Group News: Tin copy

Tuần này thế giới đã đạt một cột mốc có vẻ đáng khích lệ, đó là 1 tỷ liều vaccine Covid đã được đóng góp để viện trợ cho những quốc gia không thể mua vaccine. Thế nhưng 40% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm một mũi nào.

 
Châu Phi vẫn có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất thế giới

Châu Phi vẫn có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất thế giới

Cho đến nay đã có 11 tỷ liều vaccine được sản xuất đủ để tiêm 2 liều vaccine cho mọi người trưởng thành. Thế nhưng điều gì sai đã xảy ra ở đây?

"Thậm chí hiện nay, hơn 70% số lượng vaccine vẫn được chuyển đến các quốc gia G20 điều này có nghĩa là 175 quốc gia khác đơn giản đang bị thua thiệt," cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, hiện là Đại sứ về vấn đề tài trợ sức khỏe toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.

Kết quả là hầu hết các quốc gia giàu có đã tiêm chủng cho hơn 60% dân số của mình trong khi tỷ lệ trung bình ở những quốc gia thu nhập thấp chỉ là 10%.

Cơ chế Covax được thiết lập vào năm 2020 nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine công bằng hơn cho những quốc gia nghèo khó hơn thế nhưng trong vòng 6 tháng đầu của năm 2021 thì cuộc chạy đua vaccine diễn ra rất quyết liệt.

Những quốc gia giàu có yêu cầu có đơn đặt hàng trước. Vào tháng 4/2021, Anh đã có 5 triệu liều vaccine AstraZeneca từ một nhà máy sản xuất ở Ấn Độ, thế nhưng giữa tháng 5 thì hơn 4.000 người tử vong vì Covid ở Ấn Độ mỗi ngày. Ấn Độ sau đó đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu vaccine.

Trong bối cảnh như vậy thì Covax bị rơi lại phía sau. Cơ chế này bắt đầu dựa vào sự đóng góp từ số liều vaccine dư thừa mà các quốc gia giàu có không cần. Điều này có nghĩa lượng cung vaccine trở nên không chắc chắn.

"Trong lô vaccine được viện trợ vào năm ngoái thì Kenya kỳ vọng nhận được 3 triệu liều thay vì 1,1 triệu. Sau đó trong 3 tháng sau họ không nhận được gì," Tiến sĩ Catherine Kyobutungi từ Trung tâm Nghiên cứu African Population and Health Research Center ở Nairobi cho biết.

Tỷ lệ % vaccine được đóng góp (theo quốc gia)

Kenya đã phải thay đổi kế hoạch tiêm vaccine vài lần để thích ứng với việc giao vaccine không thể đoán trước này và Tiến sĩ Kyobutungi cho rằng điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến tiến trình tiêm vaccine.

"Khi người dân sẵn sàng đi tiêm vaccine thì họ phải đi từ nơi này đến nơi kia để có vaccine và còn bị từ chối. Ai lại có thời gian đi đến 3 điểm khác nhau để tiêm vaccine kia chứ?"

Vào tháng 10 và tháng 11, một số lượng lớn vaccine cuối cùng cũng bắt đầu đến nhưng phải hàng tháng sau đó thì thành phố Nairobi mới đạt tỉ lệ tiêm chủng 40%. Nhiều vùng ngoại ô của đất nước chỉ gần ở mức 5%.

"Và câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy đến trong tháng tới khi một số liều vaccine trong số này hết hạn? Chúng tôi có thể phải quay trở lại điểm xuất phát."

Vào tháng 1/2022, Uganda nói đã phải bỏ đi 400.000 trong số 500.000 liều vaccine Moderna đã nhận được bởi vì không thể tiêm kịp trước ngày hết hạn. Nigeria cũng đã bỏ đi 1 triệu liều vaccine vào tháng 12, thông báo sẽ không chấp nhận thêm liều vaccine nào có thời gian sử dụng ngắn.

Khoảng 1/3 trong số 1 tỷ liều vaccine được đóng góp vẫn chưa được tiêm chủng - và chưa rõ bao nhiêu đã bị vứt đi.

Vaccine Covishield được sản xuất tại Viện Serum Institute ở Ấn Độ

Vaccine Covishield được sản xuất tại Viện Serum Institute ở Ấn Độ

Một số quốc gia Châu Phi cũng tỏ ra ngao ngán trong nỗ lực mua vaccine. Cũng như số lượng vaccine được đóng góp theo cơ chế Covax thì các đơn đặt hàng thường không thành công khi họ cần có vaccine.

Trong khi đó thì virus lại cứ bị lây truyền và đột biến. Tiến sĩ Kyobutungi nói việc thực hiện nhanh là rất quan trọng.

"Chờ đợi cho đến cuối năm sau để tiêm vaccine cho mọi người dân trên là thế giới là vô nghĩa."

Nếu một biến thể kháng vaccine xuất hiện, thì có mối lo ngại rằng chúng ta sẽ quay trở lại cuộc chiến cay đắng với các loại vaccine mới.

Và cách duy nhất để tăng lượng cung vaccine trên toàn cầu, nhiều người cho rằng là chia sẻ bí quyết để các công ty sản xuất tạo ra các vaccine mRNA vốn có tiềm năng được ứng dụng sản xuất nhanh chóng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dường như đồng tình. Người đứng đầu WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thăm một nhà máy sản xuất các loại vaccine mRNA do Châu Phi tự chế tạo ở Nam Phi vào ngày 11/2. Đây là một dự án do WHO tài trợ và các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo nên một bản sao của vaccine Moderna.

Cho đến nay, Pfizer vẫn chưa chia sẻ công nghệ và bí quyết sản xuất rộng rãi. Đối tác BioNTech đã bị cáo buộc, trong một bài đăng trên tạp chí y khoa British Medical Journal là đang cố gắng cản trở nỗ lực của Nam Phi. BBC đã liên lạc với phía BioNTech nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Tỷ lệ % vaccine được đóng góp (theo tên vaccine)

Mặc dù là một trong những loại vaccine đắt tiền nhất, nhưng Pfizer BioNTech là loại vaccine được đóng góp nhiều nhất. Số lượng vaccine được đóng góp đến từ Mỹ và EU và được mua từ Pfizer, theo số liệu từ công ty nghiên cứu Airfinity.

Airfinity cũng tính toán rằng doanh thu tiềm năng của Pfizer từ việc đóng góp vaccine có thể là 2,4 tỷ đôla và Moderna là 2,1 tỷ đôla. Cho đến gần đây thì AstraZeneca mới bán vaccine với giá gốc.

Moderna chưa phản hồi với yêu cầu của BBC liên quan đến xác nhận số lợi nhuận này. Pfizer cho biết tính toán như vậy là "không chính xác và mang tính suy đoán" và chỉ ra rằng đã đồng ý với chính phủ Mỹ bán 1 tỷ liều vaccine với giá không vì lợi nhuận.

 Theo BBC

Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.