Group News: Tin copy

Người dân nhiều nước Trung Âu đổ xô mua iot, được cho là có thể phòng tránh nguy cơ ung thư do nhiễm xạ, khi căng thẳng ở Ukraine leo thang.

"Trong 6 ngày qua, các hiệu thuốc ở Bulgaria bán lượng iot tương đương doanh số cả năm. Một số hiệu thuốc đã hết iot. Chúng tôi đã đặt thêm iot, nhưng sợ cũng nhanh chóng cháy hàng", Nikolay Kostov, chủ tịch Hiệp hội các hiệu thuốc Bulgaria, hôm 2/3 nói.

Miroslava Stenkova, đại diện chuỗi hiệu thuốc Dr. Max ở Cộng hòa Czech, cho biết một số cửa hàng đã hết sạch iot do nhu cầu tăng vọt. "Thật là điên rồ", Stenkova nói.

Bartlomiej Owczarek, người đồng sáng lập trang web gdziepolek.pl giúp người dùng tìm kiếm hiệu thuốc ở Ba Lan, cho biết số người quan tâm tới iot đã tăng khoảng 50 lần kể từ hôm 24/2, thời điểm Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hộp iot trong một lớp học ở Fessenheim , Pháp, hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Iot, ở dạng viên hoặc siro, được coi là một cách bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh như ung thư tuyến giáp trong trường hợp tiếp xúc với phóng xạ. Chính quyền Nhật Bản năm 2011 khuyến cáo người dân xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima nên dùng iot sau thảm họa hạt nhân tại đây.

Làn sóng tích trữ iot diễn ra tại các nước Trung Âu khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/2 ra lệnh cho lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có các đơn vị trang bị vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.

Những động thái này khiến nhiều người ở châu Âu lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến hạt nhân. Không chỉ đổ xô đi mua iot để đề phòng nhiễm phóng xạ, người dân tại nhiều nước châu Âu, từ Ba Lan tới Bulgaria, còn đi đổ xăng, gia hạn hộ chiếu và chuẩn bị có thể sơ tán bất cứ khi nào.

Trước nhu cầu về iot tăng mạnh, các quan chức châu Âu cảnh báo iot không cần thiết trong tình hình hiện nay cũng như không giúp gì trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

"Mọi người hỏi rất nhiều về loại iot dùng để bảo vệ khỏi bức xạ khi vũ khí hạt nhân được sử dụng. Chúng về cơ bản không giúp ích gì", lãnh đạo cơ quan An toàn hạt nhân Czech Dana Drabova đăng lên Twitter.

Giới quan sát cũng nhận định quyết định báo động lực lượng hạt nhân của ông Putin nhiều khả năng chỉ là "đòn tâm lý" nhằm gây sức ép với phương Tây. Các lãnh đạo Mỹ và phương Tây cũng không tỏ ra lo lắng về một kịch bản Nga thực sự kích hoạt và sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Khi nói đến mối đe dọa hạt nhân, Nga sẽ không làm bất cứ điều gì bất ngờ vào thời điểm này. Tất cả đều được đặt ra trong nguyên tắc răn đe hạt nhân của Moskva", Gustav Gressel, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu ở Berlin, nhận định.

Theo VnExpress


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.