Phái viên thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách về Campuchia, Lào và Việt Nam nói khi Việt Nam càng thành công thì những thế mạnh từ Anh Quốc sẽ trở càng trở nên phù hợp hơn.
Nghị sĩ Graham Stuart là dân biểu vùng Berveley và Holderness, xứ York.
Trả lời Nguyễn Hoàng của BBC News Tiếng Việt bên lề cuộc 'Tọa đàm cấp cao Anh Việt về kinh tế và Kinh tế và Thương mại' ở London ngày 29/06, ông Graham Stuart nói việc Việt Nam cử đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu thăm và làm việc tại Anh vào tuần này cho thấy Việt Nam cũng đặt nhiều hy vọng vào hợp tác với Anh.
Graham Stuart: Việt Nam là trường hợp đặc biệt về tăng trưởng kinh tế năng động, ngay cả giữa đại dịch, nhưng câu chuyện đó chưa thực sự được biết đến ở Anh.
Tôi nghĩ mọi người đã có những ý tưởng khá xưa cũ về Việt Nam mà họ không biết đây một nền kinh tế đang phát triển nhanh, đầy tham vọng như thế nào.
Và do đó, những sự kiện như ngày hôm nay rất quan trọng để có thể gửi thông điệp đến các doanh nghiệp Anh rằng có cơ hội rất lớn ở Việt Nam, ở đó có những đối tác tuyệt vời và có cơ hội rất lớn trong tương lai để giúp Việt Nam phát triển kinh tế, trở thành một quốc gia phát triển, đối phó với biến đổi khí hậu.
BBC: Kể từ khi hai nước ký và thực thi Hiệp định Mậu dịch Tự do Anh-Việt (UKVFTA), điều gì đã thực sự thay đổi?
Đó là một thỏa thuận thực sự quan trọng với Việt Nam. Thỏa thuận này loại bỏ thuế quan đối với gần như tất cả hàng hóa trong vài năm tới và tất nhiên sẽ giúp kinh doanh dễ dàng hơn, và các công ty của cả Việt Nam hay Anh sẽ đối diện ít rào cản hơn.
Tôi đã tham gia nhiều cuộc họp chỉ trong vài tháng qua với Việt Nam, xác định các rào cản thị trường và cố gắng loại bỏ chúng.
Vì vậy, UKVFTA đóng vai trò quan trọng nhưng nó được đặt trong các cuộc đàm phán đang diễn ra, tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự đối với sự dễ dàng để kinh doanh ở Việt Nam và do đó, khả năng đầu tư của Anh vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, với tất cả những lợi ích cho sự thịnh vượng và công ăn việc làm phát sinh từ đó.
Anh là một quốc gia phát triển tầm cao và Việt Nam là nước đang phát triển. Vì vậy, hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Anh nhiều hơn chúng tôi xuất sang Việt Nam. Tức là Anh bị thâm hụt mậu dịch lớn với Việt Nam.
Nhưng trong tương lai, khi Việt Nam ngày càng giàu có, Việt Nam sẽ muốn có những thương hiệu nổi tiếng của Vương quốc Anh.
Chúng ta có thể thấy rằng người ta đã và đang ưa chuộng rượu whisky chất lượng hảo hạng và các loại rượu như vậy đã nằm trên bàn của những người thành đạt ở Việt Nam ngày nay.
Tôi cũng vừa có cuộc họp với Thị trưởng Khu Tài chính London và nói về hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Tức là khi Việt Nam càng thành công thì những thế mạnh từ Anh Quốc sẽ ngày càng trở nên phù hợp hơn, ở cả cấp chính phủ, doanh nghiệp, hay đối với các cá nhân.
BBC: Chi phí kinh doanh tại Việt Nam cũng không thấp và thực trạng tham nhũng tạo ra một số khó khăn nhất định mặc dù Chính phủ Việt Nam đang rất cố gắng phòng chống. Khi ông nói chuyện với các doanh nghiệp Vương quốc Anh đang kinh doanh tại Việt Nam hoặc nhà đầu tư tiềm năng của Anh thì họ nghĩ gì về các vấn đề này?
Họ lo ngại về điều đó, nhưng với mức tăng trưởng dự kiến 6%-7% trong thập niên tới thì khó có thể thấy ở đâu có mức tăng trưởng như vậy.
Vì vậy, tất nhiên Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có những thách thức đối với chính phủ như vấn nạn tham nhũng cũng như các biện pháp bảo hộ bấy lâu nay trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính và cơ sở hạ tầng mà Anh Quốc có thế mạnh.
Nhưng đó là lý do tại sao chúng tôi đang rất tích cực đàm phán với chính phủ Việt Nam và chúng tôi đang đạt được tiến bộ.
Chúng ta có thể thấy điều đó trong những con số thương mại mà Việt Nam đang mở cửa và việc nghiêm túc cải thiện hệ thống của mình và tiến tới chuẩn mực quốc tế bởi điều đó sẽ mang lại những lợi ích to lớn, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao như xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn còn khá thấp khiến tạo trở ngại cho doanh nghiệp khi đầu tư.
Xếp hạng tín nhiệm thấp ngăn chặn dòng vốn mà Việt Nam đang rất cần. Và tôi cho rằng Vương quốc Anh và London là trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới có vai trò thực sự trong quan hệ đối tác để giúp Việt Nam giải quyết một số thách thức này, đồng thời mang lại sự thịnh vượng và cải thiện đời sống và sinh kế trên cả nước.
BBC: Cơ chế để giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai bên là như thế nào thưa ông?
Anh đã thành lập một cơ quan giải quyết thương mại ở đây và cơ quan này hiện thực hiện nhiệm vụ đó và kiểm tra độc lập về các vấn đề phát sinh từ các tranh chấp của WTO và những thứ tương tự.
Vì vậy, chúng tôi có các cơ chế của riêng mình và rõ ràng chính phủ Vương quốc Anh có quyền tự do hành động với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền.
Anh Quốc đang tìm cách gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và trên thực tế Việt Nam đã đóng một vai trò thực sự quan trọng trong việc hỗ trợ đơn gia nhập của Anh Quốc.
Tương tự như vậy, Việt Nam rất ủng hộ việc Vương quốc Anh có quy chế đối tác đối thoại với ASEAN.
Vì vậy, chúng tôi thực sự cảm ơn sự chủ động của Chính phủ Việt Nam và việc đoàn đại biểu cấp cao này do Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước….thăm Anh cho thấy sự nghiêm túc mà Việt Nam đang tiếp cận Vương quốc Anh.
Và chúng ta thấy Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Anne - Marie Trevelyan đã phát biểu tại hội nghị hôm nay. Tức là Chính phủ Anh đang có các động thái đối ứng tích cực và trong tương lai tôi hy vọng Anh Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng có quan hệ chặt chẽ hơn.
Nghị sĩ Graham Stuart, dân biểu vùng Beverley và Holderness từ năm 2005, được bổ nhiệm làm Phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia vào tháng 1/2022. Ông là Quốc vụ khanh phụ trách đầu tư từ tháng 1/2018-2/2020 và Quốc vụ khanh phụ trách xuất khẩu từ tháng 2/2020-2021 tại Bộ Thương mại Quốc tế Anh. Trước đó, ông là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Quốc hội từ năm 2010 đến năm 2015. Từ năm 2016-2018, Ông được bổ nhiệm là công chức của Đảng Bảo thủ (Assistant Government Whip) phụ trách Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng.'
Theo BBC
Comments powered by CComment