Le Monde ngày 06/10/2021ghi nhận « Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục chiến dịch thanh trừng ».
Tháng 7/2020, Trần Nhất Tân (Chen Yixin), tổng thư ký Ủy ban Chính Pháp của đảng cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo « phải nạo nọc độc đến tận xương tủy ». Vài tháng trước đó, một loạt thanh trừng đã nhắm vào công an, tòa án và bộ phận an ninh – trung tâm của quyền lực. Những con người mà Tập Cận Bình đòi hỏi « trung thành tuyệt đối, trong sạch tuyệt đối, đáng tin cậy tuyệt đối », theo công thức của bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi).
Hai « cọp » từng đàn áp Pháp Luân Công và luật sư nhân quyền nay vào tù
Chiến dịch này đã tạo ra hai nạn nhân mới, không phải là những con « ruồi » nhỏ bé nhưng là « cọp » thứ dữ : Tôn Lực Quân (Sun Lijun), cựu thứ trưởng Công an và Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cựu bộ trưởng Tư pháp. Hai nhân vật đáng gờm !
Tôn Lực Quân đã đàn áp thẳng tay Pháp Luân Công, và giám đốc phụ trách Hồng Kông của bộ Công an. Tháng 2/2020, ông ta nằm trong ê-kíp xử lý khủng hoảng đến Vũ Hán để dập dịch. Người ta thấy Tôn Lực Quân hôm đó đứng cạnh Tập Cận Bình, rồi một tháng sau lại bị bắt. Nhưng mãi đến 30/09 mới biết các cáo buộc nhắm vào ông ta : « suy thoái », « tham nhũng », nhưng nhất là « tham vọng chính trị quá đáng » và « lập phe nhóm (…) gây nguy hiểm cực độ cho an ninh chính trị (của đảng) ».
Khi các nhà quan sát đang còn thắc mắc về những cáo buộc nặng nề này, thì ngày 02/10, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng loan báo mở điều tra một nhân vật thứ hai : Phó Chính Hoa.
Là giám đốc Công an Bắc Kinh từ 2010 đến 2013 rồi lên thứ trưởng Công an từ 2013 đến 2018, ông ta là một trong những người chịu trách nhiệm chính trong vụ bắt giữ hàng trăm luật sư chuyên bảo vệ nhân quyền hồi tháng 7/2015. Phó Chính Hoa bị bắt vì « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp quốc gia ». Người ta không biết gì hơn. Nhân vật này được cho là trung thành với Tập Cận Bình, thậm chí còn đóng vai trò quan trọng trong vụ bắt Chu Vĩnh Khang, bộ trưởng Công an (2002-2007) hồi năm 2014, ủy viên thường trực Bộ Chính trị đầu tiên ngã ngựa vì tham nhũng.
Sắp tới đại hội, những mãnh hổ trong đảng phải hết sức cảnh giác
Rất có thể cả hai quan chức bị thanh trừng vì là người thân cận với Giang Trạch Dân (chủ tịch nước 1993-2003) và « băng Thượng Hải », thành phố mà ông Giang từng là thị trưởng. Nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) ở Hồng Kông phân tích : « Tập Cận Bình chỉ tin những ai từ lâu phục vụ trong phe mình, tức các cán bộ ở Phúc Kiến, Chiết Giang (là hai tỉnh mà Tập từng làm việc) và Thiểm Tây (nơi ông ta sinh sống lúc ở tuổi thiếu niên). Có thể Tập Cận Bình cho rằng Phó Chính Hoa vẫn giữ liên lạc với phe ông Giang và băng nhóm của Chu Vĩnh Khang ».
Trong một bài viết hôm 23/09 do Quỹ Jamestown (Mỹ) công bố, Lâm Hòa Lập cho biết « trong chiến dịch chỉnh huấn từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021, có 178.431 người bị điều tra và trừng phạt. Chiến dịch liên quan đến 1.258 giám đốc các ban bệ, kể cả các thứ trưởng Công an Mạnh Khánh Phong (Meng Qingfeng), Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei, cựu chủ tịch Interpol) và Tôn Lực Quân (Sun Lijun) ».
Các vụ bắt bớ này đặt trong bối cảnh đại hội đảng sẽ diễn ra vào mùa thu 2022, và hội nghị trung ương cuối cùng trước đó vào tháng 11 năm nay. Hai nhà Trung Quốc học Barry Naughton và Jude Blanchette của Mỹ trong một diễn đàn đăng trên The Wire China hôm 03/10 đã viết, « các vấn đề chính và việc chọn nhân sự được thương lượng trong 12 tháng trước đại hội, rồi mới được công bố. Chưa có gì được quyết định trước đại hội đảng, đó là kết quả của một tiến trình ». Trong 12 tháng đó, những con « cọp » phải đặc biệt cảnh giác.
Hô khẩu hiệu mao-ít để siết kỹ thuật số
Cũng về Trung Quốc, Libération ví von « Tập Cận Bình tóm lấy ngành công nghệ bằng cổ áo kiểu Mao ». Còn một năm nữa đến đại hội đảng, chủ tịch Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu « thịnh vượng chung », mượn từ khái niệm « cộng đồng phú dụ » của Mao Trạch Đông. Được cho là nhằm giảm bất bình đẳng giàu nghèo, nhưng quan điểm mao-ít này giúp ông Tập khóa miệng các tập đoàn kỹ thuật số và lãnh vực văn hóa.
Sau gần ba năm bị quản thúc tại ngôi biệt thự sang trọng ở Canada, Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) được đón tiếp tưng bừng tại Trung Quốc cuối tháng Chín : giám đốc tài chính Hoa Vi (Huawei) được mẫu quốc dành hẳn một chuyến bay với thảm đỏ ở sân bay. Vào lúc chỉ còn vài ngày nữa đến quốc khánh Trung Quốc 01/10, đây là món quà cho tuyên truyền cộng sản. Global Times nhấn mạnh đến « sức mạnh của Trung Quốc » trong vụ này, còn bà Mạnh sau khi ca ngợi đảng đã tuyên bố « không có một tổ quốc mạnh mẽ, tôi không có được tự do ngày hôm nay ».
Libération lưu ý, những bó hoa dành cho Mạnh Vãn Châu là sự kiện hiếm hoi vào lúc này, khi chế độ ngày càng lo ngại trước ảnh hưởng lớn của ngành kỹ thuật số. Danh sách các nhà lãnh đạo trong lãnh vực này từ chức đang dài thêm.
Đảng không muốn tư nhân có ảnh hưởng lớn trong xã hội
Ở tuổi 43, Liễu Thanh (Jean Liu) chuẩn bị rời Didi mà bà đồng sáng lập năm 2012. Bị điều tra về thu thập dữ liệu, hãng « Uber Trung Quốc » này bị xóa khỏi kho ứng dụng chỉ hai ngày sau khi huy động được 4,4 tỉ đô la trên sàn chứng khoán Wall Street. Bắc Kinh muốn hạn chế việc các tập đoàn kỹ thuật số - vốn có kho dữ liệu lớn - niêm yết ở nước ngoài. Theo Wall Street Journal, phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) dù thân thiết với ông Tập cũng đã phải làm tự kiểm vì không ngăn được Didi lên sàn.
Để đạt « thịnh vượng chung », Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc « điều chỉnh » các thu nhập « quá cao ». Các nhà tỉ phú công nghệ số hiểu ngay thông điệp. Các ông chủ hãng Mỹ Đoàn (Meituan, giao thức ăn tại nhà), Pinduoduo (bán hàng trên mạng) dành một phần cổ phiếu cho các hội từ thiện, Alibaba và Tencent mỗi hãng tặng 13 tỉ euro. Câu khẩu hiệu của Tập Cận Bình hiện đang trên cửa miệng mọi người, kể cả Mã Vân (Jack Ma) để hy vọng được đoái hoài sau khi thất sủng.
Tuần trước Alibaba đã phải nhượng lại những cổ phần cuối cùng trong một đài truyền hình, và Bắc Kinh đang thúc đẩy phải rút khỏi nhật báo South China Morning Post ở Hồng Kông. Nhà tỉ phú giàu thứ tư Trung Quốc cũng phải rời chức chủ tịch trường đại học Hồ Bạn (Hupan) chuyên về thương mại, mà Mã Vân có tham vọng đào tạo các doanh nhân tương lai. Một giáo sư ở King’s College, Luân Đôn nhận định, Mã Vân muốn mở rộng ảnh hưởng của mình trong xã hội, đi ngược lại với truyền thống lặng lẽ làm giàu.
Alibaba và đối thủ Tencent được hàng trăm triệu người sử dụng hàng ngày để mua vé máy bay, mua sắm, trả tiền điện… , là người cạnh tranh bất ngờ với các ngân hàng nhà nước. Ứng dụng Alipay của Alibaba đã trở thành mạng lưới thanh toán hàng đầu năm 2016, trong khi Bắc Kinh đã bảo vệ được các ngân hàng trước Visa hay Mastercard. Tỉnh Chiết Giang, nơi Tập Cận Bình từng làm bí thư tỉnh ủy, được chọn làm thí điểm cho chính sách « thịnh vượng chung », và thủ phủ Hàng Châu tung ra chiến dịch buộc 25.000 cán bộ phải khai mọi xung đột lợi ích với các công ty tư nhân.
Chiến lược Trung Quốc nhằm lũng đoạn đại học Pháp
Le Monde cũng đề cập đến « chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc trong đại học » Pháp. Một nhóm điều tra Thượng Viện đã cảnh báo về các hoạt động của Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa « kẻ thù » và thu thập những dữ liệu khoa học.
Báo cáo nhắc nhở, « Trung Quốc » (zhong guo) thời xưa tự coi mình là trung tâm thế giới văn minh, những nước khác là « rợ ». Và chế độ cộng sản Bắc Kinh ngày nay cũng tự cho là « thiên hạ đệ nhất », muốn lũng đoạn các quốc gia khác trong đó có Pháp.
Các tác giả bản báo cáo, thượng nghị sĩ André Gattolin và Etienne Blanc cũng nêu ra một số nước khác như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, vài nước vùng Vịnh, nhưng « không nước nào có được phương tiện và tầm cỡ như Trung Quốc, khuấy động nhiều lãnh vực và không hề giấu diếm ý định đóng vai trò trung tâm trong quan hệ quốc tế, áp đặt quan điểm của mình ». Ba ví dụ điển hình được nêu ra : Sciences Po phải hủy một hội nghị của Đạt Lai Lạt Ma tháng 9/2016 còn Inalco vẫn duy trì, và việc đại sứ « chiến lang » Trung Quốc Lư Sa Dã (Lu Shaye) thóa mạ nhà nghiên cứu Antoine Bondaz.
Bóp méo lịch sử, mua chuộc và hoạt động tình báo
Các hoạt động trong môi trường đại học nhắm đến hai mục tiêu : tạo ảnh hưởng qua việc nhào nặn lại hình ảnh của một Nhà nước nhất là qua lịch sử, tiếp đến là thu thập các dữ liệu khoa học được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ rồi chuyển giao về nước, ưu tiên cho công nghệ, kỹ thuật, cơ khí. Sinh viên từ Hoa lục đến Pháp du học chiếm số lượng đông đảo nhất so với các nước khác, lên đến 47.500 người. Về nghiên cứu, Bắc Kinh đặt quan hệ đối tác với phương Tây trên đủ mọi phương diện nhằm rút ngắn khoảng cách về khoa học.
Mặt trận Tổ quốc vươn vòi ra khắp nơi, cả trong các hiệp hội sinh viên người Hoa. Du học sinh được « khuyến cáo » tham gia các hiệp hội « đúng đắn », nghiên cứu và thực tập tại những lãnh vực quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc. Trong mạng lưới Viện Khổng Tử (525 trên thế giới, 17 tại Pháp), những chủ đề như Tây Tạng, Đài Loan, Duy Ngô Nhĩ thuộc loại cấm kỵ. Còn « Chương trình 1.000 tài năng » pha trộn ảnh hưởng chính trị lẫn gián điệp. Các nhà nghiên cứu tham gia có thể trở nên lệ thuộc vào Trung Quốc về tài chính hay chuyên môn.
Các thượng nghị sĩ đưa ra 26 khuyến nghị, trong số đó có việc buộc các nhà nghiên cứu phải báo cáo những nguồn tài trợ trực tiếp và gián tiếp từ các nước ngoài châu Âu cho các luận án, nghiên cứu hậu tiến sĩ và các công bố khoa học.
Mua tàu ngầm Mỹ, Úc bị lệ thuộc vào Washington
Quay lại với vụ tàu ngầm, trên mục Diễn đàn của Le Monde, ba tác giả Alain Bovis (kỹ sư vũ khí), đô đốc Alain Oudot de Dainville, Jean-François Tallec, cựu quốc vụ khanh phụ trách vấn đề biển, cho rằng việc Úc từ chối tàu ngầm Pháp là một quyết định tệ hại.
Khi đưa ra kế hoạch tàu ngầm năm 2007, nhiệm vụ của Hải quân Úc là chống hải tặc, buôn lậu, nhập cư, và tàu ngầm Pháp rất phù hợp. Theo nghiên cứu của Úc, tàu ngầm nguyên tử quá đắt và nguy hiểm. Nhưng nay Úc không chỉ cần bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế mà còn muốn triển khai ở khơi xa, chủ yếu trên Biển Đông ; lao vào cuộc đối đầu giữa các khối chứ không còn trung dung.
Canberra chưa hề tham khảo Paris về khả năng mua tàu ngầm nguyên tử Pháp, rẻ gấp ba tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ, và thay vì được giao vào năm 2030 Úc sẽ phải chờ đợi thêm ít nhất một thập niên. Với nguyên tắc « chìa khóa trao tay », ê-kíp kỹ thuật viên Mỹ sẽ phụ trách toàn bộ việc đưa vào hoạt động, bảo trì thậm chí điều khiển, và như vậy đội tàu ngầm Úc nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Washington.
Sau khi sập mạng, Facebook bị tố cáo nói dối về số người sử dụng
Sự kiện Facebook cùng với hai ứng dụng tin nhắn WhatsApp, Messenger và chi nhánh Instagram bị « pan » trong hơn sáu tiếng đồng hồ tối thứ Hai 04/10 được tất cả các báo chú ý. Đây là sự cố trầm trọng nhất từ trước đến nay của mạng xã hội này, ảnh hưởng đến 3,51 tỉ người sử dụng thường xuyên trên thế giới. Số tin nhắn thông thường tại Pháp bỗng tăng lên 45%, Telegram từ hạng 56 vọt lên hàng thứ 5 trong số các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ.
Tại đại bản doanh Facebook ở California, nhân viên không thể vào vì thẻ điện tử không mở được cửa. Theo báo chí Mỹ, Facebook phải điều hẳn một ê-kíp kỹ sư đến vì không thể can thiệp từ xa. Mạng xã hội xin lỗi và giải thích do thay đổi cấu hình khiến Facebook bị biến mất trên internet toàn thế giới, đến nỗi có lúc tên miền « Facebook.com » có lúc được báo sai là sẵn sàng để bán ! Cổ phiếu bị sụt ngày 5%, làm cho gia tài của Mark Zuckerberg bốc hơi mất 6 tỉ đô la. Vụ sập mạng này một lần nữa cho thấy hàng triệu doanh nghiệp và cá nhân bị lệ thuộc vào các dịch vụ của Facebook như thế nào.
Họa vô đơn chí, Frances Haugen, một cựu nhân viên Facebook ngay hôm sau đã ra điều trần trước Ủy ban Thương mại Thượng Viện. Sau khi cáo buộc « phản bội dân chủ » trên kênh CBS hôm Chủ nhật, cựu nhân viên này tố cáo đế quốc của Zuckerberg đã lừa dối các nhà đầu tư, che giấu số lượng người sử dụng trẻ tuổi tại Hoa Kỳ hiện đang giảm xuống, và 15% số tài khoản của lứa vị thành niên là tài khoản phụ được tạo thêm hoặc giả mạo. Quảng cáo chiếm đến 98% thu nhập Facebook, năm ngoái mạng xã hội này thu được trên 84 tỉ đô la.
Theo RFI
Comments powered by CComment