Group News: Tin copy

Loạt bài viết này chia sẻ những kết quả sơ bộ của một nghiên cứu độc lập, tập trung vào chủ đề hòa hợp dân tộc trong ba khía cạnh: hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp. Con số 100 tượng trưng cho trăm trứng từ bào thai của mẹ Âu Cơ. Một trăm người Việt tuổi từ 25 đến 99, từ đủ mọi nẻo đường của cuộc sống đã góp tiếng nói vào dòng chảy của những câu chuyện này.

TBT Tô Lâm, Cờ Việt Nam, Cờ VNCH

 

Những phần trong ngoặc kép là lời của nhân vật. Tất cả đều ẩn danh. Mọi liên tưởng chỉ là trùng lặp tình cờ và không chính xác.

Trong những bài trước, các ý kiến chủ yếu xoay quanh giả thiết cho rằng quá trình hàn gắn bị ảnh hưởng bởi việc chúng ta chọn phe trong cuộc chiến ý thức hệ và các di sản của nó lên (1) hệ tư tưởng chính trị của Việt Nam, (2) sự phân cực chính trị trên không gian mạng và (3) danh tính chống cộng ở hải ngoại.

Bài viết kỳ này tập trung vào giả thiết cho rằng dòng chảy lịch sử là yếu tố quan trọng để đánh giá quá trình hàn gắn.

Lịch sử vùng miềnTâm lý vùng miền vẫn rất phổ biến tại Việt Nam

Tâm lý vùng miền vẫn rất phổ biến tại Việt Nam

"Tại sao Việt Nam mình khó hàn gắn ư? Chính trị chỉ là phần ngọn thôi. Quá trình di cư và giao thoa văn hóa mới là cái gốc sản sinh ra khác biệt."

 

Tư tưởng coi "miền Bắc là cái gốc của văn hóa Việt là rất không ổn." "Trong cuốn Bên thắng cuộc có chuyện các cán bộ miền Nam ra thăm chợ Đồng Xuân ai cũng thất vọng vì miền Bắc nghèo quá.

Ông Lê Duẩn bèn nói: 'Cái giàu có, vĩ đại của Miền Bắc là ở chỗ gia đình nào cũng có bàn thờ. Con họ vào Nam là đi vào chỗ chết, thế mà họ vẫn đi. Ta đánh được Mỹ là nhờ truyền thống 4.000 năm đánh giặc. Nếu nhận là người Việt Nam, không năm đời, thì mười đời cũng là gốc Bắc. Ra đây là tìm về nòi giống, cội nguồn'."

Tuy nhiên, "đất nước này có nhiều cội nguồn, do nhiều dân tộc hợp thành. Căn cước Việt của mình mới lắm, không sâu sắc bằng căn cước vùng miền đâu." "Cách đây 1.000 năm, người Hà Nội và Vinh thậm chí không hiểu hết nhau, có lúc phải dựa vào trung gian chữ Hán."

"Cái này là do địa lý mà ra." "Những đất nước chạy ngang theo vĩ tuyến đông-tây thì khí hậu ổn định hơn, văn hóa vùng miền đồng nhất hơn. Những quốc gia chạy dọc theo kinh tuyến như Việt Nam thì khí hậu biến đổi mạnh theo chiều bắc-nam, văn hóa đối chọi nhau rõ ràng hơn."

"Người Việt phía Bắc tiếp diễn văn hóa nông nghiệp của Trung Quốc, ở cạnh biển mà quay lưng lại với biển. Thậm chí trôi dạt ra đến đại dương vẫn trồng dưa hấu (Mai An Tiêm)." "Nhưng sang bên kia sông Gianh là một miền văn hóa mới. Người Việt tiếp xúc với người Chăm thì lập tức gắn với biển để làm ngư nghiệp."

"Năm 73, tôi kết hôn cùng ông xã là người Bắc di cư. Bà ngoại giận lắm. Tự dưng trong nhà có kẻ ngoại bang. Với bà, Đàng Ngoài (miền Bắc) là một đất nước hoàn toàn xa lạ."

Chính vì thế, câu chuyện hàn gắn "không chỉ là hòa giải về ý thức hệ, không chỉ là giữa người Kinh với nhau."

Nó còn là hòa giải cần có với "văn hóa Chăm," giữa "đạo Phật và đạo Chúa," giữa "người Kinh và người Thượng," với những "khu tự trị khi xưa như Hoàng triều Cương thổ," với những "sắc tộc từng có quyền lực trên mảnh đất họ gọi là quê hương."

Lịch sử sinh tồn

"Khoan dung" là từ khóa xuất hiện dày đặc trong các buổi chia sẻ. Có những cuộc phỏng vấn mà ba thế hệ trong gia đình quay sang đấu khẩu với nhau. Có lẽ do "khoan dung" không phải là một căn tính cố định mà là một công cụ sinh tồn, thay đổi tùy theo bối cảnh lịch sử.

Người mình coi khoan dung là truyền thống

Luồng ý kiến này cho rằng người Việt sống quần tụ kiểu làng xã nên để tồn tại thì phải sống trọng tình: "thương người như thể thương thân," "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ," "chín bỏ làm mười," "dĩ hòa vi quý," "một sự nhịn chín sự lành," "đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại," "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau," "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."

Một cựu chiến binh chia sẻ: "Người Việt khi đánh nhau thì 'đạp quân thù xuống đất đen', rồi 'súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa' (Nguyễn Đình Thi). Nhưng tôi thấy người Việt thật ra đánh nhau cũng hiền. Biệt động Sài Gòn xưa đặt mìn trong khách sạn. Tính toán nhầm sao đó, nhưng họ quay lại gỡ mìn, chấp nhận bị bắt để không phải giết đồng bào."

Thế nên "sau giải phóng đâu có tắm máu? Đâu có trả thù? Đâu có giết người để báo oán?"

Đã có những trận đòn thù máu chảy đầu rơi khi triều Tây Sơn lên ngôi và sau đó là Nguyễn Ánh kết liễu triều đại Tây Sơn

Lịch sử giai đoạn các Chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và nhà Nguyễn đã chứng kiến những cuộc trả thù thảm khốc

Người mình không khoan dung

Luồng ý kiến này cũng viện văn hóa làng xã, tiểu nông để giải thích lối sống co cụm, sợ hãi sự khác biệt, trừng phạt sự bất tín dù là nhỏ nhất. Minh chứng là câu chuyện Tấm Cám.

"Ác giả ác báo," "đền ơn báo oán," "thù này càng nhớ càng lâu, trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què," "quân tử trả thù 10 năm chưa muộn," "đời cha ăn mặn, đời con khát nước," "truy cùng diệt tận," "nhổ cỏ phải nhổ tận gốc," "tru di tam tộc."

"Cứ nhìn cách Tây Sơn đào mồ, vứt xương gia tộc Nguyễn Ánh xuống vực. Khi thắng trận thì Nguyễn Ánh trả thù bằng cách giam đầu lâu kẻ thù vào ngục thất."

Văn hóa Việt cũng bị ảnh hưởng bởi kiểu "quân tử Tàu nham hiểm, tàn độc, cả đời nhẫn nhục để ủ mưu trả thù." Xưa có "Ngũ Tử Tư đào mả Sở Bình Vương, đánh 300 roi vào xác vua để báo oán." Nay có cái "tượng đá Tần Cối, ai cũng nhổ nước bọt rồi đạp cho một cái. Tôi không nhổ, bị cán bộ Trung Quốc đi cùng nói phải làm giống như mọi người. Tôi đạp một cái mới được vào."

Chính vì vậy nên Việt Nam là một "tình huống đặc biệt. Ở nơi khác, hận thù chủ yếu do những gì xảy ra trong chiến tranh. Với Việt Nam, hận thù chủ yếu là do chính sách (ơn đền oán trả) sau chiến tranh."

Người mình khoan dung tùy vùng miền

Luồng ý kiến này cho rằng những cộng đồng "khai phá khẩn hoang thường khoan dung với sự khác biệt của người tứ chiếng."

"Đất lành chim đậu. Chim đậu trên đất lành nên cũng lành theo, không tranh ăn với kẻ dị biệt."

"Ai sống trong Nam thấy rõ lắm. Những người mua vé số phần lớn không mong trúng thưởng mà chủ yếu mua vì thương." "Đi đâu cũng thấy những bình nước miễn phí." "Bạn tôi sau khi ly hôn vào Nam sống, chuyện riêng không hề bị phán xét." Nhưng "về Hà Nội ăn Tết cái là bị chính bố mẹ kêu có khách thì lánh vào phòng ngủ."

Thế nên "sau 75 người miền Nam tuy thua nhưng họ chịu đựng lắm, cứ nhẫn nại mà sống cùng kẻ đã 'giải phóng' mình." "Giờ miền Nam có nhiều đứa còn 'bò đỏ' hơn cả miền Bắc."

Người mình khoan dung tùy kẻ thù

Luồng ý kiến này dùng căn tính "linh hoạt," "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài," "đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" để giải thích tại sao "người mình bỏ qua được với quân xâm lăng mà không tha thứ được cho đồng bào mình."

Đó là vì lợi ích kinh tế (xem bài 3).

"Năm 75, chỉ sau giải phóng có mấy tuần thôi là ông Phạm Văn Đồng đã tuyên bố: 'Việt Nam mời gọi Hoa Kỳ bình thường hóa'."

"Với ông Mỹ thì là vậy. Ông Pháp thậm chí còn yêu. Ông Nhật lại có tý kính trọng. Ông Úc thì ôi thôi, chẳng ai biết đã từng đánh mình. Còn ông Hàn thì xong rồi, bọn trẻ con bây giờ quỳ lạy làm thần tượng."

"Nhưng với ông Trung Quốc thì chưa chắc. Dù lợi ích kinh tế rất kinh." "Ngày xưa đánh Tàu xong thì triều cống ngay" "vì sợ." "Ta cũng mất lòng tin. Nó đã lấy Hoàng Sa. Nó ở ngay sát nách. Nó lại luôn có âm mưu đồng hóa mình, chia rẽ mình."

"Cái sự linh hoạt này thật ra cũng dở. Đôi khi thành thiếu chân thành. Với kẻ mạnh thì uốn mình, với kẻ yếu thì bắt nạt."

Nó hình thành "tâm lý tiểu vương," "người em nhỏ." "Nó lỡ cỡ," "mang đầy uẩn ức của kẻ bị tổn thương nên đi làm tổn thương kẻ khác."

Việt Nam và Pháp dường như đã gác lại quá khứ hận thù, trong ảnh là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Việt Nam và Pháp đã gác lại quá khứ hận thù để trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong ảnh là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam vào ngày 7/5/2024

Người mình khoan dung, nhưng khó tha thứ cho người nhà

Vì "ta đã quá yêu nhau."

"Ta đề phòng người ngoài chứ mấy ai đề phòng người nhà?" "Tha thứ cho kẻ thù chứ dễ gì cho kẻ phản bội?"

"Phe cộng sản cho rằng mày nhờ thằng Mỹ đánh anh em. Thế là phản trắc. Phe quốc gia cho rằng mày trả thù anh em sau khi thắng trận. Thế là độc ác."

"Người ngoài làm thế với mình thì còn hiểu được, nhưng người nhà làm thế thì đau đớn lắm. Người ta thường hận người mình yêu. Yêu càng sâu thì hận càng lâu."

"Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Nước để lâu thì khô, còn máu để lâu thì tanh." "Không bao giờ bay vết." "Những xung khắc của anh em một nhà càng để lâu càng tanh tưởi, khó gột sạch vô cùng."

"Huống chi đã 50 năm?"

Lịch sử 'nội chiến'

Việt Nam có một "lịch sử đẫm máu." "Anh em ruột giết nhau vì ngôi báu. Đó là còn chưa kể đảo chính đổi thay triều đại, rồi khởi nghĩa của thảo khấu và nông dân."

"Mấy nghìn năm bất ổn" đã tạo ra "hàng triệu hạt mầm sợ hãi, khiến ta lúc nào cũng thủ thế và nghi ngờ, nhìn kẻ khác bằng đôi mắt của tâm phân biệt."

"Cú đánh chí mạng vào dân tộc này là cuộc chiến nồi da xáo thịt và những hận thù gây ra bởi tù cải tạo, bởi nhà cửa bị tịch thu, bởi chủ nghĩa lý lịch, bởi hàng trăm ngàn người vì bỏ chạy cộng sản mà thịt nát xương tan giữa đại dương."

"Mấy năm trước tôi có gặp bà Jackie Bông. Bả có chị gái là dân tập kết, em trai là lính cộng hòa, chồng là Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị biệt động Sài Gòn ám sát. Bả là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Mỹ."

"Tôi hỏi bà từng làm việc với nhiều cộng đồng da màu ở đây, có thấy ai thù ghét nhau như người Việt không? Bả nói không."

"Mẹ ơi!

Khi Cha nói với Mẹ rằng/ Ta là giòng giống của Rồng/ Nàng là giòng giống của Tiên/ sống với nhau hoài không đặng

Sao Mẹ không nhắc Cha câu gừng cay muối mặn/ Sao Mẹ không trả lời Cha/ Đi mô đem thiếp đi cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo

Năm mươi đứa xa cha như nhà không nóc/ Năm mươi đứa thiếu mẹ quên chín chữ cù lao/ không biết quý câu một giọt máu đào/ bao bận nồi da xáo thịt."

(Nguyễn Thị Tịnh Thy)

 
 

Lịch sử phong kiến

Những khái niệm mới

Tuy nhiên, một nhà sử học phản biện lại giả thuyết "nội chiến liên miên" là "nguồn cơn chia rẽ dân tộc."

"Đổ máu ở châu Âu còn kinh hơn. Vấn đề là người Việt vẫn đang trong thời phong kiến nên không có tư duy cho những khái niệm mới."

"Quốc gia" là một khái niệm mới. "Chữ 'tổ' trong 'Tổ quốc' là dòng tộc/tổ tông." "Suốt hàng nghìn năm, người Việt theo trật tự trung quân, không phải trung quốc. 'Con dân' là tôi tớ phải phục tùng. Vua bảo thần chết, thần không chết là thần bất trung."

"Tinh thần dân tộc" cũng là khái niệm mới. "Nước là sở hữu của vua. Các ông vua đánh nhau vì 'giang sơn' là tài sản gia đình, cha truyền con nối. Mất thì giành lại, có cơ hội thì chiếm thêm, khi cần thì lấy ra mua bán. Xã tắc về tay kẻ khác thì có lỗi với 'tiền nhân' chứ không phải với dân. Xâm lược nước khác là 'mở mang bờ cõi' làm rạng danh tổ tiên."

"Nội chiến" cũng là khái niệm mới. "Ngày xưa chỉ có phản nghịch, chống lại Thiên Tử. Đổ máu là do triều đình 'dẹp loạn'. Thế nên Tây Sơn bị triều Nguyễn coi là 'giặc cỏ'."

Vì thế, "hòa giải-hòa hợp" hay "hàn gắn dân tộc" cũng là những khái niệm mới. Triều đình không "hòa giải" mà "trừng phạt."

"Có một câu nói của tướng Trương Công Định được ghi vào sử. Nhưng có lẽ do người đời sau nhét vào mồm ông ấy: 'Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta. Nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta'."

"Vấn đề là vào năm 1862 thì khái niệm Tổ quốc chưa hình thành. Nó phải chờ đến Đông Du và Duy Tân đầu thế kỷ 20. Trương Công Định là tôi trung, không bao giờ phản triều đình. Ông chống Pháp chứ không chống vua."

"Lịch sử chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài cũng không phải là nội chiến. Cả Trịnh và Nguyễn đều hô 'phù Lê diệt Mạc' để có tính chính danh là trung thành với triều Hậu Lê."

Vua trao thiên mệnh

Việc "Bảo Đại trao ấn kiếm năm 45 đặc biệt quan trọng với Việt Minh." "Theo cách nghĩ hồi ấy, chính phủ mới có chính danh vì được vua trao cho thiên mệnh lãnh đạo đất nước."

"Trong ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, ông Hồ đã có một hành động không hề có trong kịch bản. Trước đám đông dân chúng, ông bất thần tuốt kiếm, giơ lên cao và thét lớn: 'Thanh kiếm này là để chặt đầu những tên phản quốc'." (Bài Cụ Hồ tuốt kiếm trên Lễ đài độc lập, báo Tiền Phong ngày 4/9/2009.)

"Với tư duy phong kiến rơi rớt, những người cộng sản chiến thắng có lẽ một phần vì tin tưởng mãnh liệt rằng 'thiên mệnh' của mình là 'giải phóng' miền Nam."

Và cũng với tư duy ấy, "khi Pháp hỗ trợ để Bảo Đại thành Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam (1949-1955), dù tính pháp lý rất yếu, nhưng nhiều 'thần dân' vẫn ủng hộ ông." "Chính phủ Diệm sau đó tước đi thiên mệnh của Bảo Đại bằng chiến dịch sỉ nhục ông là con hoang, vì Khải Định vô sinh."

Không có ngôn ngữ để gọi tên sự thật

Vấn đề là Việt Nam bỏ qua giai đoạn "tư bản," từ "phong kiến" tiến thẳng lên "xã hội chủ nghĩa."

Sự đi tắt đón đầu này khiến khái niệm "người dân là chủ nhân của đất nước" du nhập vào Việt Nam quá nhanh chóng. Việc đất nước chia đôi, mỗi bên là quốc gia chính danh là điều "ít ai hình dung được." Nó không có trong "từ vựng và tư duy" của những người vừa bước ra khỏi thời phong kiến.

Chính vì vậy, không bên nào chấp nhận từ "nội chiến." "Miền Bắc xem miền Nam là tay sai của Mỹ. Miền Nam xem miền Bắc là tay sai của Trung Quốc, Liên Xô'." Cả hai đều dùng truyền thống chống ngoại xâm, trung hiếu với tổ tiên để có chính danh.

Chúng ta khó hàn gắn vì lịch sử phong kiến chưa cho phép một "nền tảng tư duy" về "dân chủ" và "quốc gia" để hiểu khái niệm "nội chiến," để công nhận rằng "người Việt đang giết người Việt."

Đó là bi kịch của tư duy chứ không phải bi kịch của chính trị. Ta không có ngôn ngữ để gọi tên sự thật. Trong khi hàn gắn đòi hỏi nhìn nhận: "Chúng ta đều là người Việt, chỉ khác nhau về con đường."

"Thực ra Cụ Hồ đi trước thời đại khi nói rằng: 'Ông Diệm yêu nước theo cách của ông ấy'."

"Lãnh đạo thời nay vẫn chưa ai nói được câu đó."

Những người trong chính quyền và quân đội của VNCH đang lao động tại một trại cải tạo ở Tây Ninh vào tháng 6/1976

Chính sách hậu chiến: Hàng chục ngàn người đã bị đẩy vào trại cải tạo sau ngày 30/4/1975

Chính sách hậu chiến

Như vậy, khái niệm "nội chiến" và "hòa giải" không có chỗ đứng trong không gian tư duy phong kiến. Thay vào đó là hệ giá trị "đúng sai" và "trừng phạt."

"Trung quân" là chính danh, "chống triều đình" là phản loạn. Nếu phe thắng cuộc là "vương triều hợp đạo," suy ra phe kia là "loạn thần tặc tử."

Những chính sách hậu chiến ở Việt Nam sai lầm vì nó mang âm hưởng của "triều đình trừng phạt kẻ phản nghịch sau khi giành lại vương triều."

"Thay vì khoan dung hoặc xét xử trong tòa án binh," bọn "phản tặc" phải đền tội vì có "nợ máu." "Binh lính cộng hòa bị giam giữ nhiều năm mà không hề có phán quyết của tòa án hay tội danh chính thức." Họ bị trừng phạt vì lý do đạo đức (phản nghịch) chứ không phải lý do chính trị (chống cộng).

Tư duy phong kiến kiểu "tru di tam tộc" và "giận cá chém thớt" cũng là nền tảng của chủ nghĩa lý lịch. "Binh lính chế độ cũ sau khi ra tù không thể làm việc cho chính quyền. Con cái của họ không được vào đại học."

Có thể nói, quá trình hàn gắn bị cản trở bởi chính sách hậu chiến mắc kẹt trong tư duy phong kiến, nơi "thắng bại quyết định đạo lý".

"Cách nghĩ ấy giờ vẫn thế. Tụi trẻ con khi chửi ba sọc trên mạng vẫn nói: 'Thắng làm vua, thua thì nín.' 'Thắng làm vua, thua không có quyền gáy'."

Tuy nhiên, một viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn, đồng thời đã vào tù vì phản kháng lại chính quyền Hà Nội lại có cái nhìn rất bao dung:

"Từ chỗ không có khái niệm 'hòa giải', đến bây giờ nó đã thành ngôn ngữ chính trị, thành chủ đề thảo luận, thành nền tảng để ra chính sách… thì phải nói đó là sự tiến bộ có tính đảo ngược cả dòng lịch sử."

Sự pha trộn giữa 'lịch sử' và 'ý thức hệ'

Tuy nhiên, yếu tố lịch sử (vùng miền, khoan dung để sinh tồn, nội chiến, phong kiến) không tồn tại trong không gian kín. Đầu thế kỷ 20, nó có thêm chất xúc tác là học thuyết cộng sản nhập khẩu vào Việt Nam.

Sự kiện này xảy ra khi đất nước đang trong hỗn hợp phong kiến và thuộc địa, cộng thêm đói nghèo và dân trí thấp. Một luồng ý kiến mạnh mẽ cho rằng bối cảnh này quyết định phương thức cách mạng và ảnh hưởng đến hàn gắn thời hậu chiến.

Cách mạng là 'cơn đói có trong tay vũ khí'

"Chủ nghĩa cộng sản thường gắn với đấu tranh giai cấp, lật đổ bọn tư sản bóc lột."

"Nhưng sang đến châu Á thì toàn phong kiến và thuộc địa. Cái đấu tranh giai cấp ấy thành ra lật đổ vua chúa, lật đổ thực dân. Người nghèo sẽ có ruộng. Thế là họ theo thôi."

"Người nghèo đơn giản lắm. Tôi nhớ câu cửa miệng của mẹ lúc nào cũng 'trời ơi', 'chết rồi', 'chết mất', 'khổ lắm', 'khổ quá'."

"Đói nghèo ám ảnh. Động từ chính trong ngôn ngữ Việt là 'ăn': ăn nằm, ăn học, ăn vạ, ăn ảnh, ăn hiếp, ăn khách, ăn đòn…"

"Người Việt có mối thù sâu sắc với kẻ giàu có và quyền thế." "Xem phim tài liệu về cải cách ruộng đất, nhìn cách nông dân tra tấn, đấu tố địa chủ có cảm giác như họ căm thù thực sự. Hòa giải dân tộc khó vì đó là cái thù đã tích lũy từ ngàn đời."

"Đó là lý do tại sao chỉ 2.000 đảng viên mà vận động được hơn 20 triệu dân. Họ đưa ra những giải pháp giản dị cho những vấn đề phức tạp. Để thoát khổ thì phải đấu tranh giai cấp."

'Khi ngu dốt lên ngôi, hòa hợp bị hành hình'

Lại là một chuyện tếu, "Lênin từng nói người Đức không làm cách mạng được, bởi trước khi tấn công Nga thì họ xếp hàng mua vé tàu."

"Những người dân thất học không bao giờ xếp hàng."

"Việt Nam chưa trải qua tư bản nên không có tầng lớp trung lưu, không có nền tảng của dân chủ. Tư tưởng của Phan Châu Trinh không tạo ra cách mạng ở Việt Nam vì nó không thể khai dân trí vào nông dân."

"Tầng lớp ấy nói gì cũng nghe. Khi có quyền thì họ thay Trời hành đạo, xử án đồng bào rất thiếu văn minh."

"Sự ngu dốt thậm chí là công cụ." "Stalin hình như từng nói: 'Ý tưởng mạnh hơn vũ khí. Ta không để kẻ thù có vũ khí, vậy tại sao lại để họ có ý tưởng?'"

"Cho đến giờ, dân trí vẫn là một vấn nạn." "Cứ nhìn những vụ chụp mũ" "bưng bô" hoặc "phản động," những "cơn cuồng chống cộng" hoặc "yêu nước cực đoan" là thấy.

Hòa giải dân tộc khó vì "khi chiến tranh kết thúc, sự ngu dốt vẫn tiếp tục nổ súng."

Nhu cầu 'minh chủ'

"Đừng đổ lỗi cho cộng sản. Cái 'cây' ấy ra những 'trái' khác nhau trên những mảnh đất khác nhau."

"Ở phương Tây, nơi tư bản và tư duy đã vững chãi, chủ nghĩa cộng sản là công cụ triết học. Ở phương Đông nơi vua chúa là con Trời, nó trở thành công cụ quyền lực."

Người nghèo làm cách mạng lật đổ vua chúa, nhưng sau đó vẫn "chờ một đấng minh quân kiểu mới." Tâm lý nói chung là "kính trọng, dựa dẫm, phụ thuộc vào lãnh đạo," thậm chí thành "tự ti, thiếu tư duy phản biện, nặng tâm trí thuộc hạ." "Nhân viên sợ hãi và cung phụng sếp." "Khi oan ức thì không đấu tranh mà chờ đèn giời soi xét."

Trong ngôn ngữ nói, viên chức chính quyền được gọi là "quan chức," chính phủ là "triều đình." Đại sứ Trung Quốc bị ám chỉ là "thái thú." Khi Vương Đình Huệ bị cách chức, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội viết "triều đại của họ Vương" đã chính thức chấm dứt.

"Giáo sư Vũ Khiêu từng sùng bái cá nhân" đến mức vinh danh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là "tể tướng giáng trần," bà Hoàng Thị Loan (mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh) là "quốc mẫu."

Cái hay là "nếu lãnh đạo tốt thì đất nước đi lên, kiểu độc tài tốt bụng như Singapore." Cái dở là "xui xẻo dính lãnh đạo dở ẹc thì số phận dân tộc bị đánh cược bởi ý chí cá nhân."

Người cầm bút và người cầm cuốc

Tuy nhiên, một nhà sử học phản biện lại các ý trên và cho rằng, "(1) nghèo đói, (2) ngu dốt và (3) tâm thế chờ dẫn dắt không phải nguyên nhân dẫn đến cách mạng. Công nông không thực sự lãnh đạo cách mạng."

"Là tác giả của học thuyết nhằm cứu rỗi dân nghèo, nhưng Mác và Ăng-ghen không hề nghèo. Mác là trí thức trung lưu, Ăng-ghen là đại tư sản. Ông Mác còn chẳng bao giờ làm công ăn lương, sống dựa dẫm vào ông bạn Ăng-ghen giàu có. Thậm chí Mác có cả hầu gái và bà này cũng đi làm không công luôn."

"Chính Lênin cũng xuất thân quý tộc, và đó là nỗi xấu hổ cho các nhà sử học Liên Xô, nên họ lộn ngược ba đời để nói về ông nội Lênin là một thợ may."

"Trotsky là con điền chủ, Stalin từng học trường dòng. Mao là con nhà giàu. Chu Ân Lai từng đi du học." "Những người lãnh đạo Việt Minh tuy không hoành tráng như vậy, nhưng cũng đều có tí ăn học. Cũng tiểu tư sản và con quan chứ có mấy nông dân đâu?"

"Ở những nước bị đô hộ, trí thức tiểu tư sản tuy được ăn học tử tế, nhưng bị thực dân đẩy ra rìa, không có thực quyền." "Nhiều vị cũng thực lòng tin vào lý tưởng giải phóng con người."

"Nhưng họ không thể cải cách một cách ôn hòa. Mà đấu tranh thì họ không có vũ khí."

"Học thuyết Mác-Lê đã chỉ ra cho họ: vũ khí chính là giới cần lao. Họ phải đại diện cho giới cần lao."

"Đó là những cuộc cách mạng mà dân nghèo chủ lực, nhưng do trí thức và tiểu tư sản lãnh đạo." "Những gương mặt đại diện cho giai cấp vô sản hầu như chưa bao giờ phải sống đời vô sản."

(Nhân vật minh họa bằng cuốn A people's tragedy: The Russian Revolution

1891-1924).

"Lịch sử thậm chí được diễn giải lại." "Tây Sơn được tung hô vì cuộc khởi nghĩa mang tính giai cấp, nông dân đứng lên chống chế độ. Nguyễn Ánh thành kẻ 'cõng rắn cắn gà nhà'."

"Nhưng tất nhiên, Nguyễn Huệ không hề là bần nông. Nhà ông buôn trầu, nuôi voi. Ba anh em Tây Sơn văn võ song toàn."

"Nghịch lý giai cấp" khiến mọi chính quyền đại diện cho cách mạng phải tiếp tục "chứng minh lý do tồn tại của mình" khi chuyển sang giai đoạn ổn định.

"Làm sao để thuyết phục dân nghèo là tuy tôi có đặc quyền, thành đạt, học cao, nhưng tôi vẫn đại diện cho tầng lớp cần lao?" "Làm sao để họ không nhìn tôi như một tầng lớp cai trị mới?"

Tuy nhiên, trong bất kỳ xã hội nào, "phân hóa giai cấp là tất yếu." Trong bất kỳ xã hội nào, "người trí thức" của các giai cấp "sẽ là người lãnh đạo." "Không có một nhà nước tử tế nào mà những người đứng đầu thất học cả."

Sự tưởng tượng của Mác về một xã hội phi giai cấp đã khiến những người cộng sản "lúng túng, sa lầy trong xung đột, thậm chí tự bắn vào chân mình."

"Nhiều nghịch lý lắm. Ta vừa tôn sùng lại vừa sỉ nhục các ông hoàng bà chúa, vừa tự hào lại vừa nghi ngờ trí thức, vừa nể lại vừa thù người giàu, vừa khinh bỉ lại vừa ve vuốt người nghèo. Như con rắn đòi ăn cái đuôi của chính mình."

"Danh có chính thì ngôn mới thuận." "Phải thay đổi hệ thống lý luận để thoát khỏi mâu thuẫn này." (Mời quý vị xem lại bài 4).

Giải quyết "câu hỏi giai cấp" "giữa chính quyền và giới cần lao" là một phần của hòa giải dân tộc.

Hòa giải với lịch sử

Hòa giải không thể đi vòng qua sự thật

Như vậy, các yếu tố "lịch sử" tương tác với yếu tố "chính trị," tạo ra những rào cản cho hòa giải.

Một luồng ý kiến mạnh mẽ cho rằng giải pháp là phải tôn trọng sự thật. "Ta không thể khép lại quá khứ mà không ghi nhận quá khứ ấy."

"Lịch sử phải "được coi là một khoa học chứ không phải công cụ tuyên truyền." Chỉ khi "sự thật được nói ra, ký ức được đa chiều" thì ta mới có thể "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai".

"Trong một buổi nói chuyện, khách mời là cô Tôn Nữ Thị Ninh nói có những sự thật nếu công bố lúc đó có thể ảnh hưởng đến quốc gia nên được giữ kín. Nhưng khoảng 20 năm thì phải bạch hóa chứ không giấu nhẹm hoàn toàn."

"Lúc đó tôi nghĩ: Vậy còn những gì mình chưa biết? Làm sao để không phải chờ 20 năm?" "Tại sao trong thời đại internet này mà nhiều bạn bè tôi vẫn phải ra nước ngoài mới hiểu rằng lịch sử Việt Nam còn có một khuôn mặt khác?"

Mũ cối, mũ sắt, cờ Việt Nam, cờ VNCH
Chụp lại hình ảnh,Cuộc chiến đã lùi xa nhưng câu chuyện hòa giải, hòa hợp vẫn còn nhiều tranh cãi

Ghi nhận tính chính danh và giá trị của Việt Nam Cộng hòa

Thực ra "chính quyền đã bạch hóa nhiều sự thật qua nghiên cứu," nhưng "không muốn, hoặc chưa muốn biến nó thành diễn ngôn đại chúng".

"Tôi đánh giá cao việc chính quyền ghi nhận hơn 300.000 lính Trung Quốc đã từng tham chiến ở Việt Nam." Nó giúp ta tiệm cận hơn "với sự thật rằng đây là 'cuộc chiến ủy nhiệm có yếu tố nội chiến', chứ không chỉ là 'kháng chiến chống Mỹ'."

"Giới khoa học và lý luận chính trị đã liên tục khẳng định có hai quốc gia trên một lãnh thổ. Đây là cơ sở pháp lý đòi lại Hoàng Sa." "Nhưng sự ghi nhận này rất ít người biết. Chắc ta sợ phải công nhận 'nội chiến'."

(Thông tin này lấy từ bài Sự tiếp nối chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên tạp chí Lý luận chính trị ngày 21/12/2015).

Chính ông Võ Văn Kiệt cũng cho rằng chính phủ phải "nhìn nhận công lao to lớn của những người chế độ cũ, của nội các Dương Văn Minh khi ra lệnh buông súng để tránh đổ máu, giữ cho ta một Sài Gòn nguyên vẹn." Một vài cựu chiến binh khác cũng cho rằng nên có một con đường đặt tên Dương Văn Minh.

Chính quyền cũng đang dần chấp nhận "tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của ông Diệm." "Tôi từng thấy nhiều gia đình miền nam xưa thờ Ngô Đình Diệm như người Bắc thờ Bác Hồ vậy." Những "giá trị của Đệ nhất Cộng hòa cũng đang được ghi nhận."

(Nhân vật minh họa bằng cuốn Liên minh sai lầm của NXB Sự Thật và cuốn Phán xét viết bởi Thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng).

Văn hóa miền Nam cũ đang dần được "minh oan, dù rất muộn màng." Những gì từng bị coi là "phản động, dâm ô, đồi trụy" nay khoác chiếc áo mới "Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng." "Quốc văn Giáo khoa thư đã tái bản nhiều lần."

"Thừa nhận VNCH là thừa hưởng gia tài quý báu về văn hóa, giáo dục, kinh tế." "Từ nay về sau, giới chuyên môn làm gì cũng phải tìm những tài liệu tương ứng từ miền Nam khi xưa, vì họ đi trước ta rất nhiều."

(Nhân vật trích ý từ bài Thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là bước tiến quan trọng trên Tuổi Trẻ ngày 20/08/2017).

Ghi nhận gốc rễ của hận thù

Tuy nhiên, "những sự kiện đau thương nhất, gây chia rẽ và oan khuất nhất như tù cải tạo, chặn đường sống bằng chủ nghĩa lý lịch và thảm họa thuyền nhân thì vẫn chưa được bạch hóa."

Nguy hiểm hơn, "nạn nhân trở thành kẻ giết người" khi "lịch sử bị bóp méo."

"Tôi phát hoảng khi một đứa trẻ post trên mạng rằng: Bảo tao yêu cờ vàng thì khác gì bảo Do Thái yêu Hitler?"

"Tôi không hiểu ở một cái vũ trụ kỳ quái nào mà hàng triệu người bị cầm tù, bị chính quyền lấy hết nhà cửa, bị cấm học hành, bị bỏ xác giữa biển khơi… lại bị gọi là Hitler?"

"Rất nhiều bạn trẻ bây giờ cho rằng binh lính cộng hòa chỉ đơn giản là đi 'học tập'. Sự thật là họ bị lừa đi tù. Chính quyền nói chỉ đi cải tạo 1 tháng. Nhưng họ bị chuyển ra Bắc, sống cả chục năm lao động khổ sai. Bao nhiêu người phải tự sát vì quẫn chí."

"Thuyền nhân cũng bị hiểu lầm kinh khủng." "Nhiều bạn trẻ cho rằng họ làm nghề đánh cá."

"Hoặc kêu 'có ai đuổi đâu trời, tự đu càng đi theo ngoại bang rồi bảo là phải trốn chạy, đã ai làm gì đâu?'"

Họ cũng bị buộc tội "trốn nghĩa vụ đánh ngoại xâm" (trước 73) trong khi "sự thật là họ trốn cộng sản" (sau 75). Sự nhầm lẫn thời điểm lịch sử này khiến hàng triệu người bị coi là "phản quốc." Một nhân vật chia sẻ: "Cờ vàng là xấu. Bởi nó đại diện cho những người ích kỷ, chỉ muốn sướng cho bản thân nên bỏ chạy trong khi cả nước đang đồng lòng đánh Mỹ."

Những người vượt biên vẫn bị coi là "đĩ điếm, lính đánh thuê. Không còn được ăn 'bơ thừa sữa cặn' của Mỹ nữa, không chịu được khổ nữa, nên họ bỏ đi." "Đây chính là lý do bọn trẻ trâu cho rằng 'cứ Cali, ba sọc, thuyền nhân là auto phản động'."

(Nhân vật minh họa bằng phát biểu của ông Nguyễn Cơ Thạch tại Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn: "Thuyền nhân" là "những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động".)

"Nếu những bi kịch này không được minh oan trong chính sử, cánh cửa quá khứ sẽ không bao giờ khép lại."

Sự thật là con voi; Lịch sử là những phiên bản của các ông thầy bói

Tại sao? Vì "không ai nhìn thấy hết sự thật. Kể cả những nhà chép sử."

Ví dụ, trong bức ảnh nổi tiếng "tướng Loan bắn chết ông Việt Cộng Bảy Lốp trên đường phố Sài Gòn." "Nhìn ảnh thì tướng Loan rất ác, bắn một tù nhân bị trói tay. Nhưng phải hiểu là tướng Loan muốn trả thù."

Trước đó, ông Bảy được cho là đã sát hại toàn bộ gia đình một trung tá cộng hòa cùng vợ và 6 đứa trẻ con khi họ đang ăn cơm. Hai đứa là con nuôi của tướng Loan. Một đứa bé 9 tuổi may mắn sống sót.

50 năm sau, "đứa bé 9 tuổi năm ấy, con tướng Loan, và con của ông Bảy Lốp chia sẻ câu chuyện của mình trong bộ phim tài liệu Đất lành chim đậu."

Lịch sử với cậu bé 9 tuổi là "nỗi kinh hoàng khi bò lổm ngổm giữa đống xác người và nhìn thấy anh trai chết lòi bụng."

Lịch sử với con của tướng Loan là "nỗi đau đớn khi bạn bè nói rằng bố mày là tên giết người."

Lịch sử với con ông Bảy Lốp là "cuộc sống nghèo đến mức cả nhà phải ở dưới gốc cây." Là "nỗi đau liên tục phải sống dậy" khi mỗi năm người ta vẫn kỷ niệm 30/4 với bức ảnh bố họ bị giết.

"Hòa giải không phải là bảo đứa bé 9 tuổi ngày xưa tha thứ cho ông Bảy Lốp," hay "bảo con ông Bảy Lốp tha thứ cho tướng Loan." "Hòa giải bắt đầu khi những đứa con của ba người đàn ông đã chết được phép kể câu chuyện của mình."

Chúng ta không cần một lịch sử "đúng hết," mà là những "phiên bản lịch sử cá nhân," như những "mảnh gương nhỏ, không mảnh nào giống mảnh nào, nhưng phản chiếu thành thật một phần quá khứ."

Sự thật sẽ hàn gắn hận thù nếu ta "(1) công bằng với mất mát từ cả hai phía, (2) không buộc tội hay trả thù, và (3) không đổ lỗi cho cả một cộng đồng."

"Nếu sự thật bị nhắc đến nửa chừng, hận thù còn quay lại khủng khiếp hơn."

Đó là trường hợp "triển lãm cải cách ruộng đất năm 2014 đóng cửa sau ba ngày vì quá nhiều người phẫn nộ." "Hàng ngàn người bị chết oan mà chỉ trưng bày vỏn vẹn một bức ảnh Bác Hồ trong hội nghị sửa sai và một vài công văn của Đảng."

Ngày 30/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu: "Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng có thể hoạch định lại tương lai."

"Tôi đồng ý một nửa."

"Nhà Mạc từng bị coi là ngụy triều khi soán ngôi nhà Lê, nhưng bây giờ được đặt tên đường. VNCH từng là 'bù nhìn' của Mỹ, nhưng chữ 'ngụy' không có trong bộ sử mới. Stalin từng là lãnh tụ đáng kính tại Việt Nam, nhưng giờ bị chính người cộng sản hạ bệ. Trung Quốc từng là 'bá quyền xâm lược', nhưng năm 92 ta đổi cả Hiến pháp để giảng hòa. Người giàu xưa là kẻ thù giai cấp, nhưng giờ 'toàn dân thi đua làm giàu'."

"Lịch sử chỉ không thể làm lại, nhưng có thể viết lại." Để nó "công bằng hơn, giống với con voi hơn."

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.