Ngày 8 tháng 5, tức ngày 8 tháng 4 âm lịch, cũng chính là ngày Phật Đản, chiều hôm đó ở Hàng Châu, Thiệu Hưng và nhiều nơi khác đều nghe thấy “tiếng nổ lớn” không rõ nguyên nhân. Từ Ngũ Đài Sơn bất ngờ có tuyết rơi dày đặc đến dị tượng bầu trời trên núi Phổ Đà xuất hiện màu đỏ máu, từ núi Nga Mi bất ngờ xuất hiện quầng mặt trời đến chuyện nắng nóng bất thường ở Ấn Độ. Những điềm báo kỳ dị ấy đang cảnh tỉnh điều gì cho thế nhân? Liệu thế giới lại sắp có biến động gì to lớn? 

Khoa học giải thích thế nào?

Câu chuyện bầu trời máu ở Chu Sơn (Trung Quốc) gần đây đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Theo nhiều nhân chứng, vị trí bầu trời màu đỏ xuất hiện ở vùng biển phía đông của quần đảo Chu Sơn, hơn nữa càng gần đường chân trời thì bầu trời càng đỏ đậm hơn. Hiện tượng thiên văn kỳ lạ này đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng và lọt vào danh sách tìm kiếm nóng. 

Có người cho rằng đó là hiện tượng “tán xạ Rayleigh”, tương tự như “núi lửa đỏ” sau một vụ núi lửa phun trào. Một quan điểm khác cho rằng đó là hiệu ứng quang học của “mây ti trên cao”, còn có một cách nói là có liên quan đến “đám mây động đất”. Nhưng cách giải thích nực cười nhất chính là tuyên bố của chính quyền, nói rằng đây là do sự khúc xạ và tán xạ của ánh sáng trên những chiếc thuyền đánh cá trên đại dương dùng để dụ bắt cá thu đao.

Có cư dân mạng đặt câu hỏi rằng, bây giờ không phải là lúc ngừng đánh bắt cá hay sao? Thuyền đỗ ở bến tàu, vậy còn mở đèn nhử cá để làm gì? Đó là chưa kể đèn của ngư dân liệu có thể soi sáng cả một vùng trời rộng lớn vô biên đến thế sao? Mà nếu thực sự là ánh đèn tàu phát ra, thì hiện tượng này chắc chắn không hiếm gặp trong đời. Nó phải là một hiện tượng thường gặp mới phải. Xem ra lời giải thích này thật quá gượng ép. 

Cuộc đời có rất nhiều điều kỳ lạ mà con người ta chưa thể tiếp cận. Nhưng một số người luôn dùng cây gậy khoa học để gõ vào đó và chụp mũ thành “mê tín dị đoan”. Kỳ thực, khoa học chỉ dựa trên bằng chứng mắt thấy tai nghe, nó không coi trọng lắm vấn đề cảm thụ tâm linh hay những gì thuộc về thế giới siêu nhiên.

Trung Hoa xưa kia là cái nôi của văn hoá nhân loại. Khoa học Trung Hoa cổ đại cũng đã nghiên cứu đến những điều mà khoa học thực chứng ngày nay phải bó tay. Nhưng giờ đây, người dân Trung Quốc sống dưới một chế độ tôn sùng vô Thần, hầu như đã đánh mất hết linh giác, tín ngưỡng, niềm tin tâm linh của mình. Đó thực sự là một điều đáng buồn. 

Những lần xuất hiện bầu trời máu trong lịch sử nhân loại

Lại nói chuyên bầu trời máu. Nếu tra xét lại trong lịch sử nhân loại, ta hoàn toàn có thể tìm được những trường hợp tương tự. Và mỗi lần bầu trời máu xuất hiện chính là điềm báo cho thảm hoạ tương lai. 

Ở thời đại Asuka tại Nhật Bản cách đây 1.400 năm, vào đêm ngày 30 tháng 12 năm 620, bầu trời Nhật Bản bao phủ một ánh sáng đỏ rực. Vào thời đó, việc bầu trời có màu đỏ máu bị xem là điều rất không may. Quả nhiên, một loạt các sự kiện đã xảy ra ở Nhật Bản sau đó. Chỉ 3 tháng sau, vào ngày 3 tháng 3 năm 621, Thái tử Shotoku qua đời, hoàng gia rơi vào cảnh tàn sát lẫn nhau. Mãi đến năm 645, sau khi Thiên hoàng Kotoku kế vị, mọi chuyện mới được dẹp yên. 

Các giải thích sau này đều cho rằng bầu trời màu đỏ là do hoạt động mạnh của mặt trời cộng thêm các hạt năng lượng cao phá vỡ từ trường của trái đất, va vào các nguyên tử trong tầng khí quyển khi các cực từ trường thay đổi. Kiểu giải thích theo khoa học này thật khó hiểu với đông đảo quần chúng.

Hãy cùng tìm hiểu một trường hợp khác. Tối ngày 10 tháng 9 năm 1770 (tức năm Càn Long thứ 35), cả một vùng trời ở Bắc Kinh, Sơn Đông và Sơn Tây đột nhiên chuyển sang màu đỏ như máu. Hiện tượng này kéo dài trong suốt 9 ngày. Sử chép rằng: “Ngày 28 tháng 7, khí đỏ phủ khắp cả bầu trời phía bắc cả ngày lẫn đêm”. Ngay cả Hoàng đế Càn Long cũng hoảng hốt, cho rằng trời cao nổi giận nên đã “ban chiếu chỉ miễn tịch thu thuế ruộng trên khắp cả nước”. Người dân nhìn thấy cảnh tượng này sợ hãi đến nỗi mặt mày xám ngoét, quỳ mọp xuống đất không đứng dậy! 

Nếu vẫn còn nửa tin nửa ngờ, thì trong sách sử của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã ghi lại sự kiện tương tự kéo dài 9 ngày. Ban đêm, một luồng sáng đỏ như nôn ra máu khiến người ta phát sợ, thoắt ẩn thoắt hiện ở vùng trời phương Bắc, giống như một con quái thú khổng lồ sắp ló đầu, muốn nuốt chửng mặt đất bất cứ lúc nào. Năm 2017, các nhà khoa học Nhật Bản đã công bố luận văn trên tạp chí “Vật lý thiên văn”, cho rằng sự kiện bầu trời màu đỏ máu năm 1770 là do hoạt động trên quy mô siêu lớn của mặt trời gây ra. 

Như vậy, dù là giải thích bằng khoa học thực chứng có phần nông cạn bề mặt thì người ta cũng đã thừa nhận rằng: bầu trời máu là hệ quả của việc mặt trời hoạt động mạnh và hàng loạt hiện tượng vật lý khác. Thế còn bầu trời máu ở Chu Sơn thì sao? Nhóm nghiên cứu vật lý không gian của Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc xác nhận rằng, theo quan sát, hoạt động địa từ từ ngày 7 tháng 5 nói chung bình lặng, hoạt động mặt trời trong những ngày trước cũng không có gì bất thường. Vậy thì về cơ bản, ta có thể loại trừ khả năng bầu trời máu ở Chu Sơn là có nguyên nhân từ hoạt động của địa từ và mặt trời. 

Đêm máu và trăng máu – dị tượng báo điềm xấu

Ở Trung Quốc thời cổ đại, trăng máu xuất hiện báo trước sẽ có “điềm dữ to lớn” và xã hội cũng sẽ đối mặt với tình trạng hỗn loạn chưa từng có. Trăng máu là dấu hiệu của chí âm chí hàn, cho thấy thế gian chính khí yếu, tà khí vượng, oán khí thịnh, ác khí cường, gió mây biến chuyển, núi sông gào thét, thiên hạ hỗn loạn, khói lửa tứ bề. 

Trong dân gian, trăng máu là trăng dữ, là điềm xấu, sẽ xảy ra rất nhiều vụ án oan sai, kèm theo họa loạn như: đói kém, chiến tranh, tà dâm, v.v… Trong cuốn “Kinh thị yêu chiêm” có chép: Nếu mặt trăng đổi màu, sẽ có tai ương. Màu xanh là đói kém và lo lắng; màu đỏ là chiến tranh và binh đao; màu vàng là đức hạnh và niềm vui; màu trắng là hạn hán và tang tóc; màu đen là thủy tai, con người bị bệnh và chết. 

Sử sách còn ghi chép rằng, trăng máu xuất hiện thì vận nước sẽ suy tàn, khí số đã tận, như rơi vào ngục tù. Cuốn “Khai Nguyên Chiêm Kinh” nói: Khi mặt trăng biến thành màu đỏ, chính là sẽ có ma quỷ xuất hiện. Nguyệt thực mà mặt trăng biến thành màu xanh, sẽ có sự tình khiến người ta lo lắng. Nguyệt thực mà mặt trăng biến thành màu đỏ, là sẽ có chiến tranh phát sinh. Nguyệt thực mà mặt trăng biến thành màu vàng thì sẽ tổn thất tiền tài. Nguyệt thực mà mặt trăng biến thành màu trắng thì sẽ có ôn dịch. Nguyệt thực là màu đen thì sẽ có lũ lớn. 

Hiện tượng nguyệt thực từ trên xuống dưới, cho thấy hoàng đế có vấn đề trong việc cai quản đất nước, nguyệt thực từ dưới lên trên, là biểu thị quân tướng không tuân thủ pháp luật. Nguyệt thực bắt đầu từ bên cạnh, là biểu thị chính sách quốc gia không đúng, thừa tướng không có tài cán. Những điều này đều là hiện tượng của chiến tranh, cũng chính là nói, mặt trăng màu đỏ, ấy là báo hiệu chiến tranh sắp xảy ra.

Ở châu Âu thời xưa, trăng máu được coi là báo trước Đại Thẩm Phán ngày cuối cùng đối với nhân loại. Trong Kinh Thánh trăng máu báo trước cảnh tượng ngày cuối cùng. Truyền thuyết kể rằng, “trăng máu” sẽ đánh thức thế lực đen tối, ác ma đáng sợ nhất là Satan sẽ xuất hiện và giải phóng những con quỷ khác, và bọn chúng bắt đầu giết hại nhân loại. Chương thứ sáu của sách Khải Huyền trong Kinh Thánh nói, “Tôi thấy: khi Con Chiên mở ấn thứ sáu, có động đất mạnh. Mặt trời tối đen như vải thợ dệt bằng lông, mặt trăng hoàn toàn ra như máu. Sao trên trời sa xuống đất, tựa những trái vả xanh rụng xuống từ cây vả bị gió lớn lay mạnh”. Nói cách khác, khi mặt trăng đỏ như máu xuất hiện, điều đó có nghĩa là ngày tận thế sắp đến.

“Nam Tề thư”, một trong “Nhị thập tứ sử” của Trung Quốc, ghi lại: “Tháng 4 năm thứ nhất niên hiệu Vĩnh Thái vua Tề Minh Đế, xuất hiện nguyệt thực, sắc đỏ như máu. Đến ngày thứ ba, quan Đại Tư mã Vương Kính Tắc dấy binh tạo phản”.

Ngay sau đó, ngày 6 tháng 9 năm 499, siêu trăng máu lại xuất hiện, vào ngày “trăng máu”, toàn quân của Thủy An Vương, người đang mưu đồ soán quyền đoạt vị, đã bị tiêu diệt. Thủy An Vương cũng mất mạng.

Vào năm Long Khánh thứ sáu của triều đại nhà Minh (thời Minh Mục Đế), tức năm 1572, trăng máu xuất hiện. Vào năm này, tại huyện Hương Hà, tỉnh Hà Bắc đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng, chiến loạn không ngớt, muôn dân lầm than, trai tráng trong nhà bị bắt đi lính, phụ nữ già trẻ địa phương bởi mùa màng thất thu mà phải chịu cảnh đói kém, xác chết đầy đường, khổ không thể tả.

Thê thảm nhất là vào ngày 24 tháng 4 năm 1644, Sấm vương Lý Tự Thành dẫn quân công phá thành Bắc Kinh, Hoàng đế Sùng Trinh hết đường trốn chạy phải treo cổ tự vẫn trên núi Vạn Thọ. Nhà Minh diệt vong, một vương triều đã kết thúc vào đêm trăng máu xuất hiện.

Năm 1863, quân Thanh bao vây tiêu diệt quân Thái Bình ở vùng sông Đại Độ, tỉnh Tứ Xuyên, sau đó thủ phủ Thiên Kinh bị quân Thanh công hãm, Thái Bình Thiên quốc của Hồng Tú Toàn đã bị diệt vong. Và năm đó cũng đồng thời xuất hiện trăng máu.

Đến thời cận đại, trước và sau cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương nổ ra vào năm 1911, bao gồm cả trước trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008, đều có xuất hiện trăng máu.

Sau khi “Siêu trăng máu và trăng sói” xuất hiện vào ngày 21 tháng 1 năm 2019, ngày 19/2 – Tết Nguyên tiêu theo truyền thống Trung Quốc, và Tiết xuân phân vào ngày 21/3, cũng đều xuất hiện “siêu trăng”. Ngày 26 tháng 12, lại xuất hiện nhật thực hình khuyên. Kết quả là vào cuối năm, đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, virus cúm Vũ Hán đã nhanh chóng lan ra khắp nơi và nó vẫn đang không ngừng đột biến, lây lan khắp thế giới cho đến tận hôm nay.

Tối ngày 26/5/2021, “siêu trăng, trăng máu và nguyệt thực toàn phần”, loại hiện tượng thiên văn cực hiếm thấy này lại xuất hiện cùng lúc. Tối ngày 19/11, trên bầu trời lần nữa xuất hiện “trăng máu” dài nhất thế kỷ 21. Chỉ hơn ba tháng sau đó, chiến tranh Nga-Ukraine bất ngờ bùng nổ. Và nó lần nữa đã ứng nghiệm lời tiên tri trong cuốn “Ất Tỵ Truyện” của Lý Thuần Phong đời nhà Đường: “Mặt trăng nếu đổi màu, có ý là tai ương, màu đỏ thì là xung đột và chiến tranh”. 

Bầu trời máu cảnh báo Trung Quốc đánh Đài Loan?

Người xưa rất xem trọng quan sát đạo Trời, thuận theo đó mà hành, lấy quy luật của đạo trời dẫn dắt quy luật của đạo người. Lại nói: Khi Trời xuất hiện các hiện tượng báo trước điềm lành dữ, chỉ có bậc Thánh nhân mới có thể đoán được việc đó. Huyện Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang lần này bất ngờ xuất hiện bầu trời màu máu, phải chăng là cảnh báo của Thiên thượng đối với chính quyền Trung Quốc đang mưu đồ thôn tính Đài Loan?

“Nhật báo Giải phóng quân ĐCSTQ” ngày 9 tháng 5 năm 2022 đưa tin, rằng từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 5, chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận liên hợp các lực lượng hải quân, không quân trên vùng biển và vùng trời phía đông và phía tây nam của Đài Loan. Giới chức nói là muốn kiểm tra và cải thiện thêm khả năng chiến đấu chung của nhiều đơn vị và vũ khí. 

Người ta nói rằng sau khi bầu trời bí ẩn màu đỏ xuất hiện ở vùng biển Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang vào đêm ngày 7 tháng 5, quân đội Trung Quốc lo sợ gặp chuyện bất trắc, cuối cùng buộc phải kết thúc cuộc tập trận quân sự đã được lên kế hoạch ban đầu trước thời hạn. Tuy nhiên, cũng có tin đồn rằng ánh sáng đỏ trên bầu trời và tiếng nổ lớn không rõ là do vũ khí bí mật thử nghiệm của Hải quân Trung Quốc tạo ra. 

Vào ngày 16 tháng 4 năm nay, một mặt trời đỏ xuất hiện trên bầu trời thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Vào buổi tối, lúc chạng vạng tối lại xuất hiện “trăng máu”. Có thể nói là “Nhật Nguyệt đồng sắc” (có nghĩa là mặt trời và mặt trăng cùng chung màu sắc). Mới đây, vào ngày 16 tháng 5, thế giới cùng lúc đón nguyệt thực toàn phần và siêu trăng máu. Vào ngày 8 tháng 11 sẽ nghênh đón một lần nguyệt thực toàn phần nữa. 

Theo tác phẩm “Tai Dị Chiêm” của Đổng Trọng Thư: Mặt trời tự dưng màu trắng và không có ánh sáng, cảnh báo người đứng đầu không chết, quốc gia sẽ không hưng thịnh. Mặt trời tự dưng màu xanh và không ánh sáng, cảnh báo người dân thiên hạ ăn thịt lẫn nhau, người đứng đầu khó toàn tính mạng. Còn khi Mặt trời màu đỏ và không ánh sáng, thiên hạ chiến tranh nổi lên, hạn hán nghiêm trọng. Mặt trời màu vàng và không ánh sáng, người đứng đầu thất đức, đất lở núi sập. Mặt trời tự dưng tối tăm và không ánh sáng, cảnh báo bề tôi nắm giữ triều chính”. Đối với chính quyền Bắc Kinh đang mưu toan dốc toàn lực phát động cuộc chiến ở eo biển Đài Loan mà nói, điều này vốn không phải điềm lành, và bi kịch của lịch sử rất có thể sẽ lặp lại một lần nữa.

***

Như chúng ta đã biết, mấy năm gần đây ở Trung Quốc đại lục liên tục xuất hiện các loại thiên tượng cực kỳ hiếm gặp, các loại thiên tai nhân họa chưa từng có cũng liên tục phát sinh. Có người cho rằng đó là điềm báo đại hung cho nhà cầm quyền Bắc Kinh, báo trước một sự sụp đổ của ĐCSTQ. 

Văn hoá Á Đông nhấn mạnh thuyết “nhân quả báo ứng”. Những việc ác mà người ta gây ra trong đời này sẽ có nghiệp báo ở đời sau, thậm chí “hiện thế hiện báo” ngay trong chính đời này. Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã giày đạp lên những truyền thống của dân tộc Trung Hoa, ra tay đàn áp con dân Hoa Hạ đến cùng cực. Máu của những người đã chết vì Đại Cách mạng văn hoá, những sinh viên đã ngã xuống ở Quảng trường Thiên An Môn, những người tu học Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại… có lẽ đã đến lúc trả nợ rồi. 

Theo ĐKN