Thủ tướng Ba Lan e ngại Nga có thể tấn công nước này, Phần Lan hoặc các quốc gia vùng Baltic sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
>>> Cập nhật chiến sự tại Ukraine hiện nay trên TTXVIETNAM
"Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn phát triển chính sách mở rộng này. Ông ấy đã bắt đầu ở Gruzia, giờ là Ukraine", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói trong cuộc phỏng vấn hôm 26/2. "Mục tiêu tiếp theo có thể là các nước vùng Baltic, Phần Lan, Ba Lan hoặc quốc gia ở sườn phía đông".
Ba Lan, quốc gia hiện là thành viên ở sườn đông NATO, có chung đường biên giới dài với Ukraine. Trước khi Tổng thống Putin ra lệnh mở chiến dịch quân sự vào Ukraine hôm 24/2, Ba Lan đã tiếp nhận thêm hàng nghìn binh sĩ NATO đến đồn trú.
Tuy nhiên, Morawiecki cho rằng như vậy là chưa đủ và "chúng ta cần một đội quân châu Âu mạnh". Ông cho rằng giờ là lúc châu Âu cần tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng từ 300 triệu euro một năm lên 600 triệu euro.
"Tăng ngân sách sẽ giúp châu Âu đóng vai trò quan trọng, khi kỷ nguyên hòa bình và trật tự quốc tế sắp kết thúc", Morawiecki nói. "Đây là phép thử với phương Tây và cách chúng ta phản ứng với phép thử này sẽ quyết định tương lai của chúng ta, không phải trong nhiều năm mà là nhiều thập kỷ tới".
Người đứng đầu chính phủ Ba Lan đề xuất bỏ ngân sách quốc phòng khỏi quy định tài chính công của Liên minh châu Âu (EU) để cho phép Ba Lan sử dụng 3-4% GDP hàng năm cho ngân sách quốc phòng.
Ông cũng kêu gọi áp đặt một gói trừng phạt "chưa từng có" với Moskva và thảo luận các biện pháp giúp châu Âu "độc lập" về năng lượng với Nga. "Bằng cách mua dầu và khí đốt của Nga, chúng ta đang tài trợ cho chính sách của họ", Morawiecki nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cho biết Moskva "không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine". Sau ba ngày tiến hành chiến dịch, quân đội Nga đang áp sát thủ đô Kiev của Ukraine, nhưng dường như chưa thể tiến quân nhanh như kỳ vọng.
Mỹ cùng các đồng minh, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, trong đó có loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT. Nga chưa lên tiếng về biện pháp trừng phạt mới nhất này.
Điện Kremlin cáo buộc Ukraine kéo dài xung đột quân sự bằng cách từ chối đàm phán với phái đoàn Nga tại thủ đô Minsk của Belarus. Ukraine bác bỏ thông tin từ chối đàm phán với Nga, nhưng nhấn mạnh Kiev cũng không nhượng bộ trước tối hậu thư hoặc những điều kiện khó chấp thuận.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment