Với việc bổ nhiệm một cựu thủ lĩnh người Đức giàu kinh nghiệm vào vị trí CEO, VinFast Global dự định sẽ nhanh chóng mang tên tuổi của mình tiến ra thị trường toàn cầu.
Như tên gọi của mình, VinFast Global, công ty ô tô mới đến từ Việt Nam, muốn nhanh chóng vươn ra toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc hãng phải tìm cách xâm nhập thị trường Mỹ đầy tham vọng nhưng cũng đầy cạnh tranh.
VinFast được thành lập cách đây 4 năm với tư cách là một đơn vị sản xuất ô tô, xe buýt và xe máy điện của Vingroup - Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. So với các quốc gia khác trong khu vực, đất nước hình chữ S được biết đến với tốc độ phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á.
VF e35 và VF e36, hai mẫu xe dự kiến được VinFast bán ra tại Mỹ trong năm 2022 (Ảnh: AutoNews).
So với các tên tuổi khác, VinFast là một nhà sản xuất ô tô non trẻ, nhưng mang trong mình đầy tham vọng. Hãng dự kiến mang hai mẫu crossover thuần điện, với lưới tản nhiệt chữ V đặc trưng, tham gia Triển lãm Los Angeles vào tháng 11.
VinFast cũng lên kế hoạch mở các showroom đầu tiên của mình tại Mỹ vào năm 2022 và bắt đầu nhận đặt trước từ các khách hàng tại xứ sở cờ hoa vào nửa đầu năm sau.
Để dẫn dắt thương hiệu này vượt khỏi biên giới quốc gia, VinFast gần đây đã thuê một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực công nghiệp ô tô làm Giám đốc điều hành. Ông Michael Lohscheller, người Đức, cựu lãnh đạo của Opel, đã gia nhập VinFast vào đầu tháng 9 và cam kết thực hiện tham vọng đưa công ty trở thành "hãng xe điện thông minh toàn cầu".
Các hãng xe truyền thống bị ghìm chân bởi bộ máy cồng kềnh, cả về nhân sự cũng như quy mô nhà xưởng, đồng thời công nghệ vẫn chủ yếu nghiêng về động cơ đốt trong. VinFast tin rằng công ty có lợi thế là không bị cản trở.
Ông Michael Lohscheller - người từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng giám đốc Opel toàn cầu - được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu (Ảnh: Autozeitung).
"Kể từ khi thành lập, VinFast đã quyết tâm trở thành thương hiệu xe điện toàn cầu và thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện thông minh trên toàn thế giới", ông Lohscheller cho biết trong một email gửi tới Automotive News.
"Đây là một mục tiêu khá tham vọng", CEO VinFast Global thừa nhận. "Nhưng điều đó hoàn toàn hợp lý vì xe điện là một lĩnh vực mới. Vẫn còn nhiều cơ hội để những tay chơi mới có tầm nhìn và tiềm năng vững chắc như VinFast bứt phá và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu".
Đầy thách thức phía trước
Những gì trên "trận địa" thực tế báo trước một cuộc chiến đầy khó khăn. VinFast có một nhà máy ở Hải Phòng và chỉ bán được 30.000 xe trong năm 2020 - tất cả đều dành cho thị trường nội địa. Con số này thực tế không bằng lượng xe RAV4 mà Toyota bán ở Mỹ trong một tháng.
Năng lực của VinFast tại thị trường nước ngoài cũng chưa được chứng minh, kể cả trong vấn đề sản xuất, bán hàng hay dịch vụ hậu mãi và dường như tên tuổi hầu như ít được biết đến tại Mỹ. Trước đó, không ít công ty xe điện Trung Quốc mang tham vọng nhảy vào thị trường này nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Thị trường Mỹ là một pháo đài.
Bordrin và Byton đến từ Trung Quốc là hai cái tên minh họa cho những thách thức phía trước. Những công ty khởi nghiệp Trung Quốc mang đến những mẫu xe hào nhoáng, tham vọng lớn. Đặc biệt Byton còn chiêu mộ được nhiều tài năng nước ngoài, trong đó phải kể đến một cựu phó chủ tịch BMW Group, người đã dẫn dắt sự phát triển của mẫu BMW i8.
Byton đã rơi vào trạng thái bị lãng quên trước những tác động của đại dịch.
Sự kiện ra mắt xe VinFast tại Paris Motor Show năm 2018 (Ảnh: VinFast).
VinFast vẫn chưa công bố kế hoạch định giá. Công ty hy vọng sẽ cắt giảm sự cạnh tranh đã được thiết lập bằng một biên độ đủ rộng, trong khi vẫn tạo được tiếng vang và độ tin cậy nhất định.
Karl Brauer, chuyên gia phân tích tại iSeeCars.com, cho rằng, ngay cả khi một người mới cố gắng phân phối, tiếp thị và dịch vụ thì việc xây dựng hình ảnh hiệu tốt vẫn cần thông qua truyền miệng.
"Đó là một hành trình rất khó khăn để người tiêu dùng Mỹ chấp nhận một thương hiệu còn mới", Brauer nói. "Bạn không thể chỉ ném tiền vào để thay đổi suy nghĩ của mọi người. Điều đó cần thời gian". Ông nói thêm rằng, trong trường hợp tốt, có thể mất tới cả thập kỷ để thực sự "ăn rễ" vào suy nghĩ của người Mỹ.
Vũ khí bí mật của VinFast có thể là tốc độ.
VinFast chỉ mất 12 tháng để xây dựng nhà máy của mình ở Hải Phòng và tung ra thị trường ba mẫu ô tô đầu tiên trong vòng 18 tháng sau khi hoàn thành nhà máy. Trong các phân khúc mà xe VinFast cạnh tranh ở Việt Nam, thương hiệu này đã đạt thị phần dẫn đầu chỉ 18 tháng sau khi giới thiệu mẫu xe xăng đầu tiên của mình vào năm 2019.
Giờ đây, VinFast đang tham gia vào quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp từ động cơ đốt trong sang điện khí hóa, bằng cách tung ra 6 mẫu ô tô điện, khởi đầu là VF e34 - một mẫu crossover nhỏ gọn. Sản phẩm đã thu về 25.000 đơn đặt trước trong 3 tháng kể từ khi bắt đầu mở bán, trước khi dự kiến giao xe đến tay khách hàng vào tháng cuối năm.
Năm 2022, VinFast bắt đầu giai đoạn mở rộng Go Global với hai mẫu crossover điện kích thước lớn hơn, VF e35 và VF e36, sẽ được trưng bày tại triển lãm Los Angeles. Thêm ba chiếc xe điện nhỏ hơn được lên kế hoạch trình làng từ năm 2023 đổ ra.
VinFast mang dấu ấn của một công ty ô tô công nghệ cao. Nhà sản xuất hứa hẹn về khả năng phát triển xe tự hành mới nhất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thực tế tăng cường cũng như pin thể rắn.
Khi VinFast bắt đầu nhận đặt hàng VF e35 và VF e36 tại Mỹ, công ty dự định sẽ không áp dụng cách bán hàng thông qua các đại lý nhượng quyền mà sẽ bán lẻ thông qua phương thức kỹ thuật số.
"Chúng tôi sẽ không thành lập hệ thống đại lý nhưng sẽ có showroom và tự triển khai hoạt động phân phối, bán hàng để đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ cho khách hàng", CEO VinFast Global Lohscheller cho biết.
"Điều này thể hiện định vị chủ đạo của chúng tôi trong tương lai gần. Tuy nhiên trong tương lai xa, chúng tôi sẽ chào đón các cơ hội hợp tác với các đại lý, nhà phân phối hàng đầu trên thị trường toàn cầu", ông nói thêm.
Bộ đôi ô tô điện VinFast sẽ bán tại Mỹ có gì?
Bộ đôi xe điện cho thị trường Mỹ sẽ được VinFast trang bị động cơ 300kw, trong đó VF e35 sử dụng pin 86 kWh và VF e36 là pin 96 kWh. Phạm vi hoạt động tương ứng lên đến 500 km và 550 km, theo số liệu dựa trên tiêu chuẩn châu Âu.
Là một phần trong chiến lược, VinFast sẽ áp dụng chương trình cho thuê pin và bảo hành trong vòng 10 năm để mang đến "sự đảm bảo và tiện lợi cho khách hàng".
Những mẫu xe sắp ra mắt tại Mỹ cũng sẽ có công nghệ lái tự động, bao gồm hỗ trợ giữ làn đường, cảnh báo va chạm cũng như chức năng đỗ xe và di chuyển thông minh.
VinFast cho biết những mẫu xe mới của mình sẽ trình làng với khả năng tự lái cấp độ 2.5, nhưng có khả năng tương thích với cấp độ 3. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, xe có khả năng đưa ra quyết định tự lái, cho phép tài xế bỏ tay khỏi vô-lăng và không còn phải tập trung nhìn đường.
Về nội thất, cả hai mẫu xe đều có bảng điều khiển được thu gọn, tối giản với màn hình cảm ứng cỡ lớn. Không còn cụm đồng hồ hay bảng điều khiển phía sau vô-lăng. Pininfarina, một studio lâu năm tại Italy, đã chắp bút cho thiết kế tinh tế trên các mẫu xe của VinFast.
Sau triển lãm ở Los Angeles, VinFast sẽ đưa công nghệ của mình tới CES ở Las Vegas. Tại đây, công ty dự kiến giới thiệu dòng sản phẩm của mình trong sự kiện VinFast Global EV Day.
Tham vọng ngoài thị trường Mỹ
Tiến vào Mỹ không phải mục tiêu duy nhất của VinFast. Tháng 7/2021, hãng đã mở văn phòng ở Canada, Pháp, Đức và Hà Lan. Công ty cũng lên kế hoạch bán hàng tại các thị trường này trong năm 2022.
VF e34 là mẫu ô tô điện đầu tiên của VinFast nhưng sẽ hướng đến thị trường nội địa. (Ảnh: VinFast)
VinFast cho biết nhà máy tại Hải Phòng đã sẵn sàng cung ứng xe. Nơi đây được thiết kế với dây chuyền tự động hóa cao, bao gồm 1.200 robot có khả năng sản xuất 250.000 ô tô mỗi năm, cũng như 500.000 xe máy điện mỗi năm.
Tổ hợp nhà máy ô tô Vinfast này có diện tích 335 hecta và vẫn còn dư địa đất để mở rộng khi doanh số bán hàng tăng cao. "Trong tương lai, VinFast có thể cân nhắc tổ chức sản xuất tại nước ngoài, tùy theo nhu cầu thực tế", ông Lohscheller cho biết.
Một tổ hợp các nhà máy phụ trợ sẽ tạo thành vòng sản xuất khép kín. Bao gồm LG Chem cung cấp pin, ZF với hệ thống treo và hộp số, Faurecia phụ trách lắp ráp ngoại thất và nội thất, ghế từ Lear và Namyang Nexmo cho hệ thống lái.
VinFast cũng đưa công ty Hàn Quốc Samsung SDI vào danh sách các đối tác pin của mình. Tháng 8, công ty đã hợp tác với Gotion High-Tech nghiên cứu và sản xuất cell pin LFP cho xe điện, bao gồm cả việc mở nhà máy tại Việt Nam. Điểm nhấn là công nghệ LFP với độ an toàn và tuổi thọ cao, không sử dụng các nguyên liệu hiếm, chi phí cạnh tranh.
VinFast cho biết công ty có 1.900 nhân viên kỹ thuật R&D, tận dụng trí tuệ nhân tạo và kỹ sư dữ liệu lớn của Vingroup. Để tăng nguồn lực cho việc mở rộng, hồi tháng 4, VinFast cho biết xem xét việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
"Tôi luôn bị thu hút bởi những thách thức mới", Lohscheller, nhân viên kỳ cựu từng làm cho Mitsubishi, Volkswagen và Opel, cho biết trong thông báo về việc bổ nhiệm vị trí CEO VinFast Global. "Khi có cơ hội gia nhập VinFast, tôi ngay lập tức bị thu hút vì đầy cơ hội tăng trưởng".
Theo Dantri
Comments powered by CComment