Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên dường như tiến hành hoạt động xây dựng tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, cơ sở bị đánh sập từ năm 2018.
- Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm hệ thống vệ tinh trinh sát
- Triều Tiên bị nghi tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo
- Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo giữa lúc Ukraine căng thẳng
Hình ảnh vệ tinh được chụp hôm 4/3 cho thấy những dấu hiệu hoạt động ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri, bao gồm một tòa nhà mới đang được xây, tòa nhà khác đang sửa chữa cùng những gì dường như là gỗ và mùn cưa, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân James Martin (CNS) có trụ sở tại California, Mỹ, cho biết trong báo cáo hôm 7/3.
"Công việc xây dựng và sửa chữa cho thấy Triều Tiên đã đưa ra quyết định nào đó về tình trạng của bãi thử Punggye-ri", báo cáo cho hay.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri bị đóng cửa từ khi Triều Tiên tuyên bố ngừng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân hồi năm 2018. Triều Tiên khi đó dùng thuốc nổ đánh sập các đường hầm, chặn lối vào và dỡ tất cả cơ sở quan sát, tòa nhà nghiên cứu cũng như chốt an ninh. Bình Nhưỡng mời truyền thông nước ngoài đến chứng kiến hoạt động phá dỡ, nhưng từ chối cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận hiện trường.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gần đây nói rằng ông không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi lệnh ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân, khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ.
Sau khi Triều Tiên hôm 6/3 được cho là tiến hành vụ thử tên lửa thứ chín kể từ đầu năm, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết đang giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở hạt nhân và cơ sở liên quan tên lửa của Triều Tiên, bao gồm lò phản ứng hạt nhân chính tại Yongbyon và bãi thử vũ khí hạt nhân Punggye-ri.
Các nhà phân tích của CNS cho rằng những thay đổi tại Punggye-ri chỉ xảy ra trong vài ngày qua và vẫn khó có thể kết luận chính xác cái gì đang được xây dựng và mục đích của chúng là gì.
"Một khả năng là Triều Tiên có kế hoạch đưa bãi thử trở lại trạng thái sẵn sàng để tiếp tục thử nghiệm vụ nổ hạt nhân", báo cáo của CNS nêu.
Các nhà phân tích của CNS nhận định bãi thử Punggye-ri sẽ mất nhiều tháng nữa, thậm chí nhiều năm, để sẵn sàng cho các vụ nổ hạt nhân mới. "Thời gian để Triều Tiên nối lại thử nghiệm hạt nhân tại địa điểm này tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của các đường hầm. Cũng có thể Triều Tiên sẽ tiếp tục thử hạt nhân tại địa điểm khác", các nhà phân tích cho hay.
Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất được biết đến của Triều Tiên, nơi diễn ra 6 vụ thử vũ khí hạt nhân trong các đường hầm từ năm 2006 đến 2017.
Các cuộc đàm phán của Mỹ nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa đã bị đình trệ kể từ năm 2019. Mỹ tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán không cần điều kiện tiên quyết, trong khi Triều Tiên yêu cầu Washington và đồng minh trước hết phải từ bỏ "các chính sách thù địch" nhằm vào nước này, trong đó có các lệnh cấm vận.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment