Group News: Tin copy

Khi bước lên sân khấu của Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ (DNC) tại thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ) từ ngày 19-22/8 với tư cách là ứng viên tổng thống, bà Kamala Harris biết rằng trong đám đông hò reo cổ vũ, có người từng coi thường bà.

Bà Kamala Harris

Bài phát biểu vào hôm 22/8 sẽ là thời khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Harris

Bà Harris, 59 tuổi, đã đối mặt với nhiều năm nghi ngờ từ một số người trong đảng của mình về khả năng tranh cử chức vụ chính trị cao nhất nước Mỹ. Trong số này có cả ông Joe Biden - người vẫn đang là cấp trên của bà Harris.

Kể từ khi thay thế ông Biden làm ứng viên của Đảng Dân chủ vào giữa tháng 7/2024, bà Harris đã chứng kiến ​​một làn sóng ủng hộ nhiệt tình - thể hiện qua các cuộc thăm dò, gây quỹ và các đám đông khổng lồ đến để xem bà tại những cuộc mít tinh trên khắp nước Mỹ.

Đà tiến chính trị và năng lượng mà bà Harris tạo ra trong phe Dân chủ trong những tuần gần đây không phải là điều hiển nhiên.

Sau khi thất bại trong nỗ lực tranh cử tổng thống ngắn ngủi vào năm 2019, bà bắt đầu nhiệm kỳ phó tổng thống với nhiều trắc trở, với những vấp váp trong các cuộc phỏng vấn cấp cao, tình trạng xáo trộn nhân sự và tỷ lệ ủng hộ thấp. Trong ba năm rưỡi qua tại Nhà Trắng, bà phải vất vả để tìm sự ủng hộ của cử tri Mỹ.

Các cố vấn và đồng minh của bà Harris nói rằng trong những năm kể từ những khó khăn ban đầu đó, bà đã mài giũa các kỹ năng chính trị, tạo ra các liên minh trung thành trong đảng và tạo dựng uy tín về các vấn đề như quyền phá thai để giành lấy sự ủng hộ cho Đảng Dân chủ. Nói cách khác, bà dường như đã chuẩn bị cho một khoảnh khắc giống hệt thế này.

Vào ngày 22/8, khi chính thức trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Kamala Harris có cơ hội để lần nữa giới thiệu mình trên sân khấu toàn quốc - thời điểm cách cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa tới 80 ngày.

Cùng lúc, bà sẽ phải chứng minh rằng bà có khả năng chỉ huy một đảng vốn chưa xem bà là nhà lãnh đạo hiển nhiên của họ và nội bộ đảng thì vẫn còn lục đục về cuộc chiến ở Israel và Gaza.

Nhưng trên hết, bà cần phải xóa tan mọi nghi ngờ còn sót lại nơi những người ủng hộ trung thành của Đảng Dân chủ rằng bà có thể vượt qua được thách thức để đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và khó lường.

Bà Kamala Harris

Đường đến Nhà Trắng

Trước khi bà Kamala Harris trở thành một nhân vật quan trọng tầm quốc gia, cựu công tố viên quận San Francisco và tổng chưởng lý bang California đã tạo dựng được danh tiếng như một ngôi sao đang lên trong Đảng Dân chủ, giành được sự ủng hộ của Tổng thống Barack Obama trong cuộc đua năm 2010 để trở thành luật sư cao nhất của tiểu bang.

Nhưng những người theo dõi sát sao sự nghiệp của bà thì thấy một hồ sơ phức tạp. Khi còn là công tố viên, bà đã phải đối mặt với sự phản đối của công chúng vì từ chối đề nghị án tử hình cho một người đàn ông bị kết tội giết một cảnh sát trẻ. Sau đó với tư cách là tổng chưởng lý, bà đã duy trì án tử hình của bang California bất chấp việc cá nhân của bà ủng hộ điều ngược lại.

Sau khi chạm đến những đỉnh cao trên chính trường bang California, bà Harris được bầu vào Thượng viện Mỹ vào cùng đêm mà ông Donald Trump đánh bại bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi, bà đã thu hút sự chú ý nhờ các cuộc chất vấn gay gắt và trực tiếp đối với Thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh trong phiên điều trần đầy căng thẳng vào năm 2018.

"Ông có nghĩ ra luật nào trao cho chính phủ quyền đưa ra quyết định về cơ thể nam giới không?" bà Harris hỏi ông Kavanaugh - người được ông Trump bổ nhiệm - trong một cuộc phỏng vấn được lan truyền trên mạng xã hội và phát sóng trên chương trình truyền hình đêm khuya.

Giống như ông Obama, bà Harris từng là một thượng nghị sĩ trẻ đầy tham vọng. Vào giữa nhiệm kỳ đầu tiên, bà đã phát động chiến dịch tranh cử tổng thống.

Chiến dịch đó, cũng như lần này, đã được chào đón nồng nhiệt. Hơn 20.000 người đã tập hợp tại quê nhà Oakland, California của bà để ủng hộ màn khởi động chiến dịch. Nhưng nỗ lực trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ của bà Harris nhanh chóng đã bị dập tắt và sụp đổ trước khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ tổng thống đầu tiên được tiến hành.

Bà Harris đã không thể tạo được một bản sắc chính trị rõ ràng hay sự khác biệt giữa mình với các đối thủ khác, bao gồm ông Biden và Thượng nghị sĩ cánh tả Bernie Sanders. Giới chỉ trích nói rằng bà đã ủng hộ một loạt chính sách tiến bộ nhưng dường như lại thiếu đi sức thuyết phục.

Sự đột phá xảy ra khi bà tấn công vào hồ sơ ông Biden trong một cuộc tranh luận vào năm 2019 về phân biệt chủng tộc trong trường học. Bà đã nhắm đến khoảnh khắc tại một sự kiện tranh cử trước đó, khi mà ông Biden trìu mến nhớ lại thời gian làm việc với hai thượng nghị sĩ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bà cũng cáo buộc ông Biden phản đối việc đưa đón học sinh bằng xe buýt tới các trường ngoài khu dân cư của mình để thúc đẩy hòa nhập.

"Có một bé gái hạng hai ở Californi đã hòa nhập được với bạn bè trong trường công lập. Cô bé ấy được đưa đón bằng xe buýt mỗi ngày. Cô bé ấy chính là tôi," bà Harris nói.

Việc tấn công ông Biden về vấn đề phân biệt chủng tộc là khoảnh khắc đột phá trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2019 vốn không mấy nổi bật của bà Harris
Việc tấn công ông Biden về vấn đề phân biệt chủng tộc là khoảnh khắc đột phá trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2019 vốn không mấy nổi bật của bà Harris

Các cuộc đấu đá nội bộ trong ban tranh cử cũng như sự thiếu quyết đoán trong các vấn đề quan trọng đã khiến chiến dịch của bà Harris năm đó thất bại.

Chiến dịch này có "rất nhiều sai lầm của người mới vào nghề", theo ông Kevin Madden, cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Mitt Romney (phe Cộng hòa) trong năm 2008 và năm 2012.

"Bà ấy đã không vượt qua những bài kiểm tra tố chất mà cử tri tìm kiếm ở một vị tổng thống," ông Madden nói.

Tám tháng sau thất bại, bà được ông Biden gạt qua những cạnh tranh trong cuộc bầu cử sơ bộ và tuyên bố bà là ứng viên phó tổng thống. Bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được đề cử vào vị trí đó và vào tháng 1/2021, bà trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Khởi đầu khó khăn

Năm tháng sau khi nhậm chức phó tổng thống, bà Harris đã có cú vấp ngã đầu tiên trước công chúng trong chuyến công du nước ngoài tới Guatemala và Mexico.

Chuyến đi này có mục đích thể hiện vai trò của bà trong việc theo đuổi các sáng kiến ​​kinh tế nhằm hạn chế dòng người di cư từ Trung Mỹ đến biên giới phía nam của Mỹ, một nhiệm vụ đối ngoại mà ông Biden giao phó.

Nhưng nó nhanh chóng bị lu mờ bởi một cuộc phỏng vấn khó xử với nhà báo Lester Holt của NBC News khi bà gạt đi những câu hỏi lặp đi lặp lại về lý do tại sao bà vẫn chưa đến thăm biên giới Mỹ-Mexico vào thời điểm đó.

Sau đó cũng trong ngày hôm ấy, tại một cuộc họp báo với Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei, bà Harris đã cố gắng thuật lại câu chuyện, đưa ra một thông điệp rõ ràng cho những người di cư đang nghĩ đến việc tới Mỹ. "Đừng đến," bà nói với họ. "Đừng đến."

Cuộc phỏng vấn với NBC News đã tiếp thêm sức tấn công cho phe Cộng hòa cho tới tận ngày nay. Cùng lúc đó, những người theo chủ nghĩa cấp tiến cũng tức giận với thông điệp đừng đến Mỹ của bà Harris. Bà nhanh chóng bị chỉ trích trên mạng xã hội cho dù những quan chức các chính quyền khác cũng có diễn ngôn tương tự.

Vấn đề nhập cư vẫn đeo bám bà Harris
Vấn đề nhập cư vẫn đeo bám bà Harris

Các đồng minh của nữ phó tổng thống đã đổ lỗi cho Nhà Trắng vì đã không chuẩn bị đầy đủ cho bà và giao phó một nhiệm vụ bất khả thi. Họ cho rằng với tư cách là nữ phó tổng thống đầu tiên, cũng như là người Mỹ gốc Phi và Á đầu tiên giữ chức vụ này, bà Harris phải chịu quá nhiều kỳ vọng và có ít thời gian để ổn định.

"Lúc đầu, bà ấy phải chịu áp lực rất lớn để khiến mọi thứ ổn định," một cựu trợ lý giấu tên đã nói về thời gian làm việc tại Nhà Trắng của bà Harris.

Trong những tháng tiếp theo, bà Harris phải chịu nhiều sự giám sát hơn khi bà đối mặt với tình trạng luân chuyển nhân sự cao, một loạt các bài báo tiêu cực về hiệu suất làm việc của bà và sự xuất hiện không mấy ấn tượng trên phương tiện truyền thông. Trong thời gian Covid hoành hành, bà hạn chế xuất hiện trong các hoạt động công khai, khiến bà càng trở nên "vô hình" với công chúng.

Khi bà đứng sau ông Biden tại các buổi ký dự luật - hành động như những người tiền nhiệm nam da trắng thường làm - bà bị phê phán rằng mình chỉ như đạo cụ của vị tổng thống Mỹ.

Điều này dẫn tới quyết định là bà sẽ không xuất hiện trong các sự kiện như thế nữa. Tuy nhiên, người dân lại chỉ trích khi bà vắng mặt, theo lời các trợ lý.

"Người ta kỳ vọng bà sẽ giống Michelle Obama, nhưng bà lại đảm nhiệm công việc... dành cho Al Gore hay Mike Pence," Jamal Simmons, một chiến lược gia lâu năm của Đảng Dân chủ và cựu giám đốc truyền thông của bà Harris, bình luận.

Phán quyết Roe v Wade và chính trị liên minh

Khi nhóm của bà tìm cách cải thiện hình ảnh tồi tệ trước công chúng, bà Harris đã nhận một vai trò lớn hơn trong chính sách đối ngoại. Bà đến Ba Lan sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào năm 2022, tổ chức các cuộc họp song phương ở châu Á trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc và thay mặt ông Biden dự Hội nghị An ninh Munich cùng năm đó.

Nhưng vào tháng 5/2022, một cơn địa chấn chính trị đã định hình lại nhiệm kỳ phó tổng thống của bà. Trong một vụ vi phạm hiếm hoi của Tòa án Tối cao, một dự thảo ý kiến ​​bị rò rỉ đã tiết lộ kế hoạch lật ngược phán quyết liên quan đến quyền phá thai "Roe v Wade" - phán quyết có hiệu lực ở cấp liên bang đã bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ Mỹ trong gần nửa thế kỷ.

Bà đã nắm bắt cơ hội để trở thành sứ giả chính cho một vấn đề mà ông Biden - một người Công giáo Ireland ngoan đạo, người thậm chí còn tránh nói đến thuật ngữ "phá thai" - không muốn đảm nhận.

"Làm sao họ dám? Làm sao họ dám nói với một người phụ nữ những gì cô ấy có thể và không thể làm với cơ thể của chính mình?" bà nói với đám đông tại một sự kiện của một nhóm ủng hộ quyền lựa chọn việc phá thai vào cùng ngày vụ rò rỉ chấn động xảy ra. Bà ra đòn tấn công các thẩm phán hàng đầu quốc gia trước khi họ chính thức công bố quyết định.

Vấn đề này đã trở thành động lực thúc đẩy cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vài tháng sau đó, giúp đảng Dân chủ có thành tích tốt hơn mong đợi trong các cuộc đua vào Hạ viện và giành được Thượng viện.

Trong thời gian đầu giữ chức vụ phó tổng thống, bà Harris gặp khó khăn trên mặt trận truyền thông
Trong thời gian đầu giữ chức vụ phó tổng thống, bà Harris gặp khó khăn trên mặt trận truyền thông

Trong nỗ lực trở thành tiếng nói hàng đầu của chính quyền về vấn đề phá thai, bà Harris đã giải quyết vấn đề này với "mục đích rõ ràng", theo lời cựu cố vấn lâu năm của bà là Rachel Palermo.

Bà đã triệu tập các nhà lập pháp tiểu bang, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các chuyên gia luật hiến pháp, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những người ủng hộ quyền phá thai để thảo luận bàn tròn.

Đây là động thái bị một số nhà hoạt động chỉ trích là không đáp ứng được tính hệ trọng của thời điểm đó, nhưng đây cũng là một phần trong chiến lược xây dựng liên minh trên khắp chính trường địa phương và tiểu bang, đồng thời đặt nền tảng cho bất kỳ chiến dịch tranh cử tổng thống nào trong tương lai.

Bà Harris, người đến nay đã dành phần lớn sự nghiệp để lạng lách trong nền chính trị California với sự pha trộn đầy rủi ro giữa những người Dân chủ theo đường lối tự do và những người Dân chủ theo đường lối truyền thống, với ý thức rõ ràng rằng sự kiện nào cũng đều quan trọng cả.

Mọi cuộc họp, cơ hội chụp ảnh hoặc bữa ăn tối - dù là với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp da đen hay các nữ giám đốc điều hành gốc Mỹ Latin - đều được nhóm của bà theo dõi trong các bảng danh sách chi tiết. Đây là mạng lưới chính trị sâu rộng mà bà có thể sử dụng khi cần sự ủng hộ.

Bà Harris luôn để mắt đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2028, với tư cách là người kế nhiệm hiển nhiên của Tổng thông Joe Biden, với giả định rằng ông Biden sẽ chiến thắng cuộc bầu cử năm 2024.

Khi ông Biden gây thất vọng trong màn tranh luận với ông Trump vào tháng 6/2024, một số đảng viên Dân chủ công khai bỏ qua, không coi bà Harris là ứng viên thay thế ông Biden.

Họ và nhiều chuyên gia đã đề xuất những thống đốc nổi tiếng như ông Gavin Newsom của bang California, ông Josh Shapiro của bang Pennsylvania hoặc bà Gretchen Whitmer của bang Michigan.

Vào ngày 21/7, ông Biden đã gọi điện cho bà Harris để thông báo về kế hoạch rút lui khỏi cuộc đua và ủng hộ bà làm người kế nhiệm.

Quyết định này khiến nhiều đồng minh thân cận nhất của ông bất ngờ, và bà Harris đã hành động ngay lập tức. Trong suốt 10 tiếng ngày hôm đó, bà gọi điện cho hơn 100 quan chức đảng, thành viên Quốc hội, lãnh đạo lao động và các nhà hoạt động.

Chỉ trong vài ngày, mọi đối thủ tiềm năng, bao gồm cả các thống đốc quyền lực, đều đã ủng hộ bà và rõ ràng bà sẽ là người thay thế ông Biden trong cuộc đua năm nay mà không gặp bất kỳ thách thức đáng kể nào trong đảng.

Bà Harris nhanh chóng đoàn kết Đảng Dân chủ và khiến họ ủng hộ mình
Bà Harris nhanh chóng đoàn kết Đảng Dân chủ

Bà đã công bố một bản kế hoạch về kinh tế vào ngày 16/8, kêu gọi cắt giảm thuế cho các gia đình và thúc đẩy rộng rãi hơn việc hạn chế giá thuốc. Đây là tầm nhìn chi tiết nhất của bà cho nước Mỹ tính đến nay. Tuy nhiên, với tư cách là ứng viên tổng thống, bà vẫn chưa đưa ra chương trình nghị sự chính sách cụ thể nào hay trả lời phỏng vấn sâu với truyền thông tính tới hôm 17/8.

Ngay cả khi Đảng Cộng hòa cho rằng bà đang tránh sự giám sát, nhóm của bà Harris đã không vội vàng cắt đứt đà tiến triển mà bà đã xây dựng trong tháng qua. Các nhà chiến lược chính trị cho rằng chiến dịch này đúng khi tận dụng "cơn hưng phấn".

Douglas Brinkley, một nhà nghiên cứu lịch sử về các tổng thống, nói rằng việc bà Harris là một tờ giấy trắng đối với cử tri mang tới lợi ích nhiều hơn là một gánh nặng.

“Bà ấy có thể chưa thể hiện tối đa dưới thời Biden nhưng bà ấy cũng không bao giờ để mình nổi bật hơn ông Biden. Vì vậy, bà Harris có thể định hình lại trong thời điểm này rằng bà ấy có thể tiếp thu những gì tốt đẹp trong nhiệm kỳ của ông Biden và bỏ đi những gì bà không muốn hoặc hơi bất đồng quan điểm,” ông Brinkley nói.

Mặc dù việc bà trở thành ứng viên đã gây chấn động những người theo Đảng Dân chủ, nhưng không rõ liệu bà có thể biến điều đó thành sức hấp dẫn rộng rãi hay không. Trong khi bà Harris đã đạt được một số bước tiến với các nhóm nhân khẩu học quan trọng vốn đang rời xa ông Biden - đặc biệt là người da đen, người Mỹ Latin và cử tri trẻ - thì bà vẫn thụt lùi ở các khu vực bầu cử khác tạo nên liên minh chiến thắng năm 2020 cho ông Biden.

Theo báo cáo từ Cook Political Report được công bố vào ngày 14/8, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà đã dẫn trước hoặc ngang bằng với ông Trump ở 6/7 bang chiến trường. Vào tháng 5/2024, ông Trump đã dẫn trước hoặc ngang bằng với ông Biden ở cả bảy tiểu bang này.

'Tôi sinh ra với dây an toàn'

Bài phát biểu vào ngày 22/8 tại Đại hội Đảng Dân chủ sẽ là khoảnh khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Kamala Harris.

Trong khi Đại hội Đảng Cộng hòa đóng vai trò là lễ đăng quang cho ông Trump, người được đề cử làm ứng viên của đảng lần thứ ba liên tiếp, thì sự trỗi dậy đột ngột của bà Harris nghĩa là bài phát biểu của bà sẽ được coi là khoảnh khắc then chốt để định nghĩa, giới thiệu con người thực sự của bà tới công chúng.

Một trợ lý cấp cao cho biết bài phát biểu sẽ tập trung nhiều hơn vào câu chuyện cá nhân của bà Harris.

“Đây là phần lý do cho bài phát biểu. Tại sao bà ấy lại tranh cử tổng thống? Tầm nhìn của bà ấy đối với đất nước là gì? Điều đó sẽ giúp gắn kết tất cả các khía cạnh trong chính sách và cuộc sống chính trị của bà ấy lại với nhau, giúp công chúng hiểu rõ hơn,” cựu giám đốc truyền thông Simmons của bà Harris nhận định.

Nhưng trong suốt bốn ngày của đại hội (19-22/8), bà Harris cần phải làm rõ hơn thông điệp của mình về tội phạm, lạm phát, nền kinh tế và nhập cư - những vấn đề mà ban tranh cử của ông Trump sẽ không ngừng nhắm tới từ nay cho đến ngày bầu cử.

Whit Ayres, một chiến lược gia lâu năm của Đảng Cộng hòa, nói rằng bà Harris cũng sẽ phải làm rõ lập trường thiên tả mà bà đã đưa ra vào năm 2019 trong chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công của mình.

"Điểm yếu lớn nhất của bà Harris là có rất nhiều bằng chứng cho thấy bà ấy là một người theo chủ nghĩa tự do ở San Francisco (California) với toàn bộ các lập trường chính sách cực tả nằm ngoài luồng suy nghĩ chính thống của người Mỹ, và tới nay bà ấy vẫn chưa phải trả lời về những lập trường đó," ông Ayres nói.

Bà Kamala Harris
Bà Harris và người đồng hành, ông Tim Walz

Bà cũng sẽ phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối hành động của Israel ở Gaza, một vấn đề gây chia rẽ chính trị trong Đảng Dân chủ.

Bà Harris đã mạnh mẽ hơn trong lời kêu gọi ngừng bắn và lên án về những thương vong của thường dân nhiều hơn so với Tổng thống Biden, nhưng bà cũng không phản đối sự ủng hộ kiên định của chính quyền đối với Israel - một lập trường có nguy cơ khiến phe cấp tiến của đảng xa lánh.

"Cách bà định vị [bản thân về Gaza] sẽ gây khó khăn bà," ông Brinkley, nhà sử học về các tổng thống, nhận định.

Tuy nhiên, các đồng minh và cố vấn của bà cho rằng bà đã xây dựng nền tảng cho một cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong bốn năm qua dù đôi khi còn chông chênh.

Susie Tompkins Buell, một nhà tài trợ của Đảng Dân chủ và là đồng sáng lập của các thương hiệu Esprit và The North Face, người đã quen biết bà Harris từ những năm 1990, cho biết bà không ngạc nhiên về những gì bà Harris đạt được trong vài tuần qua.

Vài ngày sau màn tranh luận đáng thất vọng của ông Biden, bà Buell đã tham dự một sự kiện với nữ phó tổng thống và cho biết mình có thể nhận ra sự thay đổi đang diễn ra.

Sau khi bảo bà Harris thắt dây an toàn, bà Buell nói rằng nữ phó tổng thống Mỹ đã đùa khi đáp lại rằng: "Tôi sinh ra là đã có dây an toàn rồi."

"Tôi thích câu trả lời của bà ấy," bà Buell - người đã giúp bà Harris gây quỹ được 12 triệu USD tại một sự kiện ở San Francisco vào đầu tháng 8/2024 - nói.

"Thật bất ngờ và đúng lúc. Bà ấy đã sẵn sàng."

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.