Group News: Tin copy

Hiệp định Paris, được ký tháng 1 năm 1973, hoàn toàn mất hiệu lực khi các xe tăng Bắc Việt tràn vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Hiệp định Paris, được ký tháng 1 năm 1973

Hiệp định Paris được ký tháng 1 năm 1973

Hiệp định Paris, được ký tháng 1 năm 1973, hoàn toàn mất hiệu lực khi các xe tăng Bắc Việt tràn vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Khi phân tích chiến lược và mục tiêu của Nixon và Kissinger, Hiệp định Paris 1973 đã trở thành đề tài của nhiều bài viết, sách vở của các sử gia Mỹ. Mặc dầu vậy, động cơ, chiến lược và chính sách của Bộ Chính trị Bắc Việt với đề tài Hiệp định Paris vẫn là những vấn đề chưa sáng tỏ. Đảng Cộng sản đã xuất bản nhiều quyển sách, nổi bật trong số đó là quyển Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris của Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ, và nhiều bộ tài liệu chính thức, nhưng phần lớn các nguồn tư liệu gốc vẫn còn nằm trong văn khố Hà Nội.

Tuy nhiên, qua những tài liệu đã được công bố, những gì xảy ra trong thời kỳ đầy biến động đó đã hiện ra tương đối rõ. Những nguồn tài liệu được công bố cho thấy Bộ Chính trị đã thận trọng xem xét những sự lựa chọn, cân nhắc những trường hợp có thể xảy ra trước những diễn biến dẫn đến cao điểm được kết thúc bằng một hiệp định hòa bình.

Khi các biến cố diễn ra, dù gặp trở ngại, họ vẫn đi theo con đường đã chọn. Sau khi ký Hiệp định Paris, Bộ Chính trị đã tái lượng định những sự chọn lựa và quyết định từ bỏ hiệp định ở một thời điểm sớm hơn nhiều so với những thời điểm đã được nhìn nhận từ trước đến nay.

Phát động cuộc tổng tấn công 1972 – quyết định gây chiến

Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, thăm phi hành đoàn của một đơn vị phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa vào năm1967

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn là nhân vật có tiếng nói quyết định trong đường hướng của Bắc Việt vào giai đoạn này

Sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào Nam Lào (tháng 2–3 năm 1971) của quân đội Việt Nam Cộng hòa, Bộ Chính trị tin rằng sức chiến đấu của quân đội Bắc Việt đã hồi phục sau những tổn thất nặng nề từ Tết Mậu Thân 1968.

 

Vào tháng 5 năm 1971, Hà Nội quyết định phát động một cuộc tấn công lớn đầu năm 1972 nhằm giành chiến thắng trước Việt Nam Cộng hòa.

Mục tiêu quân sự của Bộ Chính trị là phá hủy chương trình bình định và Việt Nam hóa chiến tranh. Một khi đã đạt được những điều này, mục tiêu chính trị của Hà Nội là lật đổ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và thành lập một chính phủ liên hiệp ba thành phần gồm Cộng sản, Trung lập và Quốc gia. Chính phủ chuyển tiếp này sẽ buộc người Mỹ rút đi và bắt tay với Bắc Việt để thống nhất đất nước.

Kế hoạch của Bộ Chính trị vẫn giữ nguyên chính sách song hành như Hồ Chí Minh đề ra trước đó: "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào." Đây là chiến lược cốt lõi đã được đơn giản hóa.

Trước khi tấn công, Lê Duẩn đã trình bày với các tướng lãnh quân sự về cái nhìn của ông. Lê Duẩn đưa ra hai hướng diễn biến, mỗi hướng gồm hai giai đoạn. Hướng diễn biến thứ nhất: sau khi quân đội Bắc Việt gây tổn thất nặng nề cho lực lượng VNCH, chính quyền Thiệu sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng. Nhân dân sẽ nổi dậy đòi hòa bình, Thiệu sẽ bị lật đổ, và một chính phủ chuyển tiếp có sự tham gia của phe Cộng sản sẽ được thành lập. Đây là kế hoạch tổng nổi dậy mà Lê Duẩn đã ấp ủ từ lâu – từng thất bại trong các cuộc tổng tiến công năm 1965 và 1968.

Lính Bắc Việt (trái) và Việt Nam Cộng hòa chiến đấu quanh thành cổ Quảng Trị trong Mùa hè đỏ lửa 1972
Lính Bắc Việt (trái) và Việt Nam Cộng hòa chiến đấu quanh thành cổ Quảng Trị trong Mùa hè đỏ lửa 1972

Hướng diễn biến thứ hai: cũng sau khi quân đội VNCH bị tổn thất, Thiệu vẫn bị lật đổ, sẽ có chính phủ mới, nhưng trong chính phủ mới đó không có sự tham gia của Cộng sản, và chính phủ mới đó không chấp nhận yêu cầu của Hà Nội. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, Hà Nội sẽ tiếp tục chiến đấu để thay chính phủ này bằng một chính phủ khác có sự tham gia của Cộng sản.

Trước cuộc tấn công, Lê Đức Thọ cũng đánh điện cho các chỉ huy chiến trường miền Nam. Theo ông, chiến thắng dường như đã cầm chắc. Quân đội VNCH đã mất tinh thần vì Mỹ rút quân, lại yếu thêm nhiều vì mất đi hỏa lực yểm trợ của Mỹ.

Ông viết: "Nhiệm vụ của cách mạng ở miền Nam là phải hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, ta có thể chia ra làm hai giai đoạn: giai đoạn từ khi ta phát động cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến khi ta giành được thắng lợi quyết định và kết thúc bằng một giải pháp chính trị; và giai đoạn từ khi giành được thắng lợi bằng một giải pháp chính trị cho đến sau này khi thống nhất Tổ quốc.

"Hai giai đoạn đó gắn liền với nhau và phát triển một cách liên tục cho đến khi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ ở miền Nam." (1)

Cũng như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tin rằng một cuộc tấn công quân sự thành công sẽ buộc Mỹ và chính phủ mới ở Sài Gòn chấp nhận đòi hỏi của họ: Mỹ rút hoàn toàn và thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần.

Cuối tháng 3 năm 1972, QĐNDVN mở cuộc tấn công lớn nhất của cuộc chiến. Ban đầu, Bắc Việt đạt được thắng lợi lớn – đến đầu tháng 5, chiếm được Quảng Trị (Vùng I), trong khi Kon Tum (Vùng II) và An Lộc (Vùng III) bị bao vây.

Khi Hà Nội có vẻ sắp đạt thắng lợi quân sự lớn, nhằm buộc Washington phải ngừng bắn và chấp nhận những đòi hỏi, cuối tháng 4, Hà Nội đề nghị tiếp tục đàm phán ở Paris.

Thành cổ Quảng Trị bị san bằng trong Mùa hè đỏ lửa 1972

Thành cổ Quảng Trị bị san bằng trong Mùa hè đỏ lửa 1972

Ngày 2 tháng 5, Lê Đức Thọ gặp Kissinger ở Paris. Với các lực lượng Hà Nội đang trên đà thắng thế, Lê Đức Thọ đòi hỏi Thiệu lập tức từ chức và Mỹ chấm dứt ném bom. Dù Thọ tỏ vẻ hết sức tự tin, Hà Nội biết họ đang phải trực diện với những khó khăn hậu cần và quân sự ngày càng tăng do sự kháng cự mạnh mẽ của VNCH cộng thêm những oanh tạc dữ dội của Mỹ. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn kiên định.

Ngày 4 tháng 5, Bộ Tổng Tư lệnh ở Hà Nội điện vào Nam: "Chủ yếu là phải giành phần thắng lợi lớn nhất trong tháng 5 và tháng 6, tạo nên được một cục diện chiến lược mới có lợi cho ta về mọi mặt, trên toàn bộ chiến trường miền Nam, trong thời gian đó, và trên cơ sở đó tiếp tục tấn công địch, khuếch trương thắng lợi." (2)

Nhưng không những chỉ cho B-52 oanh tạc Bắc Việt, ngày 8 tháng 5, Nixon còn ra lệnh thả thủy lôi, phong tỏa cảng Hải Phòng. Đến giữa tháng 5, các đợt không kích dồn dập và phong tỏa làm chậm nguồn tiếp tế vào Bắc Việt. Lương thực dự trữ của Bắc Việt chỉ còn đủ trong 5 tháng, xăng dầu còn ít hơn. Dù vẫn tấn công ở miền Nam, quân Bắc Việt đã bị thiệt hại nặng.

Tuy khắc phục được phần nào những khó khăn tiếp tế, đến ngày 1 tháng 6, Bộ Chính trị bị buộc phải điều chỉnh chiến lược. Trong một nghị quyết mới, họ nhận thấy cần bảo vệ miền Bắc, tìm cách gia tăng sản xuất, và phá thế phong tỏa của Mỹ. Lực lượng phòng không bắt đầu rút về bảo vệ hậu phương, khiến quân đội Bắc Việt mất đi sự phòng vệ khi Mỹ oanh tạc.

Quyết định hòa bình

Đến cuối tháng 6, Bộ Chính trị lại họp để lượng định cuộc tấn công. Họ nhận định khó có thể ép Thiệu từ chức vì đối phương vẫn kiểm soát các thành phố chính và đa số dân cư. Khi chiến trường rơi vào thế bế tắc, "Hà Nội đã đi đến quyết định chuyển hướng chiến lược: 'Từ chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình.' Đó là một bước ngoặt trong chỉ đạo cách mạng miền Nam."(3)

Bộ Chính trị đề ra chiến lược mới: "Phát huy thắng lợi trên chiến trường, khai thác khó khăn nội bộ Mỹ buộc chính quyền Mỹ chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh, quân và dân ta giành một bước thắng lợi quan trong, đạt mục tiêu 'đánh cho Mỹ cút' để chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên đến thắng lợi hoàn toàn."(4)

Nhưng nguyên tắc cốt lõi của Bộ Chính trị vẫn không thay đổi: Mỹ phải rút quân hoàn toàn, trong khi lực lượng chính trị và vũ trang của cách mạng Việt Nam được giữ nguyên tại miền Nam.

Ngày 19 tháng 7, Lê Đức Thọ gặp lại Kissinger. Hai bên bắt đầu thăm dò lập trường để tìm thỏa thuận. Sau cuộc họp, Thọ điện về Hà Nội nói rằng Kissinger dường như không muốn giải quyết và Nixon có thể kéo dài chiến tranh đến sau năm 1972. Tình hình sẽ rõ hơn vào cuối tháng 8, nhưng Thọ vẫn kiên trì với lập trường tối đa.

Tuy nhiên, trước áp lực quân sự ngày càng lớn, Bộ Chính trị vạch ra chiến lược mới. Ngày 1 tháng 8, phía Cộng sản công bố một Đề nghị 10 điểm mới để kết thúc chiến tranh. Đề nghị 10 điểm đó không đòi hỏi Thiệu từ chức, và giảm bớt quyền lực của chính phủ mới sẽ được thành lập sau hiệp định.

Lê Đức Thọ (bìa phải) nói chuyện với Henry Kissinger qua người phiên dịch (giữa) tại Paris năm 1972

Lê Đức Thọ (bìa phải) nói chuyện với Henry Kissinger qua người phiên dịch (giữa) tại Paris năm 1972

Kissinger vẫn trì hoãn, trong khi quân VNCH phản công mạnh, Nixon đang thắng thế trong cuộc bầu cử. Đến đầu tháng 9, Bộ Chính trị muốn kết thúc chiến tranh trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Việc VNCH tái chiếm Quảng Trị giữa tháng 9 càng khiến họ thấy rõ rằng nếu muốn ký hiệp định trước ngày bầu cử, họ cần nhanh chóng điều chỉnh.

Lê Duẩn phát biểu: "Muốn đẩy nhanh cuộc đàm phán Paris, đi đến ký kết được trước tháng 11/1972 (tức trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ), ta cần tập trung quyết đạt cho được mục tiêu thứ nhất lúc này là 'đánh cho Mỹ cút.' Đạt được mục tiêu thứ nhất sẽ tạo điều kiện để hoàn thành tiếp mục tiêu thứ hai, 'đánh cho ngụy nhào'."(5)

Bộ Chính trị quyết định ký hiệp định ngay lập tức. Họp từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 để phân tích tình hình và đề ra những chính sách đàm phán mới, ngày 4 tháng 10, Bộ Chính trị điện sang Paris: "Ta cần tranh thủ khả năng chấm dứt chiến tranh trước bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 7/11/1972), đánh bại âm mưu của Mỹ kéo dài đàm phán để vượt qua bầu cử."(6)

Hòa bình chỉ là chiến thuật để buộc Mỹ rút, từ đó khởi động giai đoạn kế tiếp. Những gì chưa đạt được trong hiệp định là do tình hình chiến trường, nhưng "nếu buộc được Mỹ rút quân, ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu còn lại trong cuộc đấu tranh với chính quyền Sài Gòn và giành thắng lợi lớn hơn". (7)

Việc chuyển từ Chiến sang Hòa cho thấy Bộ Chính trị đã thừa nhận chiến dịch tấn công của họ đã thất bại.

Với sự nhượng bộ của Bắc Việt về một số đòi hỏi trước đó, vào tháng 10, Kissinger và Lê Đức Thọ đạt được một thỏa thuận. Hiệp định mới giữ Nguyễn Văn Thiệu ở lại vị trí tổng thống, nhưng vẫn yêu cầu Mỹ rút toàn bộ lực lượng, trong khi Hà Nội được phép duy trì quân đội tại miền Nam. Tuy nhiên, khi bản dự thảo được đưa ra, Thiệu phản đối, đặc biệt vì điều khoản cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam. Chính quyền Sài Gòn, một cách chính đáng, cho rằng quyền lợi của họ đã bị tổn hại nghiêm trọng và từ chối, không chấp nhận các điều khoản. Họ đề nghị hơn 60 sửa đổi. Nixon quyết định ủng hộ Thiệu và cử Kissinger trở lại bàn đàm phán với Thọ để bàn về những điều khoản cần sửa đổi.

Phái đoàn Cộng sản phản ứng dữ dội. Hà Nội cho rằng họ đã nhượng bộ và đáp ứng một phần yêu cầu của Mỹ. Bộ Chính trị lập tức rút lại một số nhượng bộ trước đó và từ chối bất kỳ sự sửa đổi nào thêm. Như đã dự đoán trước, Lê Đức Thọ tin rằng Nixon thực sự muốn kéo dài cuộc chiến.

Sau khi Nixon tái đắc cử, hai bên gặp lại vào cuối tháng 11. Các cuộc thảo luận trở nên gay gắt và đến giữa tháng 12, đàm phán hoàn toàn sụp đổ. Ngày 18 tháng 12, Nixon mở chiến dịch oanh tạc Bắc Việt dữ dội để buộc Hà Nội quay lại bàn đàm phán. Không quân Mỹ phá hủy phần lớn cơ sở công nghiệp còn lại của miền Bắc, nhưng lực lượng phòng không của Bắc Việt đã chống trả quyết liệt, bắn hạ hơn một chục máy bay B-52. Hà Nội tận dụng khả năng phòng không kiên cường này để tuyên bố chiến thắng khi hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán.

Tên lửa phòng không Bắc Việt khai hỏa nhằm ngăn chặn B-52 của Mỹ trong Chiến dịch Linebacker II vào tháng 12/1972

Tên lửa phòng không Bắc Việt khai hỏa nhằm ngăn chặn B-52 của Mỹ trong Chiến dịch Linebacker II vào tháng 12/1972

Trở lại chiến tranh

Cuối tháng 1 năm 1973, cả bốn bên chính thức ký kết Hiệp định Paris.

Mặc dù Hà Nội đã từ bỏ yêu cầu lâu dài là Thiệu phải từ chức và thành lập một chính phủ liên hiệp, các tuyên bố công khai và tài liệu nội bộ của họ vẫn rêu rao rằng hiệp định Paris là một chiến thắng lớn, vì đã buộc Mỹ phải rút lui. Tuy nhiên, nhiều người miền Bắc muốn tận dụng hòa bình để xây dựng lại đất nước.

Đầu năm 1973, tạp chí Học tập của Đảng liên tục đăng tải nhiều bài viết khẳng định rằng ban lãnh đạo đang hướng tới việc đẩy mạnh "công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa" trên quy mô lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi trong hồi ký: "Có ý kiến cho rằng trọng tâm số một lúc này là giữ hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc, tạo thế ổn định trong khoảng 5-10 năm."(8)

Nhưng Bộ Chính trị không muốn hòa bình. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Lê Duẩn muốn quay lại chiến tranh để thống nhất đất nước – cả sự nghiệp của ông gắn với việc chinh phục miền Nam. Dù QĐNDVN chịu tổn thất nặng nề trong năm 1972, Lê Duẩn vẫn cho rằng lực lượng Bắc Việt mạnh hơn quân đội miền Nam. Ông tuyên bố sẽ không để vuột mất cơ hội mà họ đã dày công tạo dựng suốt hai mươi năm. Vì vậy, ngày 27 tháng 3, Bộ Chính trị tổ chức một cuộc họp để lượng định 60 ngày đầu thực thi hiệp định.

Lê Duẩn bắt đầu kích động các thành viên khác. Ông đưa ra những cáo buộc sai sự thật rằng Mỹ tuy đã rút quân, nhưng vẫn tiếp tục can thiệp, trong khi Sài Gòn vi phạm hiệp định nghiêm trọng bằng cách "gặm nhấm" các vùng Cộng sản kiểm soát và từ chối thành lập chính phủ mới. Nếu không phản ứng, Hà Nội sẽ mất dần tất cả những thành quả đã có.

Với những người cách mạng kiên quyết, lời kêu gọi này khó thể bỏ ngoài tai. Giáp đồng tình và kêu gọi tiếp tục chiến tranh. Cũng như Lê Duẩn, ông ta không thể chấp nhận rằng quân đội miền Nam – dù có tiếp tế mạnh mẽ của Mỹ – có thể mạnh hơn quân đội Bắc Việt. Sau gần ba thập niên chiến tranh, kẻ thù ngoại quốc đã rút đi. Với ông, đây là "giai đoạn cuối cùng" của cuộc chiến.

Một số thành viên của Bộ Chính trị khóa 3 (1960-1976): Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng

Một số thành viên của Bộ Chính trị khóa 3 (1960-1976): Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng

Cuộc họp cuối tháng 3 đánh dấu việc Bộ Chính trị tiếp tục kế hoạch chiến tranh. Tháng 4, Giáp triệu tập các tướng lĩnh thân cận ở tư gia. Ông thành lập một nhóm tối mật mang tên "Tổ Trung tâm" để chuẩn bị cho cuộc tấn công mới.

Vào tháng 4 năm 1973, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ Trung tâm do Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn phụ trách, với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong giai đoạn 1975–1976. Từ giữa năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu tập trung toàn lực vào việc soạn thảo và hoàn thiện kế hoạch này, đồng thời cập nhật chiến lược cơ bản nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam.(9)

Nhưng chỉ Bộ Chính trị mới có quyền quyết định tiếp tục chiến tranh. Vì một cuộc họp khác của Bộ Chính trị đã được lên lịch vào cuối tháng 5, Giáp tiến hành các cuộc họp trước với bộ chỉ huy tại Hà Nội và các chỉ huy miền Nam. Ngày 24 tháng 5, khi Bộ Chính trị họp để lượng định tình hình, Giáp đến cuộc họp với quyết tâm thúc đẩy cơ quan này đưa ra quyết định tấn công. Ông trình bày tổng quát về tình hình quân sự, bao gồm cả những thông tin của các chỉ huy ở Đồng bằng sông Cửu Long rằng quân đội của họ đã đẩy lui cuộc tấn công của VNCH nhằm chiếm lại vùng Chương Thiện.

Giáp dùng điều này để nhấn mạnh quân đội Bắc Việt có thể đánh bại quân đội VNCH, vì miền Nam không còn sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của Mỹ. Ông cho rằng nguyên nhân khiến VNCH chiếm được đất chỉ vì Bắc Việt chưa phản công.

Giáp kết luận gay gắt: "Địch cứ tiến công, lấn chiếm, mà ta thì ngồi im, có nơi còn rút lui. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì tình hình sẽ rất bất lợi."(10)

Kết quả là, Bộ Chính trị thống nhất tiếp tục con đường chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ quyết tâm, nhấn mạnh rằng không ai còn nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, và nhận định cuộc chiến sẽ còn kéo dài. Theo ông, không thể dừng lại giữa chừng. Ông dự báo tình hình miền Nam sẽ trải qua một giai đoạn bất ổn, nơi hòa bình và chiến tranh đan xen.(11)

Để chính thức hóa quyết định này, Lê Duẩn xoay xở để có sự đồng ý chính thức của Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị lần thứ 21 được triệu tập vào cuối tháng 6, và Giáp tiếp tục chuẩn bị một báo cáo lớn. Bản dự thảo đầu tiên của kế hoạch Tổ Trung tâm được gửi cho ông ngày 6 tháng 6. Giáp mời các lãnh đạo quân sự từ miền Nam ra trình bày trước Trung ương về việc đẩy lùi quân VNCH ở Chương Thiện – nhằm chứng minh rằng dù bị cấm tấn công, nhưng lực lượng địa phương vẫn đủ mạnh để giành thắng lợi.

Khi hội nghị bắt đầu, trong bài phát biểu khai mạc, Lê Duẩn cáo buộc Việt Nam Cộng hòa vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Paris, khẳng định rằng cách mạng miền Nam buộc phải tiếp tục bằng con đường bạo lực.

Tướng Giáp, trong phần trình bày của mình, thẳng thắn nêu lên nhiều khó khăn mà quân đội đang đối mặt, nhưng vẫn bày tỏ niềm tin rằng quân đội Sài Gòn không phải là lực lượng bất khả chiến bại. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận từ các đại biểu miền Nam, củng cố thêm quyết tâm tiếp tục đấu tranh.(12)

Ngày 6 tháng 7, Ban Chấp Hành Trung ương Đảng chính thức thông qua đề nghị của Lê Duẩn rằng con đường cách mạng tại miền Nam là "bạo lực cách mạng." Hiệp định Paris đã chết – nhưng chỉ Bộ Chính Trị biết rõ điều đó.

  • Tiến sĩ George J. Veith là một nhà sử học và tác giả của nhiều cuốn sách có ảnh hưởng về Chiến tranh Việt Nam, bao gồm: Black April: The Fall of South Vietnam, 1973–1975 (Tháng Tư đen: Những ngày tháng cuối cùng của miền Nam Việt Nam, 1973- 1975, [2012]), và Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam's Shattered Dreams (Tuốt kiếm phương xa: Những giấc mơ tang vỡ của miền Nam Việt Nam, [2021]). Hiện tại ông đang nghiên cứu về cách mà Bắc Việt Nam đã đạt được chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến.
  • Theo BBC

Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.