Các lãnh đạo ASEAN nhất trí hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn giữa tình hình phức tạp tại nước này trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 39.
Tiếp nối Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, lãnh đạo các nước trong khu vực hôm nay dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 39, trao đổi về quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, bao gồm tình hình Myanmar, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, các lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các lãnh đạo khẳng định đoàn kết chính là chìa khoá để ASEAN và Myanmar có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề phức tạp hiện nay.
Các nước đề nghị cần triển khai kịp thời và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm về Myanmar đã được nhất trí trong hội nghị lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4, đồng thời mong Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar sớm tới thăm nước này. Hồi tháng 8, Ngoại trưởng thứ hai của Brunei Erywan Yusof được bổ nhiệm vào vị trí đặc phái viên này.
Quân đội Myanmar hồi tháng 2 lật đổ chính phủ dân cử, dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài và nền kinh tế sa sút, khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cuộc khủng hoảng gần đây trở nên tồi tệ hơn khi số ca nhiễm nCoV gia tăng, làm quá tải hệ thống y tế. Các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của ASEAN dành cho người dân Myanmar đã được tích cực triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mong muốn cao nhất của các nước là có một môi trường khu vực hoà bình, an ninh, ổn định và hợp tác để tập trung chống dịch, phục hồi và tiếp tục phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Cảm thông với những khó khăn của người dân Myanmar, nhất là do tác động của Covid-19, Thủ tướng đề nghị các bên cần ứng xử trách nhiệm vì lợi ích chung của cả khu vực, thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm để Đặc phái viên có thể đến thăm Myanmar trong thời gian sớm nhất, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Ngoài Myanmar, hội nghị còn trao đổi về những vấn đề khác như Biển Đông hay bán đảo Triều Tiên. Trước các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, suy giảm lòng tin, huỷ hoại môi trường trên Biển Đông, các lãnh đạo tái khẳng định cần phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, kiềm chế và không làm phức tạp tình hình, duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo còn đề cập tới mục tiêu tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc các quan hệ đối tác của ASEAN, khuyến khích các đối tác hỗ trợ, đóng góp thiết thực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và phối hợp nỗ lực chung để giải quyết những thách thức đang nổi lên, nhất là ứng phó Covid-19 và phục hồi toàn diện. Các lãnh đạo hoan nghênh Anh trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN từ tháng 8.
Trong bối cảnh khó khăn và phức tạp hiện nay, các lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN là yếu tố then chốt, cần được củng cố và tôn trọng, tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi, phù hợp với văn kiện nền tảng của ASEAN, đồng thời nhấn mạnh các thoả thuận hợp tác khu vực mới cần đóng góp cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung tại khu vực.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment