Group News: Tin copy

Theo GS. Henrik Paulsson (ĐH Quân sự Thụy Điển), các thông tin tình báo cho thấy kế hoạch của Putin là chiếm được Kyiv trong vòng 48 tiếng. Tuy nhiên, sau hơn ba tuần chiến sự, điều này vẫn chưa thành hiện thực.

 >>> Cập nhật chiến sự tại Ukraine hiện nay trên TTXVIETNAM

Ngoài rất nhiều lý do mà chúng ta không thể đề cập đến trong phạm vi một bài viết nhỏ, hãy cùng xem xét một giả thuyết thú vị như sau: "Liệu có thể nào kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Putin đã bị cản trở, dù chỉ là một phần nhỏ, bởi lỗi của một kẻ có tên là khảo sát"?

Nội dung báo cáo bị rò rỉ của cơ quan tình báo Nga

"Biết địch biết ta trăm trận thắng". Đây là câu trong binh pháp Tôn Tử, nhưng cũng là điều mà các nhà cầm quân từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều nằm lòng. Vây nên khi Putin quyết định tấn công Ukraine, tình báo Nga chắc chắn đã cung cấp cho ông nhiều thông số, bao gồm cả kết quả của một cuộc khảo sát. Nội dung mà tình báo Nga khảo sát đã bị rò rỉ, hé lộ rằng cuộc lấy ý kiến này được thực hiện vào đầu tháng 2, tức là các thông số đã cập nhật hết sức có thể.

 Kết quả của báo cáo cho thấy trước cuộc chiến, tình hình chung tại Ukraine là tâm trạng bi quan, chán nản. Độ tín nhiệm của tổng thống Zelenskiy suy giảm trầm trọng. Tận 67% dân chúng mất lòng tin ở tổng thống. Tuy quân đội Ukraine có độ tín nhiệm cao (68%), nhưng chỉ một nửa số người được hỏi cho rằng quân lực của đất nước đủ mạnh và có khả năng chống trả ngoại xâm. Độ tín nhiệm khá tệ hại với cảnh sát (28%), quốc hội (11%) và các đảng phái (8%).

Bi quan hơn, khi được hỏi về tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, thì có tới 40% người trả lời họ sẽ không bảo vệ Ukraine. Và quan trọng nhất là 90% số người được hỏi cho rằng căng thẳng tuy leo thang nhưng nhất định sẽ không trở thành một cuộc chiến.

Diễn ngôn và kế hoạch của Putin trước cuộc tấn công

Nhóm nghiên cứu Rusi của Anh đặt ra giả thiết rằng, các báo cáo và khảo sát này đã đóng góp một phần vào mảng dữ liệu giúp ông Putin hình thành các lời hiệu triệu, đưa ra các lý do, và nhấn mạnh tính chính đáng của việc can thiệp quân sự.

Tổng thống Vladimir Putin nói chuyện với người Nga về tình hình ở Ukraine, 21/02/2022

Tổng thống Vladimir Putin nói chuyện với người Nga về tình hình ở Ukraine, 21/02/2022

Ví dụ, ông Putin nhiều lần khẳng định rằng người Ukraine coi Nga là anh em cùng dòng máu và mong đợi Nga sẽ "giải phóng" Ukraine. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông điệp chủ đạo là người Ukraine đã chán ghét sự tham nhũng và thối nát của tổng thống Zelenskiy đến tận cổ. Họ bị một chính quyền "theo chủ nghĩa phát xít" "bắt làm con tin", và vì thế,người Ukraine sẽ đem cờ hoa ra đón chào những đoàn quân đến từ nước Nga.

Tương tự, các báo cáo và thông số của cuộc khảo sát này có thể đã góp phần vào việc Putin vạch ra chiến lược tấn công. Với tâm trạng bi quan, mất lòng tin và khả năng quân sự kém hơn hẳn, việc Ukraine phải đầu hàng sau một cuộc đánh nhanh thắng nhanh là hoàn toàn có thể. Cách đánh thần tốc "blitzkrieg" mang âm hưởng thế chiến II là sự phối hợp ào ạt cả trên bộ lẫn trên không để thọc sâu, khiến quân địch không kịp trở tay, đem lại chiến thắng nhanh gọn với tối thiểu thương vong và vũ khí cần huy động.

Cộng với rất nhiều thông số có lợi khác như sự phụ thuộc của châu Âu vào các đường ống dẫn dầu từ Nga, việc chắc chắn sẽ chỉ có viện trợ vũ khí chứ NATO sẽ không gửi quân, ông Putin rất có thể đã đặt cược vào một chiến dịch thần tốc khiến không ai kịp phản ứng. Mục tiêu của ông rất có thể là việc thành lập chính quyền mới ở Ukraine trước khi bất kỳ chính sách trừng phạt cấm vận nào của Mỹ và châu Âu kịp có tác dụng.

Gót chân Asin của khảo sát

Trong nghiên cứu khoa học, khảo sát là phương pháp thu thập dữ liệu phổ biến nhất. Trong nhiều lĩnh vực như so sánh văn hóa, nó thậm chí trở thành phương pháp duy nhất nhờ khả năng kiểm soát thông số cao. Tuy nhiên, sự tiện lợi của phương pháp này khiến nhiều nhà khoa học không kết hợp với các phương pháp khác để có cái nhìn toàn cảnh.

Một trong những điểm yếu của thăm dò ý kiến là khả năng dễ bị ảnh hưởng của tâm trí con người. Những chi tiết rất nhỏ như yêu cầu khai báo về tôn giáo và nơi sinh có thể khiến bộ não vô thức đưa ra những nhận định khác nhau. Tương tự, ngôn ngữ của khảo sát, thứ tự các câu hỏi trong bảng khảo sát, thậm chí nơi tổ chức khảo sát, mùi hương hay cách sắp đặt trong căn phòng lấy khảo sát… cũng có thể làm suy nghĩ và hành vi bị ảnh hưởng.

Ví dụ, yêu cầu khai giới tính (nam nữ) hay dân tộc (Á Âu) có thể khiến người được khảo sát vô thức chịu ảnh hưởng của khuôn mẫu/định kiến gắn liền với các danh tính này. Khi được bảng khảo sát "nhắc nhở" về gốc Á, phụ nữ làm bài kiểm tra toán tốt hơn vì người Á được cho là giỏi toán. Tuy nhiên, khi được bảng khảo sát "nhắc nhở" về giới tính, phụ nữ làm bài kém hơn vì nữ giới thường bị cho là không giỏi khoa học tự nhiên bằng nam giới. Trong một nghiên cứu khác, chỉ cần "vô tình" lướt qua một biểu tượng văn hóa như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc sẽ khiến người được khảo sát suy nghĩ theo kiểu Trung Quốc. Tương tự, việc bắt gặp hình ảnh tượng Nữ Thần Tự Do của Mỹ sẽ khiến suy nghĩ cũng bị "Mỹ hóa". Điều này chứng tỏ cả những giá trị ăn sâu vào tiềm thức như văn hóa và thói quen cũng có thể tạm thời bị biến động trong thời điểm khảo sát.

Phương pháp priming trong phòng thí nghiệm như vậy thực ra đang diễn ra, "tẩy não" chúng ta 24/7, hàng ngày hàng giờ mà ta có thể không hề hay biết. Bộ não có tính dẻo thần kỳ, biến mỗi cá nhân thành một tổ hợp kết quả của chính môi trường xã hội xung quanh. Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung từng nói: "Nếu bạn không biến những điều vô thức quanh mình thành những gì bạn chủ-động-ý-thức-rằng-nó-đang-diễn-ra, cuộc sống của bạn sẽ bị chính sự vô thức đó đó điều khiển và bạn gọi đó là số phận".

Đó chính là lý do cuộc sống của ta chịu tác động vô thức từ những bộ phim, bản nhạc, cuốn sách, bạn bè, tin tức mạng xã hội, quang cảnh làng xóm khối phố và nền văn hóa nơi ta sinh sống…. Đó là lý do cổ nhân nói ta chính là trung bình cộng của 5 người bạn thân. Đó là lý do mẹ Mạnh Tử 3 lần chuyển nhà từ bãi tha ma, đến khu mua bán và cuối cùng là gần trường học để giúp con khôn lớn thành người.

Cơn sang chấn chiến tranh

Môi trường ngoại vi không những có thể tạm thời thao túng những giá trị nền tảng, ăn sâu bén rễ, mà còn có thể thực sự thay đổi chúng về mặt bản chất. Khi được khảo sát, ta thường đưa ra nhận định dựa trên hoàn cảnh hiện tại chứ không thể bao quát được cả quá khứ và tương lai. Với mỗi biến cố sự kiện của cuộc sống, thái độ của ta cũng thay đổi.

Trong trường hợp Ukraine, các yếu tố ngoại vi khiến thái độ của họ thay đổi không chỉ là những sự kiện xảy ra với cường độ lên xuống và tần số dàn trải như cuộc sống mỗi ngày. Cuộc đổ bộ của Nga là một cơn sốc đột ngột, có sức tàn phá mãnh liệt, đánh vào cảm tính và trái tim, làm chấn động mọi giác quan của một người bình thường.

Máu đổ và mất mát của chiến tranh khiến những kẻ từng trung lập buộc phải chọn phe. Đó có thể là thiểu số những người gốc Nga nay đã cảm nhận được sự kiên quyết của Putin và ngả hẳn về phía ông. Đó cũng là những người từng có thái độ thân thiện với Nga nay chứng kiến sự khủng khiếp của chiến tranh mà chuyển sang coi Putin là kẻ thù.

 
 

Cơn sang chấn chiến tranh đương nhiên còn biến những suy nghĩ cảm nhận từng được coi là quan trọng trước đây trở thành thứ yếu và ngược lại. Cảm nghĩ khi được lấy ý kiến trong thời bình khác vô cùng với cảm nghĩ khi xung quanh là khói bom và bàn tay đang đặt trên cò súng.

Một người Ukraine trước đây có thể căm ghét tổng thống Zelensky, nhưng trước thực tế chiến tranh, người đó có thể tạm thời gạt bỏ sự căm ghét đó qua một bên và hết lòng ủng hộ tổng thống. Tương tự, một thiểu số ly khai gốc Nga ở miền Đông có thể đã cho rằng họ chỉ muốn phản đối chính quyền Zelensky bằng phương pháp bất bạo lực, nhưng trước thực tế chiến tranh, người đó có thể cho rằng bạo lực là điều cần thiết.

Cuối cùng, khảo sát có thể đo được một lát cắt tạm thời của "tình cảm với Zelensky", nhưng không đo được "tình yêu với Ukraine". Đối mặt với chiến tranh, "tình yêu với Ukraine" chứ không phải "thái độ với Zelensky" mới trở thành động lực để người dân cầm súng. Như vậy, khảo sát có thể thu thập thông tin, nhưng không chắc đã là thông tin có vai trò quan trọng nhất.

Tổng thống Zelensky thăm quân đội Ukraine đang chiến đấu với lực lượng Nga

Tổng thống Zelensky thăm quân đội Ukraine đang chiến đấu với lực lượng Nga

Nghĩ một đằng làm một nẻo

Điểm yếu thứ ba của phương pháp khảo sát là những chỉ số tạm thời của "thái độ" thực ra không mấy tin cậy để dự đoán "hành động" của con người.

"Động lực" là nguồn năng lực thôi thúc chúng ta làm bất kỳ điều gì trong cuộc đời, từ những việc thường ngày như ăn uống đến những việc lớn như bảo vệ tổ quốc. Nếu động lực là cỗ máy thì "cảm xúc" là năng lượng, là xăng dầu để chạy cỗ máy ấy. Cả động lực (motivation) và cảm xúc (emotion) đều có cùng gốc latin là "movere" hay "emovere", có nghĩa là một sức mạnh có khả năng chuyển hóa, thôi thúc con người hành động.

Sự nghi ngờ tính thực tế của khảo sát đến từ chính một guru của ngành quảng cáo tên là David Ogilvy. Ông có câu nói nổi tiếng như sau: "Điểm yếu của khảo sát thị trường là khách hàng cảm nhận một đằng nhưng suy nghĩ một nẻo, suy nghĩ một đằng nhưng phát biểu một nẻo, và phát biểu một đằng nhưng lại làm một nẻo".

Cảm xúc là vũ khí

Vì cảm xúc mới chính là nguồn cơn và động lực để con người thực sự hành động, những cuộc khảo sát đã thất bại trong việc lồng bối cảnh cảm xúc vào những tờ phiếu trưng cầu ý kiến. Tệ hơn, trường phái triết học kinh tế hiện nay coi con người như những thực thể suy nghĩ logic (homo economicus) khiến phương pháp khảo sát trở thành thước đo của khả năng lý tính, coi khả năng lý tính là nguyên lý của hành động. Trong thực tế, con người là tổng hòa của lý tính và cảm tính. Và ở thời điểm hành động, nhất là đối với những kẻ trung dung, cảm tính mới là cú hích lật bàn cân quyết định.

Trong cuộc chiến ta đang chứng kiến, cảm xúc của tinh thần dân tộc và lòng yêu nước là nguồn tài nguyên mãnh liệt cho những người Ukraine chống lại Nga. Bất kể bạn ở phe nào, thật khó có thể ngăn được cảm xúc khi nhìn thấy những phụ nữ cầm súng, những em bé chế bom xăng, những người đàn ông cúi xuống hôn bụng bầu của vợ trước khi lên đường. Thật khó có thể vô cảm khi xem video một cụ già mắng lính Nga: "Cậu đến đây làm gì? Cậu hãy nhét những hạt hướng dương này vào túi đi, để quốc hoa [của Ukraine] sẽ mọc lên nơi cậu ngã xuống".

Thứ tài nguyên cảm xúc ấy trở nên mạnh mẽ khi có một "kẻ thù chung" bỗng nhiên lộ rõ mặt mũi. Nó khiến những người trước kia không cùng hội cùng thuyền nay bỗng dưng nắm tay trở thành một khối kết đoàn vững mạnh.

Với những người Ukraine tin rằng Putin xâm phạm quyền tự quyết dân tộc của mình, "kẻ thù chung" ấy là Nga. Với những người Nga tin rằng đất nước họ đang bị phương Tây bắt nạt, "kẻ thù chung đó là NATO". Với chính NATO - một tổ chức có phần bối rối về mặt danh tính khi khối cộng sản đã sụp đổ, nhưng vì cuộc chiến này của Nga mà có thể lại có thêm lý do để "kẻ thù chung" có tên là "độc tài, toàn trị" kết nối các thành viên và tiếp tục lớn mạnh.

Thủ đô Hà Nội của Việt Nam vẫn có tượng đài Lênin ở Công viên Lênin, quận Ba Đình

Thủ đô Hà Nội của Việt Nam vẫn có tượng đài Lênin ở Công viên Lênin, quận Ba Đình

Thậm chí, cảm xúc "kẻ thù chung" đó cũng đúng với những người Việt mang trong mình tình cảm không gì có thể lay chuyển với Nga hoặc Ukraine, vì thế mà mang mối thâm thù sâu sắc với Mỹ hoặc Putin. Sự rủa sả cay độc ném vào cả Mỹ và Putin có lẽ không đâu nặng nề như từ những người Việt, như di chứng của một giai đoạn lịch sử chưa bao giờ thực sự sang trang.

Đáng lưu ý là cũng có một số ít người không đánh đồng Liên Xô với Nga, không biến tình yêu với Liên Xô thành tình yêu với Nga. Họ hiểu rằng thực phẩm và tiền trợ giúp từ Liên Xô trong quá khứ cũng đến từ chính Ukraine - một vựa lúa giàu có và một trung tâm kinh tế hàng đầu của Liên Xô cũ. Với những cá nhân này, tình cảm của họ trước cuộc chiến ít có yếu tố chọn phe mà thường chỉ có sự đau khổ khi nhìn hai kẻ họ từng yêu thương biến thành kẻ thù.

Như vậy, liệu kết quả khảo sát có góp phần khiến cuộc chiến Ukraine không diễn ra nhanh gọn như kế hoạch không? Chúng ta đương nhiên chưa có câu trả lời, bởi tất cả những gì ta biết chỉ là thông tin tình báo và phỏng đoán. Tuy nhiên, nó giúp ta có một giả thuyết sinh động về gót chân Asin của phương pháp nghiên cứu và phân tích thị trường phổ biến nhất hiện nay.

Ví dụ có tính giả thuyết ấy giúp ta hiểu rằng, khảo sát dù chi tiết đến đâu cũng chỉ là một bức ảnh nhất thời, trong khi thực tế lại là một bộ phim sống động. Lý tính dù có quyền uy đến đâu cũng chỉ là kẻ trị vì, trong khi cảm tính lại có sức mạnh kinh thiên động địa của một cuộc cách mạng từ chính những người nô lệ luôn khao khát tự do (Bangambiki Habyarimana).

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.