Theo trang South China Morning Post (17/03), một điều tra dư luận ở Trung Quốc, Singapore, và Úc cho thấy 71% người Trung Quốc có cảm tình với Ukraine nhưng chỉ có 10% lên án Nga.
Nga tích cực ủng hộ TQ tại kỳ Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh vừa qua trong khi nhiều nước Phương Tây tẩy chay sự kiện này
Điều tra của Blackbox Research, Singapore cho thấy rất ít người ở ba nước nói trên "giữ quan điểm tích cực về Moscow và Vladimir Putin".
Tuy các nước châu Á không gặp phải nỗi lo an ninh năng lượng như châu Âu, nhưng cuộc chiến cũng ảnh hưởng tới họ, như du lịch từ Nga, lương thực từ Ukraine và Nga.
Đặc biệt, theo BlackBox Research cuộc chiến của Nga tại Ukraine khiến người dân Singapore lo ngại hơn về an ninh mạng, về chủ quyền, nhân quyền.
Xung đột mới nhất này ở châu Âu cũng làm bùng lên thảo luận về "tính quốc gia", và "khủng bố qua mạng" (cyberterrorism) ở Singapore.
Dù Trung Quốc từ chối việc lên án Nga xâm lăng Ukraine, mạng xã hội tiếng Trung có nhiều ý kiến khác nhau.
Bà Kim Tinh (Jin Xing), người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, đã dùng mạng Weibo để phản đối cuộc chiến của Putin nhưng ngay sau đó tài khoản có 13 triệu người theo của bà bị chặn.
Nhà báo Ngô Ngọc Văn (Wu Yuwen) từ London viết trên trang iNews tiếng Anh (08/03) rằng "nhiều cặp bạn bè Trung Quốc đâm ra ghét nhau vì Putin".
"Người ủng hộ Putin thì buộc tội Ukraine gần gũi với Phương Tây quá mức, khiến Nga nổi giận. Người chỉ trích ông Putin thì gọi ông ta là Hitler mới, là tội phạm chiến tranh..." .
Điều này xem ra cũng đang xuất hiện trên các trang mạng XH tiếng Việt. Thảo luận về Ukraine luôn gắn liền với nhân vật Putin, và các khái niệm như 'địa chính trị', 'biên giới', và 'chủ quyền quốc gia'.
Việt Nam từng có đông người sùng bái Putin hơn cả ở Nga
Việt Nam không có tên trong danh sách điều tra dư luận quốc tế về chiến tranh Ukraine, nhưng được cho là nước có một bộ phận dân cư, cán bộ nhà nước yêu mến Liên Xô (cũ) và Nga sau này.
Hồi 2017 một điều tra quốc tế (Gallup International Poll) ghi nhận người Việt Nam thích Putin hơn cả người Nga, với 89% người được hỏi ủng hộ sự lãnh đạo của ông ta.
Chiến sự tại Ukraine tuy thế đem lại cái nhìn "pha trộn" hơn trong người Việt, theo một bài của nhà nghiên cứu Tô Minh Sơn từ Singapore, đăng trên trang The Diplomat (18/03).
Bài có đoạn mô tả phái "cuồng Putin" (Putin mania) rất mạnh miệng trên mạng xã hội tiếng Việt và đáp trả nó là ý kiến của những người có học hơn, trẻ và hiểu biết về tin tức quốc tế hơn.
"Những ý kiến của nhóm sùng bái Putin còn đến từ các trang báo lá cải vốn hay cười nhạo "anh hề tổng thống" của Ukraine, tụng ca tính cách đàn ông mạnh của Putin (glofiry Putin's strongman personality), và phóng đại sự dốt nát, vô trách nhiệm của Phương Tây."
Những ý kiến đối lại thì phê phán thói "cuồng Putin", nhấn mạnh tính tàn bạo của ông ta, và bày tỏ đoàn kết với Ukraine, lên án sự phi nhân tính và tính phi pháp của cuộc chiến, và chỉ ra sự nông cạn trong chính trị của những người ngưỡng mộ Putin ở VN..."
Chủ đề những nước có người hâm mộ Putin được John Eligon khai thác trên tờ New York Times (17/03).
Bài báo phỏng vấn một nhà làm phim độc lập trẻ tuổi, Trần Trung Hiếu, ở Hà Nội nói dù ông phản đối sự tàn sát của chiến tranh, niềm tin của ông vào "Bác Putin" (Uncle Putin) không hề lung lay.
Ông Hiếu còn tỏ ra thích "hành động mạnh" của Tổng thống Nga.
Tuy thế, có lo ngại của những người không thích quyền lực nước lớn nhân cuộc chiến ở Ukraine.
Viết trên BBC News Tiếng Việt hôm 09/03/2022, cựu binh Trần Thắng từ Sài Gòn bày tỏ:
"Lâu nay, rất nhiều người Việt thần tượng Tổng thống Nga Vladimir Putin ở tính cách mạnh mẽ, thái độ quyết đoán, đưa nước Nga thoát khỏi khủng hoảng và vòng kim cô xã hội chủ nghĩa.
Với nhiều người, thần tượng đó ngày càng nhạt nhòa khi chứng kiến những hành xử độc đoán, trấn áp các phần tử đối lập. Khi xua quân xâm lược Ukraine, Putin đã tự lột mặt nạ, bỏ hết cả phấn son.
"Từng là người lính, tôi càng căm ghét chiến tranh và không thể tha thứ cho kẻ gây chiến vì "Chiến tranh đâu phải trò đùa" (Pham Minh Tuấn), "Cuộc chiến nào thì nhân dân cũng thất bại" (ý thơ Nguyễn Duy)..."
Tác giả này cảm thấy lo ngại về Trung Quốc, nước làm "bạn quý không giới hạn" với Moscow thời Putin:
"Trung Quốc đang tập trận ở Biển Đông từ 4 - 15/3/2022, cấm tàu bè các nước qua lại trong cả vùng biền mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền. Phải chăng đây là hành động có chủ ý, lựa chọn thời cơ thế giới đang phân tâm về cuộc chiến, thăm dò dư luận và thái độ các nước, nắn gân Việt Nam?
Truyền thông chính thống ở Việt Nam tuy thế đã có quan điểm cân bằng hơn trước trong cách nhìn diễn biến cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng các lãnh đạo cao cấp nhất của nước này tới nay không lên tiếng công khai về chuyển biến chính trị lớn nhất của thế kỷ 21.
Chắc chắn các lãnh đạo Việt Nam đều đang rất quan tâm tình hình.
Ngày 10/3, họp tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, cùng các ban, bộ, ngành có liên quan "thường xuyên theo dõi sát tình hình liên quan tại Ukraine, tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt để có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, đồng bộ, kịp thời những vấn đề liên quan đến Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, kinh tế và an ninh chính trị", theo báo chí.
Theo BBC
Comments powered by CComment