Việc Việt Nam "áp dụng chính sách đặc thù" để đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án 1,5 tỷ USD của Tập đoàn Trump Organization được cho là nhằm "tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ" của Nhà Trắng và bản thân Tổng thống Donald Trump.

Vào tháng 3/2025, chính quyền tỉnh Hưng Yên đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính việc ''áp dụng chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ'' dự án 1,5 tỷ USD của Tập đoàn Trump Organization. Đúng hai tháng sau, dự án được khởi công với sự có mặt của con trai Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đề ngày 20/3, được báo The New York Times chia sẻ hôm 25/5, cho thấy đề xuất của tỉnh đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe.
Hôm 21/5, ông Chính cũng có mặt tại lễ khởi công của dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái và sân golf Khoái Châu tại huyện Khoái Châu, dự án mà ông miêu tả ''có ý nghĩa quan trọng'' trong thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ "ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả".
Theo New York Times, Luật Xây dựng Việt Nam quy định phải trải qua sáu bước quan trọng cơ bản trong quy trình triển khai một dự án nhà sử dụng vốn tư nhân tại cấp tỉnh trước khi được xem xét khởi công. Quá trình này có thể mất từ hai đến bốn năm.
Hai văn bản nói trên dường như không được chính quyền công khai chia sẻ. Theo tìm hiểu của BBC News Tiếng Việt, tính đến tối ngày 26/5, hai văn bản này không xuất hiện trên cổng thông tin chính thức của UBND tỉnh Hưng Yên, trang Công báo của tỉnh hay cổng thông tin chính thức của huyện Khoái Châu.
Mặc dù lễ khởi công dự án diễn ra muộn 20 ngày so với mong đợi của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, các văn bản này cho thấy cả ba tầng lãnh đạo huyện, tỉnh và trung ương đã vào cuộc để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án này đốt cháy giai đoạn từ khâu phê duyệt tới khởi công, một tốc độ mà nhiều chủ đầu tư mơ ước.

Chính quyền Hưng Yên đề xuất đặc thù gì?
Trong văn bản đề nghị được đẩy nhanh tiến độ 20/3, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên nêu lý do rằng tiến trình của dự án mất thời gian sẽ không "tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng như Tổng thống Donald Trump".
Theo tính toán của lãnh đạo tỉnh, phải mất 246 ngày - tức khoảng 8 tháng - nếu tính từ thời điểm UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chung tại quyết định số 538 hôm 4/3 đến ngày 10/11/2025 mới phê duyệt được quy hoạch phân khu làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
"Thời gian thực hiện các thủ tục lập và trình duyệt quy hoạch như trên nên không đảm bảo được kế hoạch đến đầu tháng 5 sẽ khởi công thực hiện dự án. Ảnh hưởng tới môi trường đầu tư cơ hội phát triển của Việt Nam nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng. Không tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng như Tổng thống Donald Trump," văn bản nêu.
Lãnh đạo tỉnh đã xin phép Thủ tướng Phạm Minh Chính một số cơ chế đặc thù cho dự án, trong đó cho phép tỉnh Hưng Yên được áp dụng hình thức nhà nước thu hồi đất đối với toàn bộ dự án và áp dụng hình thức lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định trong Nghị định 17/2025 (về sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan tới Luật Đấu thầu).
Điều này có nghĩa rằng họ đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép họ chỉ định trực tiếp nhà đầu tư thay vì tổ chức đấu thầu công khai dựa vào nghị định này.
Nghị định 17 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành vào tháng 2/2025. Ông Hà cũng là người ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án của Trump Organization tại Hưng Yên hôm 15/5.
Viện dẫn nghị định này, chính quyền Hưng Yên nói có hai điều kiện cho phép họ được tự lựa chọn nhà đầu tư cho một dự án và ám chỉ dự án của Trump Organization đáp ứng các điều kiện trên.
Đó là dự án này "có yêu cầu bảo đảm lợi ích quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia" và "có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ trên cơ sở kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao mà không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà đầu tư," theo quy định của Luật Đấu thầu.
Bên cạnh các đề xuất về cơ chế đặc thù, ông Eric Trump, con trai của ông Trump và Phó Chủ tịch điều hành Trump Organization, cũng được lãnh đạo tỉnh Hưng Yên nhắc tên như một trong các lý do dự án phải được triển khai nhanh hơn thường lệ.
"Nếu tỉnh Hưng Yên được áp dụng các chính sách đặc thù như trên sẽ đảm bảo được tiến độ triển khai khởi công dự án vào đầu tháng năm 2025 và là cơ sở để ông Eric Trump, con trai Tổng thống Donald Trump, báo cáo Tổng thống Donald Trump về việc sang Việt Nam và dự lễ khởi công dự án dự kiến vào ngày 01/5/2025."

Ông Eric Trump (phải), vợ Lara Trump (thứ hai từ trái) và ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, đối tác của doanh nghiệp gia đình Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại lễ động thổ dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Trump International Hưng Yên tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 21/5
Chính quyền tỉnh Hưng Yên cho rằng việc phê duyệt các cơ chế đặc thù sẽ giúp "thể hiện thiện chí của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Hoa Kỳ, đáp lại tình cảm của Chính quyền Donald Trump và Tổng thống Donald Trump".
Việc chấp thuận cho lãnh đạo tỉnh được tự chỉ định nhà thầu và nhà đầu tư "trong trường hợp đặc biệt là phù hợp với các yêu cầu quy định của pháp luật về đấu thầu nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị và đối ngoại giữa quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ," cho phép dự án hoàn thành trong hai năm tới - dự kiến tháng 3/2027 - để phục vụ hội nghị APEC 2027 và biến nó "trở thành sân golf hàng đầu Việt Nam và là địa điểm golf danh tiếng toàn cầu."
Yêu cầu cho chính sách đặc thù của tỉnh Hưng Yên dường như đã được chấp thuận.
Hôm 15/5, Thủ tướng Chính đã giao UBND tỉnh Hưng Yên "chịu trách nhiệm toàn diện" trước cấp có thẩm quyền để báo cáo về dự án này.
UBND cũng chịu trách nhiệm thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, "tránh sơ hở làm thất thoát, lãng phí tài sản, tài nguyên của Nhà nước" và "không để sơ hở, xảy ra tranh chấp", theo truyền thông Việt Nam.
Đầu tư cho ngoại giao?
Ông Eric Trump đến Việt Nam dự lễ khánh thành dự án của công ty gia đình mình hôm 21/5, trùng với thời điểm phái đoàn Việt Nam đang đàm phán thuế quan với phía Mỹ tại Washington DC.
Hai bên đã chỉ ra những nội dung cần được tiếp tục tập trung tại vòng đàm phán tiếp theo vào đầu tháng 6. Vòng đàm phán lần thứ hai này kéo dài ba ngày và kết thúc vào hôm 22/5.
Chưa một gia đình tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng có một doanh nghiệp kiếm tiền ở quy mô toàn cầu như gia đình ông Trump, theo New York Times.
Ở phía Việt Nam, đây có lẽ cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao khi chính quyền được thôi thúc đưa ra quyết định cho một dự án đầu tư của một công ty gia đình tổng thống Mỹ trùng với thời điểm họ phải xoa dịu chính quyền của tổng thống đó nhằm giảm thuế quan cho họ.
Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam được cho là chịu tác động nặng nề khi chính quyền Trump tuyên bố đánh thuế mức 46% hàng hóa xuất vào thị trường Mỹ.
Một người được mời tham gia lễ khởi công dự án hôm 21/5 nói với BBC, trong điều kiện ẩn danh, rằng nếu dự án này không phục vụ cho đàm phán thuế quan thì đã không được phê duyệt như vậy.
"Rõ ràng là nếu dự án này không phải do Trump Organization đề xuất mà do bất kỳ ai khác khởi xướng, thì chắc chắn nó sẽ không bao giờ nhận được mức độ ủng hộ và tốc độ triển khai như hiện nay,'' người này bình luận.
Cũng tại buổi lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng cho dự án và yêu cầu chính quyền địa phương phải chăm lo tốt cho đời sống, sinh kế của những người đã nhường mặt bằng cho dự án với mục tiêu nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, theo báo Chính phủ.
''Ông Chính nhìn các lãnh đạo Hưng Yên khi ông nói câu này, chứ không nhìn Eric Trump,'' nguồn tin của BBC cho biết.
"Câu hỏi lớn ở đây là hàng trăm người dân đó có được đền bù thỏa đáng hay không? Nếu không thì đây sẽ là một câu chuyện được báo chí quốc tế, nhiều hơn là báo chí địa phương, quan tâm vì mối liên quan gián tiếp tới ông Trump."

Ông Eric Trump bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khởi công dự án hôm 21/5
Vào tháng Tư, trước khi dự án này được chính phủ phê duyệt, cựu Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã nói với BBC News Tiếng Việt rằng các dự án của Trump Organization vẫn có thể mang lại cho Việt Nam một số đòn bẩy nhất định trong đàm phán thuế quan sắp tới, mặc dù điều này không hoàn toàn chắc chắn.
''Việt Nam đang thể hiện sự khéo léo của mình: đây không hẳn là một thỏa thuận với nước Mỹ, mà là một sự nhượng bộ dành riêng cho ông Trump. Việt Nam đang chơi một ván cờ rất tinh tế. Theo tôi, đây vẫn là một bước đi khôn ngoan, dù câu hỏi được đặt ra là Việt Nam sẽ đạt được gì từ thỏa thuận này,'' ông Goledzinowski nói thêm.
Hiện vẫn chưa rõ tổng số vốn đầu tư 1,5 tỷ đô cho dự án sẽ chỉ đến từ Trump Organization hay bao gồm những nguồn tiền khác từ các đối tác Việt Nam, hay cả hai.
Dự án tại Hưng Yên nằm trong số nhiều dự án đầu tư nước ngoài của của tập đoàn mang tên ông Trump gây ra tranh cãi nhiều năm nay kể từ ông đắc cử lần đầu tiên năm 2016.
Lý do là vì các cáo buộc xung đột lợi ích, khi có nghi vấn về ảnh hưởng của dự án kinh doanh của vị tổng thống ở nhiều nước đến các chính sách ngoại giao của nước Mỹ.
Năm 2024, BBC đã dẫn một báo cáo từ các dân biểu Dân chủ Mỹ rằng các khách sạn và doanh nghiệp khác của ông Trump đã nhận hơn 7,8 triệu USD từ các chính phủ nước ngoài trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Hành động nhận số tiền này bị cáo buộc là vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.
Hiến pháp Hoa Kỳ cấm tổng thống nhận quà tặng hoặc các lợi ích khác có được từ chức vụ của mình nếu không có sự cho phép rõ ràng từ Quốc hội.
Năm 2022, các đảng viên Dân chủ tại một ủy ban thuộc Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua việc công bố các hồ sơ thuế của ông Trump, điều đã phác họa một bức chân dung đầy mâu thuẫn về doanh nhân này – người từng nổi danh nhờ phát triển bất động sản và một chương trình truyền hình thực tế.
Các hồ sơ này cho thấy ông Trump và vợ là bà Melania Trump đã khai báo hàng triệu đô la Mỹ dưới dạng các khoản khấu trừ và thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, bao gồm bất động sản, từ đó làm giảm đáng kể số thuế thu nhập phải nộp.
Ông cũng không bị kiểm toán thuế trong hai năm đầu của nhiệm kỳ đầu, dù luật quy định rằng hồ sơ thuế của các tổng thống đương nhiệm phải được xem xét.
''Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, đã có nhiều lần các quyết định về chính sách đối ngoại dường như bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh cá nhân của ông,'' Meghan Faulkner, Giám đốc Truyền thông của Citizens for Responsibility and Ethics tại Washington (Crew), nói với BBC News Tiếng Việt vào tháng Tư.
Crew, một tổ chức phi lợi nhuận phi đảng phái tại Mỹ, đã theo dõi và nghiên cứu các cáo buộc về những xung đột lợi ích kinh doanh của ông Trump trong nhiều năm.
Bà Faulkner đưa ra một ví dụ rằng Tổng thống Trump được cho là đã yêu cầu đại sứ của mình tại Vương quốc Anh giúp đưa giải golf British Open về sân golf Turnberry của ông ở Scotland.
''Việc Trump tiếp tục sở hữu và hưởng lợi từ các doanh nghiệp của mình chắc chắn sẽ dẫn đến khả năng xảy ra xung đột lợi ích, bao gồm cả khả năng vi phạm Điều khoản về thù lao nước ngoài.
"Các dự án phát triển ở nước ngoài của Tập đoàn Trump Organization đặt ra rủi ro đặc biệt về việc vi phạm Điều khoản về thù lao nước ngoài trong Hiến pháp Hoa Kỳ, đồng thời làm dấy lên những nghi vấn về việc liệu các quyết định đối ngoại có bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh của tổng thống hay không,'' bà Faulkner nói thêm.
Trong một tuyên bố gửi đến New York Times, Nhà Trắng cho rằng không có vấn đề đạo đức gì khi gia đình tổng thống phát triển 20 dự án trên toàn cầu vì các con trai của ông là người làm chủ công ty, chứ không phải ông.
Tuy nhiên, báo cáo của Crew đăng vào tháng 8/2024 cho thấy ông Trump vẫn trực tiếp hưởng lợi từ phần lớn các dự án này.
Dự án của Trump Organization tại Hưng Yên, được quy hoạch trên diện tích đất 990ha, sẽ bao gồm một khu phức hợp sân golf, khu nghỉ dưỡng, khách sạn và một dự án nhà ở hiện đại.
Dự án có tổng vốn đầu tư 39.787 tỷ đồng (tương đương 1,533 tỷ USD), thời gian thực hiện từ quý 2/2025 đến quý 2/2029, thời gian hoạt động 50 năm, trong đó có các sân golf 36 lỗ và 18 lỗ.
Đây là dự án đầu tư đầu tiên của doanh nghiệp gia đình ông Trump tại Việt Nam. Ông Eric Trump cũng đã trực tiếp tới thăm TP HCM để thăm dò khả năng xây tòa nhà Trump Tower tại Thủ Thiêm nhân dịp chuyến đi tới Việt Nam.
Dự án này đã manh nha từ nhiều tháng trước, với tín hiệu rõ ràng nhất là chuyến thăm của các lãnh đạo tập đoàn Trump Organization tới Hưng Yên vào giữa tháng 9/2024.
Ngay sau đó, một biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên và các đối tác phía Mỹ, trong đó có Trump Organization, đã được ký trong cùng tháng này – chỉ chưa đầy hai tháng trước khi ông Trump thắng cử lần hai.
Nhà phát triển bất động sản Kinh Bắc City, đối tác của doanh nghiệp gia đình Tổng thống Trump, đã công bố dự án vào tháng 10/2024.
Dự án sau đó được ông Charles James Boyd Bowman, Tổng Giám đốc dự án của Trump Organization tại Việt Nam, đề nghị trực tiếp trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2025.
Lo ngại mất đất
Dự kiến dự án có bốn tiểu khu phục vụ cho tổng cộng 35.000 người, bao gồm khu dân cư sinh thái đi kèm sân golf cao cấp, khu dân cư sinh thái kèm sân golf, khu đô thị thương mại dịch vụ và khu công viên.
Bên cạnh đó, dự án nhà ở xã hội dự kiến chiếm 7,28ha.
Khu dân cư nông thôn xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu thuộc dự án có quy mô diện tích khoảng 200 ha trên địa bàn các xã Tứ Dân và Đông Kết, huyện Khoái Châu, theo văn bản hôm 20/3 của chính quyền tỉnh Hưng Yên gửi Thủ tướng Chính phủ.
Một số người dân tại huyện Khoái Châu nói với New York Times rằng họ lo sợ dự án của gia đình ông Trump sẽ khiến họ mất đất, cùng mồ mả tổ tiên và kế sinh nhai gắn liền.
Khoái Châu nằm bên tả ngạn sông Hồng, nơi dòng nước uốn lượn tạo thành ranh giới tự nhiên với các huyện ngoại thành Hà Nội. Nơi đây được biết đến là thủ phủ chuối của tỉnh Hưng Yên và là vựa chuối lớn nhất nhì miền Bắc.
Chuối tiêu hồng - đặc sản của tỉnh Hưng Yên, cũng là quê của Tổng Bí thư Tô Lâm - được trồng số lượng lớn ở huyện này.

Nông dân chăm sóc cây đào trên cánh đồng nơi dự án khu nghỉ dưỡng và sân golf của Tập đoàn Trump Organization sẽ được xây dựng tại tỉnh Hưng Yên - ảnh chụp vào hôm 21/5
Toàn bộ chi phí gần 3,5 tỷ đồng phục vụ cho việc quy hoạch, bao gồm lập đồ án, khảo sát xây dựng và cắm mốc giới theo quy hoạch để phục vụ cho dự án, đã được chính quyền Hưng Yên phê duyệt trong văn bản hôm 14/3 mà báo này chia sẻ.
Toàn bộ kinh phí được Liên danh Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên và IDG Capital tài trợ.
UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt quyết định này trước khi họ chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ cơ chế đặc thù liên quan bằng văn bản hôm 20/3 - cụ thể là cho tỉnh được nhận tài trợ bằng "sản phẩm quy hoạch" thay cho việc sử dụng kinh phí của nhà nước để "thực hiện việc công bố lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định pháp luật về đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn'' vì như vậy "mất nhiều thời gian".
Cách làm này sẽ giúp tỉnh rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 6–7 tháng so với quy định hiện hành, theo nội dung văn bản ngày 20/3.
Việc rút ngắn thời gian như vậy dấy lên lo ngại liệu ý kiến của những hộ dân bị ảnh hưởng tại các xã Tứ Dân và Đông Kết nằm trong khu vực dự án có được thu thập hay lắng nghe hay không.
Theo Luật Xây dựng, cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng phải có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.
BBC News Tiếng Việt đã liên lạc với một đại diện dự án của Trump Organization tại Việt Nam và đề nghị phỏng vấn nhưng người này chưa phản hồi.
Theo BBC
Comments powered by CComment