơ lửng trên đầu giới doanh nhân
Tổng Bí thư Tô Lâm được báo quốc tế đánh giá là 'người đàn ông có một kế hoạch cho Việt Nam'

Trước mắt, việc thể chế hóa chỉ mới là các nghị quyết của Quốc hội. Ông Tô Lâm cũng nhắc rằng cần phải nghiên cứu xây dựng Luật phát triển kinh tế tư nhân và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương nêu tại Nghị quyết 68.

Ông Tô Lâm đã nổi lên trở thành một nhà cải cách mạnh mẽ sau khi chính thức được bầu làm tổng bí thư vào ngày 3/8/2024 thay cho ông Nguyễn Phú Trọng.

Việc nhìn nhận lại vai trò kinh tế tư nhân không phải là hành động đơn lẻ mà nằm trong một chuỗi các cải cách thể chế, điều mà ông nhận ra là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Có thể nhận thấy tốc độ cải cách và đổi mới của ông Tô Lâm được đẩy lên rất nhanh.

Bộ máy chính quyền trung ương và bộ máy chính quyền địa phương đang được tinh gọn lại. Việc giảm bớt các cơ quan chính phủ, cùng tinh gọn bộ máy Đảng, Quốc hội và đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã là một bước tiến.

Mọi chuyện dưới thời ông Tô Lâm dường như đồng bộ và quyết liệt hơn. Từ phát biểu của tổng bí thư, đến nghị quyết của Đảng và sau đó là chính sách của Quốc hội và thực thi từ chính phủ đang rút ngắn khoảng cách, giảm bớt độ trễ.

Có rất nhiều điều mà giới doanh nghiệp mong chờ được thực hiện, như thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm được nói đến rất nhiều, giảm bớt thanh tra, bỏ tư duy quản không được thì cấm hay không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự…

Chỉ riêng vấn đề không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, nếu được thực hiện, là một cách trút bỏ được gánh nặng lơ lửng trên đầu giới doanh nhân.

Khi ông Tô Lâm còn là lãnh đạo Bộ Công an, rất nhiều vụ án về kinh tế, điều mà giới doanh nghiệp e ngại chuyện hình sự hóa quan hệ kinh tế, đã được điều tra.

Nhưng khi chuyển sang nắm quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng, lợi ích của ông Tô Lâm không còn bó hẹp ở ngành công an nữa mà giờ đây là cả quốc gia.

Chính vì thế, việc đụng đến thể chế, và thực thi chính sách xóa bỏ tư duy "quản không được thì cấm", cũng như chủ trương không hình sự quan hệ kinh tế, ở một tướng an ninh có thể nói là một chuyển biến rất lớn.

Và khó có ai khác hơn ông Tô Lâm có thể thực hiện được điều đó.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.