Group News: Tin copy

Tổng thống Croatia, thành viên NATO, đe dọa ngăn liên minh kết nạp Thụy Điển, Phần Lan nếu nước láng giềng Bosnia và Herzegovina không cải cách luật bầu cử.

"Quốc hội Croatia không được phê chuẩn tư cách thành viên NATO của bất kỳ quốc gia nào cho đến khi luật bầu cử của Bosnia và Herzegovina (nước láng giềng với Croatia) được sửa đổi", Tổng thống Croatia Zoran Milanovic phát biểu tại thủ đô Zagreb hôm 26/4, sau thông tin Phần Lan và Thụy Điển có thể nộp đơn xin gia nhập NATO tháng sau.

"Tôi lo ngại rằng nếu hai nước này gia nhập NATO, điều đó giống như dùng bút chọc vào mắt con gấu hung dữ", Tổng thống Milanovic nói thêm.

Tuyên bố được đưa ra sau khi tờ Expressen của Thụy Điển dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết hai nước Bắc Âu có thể nộp đơn xin gia nhập NATO khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto thăm Thụy Điển vào trung tuần tháng 5.

"Cho đến khi người Mỹ, người Anh, người Đức buộc Bosnia và Herzegovina cập nhật luật bầu cử trong 6 tháng tới và cấp cho người Croatia quyền cơ bản, quốc hội Croatia sẽ không phê chuẩn việc gia nhập NATO cho bất kỳ nước nào", ông Milanovic tuyên bố.

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic phát biểu tại phủ tổng thống ở thủ đô Zagreb năm 2020. Ảnh: Reuters.
 Tổng thống Croatia Zoran Milanovic phát biểu tại phủ tổng thống ở thủ đô Zagreb năm 2020. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Milanovic chỉ ra rằng NATO không thể kết nạp thành viên mới nếu toàn bộ 30 thành viên hiện nay không đồng ý, đồng thời cho biết ông coi vai trò của Croatia vào thời điểm này là "viên đạn bạc lịch sử".

"Hãy để Tổng thống hoặc Ngoại trưởng Mỹ nghe điều này ngay bây giờ. Hãy xem họ có thể làm gì cho Croatia. Tôi đã chán ngấy sự phớt lờ và bỏ bê của họ đối với Croatia, một thành viên của NATO và EU bị gạt ra ngoài lề", Milanovic nói, thêm rằng nếu Mỹ và đồng minh Tây Âu muốn kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO, "họ sẽ phải lắng nghe Croatia".

Croatia từ lâu đã than phiền về hệ thống bầu cử hiện tại ở nước láng giềng Bosnia và Herzegovina, nơi có cộng đồng người Croatia được công nhận là bình đẳng theo hiến pháp năm 1995.

Croatia yêu cầu Bosnia và Herzegovina cập nhật luật bầu cử để người Croatia ở đây có thể bầu ra đại diện của chính họ, trái với quy định hiện hành là được bầu bởi cộng đồng người Hồi giáo Bosnia, vốn lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, Tổng thống Milanovic nhấn mạnh rằng quyết định ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO không nằm trong tay ông, mà do quốc hội Croatia quyết định. Quốc hội Croatia hiện do đảng Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ) theo chủ nghĩa dân tộc kiểm soát.

Ông kêu gọi quốc hội Croatia tận dụng cơ hội này để tăng sức ép với Bosnia và Herzegovina, đồng thời bày tỏ "lấy làm tiếc" về việc Croatia phải can thiệp đơn xin gia nhập NATO của một quốc gia "mẫu mực như Phần Lan".

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto sau đó thông báo trên Twitter rằng ông đã trao đổi với người đồng cấp Croatia Gordan Grlić Radman về phát biểu của Tổng thống Milanovic. Ông Haavisto cho hay Ngoại trưởng Radman xác nhận chính phủ và quốc hội Croatia ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO.

Croatia trở thành thành viên NATO năm 2009 và gia nhập EU năm 2013, khi ông Milanovic làm thủ tướng. Milanovic, chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội, trở thành Tổng thống Croatia từ tháng 10/2020.

Trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu NATO ngừng mở rộng và rút quân khỏi khu vực gần biên giới Nga. Điện Kremlin hôm 11/4 cảnh báo nếu Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây.


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.